17-01-2025 21:18

Cách chữa dị ứng thuốc kháng sinh tại nhà

Cách chữa dị ứng thuốc kháng sinh tại nhà

Thuốc kháng sinh là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các phản ứng thuốc nguy hiểm như phản vệ và các triệu chứng có hại trên da nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Tìm hiểu những thông tin cơ bản về phản ứng quá mẫn khi dị ứng thuốc kháng sinh và các phương pháp xử trí ban đầu tại nhà sẽ giúp bệnh nhân tránh được những biến chứng nguy hiểm.

1. Dị ứng thuốc kháng sinh là gì?

Dị ứng thuốc kháng sinh là một phản ứng có hại đối với thuốc kháng sinh. Phản ứng có thể bắt đầu ngay sau khi dùng thuốc, hoặc vài ngày hoặc vài tuần sau khi ngừng thuốc. Dị ứng kháng sinh thường không phụ thuộc vào liều lượng sử dụng, một số phản ứng nghiêm trọng vẫn có thể xảy ra ngay cả khi sử dụng đúng liều hoặc thậm chí với liều lượng rất thấp.

Hầu như các nhân viên y tế sẽ không thể biết trước liệu bệnh nhân có bị phản ứng dị ứng hay không, trừ những người đã được ghi nhận có tiền sử dị ứng trước đó. Hệ thống miễn dịch có thể trở nên nhạy cảm với thuốc kháng sinh trong lần đầu tiên dùng thuốc, lúc này hệ thống miễn dịch của cơ thể đã bắt đầu nhạy cảm với loại kháng sinh đó. Điều này làm tăng nguy cơ phản ứng dị ứng trong lần sử dụng tiếp theo. Các loại kháng sinh dễ gây phản ứng dị ứng nhất là PenicillinCephalosporin.

Phản ứng dị ứng của cơ thể xảy ra thông qua các chất trung gian miễn dịch. Cụ thể, các kháng thể IgE là hoạt chất làm trung gian cho phản ứng quá mẫn cấp. Ngoài ra, tế bào T hoặc chất trung gian miễn dịch khác không phải IgE tham gia vào phản ứng quá mẫn muộn.

2. Dấu hiệu của dị ứng thuốc kháng sinh

  • Các triệu chứng mức độ nhẹ: Da đỏ, ngứa, bong tróc hoặc sưng tấy, nổi những nốt mụn nhỏ, nổi mề đay.
  • Các triệu chứng nghiêm trọng: Da bị phồng rộp hoặc bong tróc, sưng hoặc ngứa nghiêm trọng, chảy nước mắt, nước mũi, các vấn đề về thị lực, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens – Johnson...
  • Các triệu chứng sốc phản vệ: Tắc nghẽn cổ họng, khó thở, ngứa ran, chóng mặt, thở khò khè, tức ngực, co giật, buồn nôn, nôn mửa, lưỡi họng sưng phồng, mê sảng, ngất xỉu... Sốc phản vệ là một phản ứng cấp tính, nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng, vì vậy cần được điều trị ngay lập tức.

3. Cách chữa dị ứng thuốc kháng sinh tại nhà

Các phương pháp điều trị ban đầu tại nhà thường chỉ dùng và có hiệu quả cho những trường hợp phản ứng ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.

  • Điều đầu tiên và là quan trọng nhất khi phát hiện các dấu hiệu của dị ứng kháng sinh là ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức và hãy gọi cho cấp cứu y tế qua số 115.
  • Sử dụng các loại thuốc kháng Histamin như Astemizol, Cetirizin, Fexofenadine, Loratadin... Các loại thuốc này cần được kê đơn và hướng dẫn sử dụng bởi bác sĩ điều trị. Thuốc kháng histamine có thể ngăn chặn các hoạt chất trung gian miễn dịch được kích hoạt trong phản ứng dị ứng.
  • Nếu có sẵn, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc kháng viêm corticoid như Methylprednisolon, Prednisolon... theo theo đúng liều lượng mà bác sĩ đã chỉ định.
  • Trong một vài trường hợp, nên uống nhiều nước hoặc Oresol để bù lại lượng dịch và điện giải cho cơ thể.
  • Đối với những bệnh nhân bị sốc phản vệ hoặc gặp phải các phản ứng dị ứng nguy hiểm cần cho họ nằm ngửa, đầu thấp hơn thân mình, chân cao để tránh hạ huyết áp đột ngột, bảo đảm đường thở được thông thoáng, bệnh nhân có không khí để thở trong lúc xe cấp cứu đến.
  • Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào, thậm chí là những người bình thường cần trang bị sẵn dụng cụ tiêm Epinephrine tự động, đây là một loại thuốc sẽ rất hữu ích trong tình huống khẩn cấp như sốc phản vệ do kháng sinh. Người thân hoặc chính bệnh nhân cần tiêm Epinephrine ngay lập tức khi phát hiện những triệu chứng của sốc phản vệ hay các dấu hiệu nghiêm trọng khác.
  • Bệnh nhân cần lập tức được đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

4. Dự phòng dị ứng kháng sinh

  • Không nên tự ý mua và sử dụng bất kỳ các loại thuốc kháng sinh nào. Nếu có những triệu chứng bất thường, bệnh nhân cần đến khám bệnh tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán và kê đơn điều trị chính xác.
  • Kiểm tra thành phần, nguồn gốc, chất lượng của kháng sinh trước khi sử dụng.
  • Nếu đã từng bị dị ứng với kháng sinh, hãy hỏi bác sĩ về tên loại thuốc và ghi nhớ nó để tránh phải sử dụng lại trong tương lai.
  • Thông báo với bác sĩ điều trị về tiền sử dị ứng của bản thân, tên loại thuốc kháng sinh hay các dị nguyên khác đã từng bị dị ứng.
  • Mang theo giấy tờ tùy thân cảnh báo y tế, các loại giấy này thường được các bác sĩ ghi rõ về tiền sử dị ứng với các loại nguyên nhân khác nhau, trong đó có thuốc kháng sinh.
  • Những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với bất kỳ nguyên nhân nào cần luôn mang theo 2 mũi tiêm Epinephrine bên mình. Bệnh nhân có thể cần tiêm mũi thứ hai, vì Epinephrine chỉ có tác dụng trong khoảng 20 phút và các triệu chứng của phản ứng quá mẫn có thể quay trở lại. Bệnh nhân cần tìm hiểu về cách tiêm thuốc, cách bảo quản và hạn sử dụng thuốc Epinephrine.

Tìm hiểu được những cách chữa dị ứng thuốc kháng sinh tại nhà sẽ giúp cho bệnh nhân và người thân biết cách xử trí ban đầu trước khi được đưa đến bệnh viện. Dị ứng kháng sinh là một tình trạng khá phổ biến, do đó hãy sử dụng kháng sinh đúng cách và theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế được những rủi ro ngoài ý muốn.

XEM THÊM:
  • Chỉ định dùng thuốc nhỏ tai polydexa
  • Bị dị ứng thuốc kháng sinh nên ăn gì?
  • Phác đồ kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan