Mục lục
Dinh dưỡng, các vấn đề môi trường, bệnh mạn tính và bệnh lý mạn tính là các yếu tố có thể ảnh hưởng đến chiều cao và sự phát triển của trẻ. Ở trẻ nhỏ, chậm tăng chiều cao thường là hậu quả của chế độ dinh dưỡng phù hợp. Vậy muốn bé tăng chiều cao thì cha mẹ cần phải làm gì?
1. Tổng quan về chiều cao của bé 1-3 tuổi
Khi lên 3 tuổi, hầu hết trẻ mới biết đi, tăng khoảng 1,8 kg và cao hơn khoảng 5 đến 8 cm. Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi rất năng động, thích các hoạt động ngoài trời, đồng thời học hỏi thế giới xung quanh theo những cách rất hữu ích. Chúng yêu thích việc chạy nhảy xung quanh, khám phá mọi thứ và học thêm các kỹ năng mới, chẳng hạn như đá bóng và đi xe ba bánh.
Một đứa trẻ khỏe mạnh sẽ duy trì được tốc độ phát triển đều đặn. Bác sĩ sẽ đo chiều cao và cân cho con bạn khi khám sức khỏe định kỳ và ghi lại kết quả trên biểu đồ tăng trưởng. Điều này cho phép bác sĩ theo dõi sự phát triển của con bạn theo thời gian và phát hiện sớm bất kỳ xu hướng phát triển bất thường nào cần chú ý.
Tốc độ phát triển chiều cao của trẻ từ 1 đến 3 tuổi khá nhanh. Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, chiều cao trung bình theo tuổi của một đứa trẻ bình thường là:
- Trẻ 1 tuổi cao khoảng 74 cm
- Trẻ 2 tuổi cao khoảng 85 cm
- Trẻ 3 tuổi cao khoảng 94 cm
Mặc dù các biểu đồ chiều cao là công cụ để đánh giá sự phát triển của trẻ, nhưng rất khó xác định chiều cao "bình thường" trong từng độ tuổi. Ví dụ, những bậc cha mẹ thấp thường sinh con thấp hơn, trong khi những bậc cha mẹ cao có xu hướng sinh con cao hơn. Bạn có thể lo lắng nếu con bạn không cao như các bạn cùng lứa tuổi, nhưng câu hỏi quan trọng hơn là liệu con bạn có đang tiếp tục phát triển với tốc độ bình thường hay không.
Ví dụ, nếu tốc độ phát triển của trẻ gần đây đã chậm lại, bác sĩ có thể vẽ biểu đồ biểu thị chiều cao của trẻ trong một vài tháng để xem liệu đây có phải là một vấn đề sức khỏe có thể xảy ra hay chỉ là một biến thể của quá trình phát triển bình thường.
Trong nhóm các trẻ khỏe mạnh, hầu hết những trẻ em có tốc độ phát triển tốt nhưng có chiều cao nằm dưới đường phân vị thứ 5 trên biểu đồ tăng trưởng thường do các nguyên nhân sau:
- Yếu tố di truyền. Những đứa trẻ này được thừa hưởng gen có vóc dáng thấp bé từ cha mẹ của chúng. Thông thường một hoặc cả hai cha mẹ và những người thân khác trong gia đình cũng có chiều cao thấp hơn trung bình. Mặc dù thấp hơn mức trung bình, những đứa trẻ này vẫn phát triển với tốc độ bình thường và khỏe mạnh, không có triệu chứng của các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển. Nhìn chung, những đứa trẻ này sẽ bước vào tuổi dậy thì với lứa tuổi trung bình như bạn bè và sẽ đạt được chiều cao cuối cùng khi trưởng thành tương tự như của cha mẹ chúng. Không có phương pháp điều trị nào được khuyến nghị hoặc được biết là có hiệu quả rõ ràng trong việc tăng chiều cao ở người trưởng thành.
