17-01-2025 19:49

Cách nào chẩn đoán và điều trị áp xe quanh amidan?

Cách nào chẩn đoán và điều trị áp xe quanh amidan?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Tuấn - Bác sĩ Tai mũi họng - Phẫu thuật đầu cổ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Áp xe quanh amidan là tình trạng mưng mủ của tổ chức liên kết lỏng lẻo ở bên ngoài bao amidan. Căn bệnh này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn cả là ở người trẻ tuổi hoặc thanh thiếu niên. Áp xe quanh amidan có thể gây đau, sưng và nặng hơn có thể làm tắc nghẽn cổ họng khiến bạn khó nuốt, khó nói, thậm chí việc thở cũng trở nên khó khăn.

1. Nguyên nhân nào gây áp xe quanh amidan?

Áp xe quanh amidan thường xuất hiện do vi khuẩn gây viêm họng và viêm Amidan. Nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị và lan rộng có thể dẫn đến áp xe.

Vi khuẩn phổ biến nhất gây áp xe quanh amidan là liên cầu khuẩn. Loại vi khuẩn này thường gây nhiễm trùng các mô mềm xung quanh Amidan, thường là ở một bên. Các mô này sẽ bị vi khuẩn kỵ khí tấn công và xâm nhập vào các tuyến tạo thành ổ áp xe. Ngoài ra, một số tình trạng nhiễm trùng khác cũng làm tăng nguy cơ hình thành áp xe quanh amidan bao gồm:

  • Nhiễm trùng răng
  • Viêm nướu
  • Viêm nha chu
  • Viêm amidan mãn tính
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân
  • Bệnh bạch cầu Lymphocytic mãn tính

Bên cạnh các nguyên nhân trên thì việc hút thuốc và hít thở không khí ô nhiễm cũng làm tăng nguy cơ bị áp xe quanh amidan.

Viêm amidan là căn bệnh dễ tái phát lúc giao mùa, khi thay đổi thời tiết, khi ra ngoài lạnh quá lâu mà không bảo vệ giữ ấm cơ thể đặc biệt vùng cổ họng, từ đó kéo theo sự gia tăng của tình trạng áp xe quanh amidan khi thời tiết thay đổi.

2. Áp xe quanh amidan khi nào bạn cần đến gặp bác sĩ?

Bạn cần gặp bác sĩ khi viêm áp-xe amidan ở tình trạng sau:

  • Khi có triệu chứng đau họng kèm theo sốt, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để được kiểm tra xem có bị áp xe quanh amidan hay không.
  • Nếu bạn bị đau họng kèm theo khó nuốt, khó thở, khó nói, chảy nước dãi hoặc bất kỳ dấu hiệu nào khác, bạn nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất.
  • Bạn tuyệt đối không tự ý điều trị áp xe quanh amidan tại nhà.
Khi viêm áp-xe amidan gây sốt đau họng bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa
Khi viêm áp-xe amidan gây sốt đau họng bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa

3. Chẩn đoán áp xe quanh amidan bằng cách nào?

3.1. Chẩn đoán xác định áp xe quanh amidan

Để chẩn đoán xác định áp xe quanh amidan cần dựa vào triệu chứng lâm sàng và cả triệu chứng cận lâm sàng. Triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán áp xe quanh amidan bao gồm:

Triệu chứng cơ năng gồm có:

  • Đau họng nhiều một bên, cảm giác đau xiên lên tai, đau tăng khi nuốt hoặc nói.
  • Khó nuốt, khó há miệng.
  • Ứ đọng nước bọt, hơi thở hôi.

Triệu chứng thực thể gồm có:

  • Có hội chứng nhiễm trùng.
  • Há miệng hạn chế.
  • Tổ chức xung quanh Amidan bị phù nề: Trụ trước sưng phồng đẩy amidan vào trong và ra sau trong thể trước (thường gặp) hoặc trụ sau sưng phồng đẩy Amidan ra trước trong thể sau, thể này ít gặp hơn.
  • Lưỡi gà phù nề và lệch.
  • Amidan thường có mủ trên bề mặt.
  • Hạch góc hàm sưng đau.

Triệu chứng cận lâm sàng để chẩn đoán áp xe quanh amidan gồm có:

Các phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán áp xe quanh amidan:

  • Chọc hút mủ, cấy mủ, kháng sinh đồ.
  • Chụp CT scan vùng đầu-cổ có cản quang.

Các phương pháp cận lâm sàng để điều trị và theo dõi áp xe quanh amidan:

  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, trong đó chỉ số bạch cầu thường tăng cao.
  • Cấy máu, làm kháng sinh đồ nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn huyết.
  • Xét nghiệm về đông máu.
  • Xét nghiệm HIV, HBsAg, HCV khi nghi ngờ phơi nhiễm.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Ure, creatinin, protein, albumin, GOT, GPT, đường máu, điện giải đồ, CRP.
  • Tổng phân tích nước tiểu.
  • X-quang tim phổi.

3.2 Chẩn đoán phân biệt

Áp xe quanh amidan cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh sau:

  • U thành họng bên
  • Ung thư Amidan
Tình trạng viêm áp-xe amidan cần được chẩn đoán phân biệt với ung thư Amidan
Tình trạng viêm áp-xe amidan cần được chẩn đoán phân biệt với ung thư Amidan

4. Điều trị áp xe quanh amidan

4.1. Nguyên tắc điều trị áp xe amidan

  • Sử dụng thuốc kháng sinh liều cao phổ rộng.
  • Chích dẫn lưu khi áp xe có mủ.

4.2. Điều trị áp xe quanh amidan cụ thể

4.2.1. Điều trị nội khoa

  • Thuốc kháng sinh: Thường sử dụng 1 trong các thuốc sau, thời gian dùng thuốc 7 - 10 ngày. Cefotaxim x 1g/lần x 3 lần/ngày, tiêm tĩnh mạch trong 3 - 5 phút, cách 8 giờ.
  • Ciprofloxacin x 400mg/lần x 2 lần/ngày, truyền tĩnh mạch trong 60 phút, cách 12 giờ. Kết hợp với thuốc Gentamicin x 5 - 7 mg/kg/lần x 1 lần/ngày, tiêm bắp.
  • Giảm đau, hạ sốt: Thường dùng 1 trong các thuốc sau, có thể phối hợp thuốc khi đau nhiều. Paracetamol x 0,5 - 1g/lần x 2 - 4 lần/ngày, uống hoặc truyền tĩnh mạch.
  • Piroxicam x 20mg x 1 lần, tiêm bắp.
  • Chống viêm: Methylprednisolon 40mg, tiêm tĩnh mạch chậm buổi sáng trong 3 - 5 ngày.
  • An thần: Diazepam 5 mg, uống tối x 3 - 5 ngày.
  • Bù nước và điện giải cho các trường hợp đau nhiều khiến cho ăn uống kém: Oresol, truyền dịch.

4.2.2. Chích rạch dẫn lưu ổ áp xe quanh amidan

  • Khi có biểu hiện hóa mủ sau khi đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
  • Chích, rửa ổ apxe và đặt gạc dẫn lưu.

Nếu sau chích dẫn lưu áp xe 1 ngày vẫn còn sốt phải cấy máu, làm kháng sinh đồ. Nếu sau 5 ngày điều trị mà bệnh không tiến triển cần làm lại xét nghiệm huyết học, sinh hóa, vi khuẩn. Chụp lại X-quang phổi để tìm tổn thương phối hợp.

4.3. Chế độ dinh dưỡng và vệ sinh trong quá trình điều trị áp xe quanh amidan

Trong quá trình điều trị áp xe quanh amidan, bạn nên ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu và ăn đặc dần khi đỡ đau.

Vệ sinh, giảm đau để phòng ngừa biến chứng, phục hồi chức năng trong quá trình điều trị viêm áp xe quanh amidan:.

  • Vệ sinh thân thể.
  • Hàng ngày hút rửa, thay gạc dẫn lưu ổ apxe trong vòng 3 ngày.
  • Súc họng bằng dung dịch Natri clorid 0,9% ngày 6 – 8 lần.

Sau khi kết thúc điều trị, bạn cần vệ sinh răng miệng, súc họng nước muối nhiều lần trong ngày, khám, chữa răng sâu, và cần cắt amidan sau 1 - 2 tháng.

súc họng
Người bị viêm áp-xe amidan nên súc họng bằng Natri clorid 0,9%

5. Phòng ngừa áp xe quanh amidan như thế nào?

  • Tăng sức đề kháng của cơ thể, giữ môi trường trong sạch.
  • Hạn chế các yếu tố nguy cơ như: Không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc, giữ vệ sinh răng miệng tốt, ...
  • Khi bị viêm họng, viêm amidan cần phải điều trị sớm và triệt để để tránh các biến chứng.
  • Không nên tự ý mua thuốc về điều trị hoặc sử dụng không đúng thuốc, không đúng cách dùng cũng như thời gian uống mà bác sĩ đã chỉ định.
  • Giữ họng sạch bằng cách thường xuyên súc miệng, họng hàng ngày bằng những dung dịch có tính kiềm nhẹ, ăn uống hợp vệ sinh, và cần chú ý giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.

Việc nắm rõ thông tin về viêm áp-xe amidan sẽ giúp bạn đưa ra hướng điều trị kịp thời và có kế hoạch chăm sóc bản thân phù hợp.

XEM THÊM:
  • Nấm tai: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
  • Hướng dẫn chăm sóc trẻ sau khi cắt Amidan
  • Rửa xoang bằng phương pháp Proetz là gì?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan