Mục lục
Khi trẻ bước sang giai đoạn 4 tuổi các thói quen ăn uống cũng như cách thức ăn uống của trẻ bắt đầu quen dần với những món ăn của người lớn. Nếu trong giai đoạn này, cha mẹ chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ không hợp lý có thể khiến trẻ gặp phải tình trạng biếng ăn. Vậy, cha mẹ cần làm gì để phòng tránh cũng như xử trí hợp thời với tình trạng biếng ăn của trẻ.
1. Trẻ 4 tuổi biếng ăn và nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn
Biếng ăn hay chán án được coi là tình trạng trẻ từ chối ăn hoặc không hứng thú với việc ăn uống hay ăn quá chậm, không có cảm giác thèm ăn... Tình trạng này được biểu hiện bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và cũng có thể do bệnh lý hay tâm lý.
Xác định nguyên nhân trẻ 4 tuổi biếng ăn có thể giúp cha mẹ tìm được giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng này. Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này cho trẻ có thể:
- Biếng ăn do tâm lý có thể nói đây là nguyên nhân phụ thuộc vào thái độ cũng như thực hành chăm sóc trẻ của cha mẹ. Nếu cha mẹ luôn quát mắng, hoặc ép buộc trẻ trong những bữa ăn, và những món ăn trẻ không thích khiến cho trẻ cảm thấy áp lực mỗi khi thực hiện bữa ăn của mình. Lâu dần sẽ khiến cho bé 4 tuổi lười ăn và dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.
- Biếng ăn ở trẻ 4 tuổi đôi khi do trẻ gặp phải các vấn đề về sức khoẻ như nhiệt miệng hoặc các bệnh về hô hấp - ho, sốt, viêm họng... hoặc các bệnh về tiêu hoá - đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy, táo bón,...
- Biếng ăn ở trẻ 4 tuổi cũng có thể bắt nguồn từ những thói quen xấu như trẻ chơi điện tử hay xem tivi khi ăn hoặc ăn thì hay ngậm và ít nhai...
2. Một số cách khắc phục giúp trẻ 4 tuổi cải thiện tình trạng biếng ăn
Trẻ 4 tuổi lười ăn phải làm sao? Đầu tiên, cha mẹ cần phải xác định chính xác nguyên nhân nào gây nên tình trạng biếng ăn của trẻ. Sau đó, cha mẹ có thể thực hiện một số cách giúp cải thiện tình trạng biếng ăn của trẻ.
- Chế biến thực đơn món ăn đa dạng và có sự kết hợp phong phú giữa các món ăn mới và món ăn cũ. Với những trẻ 4 tuổi thì đã bắt đầu nhận thức được rõ ràng các món ăn nên khi thực hiện chế biến thức ăn cho trẻ, cha mẹ cần lựa chọn thực phẩm và cách chế biến đa dạng giúp cho trẻ làm quen với nhiều lợi thực phẩm cũng như có nhiều khẩu vị khác nhau. Khi đó, giúp kích thích vị giác của trẻ sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Với những trẻ 4 tuổi không tăng cân hoặc có dấu hiệu của tình trạng suy dinh dưỡng, cha mẹ cần được tư vấn bởi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có thể xây dựng cho trẻ chế độ ăn hợp lý và giàu chất dinh dưỡng.
- Cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen ăn như người lớn và các thành viên trong gia đình. Khi trẻ 4 tuổi trẻ có thể thực hiện được các công việc chuẩn bị bữa ăn. Vì thế, cha mẹ hãy cho trẻ tham gia chuẩn bị như lấy bát đũa, lấy nước và sắp thức ăn. Những thành viên khác trong gia định có thể hướng dẫn và cùng làm với trẻ để khuyến khích và động viên trẻ. Trẻ được thực hiện các công việc này sẽ khiến cho trẻ hòa nhập tốt hơn với mọi thành viên trong gia đình khiến cho không khí của bữa ăn trở nên vui vẻ, thoải mái, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Cha mẹ nên thực hiện bữa ăn của trẻ vào một khung giờ cố định, như vậy sẽ giúp cho hệ tiêu hoá của trẻ hoạt động tốt hơn. Đồng thời cũng hạn chế tình trạng ăn vặt của trẻ trước bữa ăn khiến cho trẻ có thể ăn ít khi vào bữa ăn chính. Tùy theo từng độ tuổi trẻ sẽ có số lượng bữa ăn trong ngày khác nhau và cha mẹ cần phải cân đối số lượng bữa ăn cũng như số lượng thức ăn giúp trẻ được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
3. Những nguyên tắc khi xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ biếng ăn
- Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ 4 tuổi biếng ăn cần đảm bảo đủ bốn nhóm chất dinh dưỡng. Đối với trẻ 4 tuổi lười ăn cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến các chất dinh dưỡng cung cấp hàng ngày cho trẻ. Theo khuyến nghị của các chuyên gia, nhóm chất dinh dưỡng trẻ 4 tuổi biếng ăn cần tập trung vào chủ yếu bao gồm protein, lipid, glucid, vitamin và chất khoáng. Đặc biệt các nhóm chất này đều lựa chọn từ thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm.
