Mục lục
Phương pháp ăn dặm truyền thống là cho trẻ ăn bột xay chung với rau củ, thịt cá nhuyễn trước, sau đó dần chuyển sang cháo. Có ý kiến cho rằng cách này không còn phù hợp với đời sống hiện đại dù đã gắn bó quen thuộc với nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam. Vậy cách nấu ăn dặm truyền thống như thế nào sẽ giúp bé phát triển tốt?
1. Có nên áp dụng ăn dặm truyền thống cho bé?
Ăn dặm là bắt đầu cho trẻ dùng thêm thức ăn ngoài sữa mẹ, thông qua đó bé sẽ phát triển được các kỹ năng nhai và nuốt. Khi bé được 6 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ bắt đầu không đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Đồng thời vào lúc này, hệ tiêu hóa của bé cũng đã sẵn sàng cho những thức ăn bổ sung. Tuy nhiên, ăn dặm chỉ là nguồn dinh dưỡng hỗ trợ thêm cho con bên cạnh sữa mẹ, chứ không thay thế hoàn toàn sữa mẹ. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ ăn dặm vẫn cần phải được bú sữa tiếp tục cho đến ít nhất 12 tháng tuổi.
Có nhiều cách giúp trẻ tập ăn khác nhau, trong đó phương pháp ăn dặm truyền thống rất quen thuộc, thường được ông bà trong gia đình truyền lại cho bố mẹ trẻ. Ăn dặm theo kiểu truyền thống là xay nhuyễn các loại thức ăn và trộn chung bột trước, sau đó có thể nấu cháo truyền thống cho bé ăn.
Mỗi cách ăn dặm đều có ưu và nhược điểm riêng, những lợi ích có thể kể đến của phương pháp truyền thống là:
- Chuyển từ sữa mẹ sang thức ăn lỏng rồi sau đó là thức ăn đặc, giúp hệ tiêu hóa của con hoạt động dễ dàng và trơn tru hơn.
- Nhờ vai trò chủ động của ba mẹ, trẻ có cơ hội ăn đủ năng lượng và dưỡng chất hơn ăn dặm tự chỉ huy.
- Các phụ huynh trẻ tự tin và thoải mái hơn khi tập ăn dặm truyền thống cho bé với kinh nghiệm hỗ trợ từ ông bà, người lớn trong gia đình.
Trên thực tế, hàng triệu trẻ em Việt Nam mỗi năm vẫn được cho ăn dặm theo phương pháp truyền thống và tăng cân khỏe mạnh. Bắt đầu ăn dặm truyền thống sẽ giúp dạ dày của bé thoải mái, không phải hoạt động nhiều từ quá sớm. Hơn nữa, nhờ không cần chế biến riêng từng nguyên liệu cầu kỳ như phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, cách truyền thống cực kỳ tiện lợi cho các mẹ bận rộn. Chính vì vậy, phương pháp ăn dặm truyền thống vẫn được tin tưởng áp dụng bởi nhiều bà mẹ Việt hiện đại.
Xem ngay: Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 - 7 tháng
2. Cách nấu ăn dặm truyền thống
Phụ huynh cần chọn nguyên liệu tươi mới khi nấu bột cho con để tránh trẻ bị nhiễm vi khuẩn, dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Đối với các bé 6 tháng tuổi mới bắt đầu ăn dặm, mẹ có thể cho con ăn rau củ hay trái cây nghiền chung với bột. Từ 7 tháng trở lên, các bé đã có thể bắt đầu ăn dặm truyền thống với bột mặn. Sau đây là một vài gợi ý cách nấu ăn dặm truyền thống bổ dưỡng và thơm ngon cho trẻ:
2.1. Hỗn hợp bột thịt bò và đậu Hà Lan
Mẹ có thể chế biến món này theo những bước đơn giản như sau:
- Bước 1: Rửa sạch và thái mỏng thịt bò.
- Bước 2: Băm nhỏ một ít tỏi, phi thơm với dầu rồi cho thịt bò vào đảo đều. Thịt bò chín thì băm hoặc xay nhuyễn.
- Bước 3: Đậu Hà Lan rửa sạch (tách hạt nếu cần), sau đó luộc/ hấp chín rồi nghiền mịn hoặc xay nhuyễn.
- Bước 4: Nấu bột, đợi chín thì cho thịt bò vào. Khi bột sôi lên lần nữa thì cho tiếp đậu Hà Lan vào rồi tắt bếp.
- Bước 5: Cho 5ml (khoảng 1 muỗng canh) dầu oliu và 1 viên phô mai vào trộn đều là hoàn thành.
2.2. Hỗn hợp bột tôm và rau ngót
Hướng dẫn cách làm:
- Bước 1: Chuẩn bị khoảng 3 con tôm, lột vỏ, bỏ chỉ đen ở lưng, rửa sạch sau đó băm nhỏ.
- Bước 2: Rửa sạch rau ngót rồi băm nhỏ.
- Bước 3: Nấu bột chín thì cho tôm vào đảo đều, đợi bột sôi trở lại thì cho tiếp rau ngót vào đảo đều.
- Bước 4: Tắt bếp rồi thêm khoảng 1 muỗng canh dầu oliu.
2.3. Hỗn hợp bột cua biển, ngô và nấm hương
Sau đây là hướng dẫn chế biến:
- Bước 1: Rửa sạch cua biển rồi hấp chín với một chút gừng đã rửa sạch và đập dập.
- Bước 2: Gỡ thịt cua, trứng cua ra chén riêng, không dùng phần gạch cua để tránh làm cho bé bị đầy bụng.
- Bước 3: Bóc vỏ, rửa sạch, băm nhỏ hành tím rồi phi thơm. Sau đó cho thịt cua vào xào chung.
- Bước 4: Ngô rửa sạch và tách hạt. Nấm hương ngâm với nước ấm rồi cắt bỏ chân nấm. Hấp chín cả ngô và nấm hương rồi xay nhuyễn.
- Bước 5: Khi nấu bột chín thì cho thịt cua, ngô, nấm hương vào trộn đều. Đợi sôi lần nữa rồi tắt bếp.
- Bước 6: Thêm khoảng 5ml dầu oliu vào là hoàn tất.
2.4. Hỗn hợp bột thịt gà và hạt sen
Cách chế biến cũng tương tự như các món bột trên, cụ thể như sau:
- Bước 1: Ngâm hạt sen từ đêm hôm trước rồi rửa sạch. Sau đó luộc chín rồi nghiền nhuyễn.
- Bước 2: Thịt gà luộc hoặc hầm chín, sau đó gỡ thịt rồi băm nhỏ.
- Bước 3: Cho 2 nguyên liệu trên vào nồi bột đã chín, đợi bột sôi trở lại thì tắt bếp.
- Bước 4: Cuối cùng nêm thêm 5ml dầu oliu là hoàn tất.
3. Lưu ý khi tập ăn dặm truyền thống cho bé
Mẹ cần cho con ăn đa dạng các nhóm thực phẩm như tinh bột, đạm, béo, vitamin và chất khoáng. Tuy nhiên không nên ép con ăn quá nhiều ngay từ đầu, mà phải phù hợp với nhu cầu của con, kiên nhẫn tăng dần lượng thức ăn và độ đặc theo thời gian. Ngoài ra phải duy trì 400 - 500 ml sữa mẹ hay sữa công thức mỗi ngày cho con trong giai đoạn đầu ăn dặm để đảm bảo đủ năng lượng.
Lưu ý khi nấu bột cho trẻ theo phương pháp truyền thống, mẹ cần sơ chế cũng như chế biến cẩn thận vì vitamin trong thực phẩm rất dễ bị thất thoát. Để bảo đảm con được cung cấp đủ chất, mẹ có thể dùng các loại bột ăn dặm có bổ sung Lysine và vitamin nhóm B, chất xơ tiêu hóa hòa tan, cùng vitamin và khoáng chất cần thiết.
Có thể thấy cách nấu ăn dặm truyền thống vừa tiện lợi cho mẹ, vừa mang đến những bữa ăn ngon miệng, góp phần làm phong phú vị giác của bé mỗi ngày. Chính vì vậy, phương pháp ăn dặm truyền thống là vẫn là kiểu ăn dặm phổ biến được nhiều mẹ áp dụng, không chỉ phù hợp với văn hoá người Việt, mà còn giúp trẻ hấp thu đầy đủ năng lượng cũng như dưỡng chất theo khuyến nghị.
Ngoài chế độ ăn dặm, cha mẹ cũng cần chú ý bổ sung các vi chất cần thiết: Selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... Đặc biệt là loại kẽm sinh học để cải thiện vị giác, giúp trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
- Ưu nhược điểm của các phương pháp ăn dặm của trẻ
- Trẻ ăn dặm bị táo bón có đáng lo?
- Lysine là gì? Lợi ích và tác dụng phụ