Mục lục
Các thành phần dinh dưỡng, khả năng vận động, môi trường sống, giấc ngủ... là những yếu tố quan trọng quyết định chiều cao của trẻ. Do đó, để tăng chiều cao cho trẻ một cách tối ưu, hiệu quả nhất, cha mẹ nên tìm hiểu các cách tăng chiều cao tối đa cho trẻ và có thể áp dụng trong các trường hợp trẻ không có di truyền chiều cao tốt.
1. Sự hình thành và phát triển bộ xương của con người
Ở những trẻ mới được sinh ra, bộ xương sẽ được phân chia thành 3 phần cơ bản là xương đầu, xương thân và xương chi. Trong đó bao gồm 4 loại xương là xương dài, xương ngắn, xương dẹt và xương hình dạng bất định. Giữa các xương có phần tiếp giáp lẫn nhau được gọi là các khớp.
Ở trẻ sơ sinh, đa phần các xương cấu tạo bằng chất liệu sụn và trong quá trình phát triển các chất sụn dần dần chuyển đổi thành các xương rắn chắc thông qua tiến trình cốt hóa.
Sự phát triển của xương trải qua các quá trình sau:
- Xương to ra về chiều ngang là nhờ sự phân chia của các tế bào màng xương để tạo ra tế bào mới, đẩy các tế bào cũ vào phía trong trong rồi hóa xương;
- Xương dài ra thông qua quá trình phân bào của các sụn tăng trưởng (còn gọi là điểm cốt hóa xương).
Các điểm cốt hóa ban đầu bản chất là tổ chức sụn không cản quang và từ từ được cốt hóa mới xuất hiện trên phim chụp X quang. Với mỗi sụn tăng trưởng sẽ có thời điểm cốt hóa khác nhau trong tuổi đời của mỗi người.
Chiều cao trẻ tăng trưởng khi các xương phát triển ngày càng dài và to ra. Đối với các xương dài, sự tăng trưởng này diễn ra chậm và không xảy ra trên toàn bộ chiều dài xương mà chỉ gặp là ở hai đầu xương do sự phân bào của các sụn tăng trưởng.
Đặc biệt ở tuổi dậy thì, sự phát triển chiều cao sẽ đột phá ở cả nam và nữ. Sau đó đến độ tuổi thanh niên, sự phát triển của xương diễn ra chậm lại và cuối cùng không phát triển dài ra nữa. Nguyên nhân là vì các sụn tăng trưởng không còn khả năng cốt hóa nên chiều cao trẻ không tăng thêm.
Xem ngay: Chế độ ăn tăng chiều cao cho trẻ dậy thì
2. Những cách tăng chiều cao tối đa cho trẻ từ nhỏ
Yếu tố di truyền góp phần rất quan trọng trong việc định hình chiều cao ở trẻ, tuy nhiên đây lại là yếu tố không thể thay đổi, vì vậy bố mẹ cần tập trung vào các yếu tố khác giúp tăng chiều cao cho trẻ bao gồm:
2.1. Chú ý các thực phẩm tăng chiều cao cho bé
Dinh dưỡng chính là yếu tố quan trọng quyết định đến sự tăng trưởng chiều cao ở trẻ (tỷ lệ ảnh hưởng lên đến 32%). Do đó, bắt đầu từ thời kỳ mang thai và tiếp diễn đến khi cho con bú, chế độ dinh dưỡng của mẹ phải đầy đủ các loại thực phẩm tăng chiều cao cho bé (trong đó đặc biệt chú ý đến chất đạm), bổ sung vi chất cho trẻ đầy đủ (bao gồm sắt, i-ốt, canxi, phospho), axit folic, vitamin D, các axit béo không no...
Trẻ sau sinh cần được bú mẹ hoàn toàn, tối thiểu trong 6 tháng đầu tiên vì sữa mẹ là nguồn cung cấp dồi dào canxi tốt cho sự phát điên của xương, với ưu điểm dễ hấp thu nên canxi trong sữa mẹ rất hiệu quả để tăng chiều cao cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng của bé cần được xây dựng một cách khoa học dựa theo độ tuổi và khẩu phần ăn thích hợp, đặc biệt chú ý vấn đề bổ sung vi chất cho trẻ. Tình trạng cung cấp không đủ các dưỡng chất quan trọng thiết yếu là yếu tố dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc ngược lại cung cấp quá nhiều lại gây thừa cân, béo phì.
Bữa ăn của bé nên được chế biến với đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm tinh bột (có trong cơm, bánh mì, khoai, ngô...), chất đạm (có trong thịt, cá, trứng, đậu phụ...), chất béo (dầu mỡ, sữa và các chế phẩm từ sữa...) và các loại vitamin và khoáng chất. Trong đó nhu cầu từng nhóm chất như sau:
- Chất đạm: Nhu cầu bổ sung chất đạm ở những trẻ độ tuổi dậy thì cao hơn ở người trưởng thành. Bên cạnh khả năng phát triển cơ bắp, chất đạm là thành phần giúp hình thành, phát triển các nội tiết tố về giới tính. Nhu cầu chất đạm mỗi ngày cho trẻ là khoảng 70 đến 80g thông qua các loại thực phẩm như đậu, tôm, cua, trứng...
- Tinh bột: Tinh bột là chất dinh dưỡng thiết yếu để tạo ra năng lượng phục vụ các hoạt động của cơ thể, nhu cầu tinh bột mỗi ngày cần cung cấp từ 300 đến 400g.
- Chất béo: Chất béo là dung môi hòa tan một số các vitamin tan trong dầu và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển thể chất và hệ xương khớp. Mỗi ngày trẻ cần được cung cấp từ 50 đến 60g chất béo, trong đó quan trọng là những chất béo có nguồn gốc thực vật.
Vitamin và khoáng chất: Bên cạnh 3 nhóm chất trên, cha mẹ cần chú ý bổ sung vi chất cho trẻ. Trong đó, các loại thực phẩm tăng chiều cao cho bé thường phải dồi dào canxi (có trong tôm cua, đậu phụ, các loại rau màu xanh đậm, sữa và các chế phẩm từ sữa...). Tuy nhiên, để quá trình hấp thụ và sử dụng canxi hiệu quả, cha mẹ nên bổ sung cho con trẻ đủ lượng vitamin D cần thiết.
2.2. Cho con vận động thường xuyên để tăng chiều cao cho trẻ
Vận động vừa phải, phù hợp với thể trạng giúp kéo dài các cơ và giúp xương chắc khỏe. Do đó, để trẻ vận động thường xuyên là một cách tăng chiều cao tối đa cho trẻ. Bên cạnh đó, vận động kích thích cơ thể sản xuất nhiều hormone tăng trưởng GH nên rất có lợi trong việc tăng chiều dài xương, kích thích sụn tăng trưởng phát triển.
Đặc biệt, sau thời gian vận động phù hợp, cơ thể của trẻ còn được giải phóng năng lượng, từ đó kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn, giấc ngủ chất lượng hơn và cơ thể phát triển toàn diện hơn.
Lưu ý những trẻ dưới 3 tuổi, cha mẹ nên khuyến khích bé tham gia các trò vận động tay chân. Với bé lớn hơn, cha mẹ dần tập cho bé chuyển sang các môn thể thao kích thích tăng chiều cao như bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ... từ 30 đến 60 phút mỗi ngày.
2.3. Giấc ngủ cũng góp phần tăng chiều cao cho trẻ
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và mức độ vận động, một số thói quen hằng ngày có thể có ảnh hưởng nhất định đến quá trình tăng chiều cao cho trẻ, trong đó đặc biệt nhất chính là giấc ngủ.
Hệ xương của trẻ nhỏ phát triển mạnh mẽ khi ngủ, đặc biệt là những giấc ngủ từ 22 giờ đêm đến 4 giờ sáng, đạt đỉnh cao nhất lúc 0 giờ. Sở dĩ như vậy là do đây là những thời điểm mà hormone tăng trưởng (GH) được bài tiết nhiều nhất. Do đó, cách tăng chiều cao tối đa cho trẻ đơn giản nhất là tập thói quen ngủ sớm, trước 21 giờ với trẻ chưa đi học và trước 22 giờ với trẻ đã đi học. Để con có được giấc ngủ chất lượng, cha mẹ nên lưu ý đến không gian phòng ngủ, đảm bảo yên tĩnh, thoáng mát, sạch sẽ.
Một thói quen rất xấu hiện nay là việc lạm dụng các thiết bị điện tử. Nếu xảy ra vào ban đêm có thể khiến bé mất ngủ và ức chế tiết hormone tăng trưởng chiều cao.
2.4. Tạo môi trường sống tốt giúp tăng chiều cao cho trẻ
Cha mẹ tránh để trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị điện tử vì vừa có thể gây nghiện vừa gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tăng chiều cao cho trẻ. Thay vào đó cha mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ học tập và vui chơi ngoài trời với các hoạt động bổ ích.
Bên cạnh đó, một cách tăng chiều cao tối đa cho trẻ dễ dàng áp dụng là tạo môi trường sống vui vẻ, hạnh phúc, không khí trong lành cho con trẻ. Khi đó, bố mẹ cần hạn chế hoặc không hút thuốc lá hay sử dụng các chất kích thích, hạn chế căng thẳng, xung đột gia đình, quan tâm trẻ bằng tình yêu thương thay vì la mắng, đòn roi.
