Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Trẻ bị sặc đờm nếu không được cảnh giác và phòng ngừa có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trẻ bị sốt và kèm theo ho có đờm, đó có thể là dấu hiệu trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp và mũi họng. Lúc này, đờm nhiều trong họng khiến trẻ khó chịu và ho dữ dội. Ở những trẻ nhỏ, chưa có khả năng tự đưa đờm ra ngoài (bằng cách khạc, nhổ) sẽ rất dễ bị sặc đờm, nhất là lúc trẻ đang ho.
1. Cách sơ cứu trẻ bị sặc đờm
- Đặt trẻ nằm sấp và úp trên cẳng tay, đầu của trẻ nghiêng xuống phía dưới, vỗ nhẹ vào lưng trẻ khoảng 5 - 7 cái để tống đờm hoặc dị vật mắc ở cổ họng trẻ ra ngoài.
- Trong trường hợp cách trên không hiệu quả, xoay mặt trẻ về cánh tay kia, nhìn vào trong miệng trẻ, nếu nhìn thấy đờm hoặc dị vật, dùng gạc sạch bọc vào đầu ngón tay và móc nhẹ đờm trong họng trẻ ra. Tuy nhiên, lưu ý không nên móc quá sâu vào trong cổ họng trẻ, bởi có thể gây tổn thương.
- Nếu đờm trong họng trẻ vẫn chưa ra được, đặt trẻ nằm nguyên ở tư thế trên và dùng hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) đặt lên nửa dưới xương ức của trẻ, ấn mạnh khoảng 3 giây/lần. Thực hiện như vậy sẽ gây cơn ho nhân tạo để tống đờm, dị vật ra ngoài khi trẻ ho.
- Trường hợp tất cả các cách trên vẫn không đưa được dị vật ra ngoài, hãy đặt trẻ nằm ngửa và đặt hai ngón tay lên phần dưới xương ức, ấn 5 lần liên tục.
- Sau đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ kiểm tra và thăm khám.
2. Phòng tránh sặc đờm đối với trẻ nhỏ
Trẻ bị sốt và kèm theo ho có đờm cần được lưu ý trong chăm sóc để phòng tránh tình trạng sặc do đờm, dãi gây ra.
- Cho trẻ uống đủ nước, đủ sữa để làm lỏng đờm và dịch trong họng.
- Hỗ trợ trẻ hút đờm trong mũi, họng.
- Để phòng tránh sặc đờm ở trẻ, đặt trẻ nằm nghiêng và nắm lỏng bàn tay để vỗ nhẹ vào lưng trẻ, vỗ từ trên xuống dưới và từ ngoài vào trong, vỗ khoảng 2 - 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng vài phút để làm lỏng đờm.
- Đối với trẻ lớn, có thể cho trẻ hít hơi nước nóng để khiến đờm đặc dễ long ra.
- Nên đưa trẻ đến bác sĩ để được khám và chẩn đoán bệnh, chỉ định thuốc thích hợp. Tránh tự ý mua thuốc ho cho trẻ uống vì có thể khiến tình trạng đờm không được thoát ra ngoài, làm tăng nguy cơ sặc đờm ở trẻ.
Trẻ bị sốt và ho, đặc biệt là trẻ nhỏ sẽ khiến trẻ khó chịu, hay quấy khóc, làm gia tăng nguy cơ bị sặc đờm. Do đó, cha mẹ cần cảnh giác và biết cách xử trí phù hợp.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian sạch thoáng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
- Công dụng thuốc Asbunyl
- Công dụng thuốc Cedipect
- Công dụng thuốc Topmaxsill