Mục lục
Viêm nang lông là một tình trạng da rất phổ biến, đặc trưng bởi dấu hiệu viêm lỗ chân lông và nhiễm trùng. Dấu hiệu viêm lỗ chân lông bắt đầu là kích ứng nhẹ và viêm đỏ trên vùng da bị ảnh hưởng kèm cảm giác nóng nhẹ, bong tróc, đau. Mặc dù viêm lỗ chân lông không lây từ người này sang người khác nhưng có thể lây lan sang các vùng khác trên cơ thể nếu không biết cách chăm sóc da phù hợp.
1. Cách chăm sóc da bị viêm nang lông tại nhà
1.1 Chườm ấm
Chườm ấm sẽ giúp làm dịu vết sưng, tấy và đau. Trước tiên bạn cần đun sôi khăn bông mềm hoặc khăn mặt để khử trùng bằng cách đun sôi một ít nước và thêm muối vào đó, ngâm vải trong nước sôi. Sau đó, lấy miếng vải ra vắt ráo và ấn nhẹ lên vùng da bị viêm lỗ chân lông.
Lặp lại điều này ít nhất hai lần hoặc ba lần một ngày, mỗi lần sử dụng khăn mới hoặc khử trùng khăn đã dùng trước đó.
1.2 Làm sạch da
Khu vực bị viêm lỗ chân lông phải được làm sạch hàng ngày bằng xà phòng diệt khuẩn. Luôn nhớ dùng nước ấm và lau khô vùng da bằng cách dùng khăn mềm vỗ nhẹ. Sử dụng khăn hoặc khăn sạch mỗi lần và không dùng chung với bất kỳ ai. Bất kỳ khăn vải nào tiếp xúc với vùng bị ảnh hưởng phải được làm sạch bằng nước ấm và chất tẩy rửa.
1.3 Bôi gel làm dịu da
Có rất nhiều nguyên liệu gia dụng có thể thoa lên vùng da bị ảnh hưởng để mang lại kết quả đáng kinh ngạc. Trong đó, lô hội là một loài thực vật kỳ diệu, gel từ lá cây có thể giúp da lành nhanh hơn và cũng mang lại cảm giác nhẹ nhàng.
Làm sạch vùng da bị viêm lỗ chân lông bằng xà phòng và nước trước khi thoa gel lô hội nguyên chất lên vùng bị ảnh hưởng. Gel lô hội có thể được sử dụng trực tiếp mà không chứa bất kỳ chất phụ gia nào.
Thực hiện tương tự như vậy với nước giấm táo hay củ nghệ tươi, các thành phần nổi tiếng toàn cầu về đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa.
1.4 Dùng tinh dầu
Dầu cây chè, dầu phong lữ, dầu hạt bưởi rất hiệu quả trong việc điều trị viêm nang lông. Trong đó, dầu cây trà có thể được thêm vào dầu gội đầu, kem dưỡng da hoặc sữa tắm của bạn.
Chăm sóc da bị viêm nang lông với các loại tinh dầu bằng cách chà nhẹ nhàng lên vùng da tổn thương và để yên sau đó. Trước khi sử dụng, hãy kiểm tra trên vùng da nhỏ để đảm bảo không có phản ứng phụ. Tinh dầu tràm trà đặc biệt hiệu quả đối với những người bị viêm nang lông tái phát.
1.5 Tránh cạo râu hoặc tẩy lông
Không cạo hoặc tẩy lông vùng da đang bị viêm lỗ chân lông. Lý do là vì điều này có thể gây sẹo vĩnh viễn đồng thời làm vùng da bị chảy máu và lây lan nhiễm trùng.
Hơn nữa, chăm sóc da bị viêm nang lông sẽ mất nhiều thời gian để chữa lành nếu gặp bất kỳ sự cọ sát nào. Ngay cả khi bôi thuốc, hãy nhớ dùng tăm bông để giữ da tiếp xúc với da tối thiểu.
