Mục lục
Cảm xúc con người đóng một vai trò quan trọng đối với sự chú ý, trí nhớ, suy luận và các dạng suy nghĩ khác. Ngày càng có nhiều nhà khoa học đánh giá cao mối liên hệ này với hy vọng tìm hiểu cơ chế đằng sau chứng rối loạn tâm thần.
1. Nghiên cứu về mối liên hệ giữa cảm xúc con người và sự chú ý, nhận thức
Một nghiên cứu gần đây cho thấy mọi người sẽ chú ý nhanh hơn đến những kích thích tạo ra cảm xúc, chẳng hạn như nhìn vào bức ảnh của một con rắn hoặc con nhện.
Mặc dù phần não liên quan đến cảm xúc khác biệt với phần não kiểm soát sự chú ý và nhận thức của con người, nhưng bằng cách nào đó chúng lại liên kết với nhau. Tương tự, bộ máy cảm xúc cũng ảnh hưởng đến các cấu trúc não liên quan đến việc hình thành ký ức và đưa ra quyết định.
Bởi vì cảm xúc đóng một vai trò quan trọng đối với lý trí của con người, và sự thiếu ổn định về cảm xúc là nguyên nhân dẫn đến một loạt các rối loạn tâm thần và thần kinh, do đó, tìm hiểu về cách cảm xúc kích hoạt sự chú ý, nhận thức và trí nhớ sẽ giúp tiết lộ cơ chế của những rối loạn này.
Theo một chuyên gia thần kinh học ở London, nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực này đóng vai trò rất quan trọng để tìm hiểu nhiều chứng rối loạn tâm thần.
2. Các yếu tố kích hoạt cảm xúc con người
Mỗi ngày bạn đều có thể trải qua một loạt các cảm xúc, từ xúc động, khó chịu, tức giận, đến vui vẻ, thất vọng. Những cảm xúc này thường liên quan đến các sự kiện cụ thể, chẳng hạn như cuộc họp với sếp, trò chuyện với một người bạn hoặc gặp gỡ người yêu. Phản ứng của bạn đối với những sự kiện này có thể khác nhau tùy thuộc vào suy nghĩ và hoàn cảnh tình huống.
Yếu tố kích hoạt cảm xúc là thứ tạo ra phản ứng cảm xúc mãnh liệt, bất kể tâm trạng hiện tại của bạn như thế nào. Tất cả mọi người đều có một số yếu tố kích hoạt cảm xúc riêng, chẳng hạn như ai đó nhắc về những kỷ niệm không vui, chủ đề trò chuyện không thích hợp, lời nói hoặc hành động của người khác, thậm chí cả hành vi của chính bạn.
Các tình huống phổ biến gây ra cảm xúc mãnh liệt bao gồm:
- Sự từ chối
- Sự phản bội
- Đối xử bất công
- Niềm tin bị lay chuyển
- Bất lực hoặc mất kiểm soát
- Bị loại trừ hoặc bị bỏ qua
- Không tán thành hoặc chỉ trích
- Cảm thấy ngột ngạt
- Sự bất an
- Mất độc lập, tự do.
3. Cách kiểm soát cảm xúc
3.1. Lắng nghe tâm trí và cơ thể
Khi đối mặt với các tình huống tạo ra phản ứng cảm xúc mạnh mẽ, bạn cũng có thể gặp một số triệu chứng lo âu về thể chất, như:
- Tim đập thình thịch
- Đau bụng
- Run rẩy hoặc chóng mặt
- Lòng bàn tay ướt đẫm mồ hôi.
Nếu nhận thấy những dấu hiệu này, hãy dừng lại để xem xét điều gì vừa xảy ra và phản ứng trong cơ thể đã bị kích hoạt.
3.2. Chấp nhận cảm xúc con người
Đầu tiên, bạn cần nhắc nhở bản thân rằng buồn bã, tức giận, sợ hãi hay nổi điên - đều là những cảm xúc bình thường. Khi cảm xúc mạnh xuất hiện, đừng cố phớt lờ hoặc chống lại chúng. Thay vào đó, hãy chấp nhận chúng và suy nghĩ kỹ lại để có được cái nhìn sâu sắc hơn về những điều đã kích hoạt nội tâm bên trong bạn.
