Mục lục
Ở tuổi đang lớn, trẻ hay bị chuột rút, đau bắp chân. Đây có thể là hiện tượng bình thường hoặc là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe của trẻ mà cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm.
1. Chuột rút là gì?
Chuột rút là những cơn co thắt cơ bắp đột ngột. Người bị chuột rút sẽ cảm thấy rất đau do cơ bị co thắt mạnh, không thể cử động vùng bị chuột rút trong khoảng vài giây tới vài phút. Chuột rút có thể xảy ra ở bất kỳ cơ bắp nào, nhưng thường gặp nhất là bắp chân (giữa đầu gối và cổ chân), bắp thịt đùi và hông, dọc theo bàn chân, bàn tay, cơ bụng,... Chuột rút thường xuất hiện khi ngủ, khi mới thức dậy hoặc khi đang vận động.
Chứng chuột rút xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn là ở nhóm tuổi trẻ dậy thì và lão niên trên 60 tuổi. Ngoài ra, chuột rút cũng có thể xảy ra với những người vận động thể thao cường độ cao.
2. Cảnh giác trước các nguyên nhân trẻ hay bị chuột rút
Trẻ đang dậy thì có nguy cơ bị chuột rút cao hơn so với các nhóm tuổi khác. Những nguyên nhân thường gặp gồm:
2.1 Nguyên nhân sinh lý
- Vận động quá sức: Là nguyên nhân gây chuột rút phổ biến nhất. Trong các hoạt động vào ban ngày, nếu trẻ vận động quá sức thì các cơ bắp sẽ bị mỏi, thậm chí chấn thương. Khi vận động quá nhiều, lượng đường ở gan cũng bị tiêu hao nhanh chóng, nếu không bổ sung kịp thời thì trẻ có thể bị chuột rút;
- Trẻ dậy thì bị thiếu chất: Các khoáng chất canxi, kali, magie đóng vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Nếu thiếu các khoáng chất này, trẻ dễ bị mất cân bằng điện giải, dẫn tới chuột rút;
- Hệ thần kinh cơ bắp hoạt động quá mức: Nếu trẻ đứng, ngồi hoặc quỳ gối quá lâu thì các cơ, mạch máu sẽ bị chèn ép. Các cơ bắp ở chân đều khá ngắn nên khi ngủ trẻ để cong chân quá lâu mà không duỗi ra thì cũng dễ bị chuột rút sau một cử động nhẹ. Khi chơi các môn thể thao như chạy bộ, bơi lội, đá bóng,... nếu không thực hiện khởi động kỹ thì trẻ hay bị chuột rút;
- Mất cân bằng điện giải: Việc vận động nhiều, đổ mồ hôi nhiều nhưng không được bổ sung kịp thời sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất cân bằng điện giải và dễ bị chuột rút. Ngoài ra, nếu trẻ uống ít nước, uống nhiều cà phê hoặc trà lợi tiểu thì cũng khiến cơ thể bị thiếu nước, dẫn tới hiện tượng chuột rút vào ban đêm;
Căng thẳng kéo dài: Trẻ đang lớn thường có khá nhiều mối lo từ chuyện học hành, quan hệ gia đình, bạn bè,... Nó khiến các hormone trong cơ thể trẻ bị mất cân bằng, dẫn tới tăng nhịp tim và huyết áp, có thể gây chuột rút.
2.2 Nguyên nhân bệnh lý
Trẻ đau mỏi xương khớp, hay bị chuột rút có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó trong cơ thể. Ví dụ, chuột rút vào ban đêm có thể là dấu hiệu của bệnh suy giảm hệ tĩnh mạch ở chân. Ngoài ra, thiểu năng tuyến giáp cũng là một nguyên nhân gây chuột rút ở trẻ đang lớn.
3. Điều trị và phòng ngừa chuột rút ở trẻ đang lớn
Bình thường, chuột rút không kéo dài và cũng không gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong một số tình huống nghiêm trọng như khi bơi lội, lái xe,... thì chuột rút có thể khiến nạn nhân bị tai nạn, thậm chí tử vong. Do đó, các bậc phụ huynh nên hướng dẫn trẻ cách xử trí khi bị chuột rút và phòng ngừa nguy cơ bị chuột rút. Cụ thể:
3.1 Xử trí khi bị chuột rút
Khi xảy ra cơn chuột rút, trẻ nên xoa bóp bắp thịt nhẹ nhàng. Nếu chuột rút ở bắp chân, trẻ hãy vươn duỗi cơ từ từ, lặp lại động tác. Nếu chuột rút ở bắp đùi, trẻ nên nhờ người khác giúp kéo thẳng chân ra, 1 tay nâng cao phần gót chân, tay kia ấn đầu gối xuống. Nếu bị chuột rút ở cơ xương sườn thì trẻ cần phải hít thở sâu, đều đặn để thư giãn cơ hoành và xoa bóp nhẹ nhàng các bắp thịt quanh lồng ngực.
Ngoài ra, trẻ hay bị chuột rút có thể tắm nước nóng để thư giãn bắp thịt. Trước khi đi ngủ, trẻ nên đạp xe thong thả khoảng 5 - 10 phút. Nếu thường xuyên bị chuột rút, trẻ có thể mang tất đàn hồi hơi ép vào mạch máu để tránh nguy cơ ứ đọng máu ở tĩnh mạch chi dưới. Đồng thời, có thể sử dụng một số thuốc điều trị chuột rút theo khuyến nghị của bác sĩ.
3.2 Cách phòng ngừa chuột rút
Những trẻ hay bị chuột rút có thể tham khảo các biện pháp phòng ngừa như sau:
- Uống đủ nước trước, trong và sau khi luyện tập; trước khi đi ngủ buổi tối;
- Khởi động đầy đủ trước khi tập luyện, thư giãn cơ bắp sau khi tập luyện;
- Tập vươn duỗi chân vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ;
- Khi ngồi, nên co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt để giúp máu dễ dàng lưu thông ở bắp chân;
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất cần thiết. Nếu trẻ thiếu canxi thì có thể uống bổ sung theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, nên kết hợp bổ sung thực phẩm giàu canxi như trứng, sữa, tôm, cua, cá,... vào chế độ ăn của trẻ.
Trẻ hay bị chuột rút có thể là do nguyên nhân sinh lý hoặc là dấu hiệu của bệnh lý. Nếu thường xuyên bị chuột rút và đã áp dụng các biện pháp trên nhưng không có hiệu quả thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm nhất có thể để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời.
- Vì sao bạn cần vận động?
- Cách kết hợp các hoạt động vào cuộc sống hàng ngày
- Tập thể dục: Mẹo để duy trì động lực