- Thể chậm phát triển thể chất hay dậy thì muộn. Mặc dù đạt được kích thước trung bình trong giai đoạn sơ sinh, những đứa trẻ này thường trải qua một giai đoạn tăng trưởng chậm hơn trung bình vào khoảng thời gian 6 tháng đến 2 tuổi, khiến các chỉ số của chúng thấp hơn trên biểu đồ tăng trưởng. Sau khoảng 2 hoặc 3 tuổi, trẻ em bị chậm phát triển thể chất sẽ phát triển với tốc độ chậm hơn bình thường cho đến khi chúng đến tuổi dậy thì và trải qua sự phát triển vượt bậc ở độ tuổi muộn hơn so với hầu hết các thanh thiếu niên khác. Bởi vì chúng bắt đầu dậy thì muộn hơn và sẽ tiếp tục phát triển sau khi hầu hết các thanh thiếu niên đã dừng lại, do đó "bắt kịp" với các bạn đồng trang lứa về chiều cao cuối cùng ở tuổi trưởng thành.
2. Muốn bé tăng chiều cao, bố mẹ nên làm gì?
Giúp trẻ phát triển và tăng trưởng bình thường là mong muốn của nhiều bố mẹ. Chiều cao của trẻ là một trong những chỉ số phản ánh sự phát triển và sức khỏe tổng thể của trẻ, được quyết định bởi sự phối hợp đồng thời nhiều yếu tố bao gồm chế độ dinh dưỡng tốt, ngủ nhiều và vận động thường xuyên. Ngày nay, suy dinh dưỡng nghiêm trọng là vấn đề ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của trẻ em từ 1 đến 3 tuổi, phổ biến ở các quốc gia nghèo và kém phát triển. Ở Hoa Kỳ và các nước phát triển, chiều cao của trẻ chỉ bị ảnh hưởng khi một đứa trẻ không may mắc các bệnh lý mãn tính hoặc các rối loạn liên quan. Bên cạnh đó, sự phát triển chiều cao của con bạn phần lớn được xác định bởi di truyền. Gen có tiếng nói quan trọng trong việc xác định chiều cao của trẻ. Việc thúc ép trẻ ăn thêm hoặc uống bổ sung nhiều hơn các loại vitamin và khoáng chất hoặc các chất dinh dưỡng khác quá mức cần thiết được khuyến nghị sẽ không giúp tăng chiều cao của trẻ một cách có ý nghĩa.
Cách để hỗ trợ trẻ đạt được chiều cao tối đa là đảm bảo rằng trẻ được bổ sung các chất dinh dưỡng một cách hợp lý. Một chế độ ăn uống cân bằng phải là sự kết hợp của protein, carbohydrate, chất béo và vitamin theo tỷ lệ chính xác. Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng con bạn tránh xa đồ ăn vặt và đồ uống có ga. Không cho phép trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 3 có thói quen tiêu thụ các loại thức ăn vặt mỗi ngày. Kẽm được phát hiện có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Vì vậy, điều quan trọng là phải bao gồm thực phẩm giàu kẽm như đậu phộng và hạt bí vào chế độ ăn uống của trẻ. Một chế độ ăn uống cân bằng sẽ không chỉ cung cấp cho con bạn các chất dinh dưỡng phù hợp để tăng chiều cao mà còn giúp trẻ khỏe mạnh hơn từ bên trong.
Khẩu vị của trẻ trong độ tuổi này có thể thay đổi rất nhiều, tuy nhiên bố mẹ không nên quá lo lắng vì điều này là phổ biến. Việc một số trẻ không thích một loại thực phẩm nào đó cũng là điều bình thường. Thức ăn "nhão" như cháo, bột không còn là sự lựa chọn của trẻ 1 đến 3 tuổi. Để xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh, hãy tiếp tục cung cấp cho chúng nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng và để con bạn quyết định ăn loại nào và ăn bao nhiêu.
Bên cạnh vấn đề dinh dưỡng, muốn tăng chiều cao cho trẻ, bố mẹ nên lưu ý đến các thói quen vận động và hoạt động thể chất hằng ngày. Ngay cả những bài tập giãn cơ đơn giản cũng có thể có tác động rất lớn đến chiều cao của con bạn. Dạy bé một số bài tập đơn giản từ khi còn nhỏ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tăng trưởng chiều cao. Kéo giãn giúp kéo dài cột sống và cải thiện tư thế của trẻ. Đây là hai bài tập kéo giãn cơ dễ dàng. Hướng dẫn trẻ đứng cao bằng hai chân, tựa lưng vào tường và yêu cầu trẻ tăng cường cơ bắp chân bằng cách vươn người hướng lên cao. Một bài tập kéo giãn dễ dàng khác là để trẻ ngồi trên sàn với hai chân dang rộng và cố gắng vươn hai tay về phía trước.
Một giấc ngủ ngon cũng là biện pháp để giúp tăng chiều cao cho bé 1 tuổi đến 3 tuổi. Một giấc ngủ ngon không chỉ quan trọng đối với người lớn mà còn đối với trẻ em. Cha mẹ cần phải đảm bảo rằng trẻ được ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm để khỏe mạnh và phát triển. Giấc ngủ sâu kích thích cơ thể giải phóng một loại hóc môn tăng trưởng có tên là GH có vai trò trực tiếp giúp tăng chiều cao. Vì vậy, bỏ qua giấc ngủ không phải là một ý kiến hay.
3. Một số loại thực phẩm tăng chiều cao cho bé
Các bậc cha mẹ rất mong muốn nhìn thấy những đứa con của mình mạnh mẽ và cao lớn. Chế độ dinh dưỡng và chế độ vận động là hai trụ cột thúc đẩy sự khỏe mạnh của một đứa trẻ. Những khó khăn trong việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm tình trạng kén ăn của trẻ và sự thiếu hiểu biết của bố mẹ về mặt dinh dưỡng. Dưới đây là danh sách 5 loại thực phẩm phổ biến có thể hỗ trợ tăng chiều cao của con bạn một cách tối đa:
- Trứng: Protein là nền tảng của sự phát triển thể chất của trẻ và trứng chứa nhiều protein. Thay vì chỉ cho sữa và bánh mì vào bữa sáng, hãy làm món trứng rán mà chúng yêu thích để cung cấp cho trẻ một lượng protein, carbs phức hợp và canxi lành mạnh.
- Sữa chua: Probiotics có trong sữa chua giữ cho đường ruột của trẻ được khỏe mạnh. Sữa chua cũng rất giàu vitamin D và canxi, do đó rất cần thiết cho xương chắc khỏe và một chiều cao lý tưởng.
- Sữa: Sữa là một phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của trẻ nhỏ. Đảm bảo trẻ uống ít nhất hai ly sữa mỗi ngày để đảm bảo lượng canxi, vitamin-D và protein cần thiết. Tăng cường sữa với các loại hạt như hạnh nhân và nghệ tây để có thêm dinh dưỡng và hỗ trợ hoạt động hệ miễn dịch của cơ thể.
- Đậu nành: Đậu nành rất giàu protein thực vật và hỗ trợ sự phát triển hệ cơ ở trẻ nhỏ. Nếu con bạn không dung nạp lactose và không thể tiêu hóa sữa bò thì hãy chọn sữa đậu nành để bổ sung vitamin-D, canxi và protein trong chế độ ăn của trẻ. Cha mẹ cũng nên chọn đậu nành và các sản phẩm khác từ đậu nành để tạo ra những công thức nấu ăn ngon cho trẻ.
- Trái cây: các loại cây tươi chứa đầy vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình tổng hợp protein trong cơ thể. Mỗi ngày cha mẹ nên cho trẻ ăn ít nhất 2-3 quả. Bằng cách này, trẻ sẽ nhận được nguồn cung cấp vitamin tổng hợp theo cách tự nhiên và cân bằng nhất. Nhờ đó trẻ sẽ no lâu và tránh tiêu thụ các loại thực phẩm chế biến sẵn không tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
Cách để hỗ trợ trẻ đạt được chiều cao tối đa là đảm bảo rằng trẻ được bổ sung các chất dinh dưỡng một cách hợp lý, đầy đủ dưỡng chất và cho trẻ vận động cơ thể, hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, trong chế độ ăn cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt hơn.
Cũng theo các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.
- Chiều cao ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn thế nào?
- Thực phẩm tốt tăng cường năng lượng cho bà mẹ sau sinh
- Trước khi ngủ nên làm gì để tăng chiều cao?