Mục lục
- 1. 1. Các bất thường hình thái móng tay
- 1.1. 1.1. Bất thường hình thái móng tay do dị tật bẩm sinh
- 1.2. 1.2. Dị dạng và loạn dưỡng móng tay bất thường liên quan đến vấn đề hệ thống
- 1.3. 1.3. Bất thường móng tay liên quan đến tình trạng da liễu
- 1.4. 1.4. Sự đổi màu móng tay bất thường
- 1.5. 1.5. Chứng loạn dưỡng móng ở trung tâm
- 1.6. 1.6. Móng sọc đen bất thường
- 1.7. 1.7. Sừng móng tay bất thường
- 1.8. 1.8. Ly móng
- 1.9. 1.9. Móng tay bất thường do tự tạo
- 1.10. 1.10. Móng quặp
- 1.11. 1.11. Tụ máu dưới móng - chấn thương giường móng tay bất thường
- 1.12. 1.12. Trachyonychia (móng tay bất thường như giấy nhám)
- 1.13. 1.13. Móng tay bất thường do khối u
- 2. 2. Điều trị và tiên lượng các bất thường hình thái móng tay
- 3. Đánh giá
Những thay đổi bất thường hình thái móng tay có thể được xem là một căn cứ để hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý toàn thân hay bệnh lý da liễu nhất định. Các bệnh về móng có thể phân loại thành bệnh lý khu trú tại móng, bệnh do dị tật bẩm sinh hoặc di truyền, bệnh về móng kết hợp với bệnh lý toàn thân hay các bệnh về da lan rộng.
1. Các bất thường hình thái móng tay
1.1. Bất thường hình thái móng tay do dị tật bẩm sinh
Một số biến dạng móng tay bất thường liên quan đến các dị tật bẩm sinh bao gồm:
- Một số chứng loạn sản ngoại bì bẩm sinh: người bệnh sẽ không có móng tay (anonychia);
- Chứng dày móng bẩm sinh: có biểu hiện là các giường móng dày lên, đổi màu và xuyên qua da quá mức theo chiều ngang (hay còn gọi là móng quặp);
- Hội chứng Nail-Patella: gây biến dạng móng tay hình tam giác và một phần móng ngón cái tiêu biến;
- Bệnh Darier: có các đặc điểm bất thường hình thái móng tay như xuất hiện các vệt đỏ hoặc trắng và có một cái nêm chữ V ở đầu xa ngón.
1.2. Dị dạng và loạn dưỡng móng tay bất thường liên quan đến vấn đề hệ thống
Các bất thường hình thái móng tay do các bệnh lý hệ thống bao gồm:
- Hội chứng Plummer-Vinson (đặc trưng là thực quản có hình mạng nhện do có thể thiếu sắt trầm trọng và không được điều trị): khiến khoảng 50% bệnh nhân có bất thường móng tay hình thìa;
- Hội chứng vàng móng: có biểu hiện đặc trưng là các móng tay vàng, cứng, cong quá mức và xuyên qua da theo chiều ngang. Hội chứng này xảy ra trên người bệnh phù bạch huyết ở tay chân hoặc liên quan các bệnh lý hô hấp mãn tính;
- Biến dạng móng tay nửa móng (hay còn gọi là móng Lindsay): hay gặp ở người bệnh suy thận, móng tay bất thường khi nửa móng đầu gần màu trắng còn nửa móng đầu xa màu hồng;
- Biến dạng móng tay trắng: gặp nhiều ở bệnh nhân xơ gan, đôi khi 1/3 móng đầu xa còn màu hồng bình thường;
- Đường Beau: là một dạng bất thường hình thái móng tay, biểu hiện các rãnh ngang ở bản móng, xảy ra khi móng chậm phát triển tạm thời. Một số yếu tố khởi phát là nhiễm trùng, chấn thương, hoặc bệnh toàn thân;
- Bong móng: là hậu quả khi bản móng ngừng phát triển tạm thời, tuy nhiên độ dày của móng vẫn đảm bảo, do đó gây sự phân tách đầu gần của bản móng với giường móng. Tình trạng này thường xảy ra khoảng vài tháng sau bệnh tay chân miệng hoặc do nhiễm một số loại virus.
