Mục lục
Không ít trường hợp cha mẹ bối rối khi trẻ sơ sinh đặt xuống giường là khóc, không chịu ngủ. Để đối phó với tình trạng này, y tá và tác giả Tracy Hogg đã chia sẻ cách đặt trẻ xuống giường nhẹ nhàng mà không khiến bé tỉnh ngủ. Bạn đã từng nghe đến phương pháp luyện ngủ bế lên đặt xuống chưa?
1. Giới thiệu về phương pháp “Bế lên đặt xuống”
Phương pháp bế lên đặt xuống (“Put up/ put down” - PUPD) là một trong những phương pháp luyện cho trẻ ngủ ngoan bằng lời thì thầm trong cuốn sách “best seller” Secrets of the Baby Whisperer của y tá/ tác giả Tracy Hogg.
Cũng như tên gọi của phương pháp, bế lên đặt xuống tức là nếu trẻ khóc khi đang ngủ trong cũi thì cha mẹ nên bế bé lên và an ủi cho đến khi bé buồn ngủ và đặt bé trẻ lại cũi. Nếu trẻ vẫn tiếp tục khóc thì cha mẹ kiên nhẫn lặp lại điều này cho đến khi trẻ ngủ thiếp đi.
2. Rèn luyện thói quen ngủ hàng ngày cho trẻ
Thông thường cha mẹ có thể áp dụng phương pháp bế lên đặt xuống cho trẻ từ 3 tháng tuổi. Trước khi bắt đầu, cần chuẩn bị 3 bước quan trọng sau:
- Duy trì thời gian đi ngủ: Dựa vào quan sát đồng hồ sinh học hàng ngày của trẻ, cha mẹ hãy để ý các dấu hiệu cho thấy trẻ buồn ngủ (ví dụ: chớp mắt liên tục, mắt lim dim, kéo tai, ngáp hay thâm quầng dưới mắt...) và những lúc nào trẻ có những dấu hiệu này. Từ đó tập cho trẻ một vài thói quen ngủ đơn giản. Điều quan trọng là cha mẹ nên duy trì một thời điểm đi ngủ nhất định để trẻ biết được khi nào nên đi ngủ.
- Xây dựng thói quen ngủ lành mạnh: Việc xây dựng thói quen ngủ nhằm mục đích giúp trẻ biết hiện tại đang là ban đêm và cần đi ngủ. Các thói quen có thể bao gồm: hạn chế tiếng ồn, tắt bớt đèn, hát ru nhẹ nhàng, không nói chuyện với bé nhiều... những thói quen này có thể giúp bé biết rằng mình cần chìm vào giấc ngủ.
- Đặt trẻ xuống giường khi trẻ đang buồn ngủ chứ không phải lúc trẻ đã ngủ thiếp đi.
Xem ngay: Có nên dùng nôi điện để cải thiện giấc ngủ của trẻ không?
3. Cách thực hiện phương pháp luyện ngủ bế lên đặt xuống
Khi đã dần sẵn sàng, cha mẹ hãy thực hiện dần theo 7 bước sau:
- Bước 1: Khi đặt trẻ xuống, nếu trẻ bắt đầu khóc hãy nhẹ nhàng đặt tay lên ngực và trấn an trẻ bằng những tiếng thì thầm nhẹ nhàng mà bạn luôn dùng để dỗ đi ngủ, ví dụ như: “Ngủ đi con”;
- Bước 2: Nếu trẻ vẫn khóc, hãy bế trẻ lên và lặp lại những tiếng thì thầm đó.
- Bước 3: Khi trẻ ngừng khóc nhưng vẫn còn thức, hãy đặt trẻ vào trong cũi, nếu trẻ khóc lại bế trẻ lên tiếp;
- Bước 4: Lặp lại quá trình này cho đến khi thấy trẻ có các dấu hiệu ổn định (ví dụ như tiếng khóc nhỏ dần);
- Bước 5: Khi thấy trẻ đã dịu lại, không bế trẻ nữa mà đặt trẻ vào cũi. Đặt tay lên ngực trẻ và nói lại những tiếng thì thầm.
- Bước 6: Ra khỏi phòng.
- Bước 7: Nếu trẻ khóc lại, quay lại và lặp lại quá trình trên nhiều lần cho đến khi trẻ chìm vào giấc ngủ.
Phương pháp luyện ngủ bế lên đặt xuống thường thích hợp với trẻ 3 tháng tuổi, nếu áp dụng kiên trì trẻ sẽ có thể tự ngủ ngon. Tuy nhiên, nếu bé lớn hơn thì nên có một số điều chỉnh như sau.
