Mục lục
Bổ sung các loại vitamin tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, phòng chống được bệnh tật và các tác nhân gây hại từ môi trường bên ngoài. Dưới đây là các loại vitamin nên bổ sung cho trẻ để tăng sức đề kháng và hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
1. Vitamin nhóm B là một trong các loại vitamin tốt cho cơ thể
Trong số các loại vitamin cần thiết cho cơ thể, không thể không kể đến vitamin nhóm B. Các loại vitamin nhóm B giúp hỗ trợ quá trình sản xuất năng lượng, cải thiện trao đổi chất, điều hòa tâm sinh lý, tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ tiêu hóa cho trẻ. Việc bổ sung đầy đủ vitamin nhóm B cho trẻ nhỏ sẽ đảm bảo trẻ phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ trong những năm tháng đầu đời.
Một số vitamin nhóm B có ảnh hưởng trực tiếp tới hệ tiêu hóa và quá trình chuyển hóa - hấp thu chất dinh dưỡng của trẻ là:
- Vitamin B1 (Thiamin): Loại vitamin này có nhiều trong vỏ cám của gạo, lúa mì, đậu đỗ, thịt, cá,... Vitamin B1 cần thiết cho việc tạo ra các loại enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa đường, tiêu hóa thức ăn, kích thích cảm giác thèm ăn,... Tuy nhiên, vitamin B1 dễ hao hụt trong quá trình nấu nướng nên nguy cơ thiếu vitamin B1 rất dễ xảy ra, đặc biệt là ở trẻ em. Nếu thiếu vitamin B1, trẻ thường có biểu hiện biếng ăn, mệt mỏi;
- Vitamin B2 (Riboflavin): Loại vitamin này có trong ngũ cốc, rau xanh, thịt, trứng, sữa, các loại đậu, tim, gan, thận,... (hàm lượng trong động vật cao hơn thực vật). Vitamin B2 là thành phần quan trọng của các enzyme oxydase - tham gia vào quá trình chuyển hóa tế bào, chuyển hóa các chất để tạo ra năng lượng, hỗ trợ hấp thu và sử dụng chất sắt,... để giúp cơ thể cân bằng dinh dưỡng. Khi kết hợp với vitamin A, nó giúp dây thần kinh thị giác phát triển tốt. Ngoài ra, vitamin B2 còn phục hồi, làm lành tổn thương niêm mạc ruột do tiêu chảy kéo dài;
- Vitamin B3 (Niacin): Vitamin B3 cần thiết cho các chức năng của đường tiêu hóa như đào thải carbohydrates, chất béo,... Nếu thiếu vitamin B3, trẻ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa với những biểu hiện như nôn mửa và tiêu chảy;
- Vitamin B5 (Axit pantothenic): Vitamin nhóm B này trong cơ thể tồn tại dưới dạng coenzyme A. Nó là 1 trong 3 yếu tố tạo nên coenzyme A - cần thiết cho các hoạt động chuyển hóa năng lượng của tế bào, tốt cho hệ tiêu hóa. Chất dẫn xuất của vitamin B5 là dexpanthenol có tác dụng kích thích các cơ co giãn trong hệ tiêu hóa, giúp làm dịu chứng táo bón. Đồng thời, nó cũng đảm bảo cho sức khỏe làn da và hỗ trợ phát triển chức năng hệ thần kinh trung ương;
- Vitamin B6 (Pyridoxine): Loại vitamin tốt cho hệ tiêu hóa này tham gia vào men tiêu hóa dưới dạng coenzyme - đóng vai trò thiết yếu trong việc chuyển hóa các chất thành năng lượng, đảm bảo hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, vitamin B6 còn tham gia tổng hợp hemoglobin, tránh nguy cơ thiếu máu;
- Vitamin B9 (Axit folic): Đây là loại vitamin nhóm B tham gia vào quá trình tạo tế bào mới, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phân chia và phát triển của tế bào ở trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, vitamin B9 còn có tác dụng làm dịu chứng táo bón bằng nguyên lý kích thích chất nền của axit tiêu hóa, đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa, giúp đi tiêu dễ hơn. Chất này cũng giúp tránh đột biến ADN - nguyên nhân gây ung thư;
- Vitamin B12: Thiếu vitamin B12 có thể gây táo bón, ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hóa. Vì vậy, mỗi người nên bổ sung vitamin B12 từ các thực phẩm như gan bò, cá hồi, cá ngừ,...
Thông thường, trẻ sẽ bị thiếu nhiều loại vitamin nhóm B cùng lúc (hay gặp ở trẻ biếng ăn, chậm lớn, rối loạn tiêu hóa kéo dài). Do đó, khi trẻ có biểu hiện biếng ăn, chậm lớn, cha mẹ cần tìm nguyên nhân để điều trị và bổ sung thêm vitamin nhóm B, kẽm,... cho trẻ ăn ngon miệng hơn, phòng chống nguy cơ suy dinh dưỡng.
2. Vitamin A là loại vitamin tốt cho hệ tiêu hóa
Vitamin A có vai trò cải thiện thị lực, sức khỏe sinh sản và hệ thống miễn dịch. Dù vitamin A không tham gia trực tiếp vào quá trình tiêu hóa nhưng một số bệnh lý ở đường tiêu hóa có thể khiến cơ thể bị thiếu hụt vitamin A.
Nghiên cứu cho thấy những người bị viêm loét dạ dày thường bị thiếu hụt vitamin A; thiếu vitamin A cũng làm trầm trọng hơn tình trạng viêm loét dạ dày. Do đó, để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh, chế độ ăn của mỗi người nên bổ sung đầy đủ thực phẩm giàu vitamin A như khoai tây, cà rốt, rau và hoa quả nhiều màu sắc, cải xoăn, rau màu xanh đậm, gan, sữa,...
3. Bổ sung đầy đủ vitamin C cho trẻ
Vitamin C là một chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa cảm cúm. Bên cạnh đó, vitamin C còn rất cần thiết cho hệ tiêu hóa, hỗ trợ sức khỏe răng miệng và giúp cơ thể hấp thu chất sắt.
Vitamin C không hòa tan (với lượng dùng phù hợp) còn có tác dụng thẩm thấu vào ống tiêu hóa, đưa nước vào ruột, giúp làm mềm phân, giảm nguy cơ táo bón. Vitamin C có nhiều trong thực phẩm như cam, quýt, cà chua, ớt, các loại dâu, bông cải xanh, ngũ cốc,...
4. Vitamin D tốt cho hệ tiêu hóa, thần kinh và miễn dịch
Đây là một trong các loại vitamin tốt cho cơ thể vì nó giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn, đảm bảo hoạt động của hệ thần kinh, cơ bắp và hệ thống miễn dịch. Kết quả của một nghiên cứu cho thấy, vitamin D còn góp phần làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết. Vì vậy, để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe mạnh, mỗi người nên thường xuyên tắm nắng (tạo tiền vitamin D) và bổ sung thực phẩm giàu vitamin D (lòng đỏ trứng, sữa, ngũ cốc, cá biển,...) vào chế độ ăn uống của mình.
Tóm lại, vitamin nhóm B, vitamin A, C, D đều là các vitamin tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ em và người lớn. Nếu chế độ dinh dưỡng không thể cung cấp đủ vitamin thì bạn có thể dùng thêm các loại viên uống bổ sung theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh.
- Tác hại khi thừa hoặc thiếu vitamin B12
- Vitamin 3B có tác dụng gì?
- Tác hại khi thừa hoặc thiếu vitamin B6