1.3. Bất thường móng tay liên quan đến tình trạng da liễu
Biến dạng móng tay liên quan đến các bệnh da liễu thường gặp:
- Người bệnh vẩy nến có thể xuất hiện một số thay đổi móng tay, bao gồm: rỗ móng không đều, giọt dầu, ly móng, dày móng và vỡ vụn móng;
- Bệnh Lichen phẳng: có thể để lại sẹo với bờ nổi cao dọc theo chiều dọc và sự phân chia của móng tạo điều kiện hình thành móng tay bất thường hình tam giác hoặc gây mất toàn bộ móng;
1.4. Sự đổi màu móng tay bất thường
Một số bất thường hình thái móng tay về màu sắc có thể do một số nguyên nhân sau đây:
- Sử dụng các thuốc điều trị ung thư (trong đó hay gặp là taxan): có thể làm đen móng, mảng đốm trên móng dạng lan tỏa hoặc trải dài theo chiều ngang;
- Quinacrine: Móng tay bất thường có màu vàng lục hoặc màu trắng khi chiếu dưới ánh sáng cực tím;
- Cyclophosphamide: Các dải ở bờ xa móng biến đổi sang màu xám đen hoặc xanh nhạt;
- Arsenic: Biến dạng móng tay sang màu nâu nhạt lan tỏa;
- Tetracyclines, ketoconazole, phenothiazines, sulfonamid và phenindione: Móng tay bất thường màu nâu hoặc xanh;
- Muối bạc (argyria): có thể khiến móng tay chuyển sang màu xám xanh;
- Hút thuốc lá hoặc sơn móng: có thể là nguyên nhân khiến móng tay và các đầu ngón tay chuyển sang màu vàng hoặc nâu nhạt;
1.5. Chứng loạn dưỡng móng ở trung tâm
Chứng loạn dưỡng móng trung tâm có các đặc điểm móng tay bất thường là: các đường nứt nhỏ kéo dài theo chiều dọc, sắp xếp tương tự như nhánh của cây thường xanh.
Nguyên nhân gây ra chứng loạn dưỡng móng trung tâm thường không xác định được, nhưng yếu tố chấn thương có thể đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra, thói quen sử dụng các thiết bị kỹ thuật thường xuyên khiến các móng tay lặp đi lặp lại một thao tác có thể tăng nguy cơ dẫn đến chứng bất thường móng tay này.
1.6. Móng sọc đen bất thường
Bất thường hình thái móng tay với các sọc đen, bản chất là các dải tăng sắc tố theo chiều dọc, kéo dài từ nếp móng gần và lớp biểu bì đến cuối bờ tự do của móng. Ở người có làn da sẫm màu, những sọc đen này có thể là một biến dạng móng tay sinh lý bình thường và không cần điều trị.
Các nguyên nhân khác dẫn đến móng sọc đen bao gồm:
- Chấn thương;
- Mang thai;
- Bệnh Addison;
- Tăng sắc tố móng tay sau viêm;
- Sử dụng một số thuốc như doxorubicin, 5-fluorouracil, zidovudine và psoralens;
- Ung thư tế bào hắc tố (ung thư ác tính).
1.7. Sừng móng tay bất thường
Bất thường hình thái móng tay tiếp theo là các sừng móng hay còn gọi là loạn dưỡng móng. Ở loại bất thường này, móng tay dày lên và uốn cong hơn, chủ yếu gặp ở ngón cái. Sừng móng gặp nhiều ở người lớn tuổi. Điều trị cũng đơn giản khi chỉ cần cắt tỉa phần biến dạng móng tay.
1.8. Ly móng
Ly móng là một dạng biến dạng móng tay khi phần bản móng tách hoàn toàn khỏi phần giường móng hoặc tiêu biến bản móng hoàn toàn. Tình trạng này được xem là một phản ứng của cơ thể, hay gặp ở bệnh nhân điều trị bằng tetracyclines, doxorubicin, 5-fluorouracil, cloxacillin, cephaloridine, trimethoprim/sulfamethoxazole, diflunisal, etretinate, indomethacin, isoniazid, griseofulvin và isotretinoin.
