Mục lục
Bé nôn trớ khi ăn là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Nếu không được quan tâm kịp thời có thể dẫn tới nhiều hậu quả đáng tiếc, nhất là làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Vì vậy, việc tìm cách tập cho bé ăn mà không xảy ra tình trạng nôn trớ là vô cùng cần thiết.
1. Nguyên nhân bé nôn trớ khi ăn
Phần lớn trẻ mới tập ăn sẽ xảy ra nôn trớ. Tình trạng bé nôn trớ khi ăn kéo dài có thể do vấn đề về đường tiêu hoá hay đường hô hấp,... cụ thể như sau:
- Thực phẩm không sạch, không đảm bảo chất lượng hay sơ chế không đúng cách khiến trẻ bị ngộ độc thực phẩm
- Virus nhiễm khuẩn gây bệnh, tấn công vào dạ dày của trẻ
- Nhiễm trùng đường ruột, hệ tiêu hoá bị tắc nghẽn
- Trẻ bị cảm lạnh, bị ho hay nhiễm trùng đường hô hấp.
Tuy nhiên không phải lúc nào bé hay nôn ọe cũng quy về bị bệnh lý, mà cũng có thể là do vùng họng và dạ dày có phản xạ nhạy cảm. Ngoài ra cũng có thể kể đến nguyên nhân khách quan như phụ huynh cho trẻ ăn và chế biến các thực phẩm sai cách.
Có một vài dấu hiệu sẽ cảnh báo tình trạng sức khỏe của con đang gặp vấn đề, mẹ cần lưu ý khi thấy:
- Bé hay nôn ọe ra dịch màu vàng, màu xanh hoặc kèm theo máu
- Cơ thể tím tái, hơi thở khó khăn
- Tình trạng nôn kèm theo ho kéo dài, tăng cân chậm.
Xem ngay: Nôn trớ và cách xử lý nôn trớ ở trẻ
2. Phân biệt trẻ khó nhai, nuốt và nhạy cảm do phản xạ oẹ
Một số phụ huynh khi thấy con nôn oẹ thường nghĩ ngay rằng con khó nuốt thức ăn. Nhưng bé hay nôn ọe do hay cảm hoặc khó nhai/ nuốt là hoàn toàn khác nhau:
- Trẻ có phản xạ oẹ nhạy cảm sẽ nôn trớ khi thức ăn vẫn còn trong miệng và chưa được nhai, lúc này con đang tìm cách để nuốt thức ăn. Trẻ có thể oẹ khi thức ăn còn đang ở đầu, giữa hay cuối lưỡi.
- Nếu gặp khó khăn về nhai nuốt, trẻ có thể nôn khi đã nuốt thức ăn hoặc bị nghẹn. Do mới tập ăn, khi gặp những mẩu thức ăn lớn trẻ sẽ không thể xử lý tốt nên được dẫn đến tình trạng nôn oẹ. Tình trạng này thường xảy ra ở những bé mới tập ăn dặm. Ngoài ra, trẻ phát triển chậm cũng thường chậm biết nhai.
3. Cách xử lý khi bé bị nôn trớ
- Nếu bé nôn trớ khi ăn, các mẹ nên chuẩn bị một chiếc khăn ướt và yếm ăn cho bé để tránh thức ăn vấy lên quần áo, cơ thể trẻ. Cha mẹ nên lau rửa sạch sẽ cho trẻ khi bị nôn trớ ra quần áo hay cơ thể. Khi trẻ đang nôn trớ không nên xốc, bế trẻ lên sẽ khiến dịch đi ngược vào phổi, ảnh hưởng đến sức khoẻ trẻ.
- Khi trẻ nôn trớ mẹ không nên cáu gắt, lớn tiếng để tránh làm con sợ hãi. Đồng thời, mẹ cũng nên vuốt nhẹ ở ngực hoặc lưng theo hướng từ trên xuống dưới nhằm giúp bé dễ chịu và an ủi con quên đi cảm giác sợ hãi do nôn trớ gây ra.
- Để hạn chế trẻ nôn trớ khi nằm bú sữa, mẹ nên kê phần đầu của con cao hơn phần thân dưới. Nếu trẻ nôn ra với số lượng lớn nên cho bé nằm nghiêng về một phía để tránh dịch tràn vào phổi, nhanh chóng rửa sạch và thay quần áo nhằm loại bỏ mùi làm con khó chịu, quấy khóc.
- Sau khi nôn xong các bậc phụ huynh không nên cho con ăn thêm mà có thể uống nước hoặc sữa bởi con vừa mất một lượng lớn nước. Nên cho con uống từ từ, từng ngụm nhỏ để tránh bị nghẹn.
- Khoảng 12 - 24 giờ sau khi nôn, mẹ nên cho trẻ ăn những loại thực phẩm dễ tiêu hóa nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng.
Xem ngay: Bé nôn trớ nhiều có thể bổ sung men vi sinh được không?
4. Cách khắc phục khi trẻ nôn oẹ
Đối với trẻ phản xạ oẹ nhạy cảm, bố mẹ có thể hỗ trợ con bằng cách:
- Hạn chế những món ăn thô ráp để miệng và họng bé có thể tập làm quen, dần giảm bớt độ nhạy cảm
- Tránh để thức ăn mịn lẫn lộn với thức ăn vón cục vì đây là thứ khó chịu nhất đối với trẻ. Con sẽ cảm giác sợ hãi khi đang cảm nhận thức ăn mịn màng thì xuất hiện các cục cứng, tạo ra sự bất ngờ và phản xạ nôn oẹ.
Để giúp bé chấp nhận thức ăn thô, các chuyên gia khuyên bố mẹ nên:
- Tập cho bé ăn những thực phẩm thô đồng đều. Ví dụ như bạn có thể xay một ít khoai lang thô nhưng không được lẫn cục cứng, hoặc thêm một ít vụn bánh quy. Cách này có thể cho trẻ tập làm quen với thức ăn thô, kém mịn màng nhưng không gây bất ngờ và sợ hãi. Khi trẻ quen dần thì các mẹ có thể tăng số lượng cũng như độ đặc của thức ăn.
- Cho con tự cầm muỗng xúc thức ăn nếu con có khả năng làm được. Khi trẻ tự ăn thì sẽ có cảm giác an tâm hơn và ít xảy ra sự cố.
- Bé có thể đã sẵn sàng thử các thực phẩm cứng nhưng dễ tan trong miệng như bánh quy ăn dặm, cho vào miệng là giòn tan không vón cục cứng.
- Tập đánh răng cũng là một trong những biện pháp làm giảm độ phản xạ nhạy cảm ở trẻ.
- Nếu bé thích ngậm đồ trong miệng thì mẹ nên chọn mua cho con những dụng cụ ngậm chuyên dùng cho trẻ mọc răng, đa dạng về kiểu mẫu. Đồng thời, nên thường xuyên vệ sinh, cọ rửa sạch để con có thể chơi an toàn.
Ngoài ra, mẹ cũng nên bổ sung các men vi sinh, cùng các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, hạn chế nôn ọe, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cũng theo các chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
Tóm lại, để cải thiện tình trạng nôn oẹ khi ăn, bố mẹ nên tập cho bé ăn những loại thức ăn thô ráp dần và điều chỉnh tư thế ăn uống đúng cách. Tránh tình trạng bé nôn trớ khi ăn cũng là giúp con hấp thụ tốt các chất dinh dưỡng và cải thiện đường tiêu hoá.
- Probiotics là gì?
- 9 cách để tăng cường phòng thủ tự nhiên của cơ thể bạn
- Uống nhiều nước và các cách khác làm mềm phân tự nhiên