3.1. Đối với trẻ 4 tháng tuổi
Nếu trẻ 4 tháng tuổi, cha mẹ hãy thực hiện những bước sau:
- Chỉ bế trẻ tối đa 5 phút. Nếu trẻ vẫn chưa có dấu hiệu nín, hãy đặt trẻ xuống và bế lên lại nếu trẻ khóc;
- Giữa mỗi lần bế lên, đặt xuống hãy vỗ về trẻ nhẹ nhàng khi trẻ nằm trong cũi;
- Nếu trẻ vẫn khóc, hãy bế trẻ lên lại;
- Đặt trẻ xuống ngay khi trẻ ngừng khóc hoặc khi bạn đã bế trẻ 5 phút.
3.2. Đối với trẻ từ 5 - 6 tháng tuổi
Đối với trẻ từ 5 - 6 tháng tuổi, cha mẹ điều chỉnh phương pháp theo hướng sau:
- Quan sát những dấu hiệu buồn ngủ của trẻ. Nếu trẻ uốn cong lưng lại thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ muốn nằm xuống nghỉ ngơi dù trẻ vẫn đang khóc;
- Không nên bế trẻ quá lâu khiến trẻ hiểu rằng khi khóc sẽ được bế. Do vậy hãy nói “để bố/mẹ bế con” hoặc “để bố/mẹ đặt con nằm xuống” mỗi khi thực hiện hành động;
- Giảm thời gian bế xuống tối đa 3 phút, sau đó đặt trẻ xuống ngay cả khi trẻ vẫn còn khóc;
- Có thể lặp lại quá trình này cho đến khi trẻ ngủ ngoan.
3.3. Đối với trẻ từ 6 - 8 tháng tuổi
Với trẻ từ 6-8 tháng tuổi, phương pháp bế lên đặt xuống cần điều chỉnh các bước sau:
- Không bế trẻ lên ngay lập tức. Thay vào đó cha mẹ nên đưa tay ra một lúc xem trẻ có phản ứng gì. Ví dụ đưa tay ra và nói: “Để bố/mẹ bế”, sau đó nếu thấy trẻ tiến đến gần thì mới bế trẻ lên;
- Khi bế trẻ hãy thì thầm những tiếng quen thuộc, nhưng không nhìn bé hoặc đu đưa. Sau đó đặt bé lại xuống cũi;
- Khi trẻ có dấu hiệu nín, hãy tiếp tục nói những tiếng thì thầm nhẹ nhàng. Cha mẹ có thể đặt tay lên ngực hoặc lưng bé, tuy nhiên có một số bé thích một số bé không nên cha mẹ hãy quan sát để tùy chỉnh hành động.
3.4. Đối với trẻ từ 8 tháng đến 1 tuổi
Từ giai đoạn này trẻ dễ nín khóc hơn khi nằm trong cũi. Vì vậy, trừ khi trẻ thực sự thấy khó chịu, cha mẹ không nên bế bé lên. Thay vào đó cha mẹ hãy chú ý quan sát:
- Nếu trẻ đứng lên hoặc nhấc mình lên, hãy nhẹ nhàng đặt trẻ xuống;
- Sử dụng giọng nói để nhắc trẻ rằng “đã đến lúc đi ngủ”;
- Ở tầm tuổi này, cha mẹ đã có thể kết hợp phương pháp bế lên đặt xuống và phương pháp biến mất dần (gradual retreat) để luyện ngủ cho trẻ.
Với những gia đình có trẻ đặt xuống là khóc, khó ngủ và hay bám cha mẹ, phương pháp luyện ngủ bế lên đặt xuống nếu áp dụng đúng cách và kiên trì sẽ thấy rõ sự cải thiện chỉ sau vài ngày, trung bình là khoảng 5 ngày. Trẻ sơ sinh cũng như tờ giấy trắng, sẽ ngoan ngoãn và dễ ngủ nếu cha mẹ không bỏ lỡ thời gian để rèn cho bé thói quen ngủ ngoan. Giấc ngủ không chỉ quan trọng với sự phát triển của trẻ, mà còn quan trọng với sức khỏe của cha mẹ. Do vậy nên lựa chọn cách dỗ bé ngủ phù hợp để cả gia đình đều được ngon giấc.
- Tập thể dục trước khi đi ngủ: Tốt hay xấu cho giấc ngủ?
- Các chu kỳ Mặt Trăng có thể ảnh hưởng khác nhau đến giấc ngủ ở nam và nữ
- Điều gì xảy ra với lượng đường trong máu khi bạn đang ngủ?