Mục lục
- 1. 1. Hôi miệng, nguyên nhân và giải pháp?
- 1.1. 1.1. Hôi miệng do vi khuẩn
- 1.2. 1.2. Hôi miệng do sỏi amidan
- 1.3. 1.3. Hôi miệng do bệnh lý dạ dày
- 1.4. 1.4. Hôi miệng do ăn thức ăn có mùi
- 1.5. 1.5. Hôi miệng do viêm xoang
- 1.6. 1.6. Hôi miệng do thiếu nước bọt
- 1.7. 1.7. Hôi miệng do bệnh lý răng miệng
- 1.8. 1.8. Hôi miệng do hút thuốc lá
- 1.9. 1.9. Hôi miệng do bệnh mãn tính
- 2. 2. Tại sao lười vệ sinh răng miệng gây hôi miệng?
- 3. 3. Hôi miệng là dấu hiệu bệnh răng miệng nào?
- 4. Đánh giá
Hôi miệng gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là do vi khuẩn tích tụ, các bệnh lý về răng lợi, bệnh đường hô hấp và tiêu hóa. Giải pháp chung cho chứng hôi miệng là vệ sinh răng miệng sạch sẽ, điều trị bệnh liên quan, uống nhiều nước và hạn chế thức ăn có mùi.
1. Hôi miệng, nguyên nhân và giải pháp?
1.1. Hôi miệng do vi khuẩn
Hơi thở có mùi là do vi khuẩn sinh sôi trong miệng, chúng ẩn nấp giữa các khe răng và lưỡi. Khi mắc kẹt ở đó, chúng bắt đầu sinh sôi nảy nở và bốc mùi hôi thối.
Đánh răng và dùng chỉ nha khoa được coi là biện pháp hữu hiệu được bác sĩ khuyên dùng. Việc đánh răng và lưỡi ngày 2 lần trong ít nhất 2 phút, kết hợp với chỉ nha khoa mỗi ngày một lần giúp làm giảm hôi miệng. Bạn cần lưu ý, nên dùng kem đánh răng có chứa florua và dụng cụ cạo lưỡi để loại bỏ vi khuẩn hiệu quả.
1.2. Hôi miệng do sỏi amidan
Sỏi amidan được hình thành khi các vi khuẩn sinh sôi trong các lỗ và túi nhỏ ở amidan, lâu dần tạo ra các mảng trắng cứng lại, kích thước như viên sỏi nhỏ. Những sỏi amidan này có mùi hôi, khiến hơi thở có mùi hôi và khó chịu trong miệng.
Chỉ nha khoa có thể loại bỏ các mảnh vụn trước khi chúng cứng lại như viên sỏi. Ngoài ra, dùng tăm bông hoặc thậm chí bàn chải đánh răng có thể giúp lấy những viên sỏi amidan ra ngoài. Ngăn ngừa hình thành sỏi amidan bằng cách súc miệng bằng nước ấm, với những người thường xuyên bị viêm amidan và sỏi amidan thì cách tốt nhất là nên phẫu thuật cắt bỏ amidan.
1.3. Hôi miệng do bệnh lý dạ dày
Chướng bụng hoặc các bệnh dạ dày như trào ngược dạ dày, loét dạ dày có thể gây hôi miệng khi ợ hơi.
Sử dụng thuốc kháng axit không kê đơn hoặc thuốc chẹn axit có thể giúp làm dịu tình trạng trào ngược dạ dày. Nếu không dung nạp lactose và mắc các bệnh dạ dày thì hãy dùng thử viên nén lactase. Ngoài ra, ăn sữa chua hoặc uống men vi sinh có thể giúp tăng cường vi khuẩn có lợi cho đường ruột, điều này có thể làm giảm nguy cơ hơi thở có mùi hôi.
1.4. Hôi miệng do ăn thức ăn có mùi
Thức ăn có mùi như hành, tỏi và một số loại gia vị có thể gây hôi miệng, dù đã vệ sinh sạch vẫn hôi miệng là do một khi những loại thức ăn có mùi đi vào cơ thể thì chúng sẽ được phân hủy, các hóa chất có mùi sẽ đi qua máu đến phổi, và tạo ra mùi hôi khi bạn thở ra.
Đánh răng, dùng chỉ nha khoa và súc miệng sẽ làm trôi đi các mảnh vụn thức ăn ẩn và ngăn vi khuẩn gây mùi sinh sôi. Nếu điều đó không hiệu quả, hãy hạn chế ăn tỏi và hành hoặc không ăn trừ khi đã được nấu chín.
1.5. Hôi miệng do viêm xoang
Viêm xoang có thể là một nguyên nhân khác khiến hơi thở có mùi. Điều trị nghẹt mũi và chảy dịch mũi sau bằng cách xịt nước muối, điều trị dị ứng, bổ sung nước cho cơ thể hoặc dùng thuốc xịt mũi steroid.
