Mục lục
Đặt thuốc vào trực tràng sẽ giúp thuốc phát huy tác dụng điều trị bệnh tốt nhất. Tuy nhiên, không nhiều người nắm được cách đặt thuốc hậu môn chuẩn. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả điều trị, bạn đọc có thể tham khảo hướng dẫn đặt thuốc hậu môn qua bài viết sau đây.
1. Các loại thuốc đặt hậu môn
Ngày nay, trên thị trường thuốc có nhiều loại thuốc điều trị ở các dạng khác nhau như: Viên uống, thuốc tiêm, dung dịch, thuốc đạn,... Thông thường, mọi người khá e ngại khi được bác sĩ chỉ định thuốc đạn bởi việc sử dụng khá khó chịu. Tuy nhiên, đây lại là biện pháp hiệu quả để đưa thuốc vào cơ thể nếu người bệnh không thể uống, nuốt hoặc dạ dày và đường ruột không thể hấp thụ tốt thành phần của thuốc. Bên cạnh đó, do thuốc không đi qua gan nên thuốc đặt hậu môn còn được sử dụng cho người có bệnh lý về gan.
Trước khi tìm hiểu về cách đặt thuốc hậu môn, bạn đọc cần biết thuốc đặt hậu môn là gì. Theo đó, thuốc đặt hậu môn thường được bào chế dạng thuốc đạn với hoạt chất chính và các tá dược gồm gelatin và bơ cacao. Khi đưa vào trong cơ thể, nhiệt độ của trực tràng sẽ làm thuốc từ từ tan chảy và phóng thích.
Có nhiều dạng thuốc đặt hậu môn như:
- Theo sự phân tán hoạt chất của thuốc:
- Thuốc đặt hậu môn có tác dụng tại chỗ (hoạt chất phân tán tại chỗ): Thường được sử dụng để điều trị táo bón, bệnh trĩ;
- Thuốc đặt hậu môn có tác dụng toàn thân (hoạt chất phân tán theo các mạch máu: Thường được dùng để điều trị giảm đau, viêm khớp, hạ sốt,...;
- Theo nguồn gốc thành phần: Gồm thuốc đặt hậu môn thảo dược (thành phần có dược liệu) và thuốc đặt hậu môn thông thường;
- Theo tác dụng điều trị:
- Thuốc đặt hậu môn hạ sốt: Trong thành phần thường có chứa paracetamol, thích hợp sử dụng hạ sốt cho trẻ em;
- Thuốc đặt hậu môn trị thấp khớp: Trong thành phần thường có các chất kháng viêm không steroid như diclophenac, ketoprofene,... Thuốc thường được sử dụng trong điều trị các bệnh lý thấp khớp, thích hợp với người bị viêm loét dạ dày - tá tràng không thể uống thuốc kháng viêm không steroid;
- Thuốc đặt hậu môn trị táo bón: Trong thành phần có chứa glycerin (có tác dụng làm mềm phân) hoặc bisacodyl (kích thích nhu động ruột). Thuốc chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn vì nếu dùng lâu dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới nhu động ruột;
- Thuốc đặt hậu môn trị bệnh trĩ: Trong thành phần thường có chứa các chất kháng viêm corticosteroid (hydrocortisone) cùng các chất co mạch với tác dụng làm giảm những triệu chứng sưng, đau, ngứa, bỏng rát của bệnh trĩ;
- Thuốc đặt hậu môn khác: Thuốc trị ho, thuốc bổ sung nội tiết tố,...
2. Chỉ định sử dụng thuốc đặt hậu môn
Các thuốc đặt hậu môn thường có chiều dài khoảng 2cm, có đầu tròn hoặc đầu hình viên đạn. Bác sĩ thường chỉ định sử dụng thuốc này để điều trị: Lo âu, dị ứng, táo bón, hen suyễn, sốt, trĩ, say xe, buồn nôn, đau đầu, ngứa da, các vấn đề sức khỏe tâm thần (tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực).
Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc đạn đặt hậu môn trong các trường hợp sau:
- Các thuốc dạng viên hoặc dung dịch mà bạn đang dùng bị phân hủy quá nhanh trong đường tiêu hóa;
- Bạn không thể nuốt viên thuốc;
- Bạn bị nôn mửa, không thể nuốt được thuốc;
- Mùi vị của thuốc khiến bạn khó uống.