3.3. Cho bản thân một chút không gian
Để tránh bị cảm xúc lấn át, hãy xin phép để nghỉ ngơi một thời gian ngắn hoặc ở một mình nếu có thể. Điều này sẽ giúp bạn tránh những phản ứng bản năng có thể gây hối tiếc sau này. Sau đó, hãy thử một số bài tập thở để bình tĩnh và làm dịu bản thân.
Mục tiêu ở đây không phải là tránh hoàn toàn những tình huống kích hoạt cảm xúc của bạn mà chỉ đang cho mình một cơ hội để hạ nhiệt, nhờ đó xử lý tình huống một cách hiệu quả hơn. Khi cảm thấy thoải mái hơn, bạn có thể quay trở lại giải quyết tình hình với một cái đầu tỉnh táo.
3.4. Nghĩ thoáng ra
Hầu hết mọi người trong cuộc sống của bạn không cố tình làm cho tâm trạng của bạn tồi tệ. Một số hành động hoặc lời nói của họ khiến bạn khó chịu, thậm chí có thể là vô tình hoặc do một yếu tố nào đó mà bạn không biết. Đôi khi bạn cũng có thể hiểu sai, hiểu lầm về hành vi hoặc ý định của ai đó.
3.5. Giao tiếp
Khi hành động của người khác kích hoạt cảm xúc con người của bạn, việc nói chuyện thẳng thắn, cởi mở với họ có thể giúp bạn tránh tình huống tương tự trong tương lai. Hãy dành một phút để tìm lại sự bình tĩnh của bạn, sau đó thử sử dụng các kỹ năng giao tiếp lành mạnh và lịch sự để giải quyết tình huống.
3.6. Thiền chánh niệm
Nghiên cứu từ năm 2019 cho thấy thiền chánh niệm có thể giúp cải thiện khả năng xử lý và điều chỉnh cảm xúc con người của bạn. Các loại thiền khác cũng có thể giúp bạn học cách tập trung nhận thức của con người và tìm thấy sự bình tĩnh bên trong, ngay cả khi đối mặt với những tình cảnh khó khăn hoặc không mong muốn.
3.7. Xác định các mối quan hệ độc hại
Việc kiểm soát được các yếu tố kích thích cảm xúc hay không phần lớn nằm ở bạn. Những người khác không chịu trách nhiệm về phản ứng của bạn. Mối quan hệ lành mạnh sẽ đi kèm với tôn trọng lẫn nhau, trong khi đó mối quan hệ mà cảm xúc của bạn thường xuyên bị coi thường sẽ gây hại cho bạn nhiều hơn.
3.8. Viết nhật ký tâm trạng
Thường xuyên theo dõi cảm xúc của mình trong nhật ký có thể giúp bạn nhận ra các yếu tố kích thích cảm xúc và thời điểm mình dễ bị tổn thương. Có thể bạn sẽ nhận thấy rằng mình thấy khá dễ giữ bình tĩnh khi sếp phê bình, nhưng không thể bình tĩnh khi cảm thấy người bạn đời không muốn dành thời gian cho mình.
3.9. Nói chuyện với một chuyên gia
Chuyên gia nhà trị liệu tâm lý có thể giúp bạn thực hành các chiến lược giao tiếp hiệu quả hơn để thể hiện cảm xúc trong mọi tình huống; cũng như hướng dẫn và hỗ trợ bạn chữa lành nội tâm.
Đôi khi dù đã xác định được các yếu tố kích hoạt cảm xúc con người của mình, bạn vẫn không thể trốn tránh hoặc thoát khỏi mọi tình huống khó khăn. Do đó những cảm xúc khó chịu vẫn sẽ thỉnh thoảng xuất hiện. Cách tốt nhất là chuẩn bị tinh thần để đối phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của bạn.
- Điều gì làm bạn tức giận?
- Cách xử lý khi bị từ chối
- Điều gì xảy ra với não bộ khi bạn thiền?