Thuốc kháng sinh cũng được gợi ý sử dụng cho các bệnh viêm xoang mãn tính do vi khuẩn. Đối với các vấn đề về xoang do virus không nên điều trị bằng kháng sinh. Nếu trẻ bị hôi miệng và chảy nước mũi một bên, hãy đưa trẻ đi khám để kiểm tra xem có dị vật trong mũi hay không.
1.6. Hôi miệng do thiếu nước bọt
Khô miệng có thể khiến hơi thở có mùi hôi do thiếu nước bọt. Nước bọt được tồn tại không chỉ để tiêu hóa thức ăn mà còn làm sạch các chất cặn bã và vi khuẩn khỏi miệng. Có nhiều nguyên nhân gây khô miệng như sử dụng quá nhiều caffeine, nghẹt mũi thở bằng miệng, thuốc kháng histamin, thậm chí là mắc một căn bệnh hiếm gặp là hội chứng Sjogren.
Uống nước và khạc nhổ để loại bỏ vi khuẩn gây mùi ra khỏi miệng. Ngoài ra, cố gắng luôn đảm bảo miệng được ẩm ướt bằng cách ngậm nước, nhai kẹo cao su. Nếu bị nghẹt mũi thì cần điều trị ngay theo đơn của bác sĩ và cân nhắc sử dụng các sản phẩm tạo nước bọt nhân tạo.
1.7. Hôi miệng do bệnh lý răng miệng
Sâu răng và viêm nướu có thể khiến hơi thở có mùi hôi. Thường xuyên đánh răng, dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng có chứa fluor và kiểm tra răng miệng 6 tháng/lần. Lưu ý, tránh dùng nước súc miệng chứa cồn vì có thể gây khô miệng.
1.8. Hôi miệng do hút thuốc lá
Hút thuốc lá gây hôi miệng và các bệnh về nướu do các chất độc hại gây mùi có trong nó. Ngừng sử dụng thuốc lá, giữ vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng, dùng chỉ nha khoa, súc miệng, uống nhiều nước và nhai kẹo cao su có thể giúp làm giảm nhanh chóng tình trạng hôi miệng.
1.9. Hôi miệng do bệnh mãn tính
Các bệnh lý mãn tính như viêm phế quản mạn, tiểu đường, bệnh thận hoặc gan có thể gây hơi thở có mùi.
Điều trị để cải thiện tình trạng bệnh và tình trạng hôi miệng liên quan đến bệnh mạn tính mắc phải. Đi khám ngay nếu hôi miệng tăng lên, vì nó có thể dấu hiệu tình trạng bệnh đang diễn biến xấu đi.
Xem ngay: Hơi thở có mùi do dịch dạ dày trào ngược
2. Tại sao lười vệ sinh răng miệng gây hôi miệng?
Nếu không đánh răng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày, các mảnh thức ăn còn sót lại trong miệng có thể trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Đặc biệt là ở các kẽ răng, xung quanh nướu và trên lưỡi, khiến hơi thở có mùi và gây ra các bệnh lý răng miệng như viêm lợi, sâu răng.
Răng giả không được vệ sinh đúng cách cũng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn gây mùi và các mảng thức ăn bám lại gây hôi miệng. Hút thuốc lá ngoài gây hôi miệng, còn làm ố răng, giảm vị giác và tăng kích ứng nướu răng.
3. Hôi miệng là dấu hiệu bệnh răng miệng nào?
Hôi miệng kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nướu răng (nha chu), xảy ra sự tích tụ của các mảng bám tạo điều kiện cho vi khuẩn sản xuất ra các độc tố gây kích ứng nướu. Nếu bệnh không được điều trị có thể gây tổn thương nướu và xương hàm.
Khô miệng cũng là nguyên nhân gây hôi miệng, do lượng nước bọt sản xuất quá ít, không đủ để làm ẩm miệng, trung hòa axit từ các mảng bám và loại bỏ các tế bào chết tích tụ trên lưỡi, nướu và má. Khô miệng có thể gây ra bởi tác dụng phụ của thuốc, các vấn đề về tuyến nước bọt, các vấn đề khiến bạn phải liên tục thở bằng miệng.
Một số bệnh lý khác cũng có thể gây nên tình trạng hôi miệng như:
- Nhiễm trùng miệng
- Sâu răng
- Dị ứng theo mùa
- Viêm đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản
- Viêm xoang mãn tính
- Chảy dịch sau mũi
- Bệnh tiểu đường
- Trào ngược dạ dày mãn tính
- Các vấn đề về đường tiêu hóa
- Viêm phổi mãn tính
- Các vấn đề về gan hoặc thận
Có rất nhiều nguyên nhân gây hơi thở có mùi và cũng là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý tiềm ẩn. Vì thế nếu tình trạng hôi miệng kéo dài bạn nên đến các phòng khám, bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và điều trị.
Nguồn tham khảo: webmd.com, mayoclinic.org, medicalnewstoday.com
- Tại sao con bạn có hơi thở hôi?
- Trắc nghiệm: Nguyên nhân nào gây ra hơi thở có mùi hôi?
- Bấm huyệt nào chữa đau răng?