Mục lục
Bài viết được duyệt chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Khoa học đã chứng minh rằng, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong 1 lối sống lành mạnh. Đối với trẻ em, nếu được ngủ sớm và đều đặn thì sẽ giúp ích rất nhiều trong việc phát triển chiều cao, tăng cường trí nhớ và khả năng học tập.
1. Ngủ sớm sẽ thực sự giúp con cao hơn?
Tăng chiều cao ở trẻ là một quá trình phức tạp yêu cầu hoạt động của nhiều hóc môn khác nhau để kích thích các biến đổi sinh học khác nhau trong máu gồm nội tạng và hệ cơ xương. Một loại hóc môn được tiết ra từ tuyến yên, được gọi là hóc môn tăng trưởng, là nhân tố chính hỗ trợ trẻ tăng chiều cao. Một số các yếu tố ảnh hưởng đến việc sản xuất hóc môn tăng trưởng trong cơ thể trẻ, bao gồm dinh dưỡng, căng thẳng và hoạt động thể lực. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ yếu tố quan trọng nhất vẫn là giấc ngủ.
Hóc môn tăng trưởng được tuyến yên sản xuất trong suốt cả ngày. Nhưng đối với trẻ em, giai đoạn giải phóng hóc môn mạnh nhất xảy ra ngay sau khi bắt đầu giấc ngủ sâu. Hay nói cách khác, trẻ ngủ sớm tăng chiều cao là nhờ vào hoạt động sản xuất hóc môn tăng trưởng của cơ thể.
2. Thời gian ngủ dành cho trẻ nhỏ
Thời gian ngủ của trẻ thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, cụ thể thời gian ngủ trong ngày giảm dần theo tuổi. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (The American Academy of Pediatrics) đưa ra khuyến cáo về thời gian ngủ trung bình trong một ngày theo các nhóm tuổi như sau:
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi: 12 – 16 giờ;
- Trẻ em từ 1 đến 2 tuổi: 11 – 14 giờ;
- Trẻ em từ 3 đến 5 tuổi: 10 – 13 giờ;
- Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: 9 – 12 giờ;
- Trẻ em từ 13 đến 18 tuổi: 8 – 10 giờ.
Lưu ý rằng đây là thời gian ngủ trung bình trong 24 giờ. Vì vậy, bố mẹ nên gộp tính cả thời gian của những giấc ngủ ngắn rải rác trong ngày của trẻ.
3. Tại sao nên cho trẻ đi ngủ sớm?
Những con số kể trên sẽ làm nhiều người ngạc nhiên về thời gian ngủ mà trẻ cần. Thông thường các bậc cha mẹ thường cho con mình ngủ ít hơn từ 5 đến 6 tiếng so với khuyến cáo chuẩn. Việc này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, làm chậm quá trình tăng chiều cao và tăng nguy cơ mắc phải một số bệnh như tăng huyết áp, béo phì, đau đầu, trầm cảm. Ngược lại, những đứa trẻ ngủ đủ giấc có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh hơn, hiệu suất học tập cải thiện, trí nhớ và sức khỏe tâm thần cũng tốt hơn.
Mọi đứa trẻ muốn phát triển tốt đều cần hình thành thói quen đi ngủ một cách đều đặn và khoa học. Cho trẻ đi ngủ sớm là một trong những cách kéo dài thời gian ngủ và giúp trẻ có thể ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ thường xuyên có thể dẫn đến một số hành vi bất thường như dễ cáu kỉnh, khó tập trung.
Ngoài ra, những đứa trẻ thiếu ngủ còn phải đối diện với các vấn đề về tăng trưởng, chủ yếu bao gồm chậm tăng trưởng và còi cọc. Nguyên nhân của tình trạng này được cho là do sự sản xuất hóc môn tăng trưởng có thể bị gián đoạn. Điều này có thể dẫn đến việc thiếu hoóc môn tăng trưởng thực sự, ảnh hưởng lên cả chức năng hệ tuần hoàn, hô hấp và hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể.
Trẻ không ngủ đủ giấc còn có sự thay đổi tuần hoàn các hóc môn khác trong cơ thể. Những loại hóc môn điều hòa cảm giác đói và thèm ăn có thể bị ảnh hưởng, khiến trẻ ăn quá nhiều, đặc biệt là những loại thức ăn có nhiều carbs. Hơn nữa, thiếu ngủ còn có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa các loại thực phẩm này, gây ra tình trạng kháng insulin, có liên quan đến đái tháo đường type I.