3. Cách đặt thuốc hậu môn chuẩn
Đặt thuốc vào trực tràng đúng cách sẽ giúp thuốc phát huy tác dụng điều trị bệnh và đảm bảo không gây tai biến hoặc những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều người chưa biết cách đặt thuốc hậu môn cho bà bầu, người bệnh đúng cách nên khiến cơ thể không hấp thụ hết thuốc, gây ảnh hưởng tới hiệu quả của quá trình điều trị. Bên cạnh đó, nếu sử dụng thuốc đạn không đúng cách thì hiệu quả sẽ giảm. Vậy làm thế nào để dùng thuốc đặt hậu môn đúng cách? Cách đặt thuốc hậu môn an toàn, hiệu quả như sau:
- Rửa sạch tay kỹ càng với xà phòng và nước;
- Nếu thuốc đạn bị mềm, bỏ thuốc vào trong nước lạnh hoặc đặt vào tủ lạnh trong vài phút để làm viên thuốc cứng lại trước khi tháo khỏi vỏ thuốc;
- Tháo lớp vỏ thuốc nếu có;
- Nếu bác sĩ chỉ định sử dụng 1/2 viên thuốc, bạn hãy cắt viên thuốc theo chiều dọc bằng dao lam sạch;
- Mang bao đầu ngón tay hoặc găng tay dùng 1 lần;
- Bôi trơn đầu viên thuốc đạn với 1 chất bôi trơn tan trong nước như K-Y Jelly (không phải dạng mỡ như vaseline). Nếu bạn không có sẵn chất bôi trơn này thì hãy làm ẩm vùng hậu môn bằng nước mát;
- Nằm nghiêng sang 1 bên, chân dưới duỗi thẳng ra, chân trên co lên cao về phía trước bụng;
- Nhấc phần mông lên, để lộ vùng hậu môn (trực tràng);
- Nhét viên thuốc đạn vào, đưa phần đầu nhọn vào trước bằng ngón tay cho tới khi viên thuốc đặt qua cơ vòng của hậu môn. Cơ vòng thường khoảng 1.2 - 2.5cm ở trẻ sơ sinh và khoảng 2.5cm ở người lớn. Nếu không đặt qua cơ vòng thì viên thuốc đạn có thể trồi ra ngoài;
- Giữ chặt 2 mông với nhau trong vài giây;
- Nằm yên 1 chỗ trong khoảng 5 phút để thuốc đạn không bị rơi ra ngoài và chờ thuốc phát huy tác dụng. Tùy vào loại thuốc nhét hậu môn, thời gian để thuốc ngấm vào cơ thể là khoảng 15 - 60 phút;
- Bỏ những vật đã sử dụng (bao tay, vỏ thuốc) vào thùng rác kín, rửa tay thật kỹ.
Mặc dù thuốc đạn thường an toàn nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp một số rắc rối khi sử dụng loại thuốc này. Một số vấn đề bạn có thể gặp phải khi sử dụng thuốc đạn gồm:
- Một số loại thuốc có thể bị chảy ra ngoài;
- Đôi khi cơ thể người bệnh không hấp thụ thuốc tốt;
- Thuốc có thể gây kích ứng tại vị trí đặt thuốc.
Trước khi sử dụng thuốc đặt hậu môn, người bệnh nên thông báo với bác sĩ nếu: Có nhịp tim không đều, mới phẫu thuật hậu môn gần đây, là nam giới và gần đây mới phẫu thuật tuyến tiền liệt, là nữ giới và mới phẫu thuật hoặc điều trị bức xạ ở khu vực âm đạo.
Thuốc đặt hậu môn thường được sử dụng để điều trị giảm đau, hạ sốt, trị bệnh trĩ,... Người bệnh cần nắm được cách đặt thuốc hậu môn an toàn, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng sử dụng để tránh các tác dụng phụ và đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
- Các loại co giật thường gặp và nguyên nhân
- Trẻ sốt bao nhiêu độ thì co giật?
- Đặc điểm các cơn co giật toàn thân