17-01-2024 11:03

Các vấn đề của vùng chậu sau tuổi 40

Các vấn đề của vùng chậu sau tuổi 40

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Phụ nữ với cấu tạo tự nhiên của vùng chậu cũng như thiên chức sinh nở khiến nguy cơ mắc nhiều bệnh lí cao hơn nam giới, một trong số đó là các vấn đề của vùng chậu

1. Các vấn đề của vùng chậu bao gồm?

Các cơ quan vùng chậu bao gồm âm đạo, tử cung, bàng quang, niệu đạo và trực tràng. Những bộ phận cơ thể này được giữ cố định bằng cơ bắp của sàn chậu và các lớp mô liên kết. Sa tạng vùng chậu (POP) xảy ra khi các mô và cơ bắp không còn có thể hỗ trợ các cơ quan vùng chậu và làm các cơ quan này sa xuống.

2. Vậy nguyên nhân của sa tạng vùng chậu là gì (POP)?

Nguyên nhân chính của sa tạng vùng chậu là mang thai và sinh con qua ngả âm đạo, vốn làm suy yếu các cơ của sàn chậu. Các nguyên nhân khác bao gồm mãn kinh, lão hóa và áp lực nặng nề lặp đi lặp lại. Các yếu tố tạo ra áp lực lên bụng có thể gây ra sa tạng vùng chậu bao gồm thừa cân hoặc béo phì; bị táo bón và phải rặn nhiều để đi tiêu; ho mãn tính do hút thuốc, hen suyễn hoặc các bệnh lí khác. Sa tạng vùng chậu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết các triệu chứng ở phụ nữ trầm trọng hơn sau khi mãn kinh.

Phụ nữ
Sa tạng vùng chậu thường trầm trọng hơn sau khi mãn kinh

3. Triệu chứng của sa tạng vùng chậu?

Các triệu chứng có thể xuất hiện dần dần và ban dầu có thể không được để tâm. Nhiều phụ nữ không có triệu chứng và thậm chí không biết họ bị sa tử cung. Một bác sĩ phụ khoa sản khoa (ob-gyn) hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác có thể phát hiện ra triệu chứng sa vùng chậu khi khám lâm sàng.

Ở mức độ nhẹ của sa tạng vùng chậu, đôi khi người bệnh có thể cảm thấy khối phình ra bên trong âm đạo. Đối với các trường hợp nghiêm trọng của sa tạng vùng chậu, các cơ quan có thể đẩy ra khỏi cửa âm đạo. Triệu chứng có thể gặp phải như sau:

  • Cảm giác nặng hoặc chằng trong âm đạo;
  • Các cơ quan lồi ra từ âm đạo
  • Rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ)
  • Khó tiểu hết nước tiểu trong bàng quang
  • Khó đi tiêu
  • Đau lưng dưới
  • Khó nhét tampon hoặc dụng cụ đặt tampon vào âm đạo

4. Các dạng sa tạng vùng chậu?

Có rất nhiều dạng sa tạng vùng chậu và có tên gọi khác nhau tùy vào bộ phận bị sa:

  • Sa bàng quang
  • Sa ruột non
  • Sa trực tràng
  • Sa tử cung
  • Sa vòm âm đạo
Sa tử cung
Hình ảnh tử cung bị sa

5. Sa tạng vùng chậu được chẩn đoán như thế nào?

Chẩn đoán thích hợp là chìa khóa để điều trị bệnh lí nâng đỡ vùng chậu. Bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra tiền sử của người bệnh trước, sau đó khám lâm sàng âm đạo hoặc trực tràng. Khám lâm sàng có thể được tiến hành trong tư thế đứng hoặc ngồi. Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh rặn hoặc ho trong lúc khám để xem người ấy có bị rỉ nước tiểu hay không. Bàng quang cũng được kiểm tra xem đã hết nước tiểu hoàn toàn chưa.

6. Có cần áp dụng điều trị cho sa tạng vùng chậu không?

Nhiều phụ nữ không cần điều trị. Khi kiểm tra định kỳ, bác sĩ chuyên khoa sẽ theo dõi vấn đề này. Nếu các triệu chứng trở nên phiền toái, điều trị là cần thiết. Quyết định có tiến hành điều trị hay không dựa trên đánh giá các yếu tố sau :

  • Tuổi
  • Mong muốn có con sau này
  • Đời sống tình dục
  • Mức nghiêm trọng của triệu chứng
  • Độ sa
  • Những vấn đề sức khỏe khác

Không có hình thức điều trị nào được đảm bảo giải quyết được vấn đề, nhưng cơ hội giảm đi vài phần vẫn có. Nếu người bệnh được khuyến cáo phải điều trị, bác sĩ chuyên khoa về điều trị hỗ trợ vùng chậu và các vấn đề tiết niệu sẽ hỗ trợ người bệnh.