4. Các phương pháp giúp trẻ ngủ sớm và ngủ ngon
Trẻ em cần ngủ nhiều hơn so với những gì mà bố mẹ thường nghĩ. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến khích các bậc cha mẹ xây dựng thói quen ngủ lành mạnh ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
- Hãy ưu tiên giấc ngủ đầy đủ cho cả gia đình. Hiểu được tầm quan trọng của việc ngủ đủ giấc và giấc ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của cả bố mẹ và trẻ như thế nào. Hãy nhớ rằng bố mẹ chính là một hình mẫu nêu gương tốt cho trẻ. Thức cả đêm với con bạn để chơi cùng chúng hoặc làm việc xuyên đêm không phải là một hình ảnh tốt đẹp để truyền đi thông điệp phù hợp cho trẻ. Ưu tiên giấc ngủ cho bản thân để trẻ nhận ra rằng trẻ nên ngủ sớm vì đó là một phần của lối sống lành mạnh, tương tự như việc ăn uống đúng cách và tập thể dục thường xuyên.
- Tạo ra một không gian phòng ngủ an toàn và hỗ trợ giấc ngủ. Giảm độ sáng của đèn trước khi đi ngủ và kiểm soát nhiệt độ trong nhà. Đừng chất đầy đồ chơi lên giường của con bạn. Điều này giúp trẻ nhận ra giường là nơi để ngủ chứ không phải là nơi để chơi.
- Đừng cho trẻ đi ngủ với một chai nước trái cây, sữa hoặc sữa bột. Trẻ chỉ cần uống nước lọc là được. Bất cứ thứ gì khác ngoài nước đều có thể gây sâu răng ở trẻ.
- Giữ một thói quen hàng ngày đều đặn. Thời gian thức dậy, giờ ăn, giờ ngủ trưa và giờ chơi giống nhau giữa các ngày sẽ giúp con bạn cảm thấy yên tâm và thoải mái, đồng thời giúp chúng dễ đi vào giấc ngủ hơn. Đối với trẻ nhỏ, việc bắt đầu sớm với thói quen đi ngủ như đánh răng, đọc sách sẽ rất hữu ích. Hãy đảm bảo rằng các thói quen đi ngủ của trẻ được duy trì ở bất cứ đâu, để trẻ có thể ngoan ngoãn đi ngủ sớm mọi lúc mọi nơi.
- Cho trẻ vui chơi hoạt động trong ngày. Tạo điều kiện để trẻ có những hoạt động thú vị và đa dạng trong ngày, bao gồm các hoạt động thể chất.
- Đừng bắt đầu cho trẻ ăn dặm trước khoảng 6 tháng tuổi. Cho trẻ ăn dặm sớm hơn sẽ không giúp trẻ ngủ ngon giấc. Trên thực tế, nếu bạn cho trẻ ăn thức ăn đặc trước khi hệ thống tiêu hóa có thể xử lý thức ăn, trẻ có thể ngủ kém hơn vì đau bụng.
- Học cách nhận biết các vấn đề về giấc ngủ. Các vấn đề về giấc ngủ phổ biến nhất ở trẻ em bao gồm khó đi vào giấc ngủ, thức giấc vào ban đêm, ngáy, không chịu đi ngủ, ngưng thở khi ngủ và thở to khi ngủ. Hỏi giáo viên của trẻ hoặc người chăm sóc trẻ xem chúng có tỉnh táo trong suốt một ngày hay không. Các vấn đề về giấc ngủ cũng có thể biểu hiện vào ban ngày. Một đứa trẻ có giấc ngủ không đủ hoặc chất lượng kém có thể khó tập trung chú ý ở trường.
- Theo dõi thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến nghị nên để TV, máy tính, máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại ở ngoài phòng ngủ của trẻ em, đặc biệt là vào ban đêm. Để ngăn giấc ngủ bị gián đoạn, hãy tắt tất cả các màn hình ít nhất 60 phút trước khi đi ngủ.
Bên cạnh việc ngủ đủ giấc, để cơ thể trẻ được phát triển toàn diện bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk
- Vì sao trẻ nên ngủ sớm để tăng chiều cao?
- Lưu ý khi nấu cháo yến mạch cho trẻ ăn dặm
- Trẻ không chịu ăn dặm nguyên nhân do đâu?