Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Di chứng hậu covid của trẻ em đang được các gia đình có trẻ nhỏ quan tâm hiện nay. Vậy khám hậu covid cho trẻ em ở đâu ? Khám hậu covid khi nào và các xét nghiệm cần thiết cho trẻ hậu Covid là gì? Hãy cùng tìm hiểu những xét nghiệm cần thiết để khám hậu covid trẻ em và tầm soát sức khỏe hậu Covid-19 nhé.
1. Các di chứng hậu covid của trẻ em
Kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 nhằm đánh giá chức năng và chẩn đoán bệnh lý liên quan đến phổi, kiểm tra tình trạng viêm và đông máu; tim mạch; từ đó có được những phương pháp điều trị tối ưu cho các vấn đề sức khỏe hiện tại và dự phòng các nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai.
Các triệu chứng và tình trạng có thể ảnh hưởng đến trẻ em sau COVID-19:
- Những vấn đề về hô hấp: Vì virus corona tác động trực tiếp đến phổi nên các triệu chứng bất thường về hô hấp kéo dài là điều không tránh khỏi. Chúng có thể bao gồm ho, khó thở, đau ngực hơn khi vận động mạnh hoặc tập thể dục. Một vài triệu chứng có thể kéo dài trong 3 tháng hoặc có thể lâu hơn. Đối với đối tượng là trẻ em từ 6 tuổi trở lên có các triệu chứng kéo dài có thể cần phải tiến hành xét nghiệm chức năng phổi. Xét nghiệm kiểm tra tim mạch để loại trừ các biến chứng như cục máu đông đối với trẻ bị khó thở do gắng sức trong một thời gian không hết là cần thiết.
- Những vấn đề về tim mạch: Trong một số trường hợp cực kỳ hiếm, sau khi trẻ đã được tiêm vắc-xin mRNA, triệu chứng viêm cơ tim vẫn có thể phát triển sau khi nhiễm COVID-19. Triệu chứng điển hình của viêm cơ tim có thể bao gồm mệt mỏi, khó thở, đau ngực, nhịp tim không đều. Với đối tượng là trẻ em và thanh thiếu niên sau khi nhiễm Covid – 19 có các triệu chứng từ trung bình đến nghiêm trọng trong vòng 6 tháng qua cần được tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chúng trở lại trường học hoặc tham gia các hoạt động thể thao.
- Ảnh hưởng đến khứu giác và vị giác: Trung bình cứ 1 trẻ bị nhiễm Covid – 19 bị mất khứu giác hay vị giác / 4 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi. Triệu chứng này có ảnh hưởng tiêu cực đến thói quen ăn uống cũng như tâm trạng của trẻ. Nó thậm chí còn khá nguy hiểm vì khiến trẻ không thể phát hiện được mùi đặc biệt gây nguy hiểm như mùi rò rỉ khí gas. Thông thường thì các triệu chứng này thường biến mất sau một vài tuần. Còn nếu không, thì cần sự can thiệp của bác sĩ để trẻ có thể lấy lại được sự cảm nhận của giác quan.
- Bệnh COVID-19 cấp tính có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và trong một số trường hợp hiếm hoi, dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não (sưng não). Trẻ em đã từng bị COVID-19 có thể trải qua những thay đổi nhỏ về lời nói, sự chú ý, việc học tập ở trường, chuyển động và tâm trạng. Nếu cần, bác sĩ sẽ giới thiệu cho con bạn gặp chuyên gia tư vấn tâm lý để giúp trẻ vượt qua được giai đoạn này.
- Sự mệt mỏi về tinh thần. "Sương mù não" là hiện tượng thường xuyên gặp ở những người trưởng thành bị mắc COVID-19. Triệu chứng tương tự cũng hay gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm virus. Biểu hiện là con bạn có vẻ hay quên hơn hoặc khó chú ý hơn. Trẻ có thể đọc chậm hơn hay cần lặp lại nhiều hơn, đôi khi phải ngắt quãng trong khi học. Cố gắng đảm bảo con bạn được ngủ đủ giấc và giúp chúng kiểm soát căng thẳng – nguyên nhân có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng này.
- Thể chất mệt mỏi. Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, trẻ em và thiếu niên có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng kém hơn, ngay cả khi họ không có các triệu chứng về tim hoặc phổi do vi rút gây ra. Điều này thường được cải thiện theo thời gian.
- Nhức đầu: đây là một triệu chứng phổ biến cả trong và sau khi nhiễm virus Corona. Áp dụng biện pháp ngủ đủ giấc, ăn các bữa ăn đều đặn, uống nhiều nước và kiểm soát được căng thẳng sẽ giúp trẻ bớt đau đầu. Nếu cơn đau đầu không dứt và có thể nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau.
