Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Động mạch chủ bụng chứa lượng máu rất lớn, áp lực đẩy máu mạnh. Nếu không được cấp cứu kịp thời, phình động mạch chủ bụng có nguy cơ dọa vỡ cao, khả năng cứu chữa kém do truyền máu không bù kịp lượng máu đã mất.
1. Phình động mạch chủ bụng là gì?
Phình động mạch chủ bụng (AAA) là vị trí phình động mạch chủ phổ biến nhất. Bệnh rất khó phát hiện sớm do có các triệu chứng mơ hồ, không có cảm giác đau đớn làm người bệnh phải đi khám bệnh mà âm ỉ, có thể chịu đựng được.
2. Triệu chứng phình động mạch chủ bụng
Bệnh phình động mạch chủ có triệu chứng như sau:
- Đau lưng ở phần giữa và thấp của lưng
- Đau bụng, cảm giác khó chịu
- Cảm giác có mạch đập trong bụng
3. Nguyên nhân gây phình động mạch chủ bụng
- Hút thuốc: Đây là yếu tố nguy cơ chính gây phình động mạch chủ bụng, với nguy cơ phình động mạch chủ cao gấp 5 lần so với những người không hút thuốc.
- Lão hóa: Tuổi cao, thành mạch suy yếu, làm tăng nguy cơ phình động mạch chủ bụng
- Giới tính: Nam giới có tỷ lệ phình động mạch chủ cao hơn nữ giới.
- Tăng huyết áp: Huyết áp không được quản lý hiệu quả cũng làm tăng nguy cơ phình mạch.
- Cholesterol máu cao
- Tiền sử gia đình bị phình động mạch
- Chấn thương ở bụng hoặc ngực gây phình động mạch chủ tiến triển hoặc vỡ.
4. Chẩn đoán phình động mạch chủ bụng
Các siêu âm, chụp chiếu chẩn đoán phình động mạch chủ bụng như sau:
- Sàng lọc: Người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử bệnh có liên quan đến các yếu tố nguy cơ.
- Khám thực thể: Khối phình ở bụng có thể được phát hiện bằng khám thực thể ở khoảng 1⁄3 người phình động mạch chủ bụng.
- Siêu âm: Siêu âm là xét nghiệm chẩn đoán an toàn, tương đối nhanh và giá trị cao trong việc phát hiện khối phình động mạch ở bụng.
- CT scan: CT là xét nghiệm được sử dụng nhằm xác định các thay đổi bất thường trong cấu trúc động mạch chủ bụng và có ích trong việc lên kế hoạch phẫu thuật giúp tăng độ an toàn và chính xác.
- MRI: MRI có giá trị chẩn đoán tương tự như CT. Tùy vào đặc điểm chứng phình động mạch mà đưa ra lựa chọn xét nghiệm phù hợp.
- X quang bụng: X quang ít khi được sử dụng để chẩn đoán phình động mạch bụng, tuy nhiên tùy vào tình trạng mà bác sĩ vẫn có thể lựa chọn xét nghiệm này để chẩn đoán bệnh.
5. Cấp cứu phình động mạch chủ bụng
Cấp cứu phình động mạch chủ bụng được xác định dựa trên tiến trình theo dõi quá trình tăng kích thước của khối phình. Cấp cứu được chỉ định trong trường hợp dọa vỡ phình động mạch.
Trong trường hợp cấp cứu phình động mạch chủ bụng, người bệnh được chỉ định phẫu thuật. Tùy thuộc vào độ phức tạp mà ca phẫu thuật có thể diễn ra nhanh hoặc chậm, trung bình trong khoảng từ 3 - 6 giờ. Các bác sĩ sẽ tiến hành ghép đoạn động mạch chủ bị phình, kiểm tra và đảm bảo an toàn các mạch máu xung quanh. Trong và sau quá trình phẫu thuật, người bệnh còn được truyền máu, truyền dịch để bù lượng máu mất đi đảm bảo huyết động ổn định. Bệnh nhân thường khỏe lại và ra viện sau khoảng một tuần tiếp tục theo dõi và điều trị.
6. Phòng ngừa phình động mạch chủ bụng
Để phòng ngừa phình động mạch chủ bụng tái phát, người bệnh cần hạn chế tối đa nguy cơ gây bệnh như:
- Không hút thuốc
- Kiểm soát tốt huyết áp và cholesterol máu
- Khám sức khỏe định kỳ
Động mạch chủ bụng chứa lượng máu rất lớn, áp lực đẩy máu mạnh. Nếu không được cấp cứu kịp thời, phình động mạch chủ bụng có nguy cơ dọa vỡ cao, khả năng cứu chữa kém do truyền máu không bù kịp lượng máu đã mất.
- Tìm hiểu về chứng giả phình động mạch
- Phình động mạch lách: Những điều cần biết
- Quy trình thực hiện siêu âm động mạch chủ bụng