Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Răng giả của bạn “làm việc” chăm chỉ cả ngày và xứng đáng được nghỉ ngơi vào ban đêm. Tháo và làm sạch chúng mỗi đêm sẽ giúp giữ cho răng giả của bạn sạch sẽ, không có vi khuẩn. Vậy làm cách nào để vệ sinh răng giả không có mùi hôi? Dưới đây là những hướng dẫn giúp chăm sóc, vệ sinh răng giả đúng cách.
1. Răng giả tháo lắp là gì?
Răng giả tháo lắp là những chiếc răng được làm từ các vật liệu như acrylic, nylon hoặc kim loại, vừa khít với nướu và các răng còn lại để bệnh nhân có một bộ răng đầy đủ. Răng giả còn giúp bệnh nhân mất gần hết răng có thể nhai thức ăn và nói chuyện bình thường. Tuy nhiên, chúng có thể không cắn hiệu quả như răng tự nhiên.
Có hai loại tháo lắp răng giả, đó là:
- Răng giả hoàn chỉnh: Một bộ răng giả đầy đủ cho hàm trên, dưới hoặc cả hai.
- Răng giả bán phần: Là răng có thể tháo rời cho chỉ một hoặc một vài răng.
2. Tại sao phải làm răng giả?
Làm răng giả trở nên cần thiết nếu bệnh nhân đã mất toàn bộ hoặc hầu hết các răng tự nhiên, thậm chí nếu răng vẫn còn nhưng trong tình trạng kém đến mức họ quyết định trồng răng giả sẽ là lựa chọn tốt hơn. Chúng mang lại những ưu điểm sau:
- Giảm các vấn đề về ăn uống.
- Ngăn ngừa các vấn đề khi nói.
- Cải thiện vẻ thẩm mỹ của nụ cười.
- Có thể tăng cường sự tự tin của bệnh nhân.
3. Hướng dẫn chăm sóc vệ sinh răng giả không có mùi hôi
Hàm giả một phần hoặc toàn bộ có thể tháo rời để chăm sóc nhằm giữ chúng sạch sẽ, không bị ố vàng và trông thẩm mỹ hơn. Để chăm sóc răng giả tốt, cần thực hiện các bước sau:
- Tháo và rửa sạch răng giả sau khi ăn: Rửa dưới nước để loại bỏ mảnh vụn thức ăn và các hạt rời khác bám tại răng giả. Đồng thời, tìm hiểu cách lắp răng giả sau mỗi lần tháo ra.
- Xử lý răng giả cẩn thận: Hãy chắc chắn rằng bạn không làm cong, hỏng nhựa hoặc móc cài khi làm sạch.
- Làm sạch miệng sau khi tháo răng giả: Sử dụng bàn chải lông mềm để làm sạch lưỡi, má và vòm miệng. Nếu được sử dụng, nên loại bỏ bất kỳ chất kết dính răng giả còn lại trên nướu của bạn.
- Chải răng giả hàng ngày: Tháo và vệ sinh răng giả một cách nhẹ nhàng hàng ngày. Ngâm và chải chúng bằng bàn chải lông mềm, chất tẩy rửa phù hợp để loại bỏ thức ăn, mảng bám. Nếu bạn sử dụng keo dán răng giả, hãy làm sạch các rãnh phù hợp với nướu răng để loại bỏ bất kỳ chất kết dính còn lại. Không sử dụng chất tẩy rửa răng giả bên trong miệng của bạn.
- Ngâm răng giả qua đêm: Hầu hết, các loại răng giả cần được giữ ẩm để cố định hình dạng. Nên ngâm răng giả trong nước hoặc dung dịch phù hợp qua đêm. Theo dõi hướng dẫn của nhà sản xuất về vệ sinh và ngâm dung dịch.
- Súc miệng răng giả kỹ lưỡng trước khi đưa lại vào miệng, đặc biệt là nếu sử dụng dung dịch ngâm răng giả. Những dung dịch này có thể chứa các hóa chất độc hại gây nôn mửa, đau hoặc bỏng nếu nuốt phải.
- Lên lịch khám răng miệng định kỳ: Đối với những người đeo hàm giả hoàn toàn, nên kiểm tra răng miệng định kỳ. Đối với những người đeo hàm giả một phần, nên thăm khám hàng năm và chụp X-quang răng để bảo tồn răng tự nhiên còn lại.
- Hãy đến cơ sở nha khoa nếu răng giả của bạn bị lỏng lẻo: Trong trường hợp răng giả bị lung lay, bạn nên đến cơ sở y tế để thăm khám. Bởi hàm giả lỏng lẻo có thể gây kích ứng, lở loét và nhiễm trùng.
4. Khi đeo răng giả nên tránh những gì?
- Vật liệu làm sạch mài mòn: Tránh bàn chải có lông cứng, chất tẩy rửa và kem đánh răng mạnh, vì chúng quá mài mòn và có thể làm hỏng răng giả của bạn.
- Thuốc đánh răng làm trắng.
- Sản phẩm có chất tẩy trắng răng: Không sử dụng bất kỳ sản phẩm tẩy trắng nào vì chúng có thể làm yếu răng giả và thay đổi màu sắc của chúng. Không ngâm răng giả có gắn kim loại trong dung dịch chứa clo, vì nó có thể làm hoen ố và ăn mòn kim loại.
- Nước nóng: Tránh nước nóng hoặc nước sôi, vì nó có thể làm cong răng giả của bạn.
Tóm lại, răng giả một phần hoặc toàn bộ có thể bị ố vàng, hư hỏng và gây nhiều phiền toái cho người dùng nếu không được vệ sinh sạch sẽ. Do đó, bạn nên thường xuyên chăm sóc răng giả để giữ chúng sạch sẽ, không bị ố vàng và trông thẩm mỹ hơn.
Nếu có vấn đề về tư vấn thực hiện, bạn có thể đến bệnh viện Vinmec để bác sĩ thăm khám, chụp phim kiểm tra toàn bộ tình trạng răng miệng để điều trị sâu răng, nha chu trước khi làm răng giả, hướng dẫn chỉnh sửa trong và sau khi thực hiện.
- Ưu và nhược điểm của niềng răng trong suốt
- Bấm huyệt nào chữa đau răng?
- Chụp X-quang răng có hại không?