Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng Coronavirus mới (Covid-19) vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nó đã lan rộng ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc. Số ca nhiễm bệnh và tử vong vẫn không ngừng tăng lên hàng ngày. Việc phát hiện ra bệnh nhân sớm sẽ giúp làm giảm số người có thể bị lây nhiễm từ bệnh nhân đó thông qua biện pháp cách ly.
1. Virus Corona
Virus corona (CoV) là một họ gồm các virus lớn gây ra nhiều tình trạng bệnh về đường hô hấp khác nhau, từ cảm lạnh thông thường, cho đến những tình trạng bệnh nặng và nguy hiểm hơn như Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV), Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV). Một chủng coronavirus mới (nCoV) là chủng gây bệnh ở người mà chưa được xác định trước đây.
Các chủng virus corona là hợp tử, có nghĩa là chúng có thể lây truyền giữa động vật và con người. Các điều tra chi tiết trước đây cho thấy virus SARS-CoV được truyền từ mèo sang người, còn virus MERS-CoV được truyền từ lạc đà sang người. Tuy nhiên, cũng có một số chủng coronavirus đã được xác định đang lưu hành ở động vật nhưng chưa gây bệnh cho con người.
Chủng virus corona mới được đặt tên là COVID-19 được cho là bắt nguồn từ một chợ động vật lớn nhất tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
2. Virus COVID-19 lây lan như thế nào?
Hầu hết các loại virus Corona có con đường lây truyền giống như những loại virus gây cảm lạnh khác, đó là:
- Người bệnh ho và hắt hơi mà không che miệng, dẫn tới phát tán các giọt nước vào không khí, làm lây lan virus sang người khỏe mạnh.
- Người khỏe mạnh chạm hoặc bắt tay với người có virus Corona khiến virus truyền từ người này sang người khác.
- Người khỏe mạnh tiếp xúc với một bề mặt hoặc vật thể có virus, sau đó đưa tay lên mũi, mắt hoặc miệng của mình.
- Trong những trường hợp hiếm hoi, virus Corona có thể lây lan qua tiếp xúc với phân.
Theo đánh giá từ các đợt dịch tại Việt Nam, tốc độ lây lan của các biến chủng virus SARS-CoV-2 đang rất nhanh, đặc biệt là trong môi trường kín, thông khí kém, nơi tập trung đông người... Tại các khu vực bùng dịch, không loại trừ khả năng COVID-19 lây nhiễm qua hạt khí dung (giọt bắn rất nhỏ lơ lửng trong không khí), đặc biệt tại các địa điểm trong nhà, không khí không đủ thông thoáng.
3.1. Thời gian ủ bệnh virus Corona
Một người nhiễm virus Corona có thể xuất hiện các triệu chứng đầu tiên sau thời gian ủ bệnh khoảng 2-14 ngày, trung bình là 5 ngày. Trong thời gian ủ bệnh, virus vẫn có thể lây truyền gây nhiễm bệnh.
3.2. Biểu hiện sớm nhất của bệnh virus corona là gì?
Theo cảnh báo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Hoa Kỳ), khi mắc Covid 19, một hoặc tất cả các triệu chứng đều có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong vòng 2-14 ngày sau khi tiếp xúc với virus corona chủng mới. Theo đó, các biểu hiện sớm nhất để phát hiện bệnh là:
- Sốt: Sốt là dấu hiệu nhận biết corona đầu tiên. Hầu hết trẻ em và người lớn sẽ được xác định là sốt khi nhiệt độ vượt mức 38oC. Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân không nên dựa vào nhiệt độ đo buổi sáng vì sốt do virus thường khiến thân nhiệt tăng vào cuối buổi chiều và đầu buổi tối.
- Ho khan: Ho là một triệu chứng Covid 19 sớm và phổ biến nhất. Ho do Covid 19 gây ra sẽ không thể điều trị dứt điểm khi uống thuốc ho thông thường.
- Mệt mỏi: Mệt mỏi, kiệt sức, đau nhức cơ thể là biểu hiện Covid 19 sớm. Nghiên cứu của WHO cho thấy, khoảng 40% trong số gần 6.000 người mắc bệnh trải qua giai đoạn mệt mỏi. Trạng thái này thậm chí còn kéo dài ngay sau khi Covid 19 kết thúc một vài tuần.
3.3. Triệu chứng virus corona qua từng ngày
Tùy theo thể trạng và sức đề kháng, triệu chứng nhiễm corona qua từng ngày của mỗi cá thể là khác nhau, tuy nhiên những triệu chứng này đều biểu hiện rõ từ 2-14 ngày. Do đó, ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời.