1.6 Bảo vệ khu vực bị ảnh hưởng
Bảo vệ là bắt buộc trong chăm sóc da bị viêm nang lông nhằm đảm bảo không tăng về mức độ nghiêm trọng hoặc diện tích bị tổn thương. Nếu vùng da đang viêm lỗ chân lông có tiếp xúc với quần áo, hãy nhớ mặc quần áo rộng rãi để vùng này thông thoáng và tránh ma sát.
Bên cạnh đó, sau khi tập luyện, hãy nhanh chóng cởi bỏ quần áo thấm mồ hôi và tắm lại để giữ cho da sạch mồ hôi và khô. Tránh sử dụng hồ bơi hoặc bồn tắm công cộng để tránh lây nhiễm thêm cho bản thân. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da tự nhiên và đảm bảo da luôn sạch và khô.
2. Các điều trị y tế chuyên biệt cho viêm lỗ chân lông
Trong khi nhiều trường hợp viêm lỗ chân lông sẽ khỏi trong vòng một hoặc hai tuần nếu tự chăm sóc da bị viêm nang lông tốt, nếu bị nặng hoặc viêm nang lông tái phát, người bệnh nên đến gặp bác sĩ.
Để chẩn đoán viêm lỗ chân lông, bác sĩ sẽ cần phải khám sức khỏe, chủ yếu là quan sát các tổn thương trên da và hỏi bệnh sử. Để xác định loại nhiễm trùng, bác sĩ có thể phết da để lấy mẫu của tác nhân gây nhiễm trùng nhằm xác định liệu trình điều trị phù hợp. Trong một số trường hợp hiếm, sinh thiết da có thể được yêu cầu để loại trừ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn. Sau đó, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào loại viêm nang lông đang mắc phải và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số phương pháp điều trị thông thường như sau:
- Kem, gel hoặc lotion kháng sinh
- Kem bôi hoặc thuốc uống chống nấm
- Corticosteroid, bôi hoặc uống, để giảm viêm và ngứa
- Quy trình tiểu phẫu để dẫn lưu mủ từ nhọt
- Tẩy lông bằng laser
3. Các cách ngăn ngừa viêm lỗ chân lông
Mặc dù điều trị là quan trọng, nhưng việc phòng ngừa có thể ngăn chặn tận gốc vấn đề này theo đúng nghĩa đen. Những hành động đơn giản như sau giúp phòng ngừa nguy cơ mắc phải viêm lỗ chân lông cũng như tái phát:
- Tắm rửa thường xuyên, đặc biệt là sau khi tập thể dục
- Không nên sử dụng bồn ngâm nước nóng công cộng
- Tránh dùng chung khăn mặt và khăn tắm
- Không gãi hay làm tổn thương các nốt mụn vì dễ làm lây lan ra vùng da lành xung quanh
- Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí
- Giữ môi trường sống mát mẻ và luôn khô ráo
- Tránh bôi các sản phẩm nhờn và dầu lên da và tóc
- Hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc steroid trừ khi thấy cần thiết
- Chú ý tăng cường hệ thống miễn dịch, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và bổ sung probiotic hàng ngày
Tóm lại, viêm lỗ chân lông là một tình trạng da phổ biến có thể do nhiễm trùng. Dấu hiệu viêm lỗ chân lông dễ nhận biết là những vết sưng tấy đỏ hồng hoặc có mủ trắng, ngứa dữ dội. Nếu không được chăm sóc da bị viêm nang lông đúng cách, bệnh có thể gây tổn thương da vĩnh viễn. Ngược lại, viêm lỗ chân lông hoàn toàn có thể được điều trị hiệu quả bằng cách tự chăm sóc tại nhà cũng như can thiệp y tế nếu ở mức độ nặng.
- Các biện pháp chẩn đoán ung thư da
- Vì sao con người có nhiều lông nách? Có nên nhổ lông nách?
- Nhổ lông nách có gây viêm lỗ chân lông?