Mục lục
Kẽm là một trong những vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ, đặc biệt là vai trò trong quá trình tiêu hóa và trao đổi chất. Trẻ em thiếu kẽm sẽ có nguy cơ bị còi cọc, do vậy cha mẹ cần biết cách bổ sung kẽm hiệu quả để giúp trẻ phát triển tốt.
1. Kẽm có vai trò quan trọng như thế nào?
Kẽm có chức năng rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển tốt, là một trong những vi chất dinh dưỡng thiết yếu quan trọng đối với hầu hết mọi khía cạnh sức khỏe của trẻ. Kẽm đóng một phần vai trò trong các quá trình sinh học của cơ thể, bao gồm tăng trưởng tế bào, biệt hóa và chuyển hóa. Thiếu hụt kẽm sẽ hạn chế sự phát triển của trẻ nhỏ và giảm khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lý và tử vong ở trẻ nhỏ. Ngoài ra, một số vai trò quan trọng của kẽm bao gồm:
- Cải thiện chức năng miễn dịch: Kẽm hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm và bảo vệ chống lại các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư và tiểu đường.
- Kiểm soát đường máu: Kẽm được biết đến với vai trò kiểm soát lượng đường trong máu và bài tiết insulin. Trong đó insulin là hormone chịu trách nhiệm vận chuyển đường từ máu tới các mô. Một vài nghiên cứu cho thấy rằng, vi chất kẽm có thể giúp giữ lượng đường huyết ổn định và cải thiện độ nhạy cảm của cơ thể.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch: Bệnh tim là một vấn đề nghiêm trọng, chiếm khoảng 33% số ca tử vong. Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, kẽm có thể cải thiện một số yếu tố nguy cơ của bệnh tim.
2. Con bạn cần bao nhiêu kẽm mỗi ngày?
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng cần thiết, trong đó mỗi giai đoạn phát triển thì việc cho trẻ uống kẽm là khác nhau:
- Từ 0 đến 6 tháng tuổi: 2 miligam mỗi ngày
- Từ 7 đến 11 tháng tuổi: 3 miligam mỗi ngày
- Từ 1 đến 3 tuổi: 3 miligam mỗi ngày
- Từ 4 đến 8 tuổi: 5 miligam mỗi ngày
- Từ 9 đến 13 tuổi: 8 miligam mỗi ngày
- Trên 14 tuổi: Đối với bé gái cần 9 miligam/ngày và với bé trai là 11 miligam/ngày
3. Cách bổ sung kẽm hiệu quả cho trẻ
Có nhiều cách bổ sung kẽm hiệu quả cho trẻ, ví như bằng các loại thực phẩm có chứa nhiều kẽm hoặc cho trẻ uống kẽm. Dưới đây là cách bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hiệu quả, an toàn.
3.1 Bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh nhỏ hơn 6 tháng tuổi
Việc bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh nhanh nhất và hiệu quả nhất là từ nguồn sữa mẹ. Ở giai đoạn đầu, sữa mẹ không chỉ có chứa một nguồn kẽm lớn mà còn có rất nhiều kháng thể và các chất dinh dưỡng khác.
Chính vì vậy, trong suốt giai đoạn 6 tháng đầu đời, cha mẹ hãy tận dụng nguồn sữa mẹ vốn có và hạn chế cho trẻ bú sữa ngoài để giúp bé phát triển tốt hơn. Do đó, việc bổ sung đầy đủ kẽm cũng như các chất dinh dưỡng cho mẹ trong giai đoạn mang thai là hết sức quan trọng.
Một số lưu ý mà mẹ khi mang thai cần bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày như:
- Nhóm thực phẩm có giàu vi chất kẽm như tôm, cua, thịt, trứng, cá,...
- Nhóm thức ăn có chứa nhiều vitamin C ví dụ như ổi, bưởi, quýt, cam, chanh,... Nhóm thực phẩm này có tác dụng làm tăng khả năng hấp thu kẽm của cơ thể và ngược lại. Ngoài ra, kẽm cũng có khả năng tác dụng giúp cho cơ thể hấp thu các vitamin C một cách dễ dàng hơn.
- Bổ sung thêm các loại đậu hoặc hạt, đặc biệt là đậu nành,...
- Nếu cha mẹ muốn bổ sung đồng thời kẽm và sắt thì hãy uống sắt sau khi uống kẽm 2 tiếng. Bởi vì sắt có khả năng làm ngăn cản sự hấp thu kẽm của cơ thể.
Đặc biệt, khi bổ sung kẽm cho trẻ, cha mẹ chỉ bổ sung ở một mức độ vừa phải, tránh tình trạng lạm dụng gây dư thừa kẽm trong cơ thể.
3.2. Bổ sung kẽm hiệu quả cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Giai đoạn từ 6 tháng tuổi trở lên trẻ bắt đầu có những cảm nhận và nhận thức về đồ ăn. Do đó, cha mẹ cần phải thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày nhằm tránh gây ra cảm giác nhàm chán, nhưng vẫn cần phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
3.3. Trẻ bị suy dinh dưỡng
Cách uống kẽm hiệu quả đối với những trẻ bị suy dinh dưỡng đó là cha mẹ nên chế biến món ăn theo nhiều loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, ví dụ như cua, cá, tôm đồng, hàu, thịt hoặc từ các loại rau xanh như đậu (đậu nành), các loại hạt, cải bó xanh, bông cải xanh, thậm chí là tỏi,...
3.4. Đối với trẻ biếng ăn
Việc ép trẻ ăn theo ý của mình sẽ là điều vô cùng khó khăn. Do vậy, để giúp cho trẻ biếng ăn trở nên ăn ngon miệng hơn, nhưng vẫn bổ sung đầy đủ vi chất kẽm và các chất dinh dưỡng cho cơ thể, cha mẹ cần đáp ứng theo sở thích của trẻ.
Một số loại thực phẩm giàu kẽm mà đa số các trẻ đều thích ví dụ như: Socola đen, sữa chua, bơ sữa, hải sản và ngũ cốc nguyên hạt,... Với những loại thực phẩm trên sẽ giúp kích thích vị giác và trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn.
Ngoài việc bổ sung kẽm qua thực đơn ăn uống của trẻ hàng ngày, cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ bằng cách thông qua những loại thực phẩm bổ sung khác như viên kẽm. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý nên cho trẻ uống kẽm sau bữa ăn 30 phút và uống trong vòng từ 2 - 3 tháng theo chỉ định của bác sĩ, sau đó ngưng.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh vẫn nên ưu tiên bổ sung kẽm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bằng các loại thực phẩm tươi sạch và đảm bảo an toàn thực phẩm hàng ngày. Với cách này trẻ sẽ hấp thu kẽm nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Nguồn tham khảo: who.int, babycenter.com, healthline.com, ods.od.nih.gov
- Dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu kẽm
- Uống kẽm và canxi cùng lúc được không?
- Công dụng thuốc Mibezin 15mg