- Sức khỏe tâm thần và hành vi: Bị mắc Covid – 19 sẽ khiến trẻ có những thay đổi về tâm thần nhất định, nhất là đối với những trẻ mắc bệnh tâm thần / hành vi có thể làm cho các triệu chứng trầm trọng hơn. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra để tìm các dấu hiệu trầm cảm hay các bất thường về sức khỏe tâm thần khác, đồng thời họ cũng sẽ tư vấn khi nào con bạn cần được hỗ trợ thêm.
- Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C) là một biến chứng hiếm gặp, xảy ra sau khi nhiễm SARS-CoV-2 từ 2 đến 6 tuần. Nếu con bạn có các triệu chứng như sốt cao không rõ nguyên nhân sau khi đã khỏi COVID-19, phát ban đỏ trên da, viêm đỏ kết mạc mắt, nôn ói nhiều, khó thở, thở mệt, hãy trao đổi với bác sĩ. MIS-C diễn tiến rất nhanh và có thể trở nên tồi tệ hơn một cách nhanh chóng. Nếu bạn phát hiện con bạn gặp phải tình trạng này thì trẻ nên được bác sĩ nhi khoa khám càng sớm càng tốt. Trẻ cần được nhập viện và theo dõi chăm sóc đặc biệt .
- Long COVID-19 là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các triệu chứng tồn tại trong nhiều tuần hoặc vài tháng ở một số người sau khi phục hồi ban đầu từ nhiễm COVID-19. Trong khoảng thời gian từ 4 đến 12 tuần đầu tiên sau khi bị nhiễm, bạn nên tập trung cho trẻ chủ yếu tiếp cận với lối sống lành mạnh để giúp có thể trẻ cải thiện được các triệu chứng. Nhưng nếu các triệu chứng hậu Covid của trẻ kéo dài hơn 3 tháng, bác sĩ của con bạn có thể sẽ đề nghị tiến hành các xét nghiệm bổ sung và rất có thể trẻ cần được khám chuyên khoa, đa ngành sau COVID-19.
2. Các xét nghiệm cần thiết cho trẻ hậu Covid? Và khám hậu covid cho trẻ em ở đâu?
Khám hậu covid khi nào? Khám hậu covid cho trẻ em ở đâu? Các xét nghiệm cần thiết cho trẻ hậu Covid là gì? Là những câu hỏi được nhiều bậc cha mẹ quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Khám chuyên khoa Nhi hay chuyên khoa Hô hấp đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe trẻ em và trẻ vị thành niên sau khi bị nhiễm Covid-19. Sự phối hợp chăm sóc giữa gia đình và bác sĩ chuyên khoa đem lại hiệu quả tối ưu bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Thăm khám sau khi nhiễm Covid-19 giúp sàng lọc và điều trị các vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em sau khi nhiễm bệnh, bao gồm các bệnh lý thực thể và bệnh lý tâm thể có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tâm lý xã hội của trẻ.
Khám sức khỏe hậu Covid-19 cho trẻ em và vị thành niên (từ 0-17 tuổi) bị các triệu chứng sau khi nhiễm Covid-19 bao gồm các đánh giá kiểm tra về tình trạng đông máu, nhiễm trùng, chức năng tim, gan, thận, tiêu hóa... Một số xét nghiệm cơ bản là:
2.1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm công thức máu toàn phần đo thành phần và đặc điểm của máu. Kết quả bất thường gợi ý một số tình trạng như: thiếu máu, nhiễm trùng, tăng sinh hạch bạch huyết, rối loạn đông máu,... và một số bệnh lý khác về gan, thận, suy giáp...
CRP
Viêm là cơ chế quan trọng để bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân xâm phạm như chuyển hóa, vật lạ, kháng nguyên hoặc vi khuẩn. Tình trạng viêm phản ánh nhiều vấn đề sức khỏe đang diễn ra. Trong đó xét nghiệm CRP giúp đánh giá tình trạng nhiễm trùng và bệnh mạn tính, cũng như các nguy cơ tim mạch tiềm ẩn.
D-Dimer
Xét nghiệm D-Dimer kiểm tra tình trạng tăng đông. Tăng đông máu là tình trạng làm xuất hiện các cục máu đông hạn chế dòng chảy của máu đến các cơ quan, có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ, thuyên tắc phổi, tổn thương chi, thận hay đường tiêu hóa.
Ferritin
Xét nghiệm Ferritin để kiểm tra lượng sắt dự trữ trong cơ thể nhằm đánh giá tình trạng thiếu sắt liên quan đến một số tình trạng sức khỏe hoặc bệnh lý, cũng như đánh giá về tình trạng viêm của cơ thể. Tăng ferritin huyết thanh rõ rệt xảy ra trên những bệnh nhân bị COVID-19 nặng, phức tạp bởi “bão cytokine”, được xác định qua sự phóng thích quá mức và không kiểm soát của các cytokine tiền viêm (IL-2, IL-6, IL-10 và TNF-α) và các chất chỉ điểm viêm như protein phản ứng C và máu lắng.
Albumin
Xét nghiệm Albumin trong sinh hoá máu giúp đánh giá được chức năng và tình trạng gan. Nồng độ Albumin suy giảm cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho bệnh thận, tình trạng dinh dưỡng kém hay viêm nhiễm trong cơ thể.
Creatinine
Creatinin huyết thanh là sản phẩm của sự thoái hóa creatinin phosphat ở cơ và những creatinin này được thận lọc hoàn toàn. Chỉ số Creatinin giúp các bác sĩ đánh giá chức năng và chẩn đoán mức độ tổn thương của thận.
Men gan (ALT, AST)
ATS, ALT là các chỉ số dùng để đánh giá và chẩn đoán các bệnh lý về gan như viêm gan cấp và mãn tính, tổn thương nhu mô gan.
2.2. Chẩn đoán hình ảnh
X-Quang
Phổi là cơ quan chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi virus SARS-CoV-2, bởi vậy nên các triệu chứng hô hấp thường kéo dài như ho, đau tức ngực, khó thở khi vận mạnh rất hay gặp ngay cả khi bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Đặc biệt với trẻ em và trẻ vị thành niên có các triệu chứng về hô hấp nếu trên nên chụp X-quang để đánh giá được chức năng, vị trí và tình trạng tổn thương phổi. Ngoài ra, với trẻ lớn cần thiết có thể đo chức năng hô hấp nếu có tình trạng khó thở, đau ngực kéo dài không lý giải được nguyên nhân.
Điện tâm đồ
Nguy cơ tiềm ẩn về bệnh về tim mạch đã được nhiều nhà khoa học tiến hành nghiên cứu. Theo thống kê cho thấy ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy bất kể người bệnh nhiễm Covid-19 thể nhẹ hay nặng đều có thể phát triển thành viêm cơ tim. Đặc biệt ở trẻ em, hội chứng MIS-C có thể gây ra rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim và các vấn đề về động mạch vành.
Chứng bệnh này thật sự rất đáng lo ngại ở trẻ em, do đó ở những trẻ em bị hội chứng hậu Covid-19, đặc biệt là khi trẻ có triệu chứng khó thở, đau tức ngực, rối loạn nhịp tim, hay mệt mỏi nghiêm trọng cần tiến hành điện tâm đồ để kiểm tra ngay.
Siêu âm ổ bụng
Ở trẻ em và trẻ vị thành niên, Hội chứng hậu Covid-19 có thể gây ra tình trạng đau bụng hay rối loạn tiêu hóa. Bởi vậy, siêu âm ổ bụng tổng quát rất cần thiết giúp phát hiện được một số hình ảnh bất thường của nội tạng.
2.3. Khám tâm thần
Các rối loạn sức khỏe tâm thần như lo lắng, căng thẳng, hoảng sợ, rối loạn tâm trạng, trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)... có thể là một phần của hội chứng hậu Covid-19.
Thời gian nghỉ học ở trường để tránh dịch phải học online kéo dài, trẻ không thể tham gia các hoạt động thể thao và giải trí ngoài trời; trẻ em không được tiếp xúc với bạn bè và giáo viên, dành phần lớn thời gian sử dụng điện thoại, xem tivi, chơi game... sẽ có những tác động xấu ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ. Thậm chí một số trẻ còn bị phụ thuộc vào thiết bị kỹ thuật số và cảm thấy rất khó chịu nếu không được sử dụng chúng.
Còn những trẻ bị nhiễm Covid-19 phải nhập viện điều trị trong thời gian dài, bị cách ly hoàn toàn với gia đình, bạn bè, cùng với nỗi sợ bệnh tật khiến các em dễ bị rối loạn sức khỏe tâm thần.
Trẻ em và trẻ vị thành niên đã bị một trong những tình trạng rối loạn tâm thần trước đó như rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm trạng và rối loạn hành vi là những đối tượng dễ bị tổn thương. Bệnh Covid-19 có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng, do đó cần được chú ý đặc biệt.
Sức khỏe tâm thần ở trẻ em và vị thành niên cần được đánh giá bởi Bác sĩ Nhi khoa hoặc Bác sĩ Tâm thần kinh (tâm thể) để gia đình được hướng dẫn cách hỗ trợ tốt nhất cho trẻ, xây dựng khả năng phục hồi.
Ngoài ra, phụ huynh nên khuyến khích con tham gia các hoạt động lành mạnh như phụ bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, chơi trò chơi sáng tạo, chơi ngoài trời, đọc sách, vận động; cần tăng cường giao lưu, trò chuyện, lắng nghe con cái; hạn chế thời gian sử dụng điện thoại và tivi ngoài thời gian học online. Việc tăng cường tương tác sẽ giúp cải thiện tâm trạng và tăng tự tin cho trẻ.
- Bà bầu bị ho hậu COVID-19 có nguy hiểm không?
- Trễ kinh nguyệt hậu Covid nên làm gì?
- Hụt hơi, khó thở sau mắc Covid