Cho trẻ tập bú bình thường sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, gào khóc hoặc thậm chí bỏ bữa. Nguyên nhân khiến trẻ có những phản ứng này là do núm vú bình cứng hơn vú mẹ nên trẻ không quen. Do đó, mẹ cần tìm hiểu cách cho trẻ tập bú bình đúng cách và hiệu quả.
1. Lý do trẻ cần được tập bú bình
Thông thường trẻ sẽ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, một số trường hợp do hoàn cảnh gia đình và công việc mà mẹ không thể cho trẻ bú trực tiếp bằng bầu vú. Vì vậy, cho trẻ tập bú bình là cách tốt nhất để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ.
Một số trường hợp khác mẹ phải tập cho trẻ bú bình đó là:
- Trẻ sinh non, thể trạng nhỏ hơn so với tuổi thai hoặc không có sức khoẻ trong giai đoạn sơ sinh cần được bú bình trong thời gian ngắn;
- Trẻ xét nghiệm có chỉ số hàm lượng đường trong máu thấp cần sử dụng bú bình để bổ sung thêm calo;
- Sữa mẹ chưa về nên trẻ phải bú bình để không bị đói;
- Những trường hợp trẻ bị sứt môi hở hàm ếch hoặc không thể nuốt, hút được khi bú mẹ...
2. Các cách cho trẻ tập bú bình
Cha mẹ cần thực hiện những kỹ năng giúp cho trẻ bú bình đúng cách cảm thấy no bụng, thoải mái và phát triển toàn diện hơn.
Sau đây là một số cách cho trẻ tập bú bình đúng cách:
- Cha mẹ có thể áp dụng cho trẻ bú đúng cách khi trẻ đang đói: Khi trẻ đòi bú thì hãy khoan cho trẻ bú ngay, thay vào đó hãy cho trẻ đợi thêm một khoảng thời gian ngắn nữa để trẻ cảm thấy thực sự đói. Lúc này, cha mẹ hãy thử đưa bình sữa vào miệng trẻ. Nếu trường hợp trẻ chịu ngậm bình sữa ngay thì có thể sẽ dễ dàng hơn cho những lần tập sau.
- Cha mẹ hãy tập cho bé bú bình khi bé đã no: Với một vài trường hợp, trẻ có phản ứng rất mãnh liệt với việc bú bình khi trẻ đang đói và điều đó sẽ khiến cho trẻ sẽ khó tập bú bình. Trong trường hợp này, cha mẹ đừng áp dụng tập bú bình khi trẻ đang đói, thay vào đó hãy cho trẻ bú bình giữa các cữ trẻ bú mẹ. Trẻ sẽ tiếp nhận và sẵn sàng thử bữa ăn nhẹ đầy mới mẻ này.
- Tập cho trẻ bú bình nhưng vẫn giữ thái độ thờ ơ với trẻ: Thông thường khi cho trẻ tập bú bình mà bé không hợp tác, quấy khóc thì sẽ khiến cha mẹ cảm thấy xót con và không thực hiện nữa. Tuy nhiên, bạn đừng mất bình tĩnh vì nếu bạn tỏ ra ân cần với trẻ lúc này có thể sẽ làm cho tình trạng trở nên khó giải quyết hơn. Thay vào đó, bạn hãy giả vờ thờ ơ với trẻ và cư xử một cách bình thường sẽ giúp trẻ nhanh chóng chấp nhận việc bú bình cho các bữa tiếp theo.
- Không cho trẻ nhìn thấy ngực mẹ khi trẻ tập bú bình: Để cho trẻ sơ sinh bú đúng cách mẹ hãy nhờ bố hoặc ông bà hay người chăm sóc trẻ cho trẻ tập bú bình và nhất thiết không cho trẻ nhìn thấy bầu ngực hoặc kể cả không tiếp xúc để trẻ có thể thấy hơi mẹ. Theo các chuyên gia, cách tập bú này rất dễ dàng giúp bé làm quen với bình sữa một cách nhanh nhất.
- Sử dụng sữa mẹ cho vào bình để tập cho trẻ bú bình: Một số trẻ không chịu bú bình cũng có thể do trẻ không thích sữa ở trong bình, đặc biệt với trẻ sơ sinh. Vì thế, nếu sử dụng sữa mẹ để tập bú bình cho trẻ có thể giúp trẻ nhanh chóng thích nghi với việc bú bình. Tuy nhiên, một số trẻ khác lại thích bú sữa công thức hoặc nước trái cây hơn, vì thế cha mẹ cũng có thể sử dụng những loại nước này để tập cho trẻ bú bình, nhưng không nên lạm dụng nó vì không tốt cho trẻ.
- Tập bú bình cho trẻ khi trẻ còn đang ngủ mơ: Cho trẻ tập bú bình khi trẻ vẫn còn đang ngái ngủ giúp trẻ làm quen dần. Trong vài tuần sau, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận sữa bình khi trẻ thức.
- Cha mẹ không nên gay gắt và gây căng thẳng cho trẻ trong quá trình tập bú bình, bởi vì có thể khiến cho trẻ bỏ cuộc hoàn toàn trong quá trình luyện tập. Nếu trẻ không chịu và phản ứng với bình sữa, cha mẹ tạm thời cất bình sữa đi và có thể thử lại vào một ngày khác.
Một vài lưu ý cha mẹ cần kiểm tra trước khi cho trẻ bú bình:
- Mức độ chảy của sữa: Khi trẻ không chịu bú bình có thể không hẳn do hình dáng của núm vú mà đôi khi do tốc độ chảy của sữa quá nhanh khiến trẻ bị sặc. Vì khi bú mẹ trẻ cần phải dùng sức để mút và nuốt, ngược lại trẻ bú bình không cần phải mất nhiều sức mới làm được điều này.
- Luôn làm ấm sữa trước khi cho trẻ ăn: Nếu sữa quá nóng hoặc quá lạnh đều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
- Cho trẻ thử trước khi bước vào bữa bú thực sự để trẻ làm quen với khẩu vị cũng như tốc độ sữa chảy.
Khi cha mẹ đã thử cho trẻ tập bú bình theo các cách hướng dẫn trên mà trẻ vẫn không hợp tác hay tỏ ra khó chịu thì hãy nhờ đến sự tư vấn từ bác sĩ. Bởi một số lý do như trẻ gặp các vấn đề liên quan đến trào ngược, cơ miệng yếu hoặc thiếu kích thích bằng miệng khiến cho trẻ không chịu bú bình.
- Bé không chịu bú bình, phải làm sao?
- Trẻ đi ngoài có mùi chua, có phải bị nhiễm khuẩn đường ruột?
- Tại sao trẻ 3 tháng tuổi không chịu bú bình?