Mục lục
Cảm xúc bị kìm nén có thể là tức giận, buồn bã hay thất vọng nếu không được xử lý sẽ biểu hiện dưới dạng các triệu chứng về tinh thần và thể chất. Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy rằng việc kìm nén cảm xúc có thể làm tăng 30% nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân và 70% nguy cơ mắc bệnh lý ung thư. Vì vậy, xác định và giải phóng các cảm xúc bị kìm nén là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất.
1. Nguyên nhân dẫn đến kìm nén cảm xúc
Sự kìm nén cảm xúc thường liên quan đến những trải nghiệm thời thơ ấu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn trẻ em được học về hành vi và giao tiếp từ cha mẹ hay người chăm sóc. Vì vậy, ngay từ giai đoạn nhỏ tuổi đến khi trưởng thành, bạn có thể thoải mái thể hiện cảm xúc của mình khi người chăm sóc bạn có những đặc điểm như sau:
- Cha mẹ hay người chăm sóc thường xuyên tâm sự với bạn về cảm xúc của họ;
- Khuyến khích bạn chia sẻ tâm sự, cảm xúc và trải nghiệm của bản thân;
- Khuyến khích bạn cân bằng và bình thường hóa những cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực của bạn;
- Không phán xét, đánh giá hay phê bình những biểu hiện cảm xúc của bạn.
Phần lớn người trưởng thành với những cảm xúc bị kìm nén thường cảm thấy khó kết nối cảm xúc của bản thân và điều này được phát triển từ giai đoạn thời thơ ấu. Trẻ em sẽ học cách kìm nén cảm xúc khi cha mẹ hoặc người chăm sóc có những đặc điểm như sau:
- Cha mẹ hoặc người chăm sóc ít khi tâm sự hoặc thể hiện cảm xúc với trẻ;
- Thường trừng phạt hoặc có thái độ xấu hổ khi trẻ em biểu hiện đúng cảm xúc của mình;
- Không hướng dẫn trẻ biểu hiện hết cảm xúc, từ chối cảm xúc thật của trẻ.
Nếu việc biểu hiện cảm xúc ở giai đoạn nhỏ tuổi dẫn đến những kết quả đau khổ, buồn bã có thể làm cho bạn học cách tránh né, kìm nén cảm xúc để không gây tổn thương cho bản thân. Đến giai đoạn trưởng thành, bạn có thể tiếp tục chôn vùi những cảm xúc tiêu cực, cực đoan quá mức chịu đựng của bản thân.
2. Kìm nén cảm xúc ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Con người có xu hướng cố kìm nén những cảm xúc tiêu cực gây khó chịu hoặc liên quan đến những trải nghiệm không vui vẻ. Những loại cảm xúc đó có thể bao gồm như sau:
- Tức giận;
- Cảm giác thất bại;
- Buồn;
- Sợ hãi;
- Cảm giác chán nản, thất vọng.
Các loại cảm xúc trên thường được mô tả là tiêu cực, vì vậy kìm nén cảm xúc trong những trường hợp này xảy ra là bởi vì trong suy nghĩ bạn luôn định nghĩa đó là những điều xấu hoặc bạn quá để tâm vào sự phán xét của người khác về cảm xúc của bản thân.
Như đã trình bày ở trên, tình trạng kìm nén cảm xúc thường được phát triển từ thời thơ ấu, khi bạn được nghe những lời khuyên như “không có bất kỳ lý do gì để buồn”, “bình tĩnh”, “không được tức giận”. Kết quả là bạn bắt đầu che giấu cảm xúc hay không thể hiện các cảm xúc tiêu cực ra bên ngoài.
Vậy kìm nén cảm xúc gây ra những ảnh hưởng gì đối với sức khỏe về thể chất và tinh thần? Các nghiên cứu chỉ ra rằng, kìm nén cảm xúc có liên quan đến sự suy giảm miễn dịch, từ đó làm cho cơ thể dễ nhiễm khuẩn và mắc bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng này dẫn đến các tình trạng sức khỏe về tâm thần như căng thẳng, lo lắng hoặc trầm cảm với các biểu hiện như sau:
- Đau cơ, mỏi hoặc căng cơ;
- Buồn nôn, nôn hoặc các vấn đề về tiêu hóa;
- Thay đổi cảm giác thèm ăn;
- Thường xuyên bị mệt mỏi, khó ngủ hoặc mất ngủ.
Các tổn thương từ thời thơ ấu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kìm nén cảm xúc cũng như góp phần làm nặng thêm tình trạng.
Những cảm xúc tiêu cực bị đè nén trong thời gian dài sẽ gây ra các hậu quả đáng kể cho sức khỏe. Chẳng hạn như cảm xúc tức giận khi bị kìm nén quá lâu đến thời điểm không kìm nén được cảm xúc và bộc phát sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, huyết áp và tiêu hóa...
3. Cách nhận biết cảm xúc bị kìm nén
Không phải lúc nào bạn cũng dễ dàng nhận ra tình trạng kìm nén cảm xúc của bản thân và cũng không có bài kiểm tra cụ thể nào để nhận biết chúng. Tuy vậy, bạn có thể nhận biết tình trạng này thông qua một số dấu hiệu chính được thể hiện qua cảm xúc và hành vi của bạn đối với những người xung quanh như người thân, bạn bè, đồng nghiệp...
3.1. Nhận biết sự kìm nén cảm xúc thông qua cảm xúc
Những người có cảm xúc bị kìm nén thường gặp khó khăn khi hiểu và gọi tên cảm xúc của họ với người khác. Tuy vậy, họ có thể nhận biết thông qua các dấu hiệu cảm xúc như sau:
- Thường xuyên cảm thấy trống rỗng hoặc tê liệt cảm xúc;
- Thường xuyên lo lắng, thấp thỏm hoặc căng thẳng ngay cả khi không rõ nguyên nhân;
- Thường xuyên bị quên;
- Cảm thấy khó chịu, không thoải mái khi người khác nói với bạn về cảm xúc của họ;
- Cảm thấy vui vẻ và bình tĩnh khi không phải suy nghĩ về bất kỳ điều gì quan trọng hoặc khó chịu;
- Cảm thấy đau khổ hoặc khó chịu khi ai đó hỏi về cảm xúc của bạn.
3.2. Nhận biết sự kìm nén cảm xúc thông qua hành vi
Cảm xúc bị kìm nén thường thể hiện trong hành vi và có thể ảnh hưởng đến các hành vi, hoạt động của người khác. Cảm xúc khi bị kìm nén sẽ tích tụ lại và dần lớn lên, đến một thời điểm chúng sẽ bùng nổ chỉ với một tác nhân rất nhỏ. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ của bạn.
Người bị kìm nén cảm xúc thường thực hiện những hành vi như sau:
- Sự thể hiện cảm xúc luôn đi kèm với các hành động;
- Có xu hướng thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia để làm tê liệt bản thân và tránh những cảm giác, cảm xúc mà bản thân không muốn tiếp nhận;
- Sợ cảm giác cô đơn và phải suy nghĩ một mình;
- Thể hiện các hành vi một cách thụ động để đối phó với những tình huống khiến bạn khó chịu;
- Thường được người khác nhận xét là “lạnh lùng”, “bình tĩnh” hoặc “thư thái”...
4. Giải phóng cảm xúc bị kìm nén
Giải phóng và đối phó với những cảm xúc bị kìm nén sẽ giúp bạn bảo vệ và nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần.
4.1. Thừa nhận cảm xúc
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, thừa nhận cảm xúc của bản thân là điều quan trọng. Tìm và hiểu cảm xúc cốt lõi phía sau cảm giác sẽ giúp bạn không bị kìm nén cảm xúc, thực hiện phương pháp này thông qua các câu hỏi tự hỏi bản thân như “tại sao tôi lại hành động theo cách này?”, “tại sao tôi lại cảm thấy phản ứng xúc động này?”. Ngay cả hành động xác định và mô tả cảm xúc cũng đem lại hiệu quả cao khi bạn có xu hướng kìm nén cảm xúc.
4.2. Đối mặt với nguyên nhân
Một trong những phương pháp giúp giải phóng cảm xúc bị kìm nén là đối mặt với sự việc hoặc hành động làm kích thích cảm xúc của bạn. Về cơ bản, nội dung này có nghĩa là bạn cần cố gắng bình tĩnh hiểu và quan sát hành động, quan điểm của người khác cũng như nguyên nhân dẫn đến cách cư xử và hành động của họ. Trong trường hợp không thể đối mặt với một số tình huống, bạn có thể trò chuyện, tâm sự với mọi người về cảm xúc của bạn, điều này sẽ giúp làm giảm và giải tỏa cảm xúc tiêu cực bị đè nén.
4.3. Làm chủ phản ứng và hành động
Để hiểu cảm xúc của bản thân, bạn cần suy nghĩ và học cách làm chủ phản ứng, hành động của bản thân trong mọi hành động. Các nhà khoa học chỉ ra rằng để thực hiện tốt phương pháp này, bạn phải tập suy nghĩ điều gì đã dẫn đến cảm xúc của bạn như bây giờ và cách bạn ngăn chặn điều đó trong tương lai.
4.4. Dành thời gian cho việc chăm sóc bản thân
Dành thời gian chăm sóc bản thân bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy rằng các bài tập thể dục có lợi đối với trường hợp căng thẳng cảm xúc và bất kỳ hoạt động tự chăm sóc bản thân nào giúp bạn thư giãn tinh thần, giảm căng thẳng đều có ích trong việc giải tỏa cảm xúc bị kìm nén. Bên cạnh đó, bạn cũng cần học cách biết ơn và tha thứ đối với những người hoặc hoạt động làm tăng các cảm xúc tiêu cực của bạn.
Kìm nén cảm xúc có thể làm tăng nguy cơ tử vong và ung thư. Do đó, việc xác định và giải phóng các cảm xúc bị kìm nén là một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất tốt nhất.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Nguồn tham khảo: healthline.com, hcf.com.au
- Cách ngừng suy nghĩ tiêu cực
- Học cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực
- Làm thế nào để xác định và ngăn ngừa kiệt sức?