Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Xét nghiệm nước tiểu là một trong những xét nghiệm quan trọng, giúp bạn nhận biết được những dấu hiệu bệnh tật nguy hiểm, tiềm ẩn bên trong cơ thể do nước tiểu là dịch bài tiết quan trọng nhất, trong đó chứa phần lớn các chất cặn bã của cơ thể . Xét nghiệm nước tiểu định kỳ là việc làm đơn giản và cần thiết để có thể biết được tình hình sức khỏe của mình. Mặc dù đây là xét nghiệm khá quen thuộc với nhiều người, tuy nhiên không phải ai cũng biết lấy nước tiểu đúng cách như thế nào để xét nghiệm được thực hiện chính xác nhất.
1. Lấy nước tiểu bao nhiêu là đủ?
Mẫu nước tiểu xét nghiệm đòi hỏi phải sạch, tươi. Mẫu nước tiểu này cho phép thực hiện các xét nghiệm thường quy như test nhanh tổng phân tích nước tiểu bằng que nhúng (dipsticks) – xét nghiệm này cho phép kiểm tra sự xuất hiện của protein niệu hay các thành phần bất thường khác như hồng cầu, bạch cầu, trụ niệu, các tinh thể phosphat, oxalat calci... xuất hiện trong nước tiểu. Khi nghi ngờ có bệnh lý chuyên khoa, người bệnh có thể được yêu cầu lấy mẫu nước tiểu với những quy trình riêng để đáp ứng được các nhu cầu xét nghiệm cần thiết.
Tùy theo từng quy trình lấy mẫu xét nghiệm riêng mà mẫu nước tiểu sẽ được yêu cầu chuẩn bị khác nhau, nhưng thông thường là phải vệ sinh sạch bộ phận sinh dục ngoài và bỏ phần nước tiểu đầu (khoảng 100-200ml hoặc sau vài giây đi tiểu), sau đó mới lấy nước tiểu giữa dòng, chứa vào lọ đựng mẫu vô khuẩn. Các mẫu nước tiểu thường được lấy vào buổi sáng.
2. Lấy nước tiểu có phải nhịn ăn không?
Đây là vấn đề rất nhiều người muốn biết để chuẩn bị tốt ngay khi ở nhà. Tốt nhất bạn nên đồng thời nhịn ăn và nhịn tiểu để kết quả xét nghiệm được chính xác nhất.
Không nên ăn uống trước khi đi xét nghiệm bởi xét nghiệm nước tiểu chỉ cho kết quả chính xác khi người bệnh nhịn đói 4 - 6 giờ trước khi làm xét nghiệm nước tiểu hoặc không ăn sáng sau khi ngủ dậy. Bạn không nên ăn nhiều các loại thực phẩm có thể khiến nước tiểu đổi màu như: củ cải đường, quả mâm xôi, cà rốt hoặc đại hoàng. Một số loại thuốc cũng làm thay đổi màu sắc nước tiểu như các loại thuốc chống đông, metronidazole, sulfonamide, sắt sulfate ..
Không chỉ nhịn đói, người làm xét nghiệm cũng cần tránh sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê... trong 12h trước khi lấy nước tiểu để có kết quả chẩn đoán bệnh chính xác.
3. Lấy nước tiểu xét nghiệm trong thời kỳ kinh nguyệt
Khi đang trong thời kỳ kinh nguyệt, nếu bạn làm xét nghiệm nước tiểu rất có thể kết quả sẽ không được chính xác, bởi mẫu nước tiểu khi lấy có thể lẫn máu kinh , khi thực hiện xét nghiệm phân tích kết quả sẽ bị ảnh hưởng. Những người đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc gần bắt đầu hoặc kết thúc chu kỳ kinh nguyệt nên thông báo với bác sĩ để chờ tới lần thực hiện xét nghiệm kế tiếp.
Ngoài ra, sử dụng nhiều loại thuốc, kể cả thực phẩm bổ sung chức năng, sẽ ảnh hưởng tới kết quả xét nghiệm nước tiểu. Một số loại thuốc làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm nước tiểu (gây dương tính giả hoặc âm tính giả một số thành phần trong nước tiểu) bao gồm vitamin B, acid ascorbic, phenazopyridine (Pyridium), rifampin, phenytoin (Dilantin) ... Hãy nói với bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc lợi tiểu, vì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả xét nghiệm, đặc biệt là glucose trong nước tiểu. Do đó trước khi làm xét nghiệm bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân tạm ngưng việc sử dụng thuốc một thời gian để đảm bảo xét nghiệm được chính xác.
4. Lấy nước tiểu như thế nào?
Có hai cách lấy nước tiểu: bệnh nhân tự đái được và qua thông bàng quang.
