Bài viết của Bác sĩ Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ CKI - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Chống gậy là cách hỗ trợ di chuyển cho người lớn tuổi hoặc người bị thoái hóa khớp gối được khuyến nghị thực hành. Sử dụng gậy đúng cách giúp giảm tải lực lên khớp bị đau, giảm nguy cơ té ngã và giúp người bệnh di chuyển vững vàng hơn. Khi chống gậy, chúng ta cần đảm bảo một phần trọng lượng cơ thể được tải qua gậy càng nhiều càng tốt. Điều này rất quan trọng vì góp phần bảo vệ khớp gối đỡ hư hại và viêm nhiều hơn. Câu hỏi mà bệnh nhân thường đặt ra cho chúng tôi là: 1) Những người bị viêm khớp gối phải chống đỡ bao nhiêu trọng lượng cơ thể thông qua một cây gậy? 2) Làm sao để gậy hỗ trợ trọng lượng cơ thể nhiều nhất?
1. Vai trò của gậy
Thoái hóa khớp là bệnh khớp phổ biến nhất trên toàn thế giới. Bệnh nhân thoái hóa khớp gối thường biểu hiện với những thay đổi về dáng đi do đau, yếu cơ, biến dạng khớp và mất ổn định khớp, dẫn đến dáng đi không ổn định và mất nhiều năng lượng hơn khi đi bộ. Do đó, điều này làm tăng sự mệt mỏi và yếu cơ ở người cao tuổi bị thoái hóa khớp gối. Chức năng chính gậy là hỗ trợ người bệnh di chuyển này theo cơ chế cải thiện sự cân bằng trọng tâm và chia sẻ tải trọng cơ thể với chi trên, thông qua tác động trực tiếp lực lên tay cầm của gậy. Việc chống gậy cũng giúp bệnh nhân tự tin hơn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày và giảm nguy cơ té ngã. Đây vốn là một vấn đề quan trọng ở người cao tuổi. Bệnh nhân thoái hóa khớp gối nên sử dụng gậy khi đi bộ để cải thiện dáng đi, giảm căng thẳng cho khớp và các cấu trúc quanh khớp vốn thường bị quá tải.
Ở những người trước đây chưa từng sử dụng gậy, thời điểm bắt đầu sử dụng gậy thường tạo ra tâm lý e ngại về vấn đề mặc cảm tâm lý và sự lúng túng trong thao tác. Ở những người này, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật sử dụng gậy, cách lắp, kiến thức về lợi ích và động lực đóng vai trò quan trọng nhất để họ tự tin muốn dùng gậy. Các yếu tố quyết định độc lập đến việc chống gậy bao gồm tuổi già, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn, thời gian đau khớp gối nhiều hơn và mức độ nghiêm trọng hơn. Đó cũng chính là các yếu tố thúc đẩy người bệnh cần sử dụng gậy khi di chuyển. Vì vậy, chúng ta nên nhắm vào khả năng và động lực sử dụng gậy của một cá nhân có thể làm tăng khả năng chấp thuận dùng gậy ở những người bị viêm khớp gối.
Ngoài việc hỗ trợ giảm tải cho khớp gối, lợi ích của gậy còn có nhiều tác dụng tích cực khác cho người thoái hóa khớp gối. Các nghiên cứu đã chứng minh, việc sử dụng gậy đúng cách giúp giảm bớt sự gắng sức và tiêu hao năng lượng cho người cao tuổi, giảm nguy cơ té ngã, giảm tiêu thụ thuốc kháng viêm, giảm đau nhức xương khớp, cải thiện chức năng thể chất và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Tăng tải trọng lên khớp gối sẽ dẫn đến nguy cơ tiến triển nặng của thoái hóa khớp gối. Các biện pháp can thiệp có thể làm giảm tải trọng khớp gối như dùng gậy hỗ trợ, giảm cân sẽ giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh theo thời gian. Việc sử dụng gậy làm có thể hỗ trợ đến 10% trọng lượng cơ thể khi di chuyển. Nếu người bệnh được huấn luyện kỹ thuật dùng gậy đúng thì có thể hỗ trợ lên đến 25-30% trọng lượng cơ thể.
2. Lựa chọn gậy như thế nào?
Ngày nay, gậy được bày bán đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, vật liệu và chủng loại. Trong số này, gậy bằng gỗ và nhôm là loại được sử dụng rộng rãi nhất. Gậy nhôm có tính ưu việt hơn là trọng lượng nhẹ, có thể điều chỉnh chiều dài được. Trong khi gậy gỗ thì tạo cảm giác chắc chắn và nặng hơn.
Cán gậy cũng rất quan trọng. Lựa chọn cán gậy sao cho bệnh nhân cảm giác thoải mái, vừa với nắm tay và khả năng cung cấp bề mặt thích hợp để có hiệu quả truyền trọng lượng từ chi trên xuống đất. Tay cầm phải cho phép chuyển trọng lượng đến trọng tâm của cây gậy, do đó làm tăng giá đỡ và cải thiện sự cân bằng của bệnh nhân.
Chiều dài của gậy chính là chiều dài cánh tay đòn của lực tác dụng. Vì vậy, lựa chọn chiều dài gậy là điểm then chốt để quyết định khả năng tải lực cho cơ thể. Có nhiều phương pháp khác nhau để ước tính chiều dài thích hợp của gậy. Các phương pháp đo chiều dài cây gậy từ mặt sàn đến mấu chuyển lớn của xương đùi hoặc từ sàn đến nếp gấp cổ tay xa là những phương pháp phổ biến nhất được sử dụng. Chiều dài gậy cũng có thể được xác định theo công thức: Chiều cao của người bệnh (mét) x 0,45 + 0,87 (mét). Người bệnh chống gậy tư thế đứng thẳng, gậy đặt ở bên hông sao cho khuỷu tay gập khoảng 15 độ, đây chính là chiếc gậy phù hợp với chiều cao của cơ thể.
Tóm lại, chắc hẳn đến một giai đoạn nào đó, trong mỗi chúng ta đều cần phải có gậy trợ giúp cho việc di chuyển. Việc dùng gậy tưởng như đơn giản nhưng cũng lắm công phu. Điều này thể hiện ở việc chọn gậy sao cho phù hợp với cơ thể đã có rất nhiều vấn đề phải chú ý. Việc hiểu được vai trò của gậy, cũng như những nguyên tắc căn bản khi lựa chọn gậy sẽ giúp bạn tìm được một chiếc gậy phù hợp với bản thân. Một chiếc gậy phù hợp sẽ giúp bạn thêm tự tin khi di chuyển, bởi lúc đó gậy và bạn tuy hai nhưng là một thì mới tạo sự vững vàng cho cơ thể.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như viêm khớp, thoái hóa, thoát vị, đau nhức xương khớp,.... Tại Vinmec cũng đã thực hiện chẩn đoán, điều trị bằng các phương pháp y học hiện đại với các bệnh lý cơ xương khớp, không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn hạn chế tối đa biến chứng bệnh tái phát. Có được thành công lớn là bởi Vinmec luôn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, các quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên
- Lý do khiến các khớp xương kêu lục cục
- Công dụng thuốc Glupain forte
- Trượt đốt sống lưng có nguy hiểm không?