Bên cạnh đó, trẻ 4 tuổi biếng ăn vẫn cần được duy trì hàm lượng sữa hoặc các sản phẩm thực phẩm được chế biến từ sữa chiếm khoảng 30% khẩu phần ăn của trẻ. Trẻ 4 tuổi đã biết nhận thức món ăn yêu thích hoặc món ăn không yêu thích. Vì vậy, cha mẹ cần điều chỉnh khẩu phần ăn của trẻ sao cho hợp với sở thích của trẻ giúp trẻ hứng thú với bữa ăn nhiều hơn.
Việc cha mẹ thực hiện chế biến xen kẽ các món ăn mà trẻ yêu thích và những món ăn mới sẽ giúp cho trẻ dần làm quen với đa dạng thực phẩm, đồng thời cha mẹ cũng nên giải thích cho trẻ hiểu được ý nghĩa của từng loại thực phẩm để trẻ nhận thức tốt hơn khi lựa chọn và sử dụng thực phẩm.
- Trẻ 4 tuổi biếng ăn cần được bổ sung chất béo lành mạnh. Nhiều cha mẹ thường bỏ qua nhóm chất dinh dưỡng này mà không biết được rằng nhóm chất này giúp cho các noron thần kinh của trẻ được hình thành và phát triển tối ưu. Hơn nữa, chất béo còn có vai trò chính để hấp thu các loại vitamin tan trong dầu như vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K... và còn chứa nhiều dưỡng chất quý như DHA, EPA, ARA,...Những dưỡng chất này đều rất cần thiết cho sự phát triển trí não của trẻ.
Những loại thực phẩm có chứa hàm lượng chất béo lành mạnh cha mẹ nên lựa chọn để bổ sung vào chế độ ăn của trẻ: dầu ăn - thường sử dụng từ các loại hạt như hạt hướng dương, hay dầu oliu, dầu ngô vì thành phần của những loại dầu này có chứa hàm lượng chất béo không bão hoà tốt cho sự phát triển của trẻ. Cha mẹ có thể sử dụng dầu ăn để rán, xào thực phẩm hoặc làm các món rau trộn cùng dầu oliu và các món ăn khác...Cá hồi, cá ngừ cũng thuộc nhóm thực phẩm cung cấp hàm lượng acid béo omega 3 khá phong phú. Tuy nhiên, cha mẹ sử dụng các loại cá này cũng cần lưu ý để tránh sử dụng các loại cá có chứa kim loại nặng như thuỷ ngân, asen, chì... ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ của trẻ. Trái bơ thuộc thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật nhưng chứa hàm lượng chất béo không bão hoà đơn khá phong phú giúp cho trẻ phát triển lành mạnh động thời còn giúp giảm hàm lượng cholesterol xấu ở trong cơ thể. Trái bơ có thể ăn sống hoặc sử dụng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn và kích thích vị giác của trẻ.
- Hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ 4 tuổi lười ăn. Khi trẻ ở giai đoạn này thì mọi thứ sẽ linh hoạt hơn so với giai đoạn đầu của trẻ. Và cha mẹ cũng không thể ép trẻ ăn những món ăn mà trẻ không thích. Vì vậy, cha mẹ hãy giúp trẻ được cung cấp đầy đủ lượng thức ăn một ngày mà cũng không cần thiết phải ép trẻ ăn những món ăn bổ dưỡng.
Để thực hiện được điều này, cha mẹ cần đảm bảo bữa ăn có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng. Đồng thời sử dụng linh hoạt các loại thực phẩm trong cùng nhóm dưỡng chất giúp cho bữa ăn của trẻ được đa dạng và khiến trẻ thích thú với các món ăn hơn. Số lượng bữa ăn của trẻ ở độ tuổi này nên thực hiện ba bữa ăn chính và hai bữa ăn phụ. Những bữa phụ cha mẹ nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm có nhiều lợi ích cho hệ tiêu hoá, hoặc cân bằng vi sinh vật đường ruột như sữa chua, váng sữa, trái cây... Và trẻ 4 tuổi biếng ăn vẫn cần đảm bảo một ngày khoảng 350 đến 500 ml sữa giúp cung cấp canxi và chất béo lành mạnh cho sự phát triển của trẻ.
Trường hợp trẻ 4 tuổi biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
- Có nên bổ sung vitamin cho trẻ biếng ăn?
- Trẻ ăn rất ít mà không đói: Vì sao?
- Biếng ăn sinh lý là gì và làm thế nào để giúp trẻ vượt qua?