Theo nghiên cứu, những trẻ sinh ra và lớn lên trong môi trường thoải mái, không bạo lực gia đình hay ức chế tâm lý sẽ phát triển chiều cao tự nhiên tốt hơn.
Bên cạnh đó, ở những trẻ tuổi dậy thì, cha mẹ nên lắng nghe những chia sẻ khi con trẻ gặp phải vấn đề đặc biệt và từ đó đưa ra những lời khuyên hợp lý nhất. Đây không những là cách tăng chiều cao tối đa cho trẻ mà còn giúp chúng phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
2.5. Cải thiện tư thế
Các thói quen về tư thế chuẩn từ nhỏ rất quan trọng trong việc hình thành vóc dáng lý tưởng của trẻ sau này. Trẻ ngồi sai tư thế khi học bài, đeo vác cặp xách quá nặng sẽ ảnh hưởng đến xương khớp, gây cong vẹo cột sống, gù lưng... đây đều là những yếu tố dẫn đến khó phát triển chiều cao ở trẻ.
Bố mẹ nên lưu ý điều chỉnh tư thế đứng của con trong các hoạt động thường ngày, luyện cho trẻ đứng thẳng, ngồi thẳng để tạo nên những thói quen tốt ngay từ khi trẻ còn nhỏ.
Xem ngay: Cân nhắc khi dùng liệu pháp hormone tăng chiều cao cho trẻ
3. Một số quan niệm sai lầm về việc tăng chiều cao cho trẻ
Mỗi đứa trẻ đều có các mốc trưởng thành và phát triển khác nhau. Chế độ ăn uống quá kiêng khem ở lứa tuổi thanh thiếu niên không được khuyến khích, vì đây chính là giai đoạn cần nguồn dinh dưỡng thiết yếu nhất để tăng trưởng chiều cao. Nếu trong giai đoạn phát triển trẻ có tăng cân thì cha mẹ đừng vội áp dụng các biện pháp ăn kiêng khắt khe mà hãy hỏi ý kiến bác sĩ để xây dựng thực đơn ăn uống phù hợp.
Hiện nay có rất nhiều thuốc hoặc thực phẩm chức năng được quảng cáo với công dụng giúp tăng chiều cao cho trẻ, tuy nhiên hầu hết các thuốc tăng chiều cao cho trẻ đều chứa thành phần chính là Canxi, vitamin D3, vitamin K2. Ngoài ra một số loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng còn có thành phần hormone tăng trưởng cân hết sức lưu ý khi dùng.
Hormone tăng trưởng (GH) do thùy trước tuyến yên tiết ra, hormon này giúp kích thích quá trình tăng trưởng của các tế bào, làm tăng kích thước và kích thích quá trình phân bào... quá trình này được cơ thể tự điều hòa theo từng giai đoạn phát triển. Do đó các thuốc chứa hormone tăng trưởng được chỉ định trong một số bệnh, trong đó có làm tăng chiều cao cho trẻ tuổi đang lớn có chiều cao khiêm tốn nhưng có nồng độ GH máu thấp khi xét nghiệm, tuy nhiên chỉ sử dụng ở mức rất hạn chế.
Với những trẻ có chiều cao khiêm tốn nhưng nồng độ GH máu bình thường thì dùng thuốc chứa hormone tăng trưởng không có hiệu quả mà còn tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ nếu dùng với liều cao hoặc kéo dài: giữ nước, phù, sưng ngón tay, to vú (gặp ở bé trai), nhức đầu, ngủ gà, sưng đau khớp, đầy bụng. Nếu dùng thuốc chứa hormone tăng trưởng lâu dài ở người đã hết thời kỳ phát triển có thể gây ra chứng to đầu chi, tăng tần suất bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, tăng nguy cơ xuất hiện các khối u ác tính ở đường tiêu hóa...
Do đó không phải thuốc chứa hormone tăng trưởng đều tốt và có tác dụng tăng chiều cao cho trẻ, bố mẹ cần tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng nào cho con trẻ. Đặc biệt bố mẹ không tự ý dùng hormone tăng trưởng cho trẻ mà không có chỉ định của bác sĩ.
Khi đến giai đoạn sụn tăng trưởng đã biến thành xương, không xảy ra quá trình cốt hóa, lúc này trẻ đã hết phát triển chiều cao, các thực phẩm tăng chiều cao cho trẻ không còn hiệu quả và chỉ có thể làm tăng chiều cao bằng phương pháp phẫu thuật kéo dài chân.
Ngoài ra, để giúp trẻ phát triển chiều cao ở "giai đoạn vàng", cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Chế độ ăn tăng chiều cao cho trẻ dậy thì
- Làm thế nào để tăng chiều cao: 6 yếu tố quyết định
- 22 tuổi cao 1m46 tiêm thuốc gì để tăng chiều cao?