7. Tôi có thể tự giảm các triệu chứng như thế nào?

Thay đổi chế độ ăn và lối sống có tác dụng giảm một số triệu chứng. Nếu vấn đề của bạn là tiểu dắt, hãy hạn chế nạp thừa nước và thay đổi cách hấp thụ nước như giảm cồn và nước uống chứa caffeine. Tập cho bàng quang bằng cách đi hết nước tiểu vào giờ cố định cũng có tác dụng tốt đối với chị em bị tiểu dắt.

Phụ nữ gặp phải vấn đề đại tiện có thể tăng nạp chất xơ tránh táo bón và rặn khi đi tiêu. Đôi khi bác sĩ sẽ kê thuốc làm mềm phân cho bạn. Nếu một phụ nữ thừa cân hoặc béo phì, việc giảm cân sẽ cải thiện sức khỏe toàn diện và có thể cả triệu chứng sa tạng.

8. Có bài tập nào cải thiện tình trạng sa tạng vùng chậu không?

Các bài tập vùng sàn chậu, còn gọi là Kegel, nhằm tăng cường các cơ xung quanh lỗ niệu đạo, âm đạo và trực tràng. Tập các bài tập này thường xuyên có thể cải thiện chứng tiểu dắt và kéo chậm diễn tiến của sa tạng. Bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp bạn tập đúng phương pháp. Các ứng dụng trên điện thoại cũng có thể giúp các bạn nữ nắm rõ các bài tập cho vùng chậu và nhắc nhở các bạn tập luyện hàng ngày.

8.1 Cách thực hiện các bài tập Kegel?

  • Siết chặt các cơ dùng để dừng dòng tiểu. Sự co thắt này kéo ngược âm đạo và trực tràng lên.
  • Giữ trong 3 giây, sau đó thả lỏng trong 3 giây
  • Lặp lại 10 lần, tập như vậy 3 lần 1 ngày
  • Tăng thời gian Siết cơ lên 1 giây mỗi tuần, cứ tăng lên như vậy cho đến khi bạn giữ được trong 10 giây.

Hãy chắc chắn bạn không xiết nhầm dạ dày, cơ đùi hoặc cơ mông. Bạn cũng nên thở bình thường, đừng nín thở khi bạn tập nhé!

8.2 Vòng nâng Petxe?

Vòng nâng Petxe là dụng cụ đặt âm đạo để hỗ trợ các cơ quan vùng chậu. Nhiều chị em cảm thấy các triệu chứng giảm ngay khi dùng Petxe. Vòng nâng này có rất nhiều hình dạng và kích cỡ, và được dùng cho điều trị ngắn hạn hay dài hạn. Dựa trên triệu chứng và thể sa tạng, bạn có thể lựa chọn điều trị bằng Petxe theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bài tập kegel cho phụ nữ sa tử cung
Hình ảnh bài tập Kegel cho phụ nữ sa tử cung

9. Vậy còn biện pháp phẫu thuật? Phẫu thuật có thể điều trị sa tạng vùng chậu không?

Phẫu thuật cũng có thể là một lựa chọn cho phụ nữ đã áp dụng các biện pháp không dao kéo khác nhưng hiệu quả không khả quan. Phẫu thuật có thể điều trị một số, nhưng không phải toàn bộ các triệu chứng. Nhìn chung, có hai loại phẫu thuật:

1) Phẫu thuật vùng sàn chậu

2) Phẫu thuật cắt ngắn, thu hẹp hoặc đóng âm đạo

Phẫu thuật sàn chậu đưa các cơ quan về gần vị trí nguyên bản. Phẫu thuật cắt ngắn hoặc đóng âm đạo tạo sự nâng đỡ cho cơ quan bị sa, nhưng sau đó người bệnh không thể quan hệ tình dục qua âm đạo được nữa. Thường các trường hợp bệnh nhân đã bị các bệnh nghiêm trọng khác và không mong muốn quan hệ tình dục nữa sẽ chọn phương pháp này.

10. Vậy sau khi phẫu thuật sa tạng vùng chậu có tái phát không?

Vẫn có nguy cơ sa tạng trở lại sau phẫu thuật. Những yếu tố nguy cơ bao gồm người bệnh dưới tuổi 60, thừa cân và bị những thể nặng của sa tạng trước lần phẫu thuật đầu tiên.

Bài viết tham khảo nguồn: Acog.org.

XEM THÊM:
  • Làm ngắn dây chằng tử cung điều trị sa tạng vùng chậu
  • Sa tạng vùng chậu - Nỗi ám ảnh của chị em phụ nữ
  • Các vấn đề sức khỏe có thể gặp ở sàn chậu

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan