Mục lục
Kẽm là loại khoáng chất vi lượng rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Với chức năng tổng hợp protein theo cơ chế tạo enzyme, bổ sung kẽm cho trẻ là cách thúc đẩy sự phát triển của xương, cơ bắp và trí não, giúp phòng ngừa tình trạng còi cọc, chậm lớn.
1. Vai trò của nguyên tố vi lượng kẽm đối với sức khỏe
Kẽm là nguyên tố vi lượng rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất, chuyển hóa protein và nâng cao sức khỏe miễn dịch để chống lại các bệnh nhiễm trùng, giúp vết thương mau lành hơn. Kẽm chính là một chất xúc tác không thể thiếu của ARN-polymerase và có vai trò trong quá trình nhân đôi ADN và tổng hợp protein thúc đẩy cho quá trình tăng trưởng. Ngoài ra, kẽm còn có chức năng điều hòa vị giác, tăng cảm giác ngon miệng. Chính vì thế, trẻ bị thiếu kẽm sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và các vấn đề khác như:
- Hệ miễn dịch của trẻ bị suy yếu dẫn tới trẻ dễ mắc các bệnh như nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa,...
- Ăn không ngon miệng sẽ dẫn đến biếng ăn, tình trạng này kéo dài có thể gây ra suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất đặc biệt là chiều cao của trẻ.
- Cản trở khả năng nhận thức và ghi nhớ của trẻ, ảnh hưởng đến việc học hay phát triển ngôn ngữ. Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thiếu kẽm cũng chính là nguyên nhân dẫn đến chứng khó đọc ở trẻ em.
- Trẻ dễ bị rụng tóc, móng tay và móng chân yếu, giòn và dễ gãy, dễ mắc các bệnh lý về da như viêm da cơ địa, vảy nến,...
- Rối loạn giấc ngủ
2. Cách bổ sung kẽm cho trẻ
Suy dinh dưỡng, biếng ăn, thấp còi là những vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ mà một trong những nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trên là tình trạng thiếu kẽm. Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia điều tra dinh dưỡng toàn quốc, cứ 10 trẻ dưới 5 tuổi thì có tới 7 trẻ em bị thiếu kẽm. Đây là con số báo động và cần được can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, việc bổ sung kẽm cho trẻ cần phải thực hiện đúng cách, bởi vì nếu cung cấp quá nhiều có thể dẫn tới tình trạng ngộ độc kẽm, biểu hiện ở hệ miễn dịch suy giảm, chảy máu đường tiêu hóa, giảm lượng cholesterol dẫn đến một số vấn đề tim mạch.
Khi trẻ có những dấu hiệu thiếu kẽm, cha mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở khám chữa bệnh hay trung tâm dinh dưỡng để được thăm khám và đánh giá tình trạng thiếu kẽm. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra liều lượng cũng như thời gian bổ sung kẽm cho trẻ tùy vào tình trạng thực tế của trẻ. Ví dụ trong những trường hợp trẻ bị tiêu chảy, trong quá trình điều trị việc bổ sung kẽm cho trẻ là hết sức cần thiết. Theo đó, trẻ em dưới 6 tháng tuổi trong phác đồ điều trị tiêu chảy được khuyến cáo cần bổ sung 10mg kẽm/ngày và bổ sung 20mg kẽm/ngày đối với trẻ từ 6-60 tháng tuổi. Thời gian bổ sung kẽm cho trẻ là 14 ngày liên tiếp.
Để tránh tình trạng thiếu kẽm và ngăn ngừa còi cọc ở trẻ, cha mẹ nên cho trẻ ăn đa dạng thực phẩm, đặc biệt là những loại thực phẩm có nguồn gốc động vật. Bởi vì thực phẩm có nguồn gốc thực vật thường chứa hàm lượng kẽm thấp với giá trị sinh học không cao, do vậy khả năng hấp thu kẽm từ nguồn bổ sung này của cơ thể chỉ ở một lượng vừa phải. Một số loại thực phẩm có chứa hàm lượng kẽm cao như:
Thực phẩm | Hàm lượng kẽm (mg) |
Sò | 13,4 |
Củ cải | 11 |
Cùi dừa già | 5 |
Đậu Hà Lan | 4 |
Đậu nành | 3,8 |
Lòng đỏ trứng gà | 3,7 |
Thịt cừu | 2,9 |
Bột mì | 2,5 |
Thịt nạc heo | 2,5 |
Ổi | 2,4 |
Nếp | 2,2 |
Thịt bò | 2,2 |
Khoai lang | 2 |
Đậu phộng | 1,9 |
Gạo | 1,5 |
Hạt kê | 1,5 |
Thịt gà ta | 1,5 |
Đối với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, sữa mẹ chính là nguồn bổ sung kẽm dễ hấp thu nhất. Ngoài ra, một số lưu ý khi bổ sung kẽm cho trẻ bao gồm:
- Sau khi trẻ ăn khoảng 30 phút hãy uống viên kẽm.
- Không uống viên kẽm và sắt cùng một lúc, hãy cho trẻ uống cách nhau ít nhất là 2 giờ đồng hồ.
- Không được uống viên canxi và kẽm cùng một lúc, hãy uống kẽm trước khi dùng canxi ít nhất 2 giờ
- Để tăng khả năng hấp thu kẽm của trẻ, thực đơn dinh dưỡng cần bổ sung các loại thực phẩm khác giàu vitamin C và giảm các loại thực phẩm giàu chất xơ, đồng và sắt.
Tóm lại, trẻ em thiếu kẽm có thể dẫn tới còi cọc và chậm lớn. Việc bổ sung kẽm cho trẻ một cách hợp lý là rất cần thiết. Trên thị trường, kẽm được dùng như một loại vi chất, sử dụng cung cấp cho cơ thể hiện nay có 2 loại chế phẩm: kẽm tổng hợp và kẽm sinh học. Trong khi kẽm tổng hợp được sản xuất công nghiệp từ các phản ứng hóa học trong phòng thí nghiệm nhà máy dược phẩm, kẽm sinh học lại có nguồn gốc hoàn toàn từ tự nhiên. Theo đó, để sản xuất ra kẽm sinh học, các nhà khoa học tách chiết từ các nguồn thực phẩm hữu cơ, tương tự như các cơ thể hấp thu kẽm từ thức ăn. Điều này giúp cho khả năng hấp thụ kẽm vào trong máu của kẽm sinh học tăng lên đến 3,7 lần so với kẽm tổng hợp. Vì thế, cha mẹ cần chú ý bổ sung nguồn kẽm sinh học từ tự nhiên để trẻ có thể hấp thu tốt nhất.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
- Nguyên nhân khiến trẻ 9 tháng tuổi chậm tăng trưởng là gì?
- Dấu hiệu cảnh báo trẻ chậm phát triển thể chất
- Kẽm: Mọi thứ bạn cần biết