Mục lục
Cuộc sống hiện tại vốn đã tiềm ẩn nhiều yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến các bệnh rối loạn tâm thần. Tình trạng mất kết nối xã hội, điển hình là trong đại dịch COVID-19 gây tác động đến tâm lý con người, thúc đẩy rối loạn tâm thần tiến triển nhanh và trầm trọng hơn. Mất kết nối xã hội khiến con người dễ mắc các bệnh rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm...
1. Hậu quả của tình trạng mất kết nối xã hội
Mất kết nối xã hội là tình trạng mất đi sự tương tác giữa con người với nhau và mất kết nối với môi trường sống. Con người bị mất kết nối xã hội sẽ không thể giao tiếp, liên hệ, chia sẻ hay trao đổi bất kỳ điều gì với người khác như trước đây. Điều này dẫn đến những khó khăn khủng hoảng về nhu yếu phẩm, tài chính, hạn chế nhận được sự chăm sóc y tế và thuốc. Tình trạng mất kết nối xã hội, điển hình là trong đại dịch COVID-19 là sang chấn tác động đến tâm lý con người, thúc đẩy rối loạn tâm thần tiến triển nhanh hơn và trầm trọng hơn.
Mất kết nối xã hội khiến con người dễ mắc các bệnh rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn, rối loạn giấc ngủ.
2. Dấu hiệu căng thẳng và rối loạn tâm thần do mất kết nối xã hội
Căng thẳng và rối loạn tâm thần do mất kết nối xã hội sẽ gây ra các dấu hiệu sau:
- Lo âu: Do mất việc làm, điều kiện kinh tế, tình hình dịch bệnh phức tạp.
- Trầm cảm: Cơ thể không có năng lượng, thường xuyên bị căng thẳng mệt mỏi kéo dài, suy nghĩ lung tung, không có động lực làm việc, đôi lúc mất kiềm chế cảm xúc, cảm xúc dễ thay đổi buồn rồi lại khóc. Trầm cảm gây ảnh hưởng nặng nề đến khả năng làm việc và giao tiếp. Thậm chí những người bị mắc chứng trầm cảm còn có xu hướng tự sát.
- Sợ hãi
- Dễ nổi giận, dễ kích động, cáu kỉnh, căng thẳng và dễ thay đổi cảm xúc theo hướng tiêu cực.
- Thất vọng, lo lắng, buồn chán, mặc cảm, luôn suy nghĩ bản thân có lỗi với gia đình và bi quan về tương lai.
- Rối loạn giấc ngủ: Khó ngủ, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, hay gặp ác mộng và tỉnh dậy vào giữa đêm, thức dậy vẫn cảm thấy mệt mỏi...
- Sử dụng chất kích thích.
- Bạo lực gia đình.
Các bệnh rối loạn tâm thần có thể tự khỏi nhưng đa số sẽ tiến triển thành mãn tính dẫn đến chất lượng cuộc sống bị giảm sút nghiêm trọng, cơ thể luôn ở trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, sợ hãi, lo lắng, không tập trung làm việc được và ảnh hưởng tới các mối quan hệ trong gia đình... Khi ở tình trạng nguy hiểm nhất, người bị rối loạn tâm thần không chỉ có ý nghĩ tiêu cực về tự làm hại bản thân mà còn có thể có hành vi giết cả người rồi tự tử.
3. Các biện pháp hạn chế rối loạn tâm thần khi bị mất kết nối xã hội
Các biện pháp để phòng ngừa và hạn chế rối loạn tâm thần khi bị mất kết nối xã hội đó là:
- Hạn chế truy cập liên tục vào các trang mạng, nhất là trang đưa tin tức xấu hay có những bình luận tiêu cực. Thay vào đó, hãy duy trì các mối quan hệ với gia đình, bạn bè thông qua các phương tiện trò chuyện như Zoom, Zalo, Facebook,... để trò chuyện và chia sẻ.
- Xây dựng thói quen tốt và lối sống lành mạnh một cách thường xuyên, ăn đúng bữa và đầy đủ các chất dinh dưỡng, ngủ đúng giờ và đủ giấc, vận động thể chất mỗi ngày.
- Thu xếp những khoảng thời gian phù hợp để nghỉ ngơi, cần lập thời gian biểu mỗi ngày và thực hiện đúng theo hoạch định.
- Tốt nhất nên có nơi làm việc yên tĩnh để hoàn thành công việc.
- Chỉ làm đủ thời gian giống như ở cơ quan.
- Đăng ký tham gia vào một khoá học hữu ích hoặc chương trình đào tạo online mà trước đây chưa có thời gian thực hiện.
- Không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ma tuý...
Trong trường hợp không thể chống đỡ được khủng hoảng, căng thẳng lo lắng quá mức thì cần tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia. Việc can thiệp sớm tâm lý bằng các phương pháp tư vấn trị liệu tâm lý đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh rối loạn tâm thần về sau.
- Những thông tin bạn cần biết về thuốc favipiravir
- Cách lây lan của virus Corona
- Cách quản lý bệnh viêm ruột trong đại dịch COVID-19: Hướng dẫn cho bác sĩ lâm sàng thực hành