4.1 Kỹ thuật lấy nước tiểu bệnh nhân tự đái được
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm lấy nước tiểu trong 24 giờ hoặc chỉ lấy 1 lần số lượng khoảng 20ml.
Cụ thể quy trình lấy nước tiểu 1 lần như sau:
- Hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài rồi đi tiểu, phần nước tiểu đầu bãi và cuối bãi vào một bô, phần giữa bãi vào một bô;
- Điều dưỡng mang găng cho nước tiểu phần giữa bãi vào ống đong và cho nước tiểu từ ống đong vào ống nghiệm khoảng 20ml, đậy nút ống nghiệm;
- Đưa bệnh phẩm và giấy xét nghiệm đến phòng xét nghiệm;
- Sắp xếp và xử lý dụng cụ theo đúng quy định.
Quy trình lấy nước tiểu 24 giờ:
- Trong trường hợp lấy nước tiểu 24 giờ nếu không bảo quản mát phải có hoá chất bảo quản: Dung dịch acid chlohydric 1% (8-10ml), formol hoặc phenol cho một giọt tương ứng với 30ml nước tiểu, thymol 1% trong rượu cho 1ml tương ứng với 100ml nước tiểu, sau đó cho tăng dần theo số lượng nước tiểu của bệnh nhân; Dung dịch bảo quản được tráng đều và đựng trong bình/can trữ nước tiểu 24h của người bệnh.
- Thường mẫu nước tiểu 24h được khuyến cáo lấy từ buổi sáng trước ngày đi khám.
- Người bệnh được hướng dẫn vệ sinh sạch trước mỗi lần đi tiểu, bỏ đi lần đi tiểu đầu tiên, bắt đầu lấy từ lần thứ hai
- Dặn bệnh nhân lấy cả nước tiểu khi đi đại tiện, đậy nắp bô sau mỗi lần đi tiểu và để chỗ mát;
- Người bệnh được hướng dẫn uống nước như mọi ngày.
- Sau lần đi tiểu cuối cùng sáng hôm sau (kết thúc tại thời điểm bắt đầu lấy mẫu ngày hôm trước), điều dưỡng đo và ghi số lượng nước tiểu 24h vào bảng theo dõi;
- Lắc đều, lấy đủ lượng nước tiểu theo yêu cầu cho vào ống nghiệm, gửi nước tiểu và giấy xét nghiệm có ghi rõ thể tích nước tiểu 24h của người bệnh đến phòng xét nghiệm.
4.2 Kỹ thuật lấy nước tiểu qua thông bàng quang
Lấy nước tiểu qua ống thông bàng quang trong các trường hợp:
- Bệnh nhân đái không tự chủ;
- Trẻ em không tự lấy được nước tiểu;
- Phụ nữ đang có kinh nguyệt;
Thực hành kỹ thuật:
- Bệnh nhân nằm ngửa thoải mái trên giường, trải nilon dưới mông bệnh nhân.
- Phủ khăn khoác, cởi bỏ quần bệnh nhân, xoay chéo khăn khoác che kín chân và bộ sinh dục, hai chân chống, đùi hơi dạng;
- Đặt khay hoặc gói dụng cụ vô khuẩn, túi đựng đồ bẩn giữa hai chân bệnh nhân;
- Mở khay vô khuẩn, trải săng có lỗ để lộ bộ phận sinh dục;
- Lót gạc và dựng đứng dương vật để lộ bao quy đầu (với nam), đặt gạc bờ trên xương mu (với nữ), sát khuẩn bộ phận sinh dục bằng dung dịch betadin hoặc thuốc đỏ. Với nam sát khuẩn miệng sáo, bao quy đầu; với nữ sát khuẩn môi lớn môi bé, lỗ niệu đạo;
- Bôi trơn đầu ống thông, dùng kẹp Kocher kẹp đuôi ống thông lại, đặt khay quả đậu vô khuẩn vào giữa đùi;
- Nhẹ nhàng đưa đầu ống thông vào niệu đạo bệnh nhân khoảng 4 – 5cm với bệnh nhân nữ, khoảng 15 – 20cm với bệnh nhân nam; mở kẹp Kocher. Khi thấy nước tiểu chảy ra, bỏ phần nước tiểu đầu lấy phần nước tiểu tiếp theo cho vào ống nghiệm khoảng 20ml khi nước tiểu chảy hết thì gập đầu ống thông lại và rút ống thông ra;
- Lau khô bộ phận sinh dục, bỏ săng có lỗ, bỏ nilon, mặc quần cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân nằm thoải mái, bỏ khăn khoác, đắp chăn cho bệnh nhân;
- Gửi bệnh phẩm, giấy xét nghiệm đến phòng xét nghiệm.
- Các chỉ số trong xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu
- Vì sao nước tiểu bị cặn lắng?
- Xét nghiệm soi cặn lắng nước tiểu để làm gì?