Ngày 1 đến ngày 3:
- Dấu hiệu giống bệnh cảm thông thường.
- Viêm họng nhẹ, không sốt, không mệt mỏi.
- Ăn uống và hoạt động bình thường.
Ngày 4:
- Cổ họng bắt đầu đau nhẹ, người lờ đờ.
- Bắt đầu khan tiếng.
- Nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ.
- Đau đầu nhẹ, tiêu chảy nhẹ.
- Bắt đầu chán ăn.
Ngày 5:
- Đau họng nhiều hơn, khan tiếng nhiều hơn.
- Nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ
- Cơ thể mệt mỏi, đau nhức các khớp xương.
Ngày 6:
- Triệu chứng của virus Corona 2019 là bắt đầu sốt nhẹ.
- Ho có đàm hoặc ho khan không đàm.
- Đau họng nhiều hơn, đau khi nuốt nước bọt, khi ăn hoặc nói.
- Cơ thể mệt mỏi, buồn nôn.
- Tiêu chảy, có thể nôn ói.
- Lưng hoặc ngón tay đau nhức.
Ngày 7:
- Sốt cao dưới 38o.
- Ho nhiều hơn, đàm nhiều hơn.
- Toàn thân đau nhức.
- Khó thở.
- Tiêu chảy và nôn ói nhiều hơn.
Ngày 8:
- Sốt khoảng trên dưới 38o.
- Khó thở, hơi thở khò khè, nặng lồng ngực.
- Ho liên tục, đàm nhiều, tắt tiếng.
- Đau khớp xương, đau đầu, đau lưng.
Ngày 9:
- Các tình trạng như sốt, ho, khó thở, nặng lồng ngực... trở nên nặng nề hơn.
4. Một số triệu chứng trong bệnh cảnh nhiễm Covid
- Sốt: Sau thời gian ủ bệnh (trong khoảng từ 2 đến 14 ngày), các triệu chứng nhiễm Covid 19 bắt đầu xuất hiện như ho khan và sốt nhẹ. Sốt được xác định nghi ngờ Covid 19 là từ 38,1oC – 39oC hay 100,5oF – 102,1oF, thường kèm theo giảm chức năng vị giác và khứu giác.
- Khó thở: thở hụt hơi ở lồng ngực là dấu hiệu cảnh báo điển hình nhất của COVID-19.
- Nghẹt mũi: khoảng 5% bệnh nhân mắc Corona virus có triệu chứng nghẹt mũi. Đây không phải là dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh, nhưng đây là triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với cảm lạnh và cúm
- Ho: ho khan thường gặp, hơn 33% bệnh nhân có biểu hiện ho ra đờm, chất nhầy dày được tạo ra từ phổi. Triệu chứng ho của Covid 19 không phải là hiện tượng ngứa cổ họng khiến người bệnh hắng giọng, cũng không chỉ là do kích thích, mà cơn ho này xuất phát từ vùng ức và các ống phế quản bị viêm rất khó chịu.
- Đau họng: thường dễ bị nhầm lẫn với đau họng thông thường. Đau họng do Covid không có hiệu quả điều trị khi uống các thuốc đau họng thông thường
- Chảy nước mũi: Theo các chuyên gia, có thể phân biệt COVID-19 với các bệnh khác thông qua 3 triệu chứng đặc trưng và rõ ràng nhất là sốt, ho khan dai dẳng và khó thở. Sổ mũi, chảy nước mũi là biểu hiện phổ biến của bệnh cúm, không phải của COVID-19.
- Hắt hơi: là triệu chứng đặc trưng của cúm hoặc cảm lạnh, nhưng không phải là dấu hiệu điển hình của COVID-19.
- Buồn nôn hay nôn: là dấu hiệu nhận biết sớm covid-19. Thông thường, buồn nôn thường xuất hiện 1-2 ngày trước khi người bệnh phát sốt. Mặc dù vậy, hiện tượng này có thể gây ra do các bệnh lý khác về sức khỏe. Nếu như có bất kỳ triệu chứng bất thường nghi Covid-19, hãy tự cách ly, giữ khoảng cách an toàn với những người trong gia đình. Ở trong một phòng riêng, sử dụng phòng tắm riêng nếu có thể.
- Tiêu chảy: Một nghiên cứu khác trên 204 bệnh nhân ở Vũ Hán – nơi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 cho thấy, gần một nửa bệnh nhân (48,5%) đến bệnh viện với các vấn đề về tiêu hóa, chủ yếu bị tiêu chảy. Các chuyên gia khuyến cáo, tiêu chảy cũng là một triệu chứng điển hình của COVID-19, do đó khi xuất hiện của các triệu chứng như trên, hãy tự cách ly và không xuất hiện ở những nơi công cộng.
