Mục lục
Trẻ 2 tuổi là độ tuổi bé có những bước tăng trưởng nhảy vọt về chiều cao. Vì vậy mà các bậc cha mẹ thường đặt ra câu hỏi “Làm sao để tăng chiều cao ở trẻ 2 tuổi?”. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi trên.
1. Sự phát triển chiều cao ở trẻ diễn ra như thế nào?
Sự tăng chiều cao ở trẻ em diễn ra khi bộ xương của trẻ dài và to ra. Phần lớn các xương ở trẻ sơ sinh được tạo nên từ chất sụn, theo sự phát triển của trẻ chất sụn này dần dần biến thành xương. Sự phát triển này được gọi là quá trình tiến cốt hóa.
Sự phát triển của xương theo chiều ngang sẽ làm xương to ra, quá trình này nhờ vào tế bào màng xương phân chia tạo ra những tế bào mới, tế bào mới đẩy tế bào cũ vào trong tạo thành xương. Sự phát triển của xương theo chiều dài nhờ vào quá trình phân hóa ở sụn tăng trưởng được gọi là các điểm cốt hóa của xương. Đối với xương dài, các điểm cốt hóa này nằm ở đầu xương và khi trưởng thành sẽ cốt hóa và hòa nhập với thân xương. Đối với các xương ngắn và xương dẹt thì đều có sụn tăng trưởng là các phần sụn bao bọc xung quanh.
Sự tăng chiều cao của trẻ dựa trên quá trình to và dài ra của xương như sau:
- Các xương dài phát triển không diễn ra trên toàn bộ chiều dài của xương mà chủ yếu là ở hai đầu xương do sự phát triển của sụn tăng trưởng, đặc biệt là các vị trí đầu xương ở gần khớp cổ tay, gối, và vai. Quá trình phát triển diễn ra từ trẻ sơ sinh cho đến khi trưởng thành và mức độ phát triển sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.
- Sự phát triển chiều cao của trẻ sẽ giảm dần khi bước vào độ tuổi thanh niên, khi đó sụn tăng trưởng ở đầu xương không còn khả năng hóa xương do đã biến đổi thành xương. Vì vậy, chiều cao của trẻ ở độ tuổi này sẽ ít tăng lên nữa và phim chụp XQ của xương sẽ không thấy hình ảnh sụn tăng trưởng ở đầu xương nữa.
2. Sự phát triển chiều cao ở trẻ 2 tuổi
Các nghiên cứu chỉ ra rằng giai đoạn trẻ từ 2 đến 6 tuổi, là độ tuổi bé có những bước tăng trưởng nhảy vọt về chiều cao.
Theo đó, trẻ 2 tuổi có chiều cao khoảng 85cm ở bé trai và 86cm ở bé gái, giai đoạn này chiều cao của trẻ sẽ tăng trưởng từ 7cm đến 10cm mỗi năm và đạt chiều cao 105cm ở bé trai và 110cm ở bé gái khi bước qua tuổi lên 5. Vậy nên, việc sử dụng các biện pháp giúp tăng chiều cao ở trẻ 2 tuổi nên được các bậc cha mẹ thực hiện để giúp con có chiều cao đạt chuẩn so với độ tuổi.
3. Cách tăng chiều cao ở trẻ 2 tuổi
Chiều cao của trẻ tăng trưởng nhiều nhất vào 3 giai đoạn phát triển là thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn tiền dậy thì.
Bên cạnh đó, chiều cao của trẻ còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như yếu tố di truyền, dinh dưỡng, hoạt động thể chất, môi trường sống...Vì vậy để giúp trẻ phát triển chiều cao, cha mẹ cần dựa vào 3 giai đoạn phát triển chiều cao và tác động vào các yếu tố chính liên quan chiều cao của trẻ. Theo đó, tăng chiều cao ở trẻ 2 tuổi là giai đoạn vàng để phát triển chiều cao cho trẻ. Cùng với đó, cha mẹ nên dựa vào các yếu tố tác động đến chiều cao sau:
3.1 Yếu tố dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn không chỉ đến chiều cao mà còn cả về phát triển thể chất của trẻ. Việc bổ sung dinh dưỡng cần được thực hiện khi mẹ đang mang thai. Giai đoạn 6 tháng đầu sau sinh, các mẹ nên cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ giúp bé tăng trưởng chiều cao tốt hơn. Giai đoạn trẻ bắt đầu tập ăn, cha mẹ cần bổ sung vào bữa ăn của trẻ đầy đủ nhóm chất dinh dưỡng là vitamin, đường, đạm, khoáng chất và phong phú về mặt thực phẩm.
Sự phát triển xương ở trẻ em nhờ vào quá trình chuyển từ sụn thành xương. Quá trình này cần nguyên liệu là phospho, canxi và các yếu tố hoạt hóa, vận chuyển như vitamin D, vitamin K2, osteocalcin, calcitriol...Vì vậy, các bậc cha mẹ nên xây dựng chế độ dinh dưỡng cho trẻ chứa các dưỡng chất và vitamin trên. Một số thực phẩm giúp tăng chiều cao ở trẻ như sau:
- Sữa và các sản phẩm từ sữa giúp tăng chiều cao: Sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua giúp cung cấp canxi, protein là hai dưỡng chất quan trọng giúp trẻ phát triển chiều cao và có hệ xương chắc khỏe. Bên cạnh đó, vitamin A trong sữa giúp trẻ hấp thu canxi tốt hơn. Vì vậy, các mẹ nên cho trẻ uống từ 2 đến 3 ly sữa mỗi ngày.
- Rau củ quả và trái cây tươi: Đây là các loại thực phẩm rất quan trọng đối với sự phát triển chiều cao của trẻ. Các loại trái cây như bông cải, cà rốt, đu đủ, cải thìa.. không những giàu chất xơ mà còn cung cấp Canxi và Kali giúp tăng chiều cao và giúp cho trẻ có hệ cơ xương tốt hơn. Các loại trái cây có múi như cam, quýt chứa nhiều vitamin C, loại vitamin đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp collagen giúp củng cố mật độ và độ chắc của xương.
- Ngũ cốc: Loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ, sắt, vitamin, magie giúp cho sự phát triển của trẻ. Ngũ cốc là nguồn năng lượng lành mạnh và chứa rất nhiều calories có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ như gạo lứt, lúa mì, mì ống...
- Trứng: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 100g trứng gà có chứa 10,8g protein và trung bình trong một quả trứng có chứa 2,7 g protein từ lòng đỏ và 3,6 g protein từ lòng trắng. Cùng với đó, lòng đỏ trứng còn cung cấp nhiều chất béo, vitamin, khoáng chất... là những chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong sự phát triển chiều cao của trẻ.
- Cá: Là một trong những loại thức ăn tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ. Các loại cá như cá hồi, cá ngừ chứa nhiều vitamin D và Kali... là những chất dinh dưỡng cần thiết để tăng trưởng chiều cao.
Mỗi loại thực phẩm đều chứa chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất khác nhau. Vì vậy cha mẹ nên thay đổi thực phẩm, cân bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và phù hợp với trẻ để đem lại hiệu quả tốt trong quá trình phát triển của trẻ.
3.2 Hoạt động thể chất
Hoạt động thể chất có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển chiều cao của trẻ. Vận động giúp kích thích hệ cơ xương khớp phát triển và giảm nguy cơ bị các bệnh tim mạch ở trẻ nhỏ. Theo đó, các bậc cha mẹ nên tạo thói quen tập luyện thể dục cho trẻ từ khi còn nhỏ với các bài tập phù hợp với từng độ tuổi như yoga, bơi, đu xà, các trò chơi leo trèo..
3.3 Tư thế sinh hoạt đúng
Tư thế sinh hoạt sai như tập thể dục sai cách, mang cặp sách nặng, ngồi sai tư thế... sẽ ảnh hưởng đến cột sống của trẻ. Vì vậy, cha mẹ nên tạo thói quen và thường xuyên nhắc nhở trẻ ngồi thẳng lưng khi học, tập thể thao đúng tư thế...
3.4 Ngủ đủ giấc và đúng giờ
Ngủ đủ giấc, đúng giờ là một phần rất quan trọng vì hormone tăng trưởng tiết ra nhiều vào ban đêm. Ngủ ngon giấc giúp hấp thu canxi, kích thích xương dài ra và phát triển thể chất toàn diện. Theo đó, cha mẹ nên tạo thói quen đi ngủ sớm cho trẻ và giấc ngủ ít nhất phải 8 giờ trong một đêm.
3.5 Tắm nắng và vui chơi ngoài trời
Tăng chiều cao cho trẻ 2 tuổi bằng cách cho trẻ tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời và cho trẻ tắm nắng vào thời điểm thích hợp. Nguồn vitamin D từ nhiên từ ánh nắng mặt trời giúp phát triển hệ cơ xương và tăng trưởng chiều cao ở trẻ. Vitamin D từ ánh nắng mặt trời còn là chất xúc tác giúp cơ thể hấp thu canxi từ thức ăn, từ đó hỗ trợ cho sự phát triển của xương.
Như vậy, tăng chiều cao ở trẻ 2 tuổi là sự kết hợp của chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt và vận động phù hợp. Bên cạnh đó sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của cha mẹ sẽ là yếu tố quan trọng giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.
Ngoài ra, để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa... bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),...
Cũng theo các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
- Những thời điểm vàng để giúp con tăng chiều cao
- Con bị lùn, cải thiện chiều cao bằng cách nào?
- Thực phẩm tăng cường sức khỏe: Lợi ích và rủi ro