Ly móng một phần có thể xảy ra khi người bệnh tiếp xúc nhiều với các chất kích ứng, viêm da tiếp xúc, vẩy nến, nhiễm độc giáp hoặc nhiễm nấm Candida albicans.
1.9. Móng tay bất thường do tự tạo
Loại bất thường hình thái móng tay này xảy ra do người bệnh thường xuyên tự chọc và đục móng tay, từ đó làm xuất hiện các rãnh hoặc các bờ theo chiều ngang song song nhau. Ngoài ra, xuất huyết dưới móng cũng là một dạng của chứng tổn thương móng do tự tạo (onycho till romania).
1.10. Móng quặp
Móng quặp là biến dạng móng tay khi bản móng uốn cong theo chiều ngang quá mức. Móng quặp hay gặp ở người bệnh vẩy nến, SLE, Kawasaki, ung thư, suy thận giai đoạn cuối và một số hội chứng di truyền khác. Người bệnh thường than phiền đau nhức ở rìa móng, vị trí mà bản móng uốn cong và tiếp xúc vào đầu ngón tay.
1.11. Tụ máu dưới móng - chấn thương giường móng tay bất thường
Tụ máu dưới móng là một dạng móng tay bất thường xảy ra khi máu tụ giữa bản móng và giường móng sau một chấn thương nào đó. Tình trạng này khiến người bệnh đau nhức, móng chuyển sang màu xanh đen, cuối cùng bản móng tách ra và mất tạm thời. Trường hợp các chấn thương gây đè ép mạnh có thể ảnh hưởng, tổn thương phần giường móng, khu đó biến dạng móng tay có thể là vĩnh viễn.
1.12. Trachyonychia (móng tay bất thường như giấy nhám)
Trachyonychia là từ diễn tả tình trạng móng tay thô và mờ đục, xảy ra ở những người rụng tóc thành mảng, lichen phẳng, viêm da cơ địa và vẩy nến.
1.13. Móng tay bất thường do khối u
Một số dạng biến dạng móng tay bất thường có thể là các khối u lành tính hoặc ung thư.
Các khối u lành tính bao gồm:
- U nang nhầy;
- U hạ nhiễm khuẩn;
- U glomus.
Các khối u ác tính bao gồm;
- Bệnh Bowen;
- Ung thư biểu mô tế bào vảy;
- Ung thư tế bào sắc tố (ung thư ác tính).
2. Điều trị và tiên lượng các bất thường hình thái móng tay
Các biện pháp can thiệp bất thường móng tay có thể bao gồm:
- Loại bỏ các mảnh vụn và chỉnh sửa hình dạng móng;
- Tránh để móng tay tiếp xúc với các chất gây kích thích;
- Trong trường hợp nhiễm nấm và viêm quanh móng do nấm Candida có thể chỉ định dùng các loại thuốc kháng nấm;
- Bệnh biến dạng móng tay bẩm sinh hay di truyền thường không có biện pháp điều trị đặc hiệu;
- Các bệnh loạn dưỡng móng có thể sử dụng triamcinolon acetonid tiêm vào chất cơ bản móng 2 - 4 tuần/lần nhưng thường gây đau nhức nhiều;
- Trường hợp cần loại bỏ phần móng bị loạn dưỡng, người bệnh có thể không cần phẫu thuật mà dùng hợp chất Ure 40%, Lanolin 20%, Sáp trắng 5%, Petrolatum trắng 25% và gel Silica.
Những thay đổi bất thường hình thái móng tay có thể được xem là một căn cứ để hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý toàn thân hay bệnh lý da liễu nhất định. Do đó, khi có những dấu hiệu bất thường thì bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
- Đau đớn vì móng chân mọc ngược chọc vào thịt
- Biến dạng móng và loạn dưỡng móng
- Móng chân mọc ngược (móng quặp) ở trẻ