- Da nổi mẩn: Theo các nhà nghiên cứu, da nổi mẩn do Covid-19 là dấu hiệu phổ biến và không thể bỏ qua để nhận biết virus SARS-CoV-2. Biểu hiện ngoài da của bệnh nhân nhiễm COVID-19 rất đa dạng, có thể kể đến như:
- Ngón chân, ngón tay bị cước;
- Chàm ở vùng cổ và ngực; chàm miệng;
- Phát ban sần, nổi mụn nước
- Mề đay,...
Hầu hết các tổn thương đều tự khỏi sau khoảng 10 ngày, trong đó 5 biểu hiện đáng chú ý và thường gặp nhất là:
- Phát ban sần (47%).
- Mề đay (19%).
- Ngón chân COVID-19 (19%).
- Phản ứng mụn nước hoặc dạng thuỷ đậu (9%).
- Viêm mao mạch dạng livedo hoặc hoại tử (6%).
5. Phải làm gì nếu có các triệu chứng điển hình nhiễm corona virus?
Nếu bạn bị sốt và có các triệu chứng của bệnh hô hấp như ho hoặc khó thở, trong vòng 14 ngày sau khi đi về từ vùng có dịch, bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám, trước khi đến, bạn nên gọi điện thông báo trước để các nhân viên y tế chuẩn bị sẵn sàng tiếp đón bạn.
Các bước giúp ngăn ngừa sự lây lan của virus COVID-19: nếu bạn bị nhiễm COVID-19 hoặc nghi ngờ bị nhiễm thì hãy làm theo các bước dưới đây để giúp ngăn ngừa bệnh lây nhiễm cho người trong nhà và cộng đồng của bạn.
- Bạn nên theo dõi ở nhà, ngoại trừ trường hợp cần được chăm sóc y tế. Không đi làm, không đi học và không đến các khu vực công động, nơi đông người. Tránh sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc taxi.
- Tự cách ly mình khỏi những người khác và cả các động vật trong nhà bạn:
- Đối với con người: càng ít người càng tốt, bạn nên ở trong một căn phòng riêng, tránh xa những người khác trong nhà bạn. Ngoài ra, nếu có thể bạn cũng nên sử dụng phòng tắm riêng.
- Đối với động vật: Bạn nên hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi và các loại động vật khác trong khi bạn đang bị hoặc nghi nhiễm COVID-19, cũng giống như việc bạn giữ khoảng cách với những người khác vậy. Mặc dù cho đến nay chúng ta vẫn chưa có báo cáo nào về tình trạng vật nuôi hoặc động vật khác bị bệnh do virus COVID-19 gây ra.
- Bạn nên gọi điện trước khi đến gặp bác sĩ của bạn: nếu bạn có một cuộc hẹn y tế, hãy chắc chắn bạn đã gọi điện cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và nói với họ về tình hình của bạn hiện nay. Điều này sẽ giúp họ tiến hành các bước để giữ cho người khác khỏi bị lây nhiễm.
- Đeo khẩu trang: bạn nên đeo khẩu trang khi bạn ở xung quanh những người khác hoặc vật nuôi. Nếu bạn không thể đeo khẩu trang vì một lý do bất khả kháng nào đó, thì những người ở cùng phòng với bạn nên đeo khẩu trang.
- Bạn nên che miệng và mũi lại bằng khăn giấy khi ho và hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác, ngay lập tức rửa tay bằng xà phòng và nước trong vòng tối thiểu 20s, hoặc bạn có thể sử dụng dung dịch rửa tay chứa cồn từ 60 - 95%, phù kín dung dịch dịch lên tất cả các bề mặt của bàn tay và chà xát chúng với nhau cho đến khi bạn cảm thấy khô.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch sát khuẩn tay. Xà phòng và nước nên sử dụng khi tay bạn bẩn rõ ràng là tốt nhất.
- Tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân: bạn không nên dùng chung bát đũa, cốc nước, dụng cụ ăn uống, khăn hoặc giường với người khác trong nhà. Sau khi bạn sử dụng, các đồ dùng đó nên được rửa kỹ bằng xà phòng và nước.
- Dọn dẹp tất cả các bề mặt có nguy cơ tiếp xúc cao như mặt quầy, mặt bàn, tay nắm cửa, đồ đạc trong phòng tắm, nhà vệ sinh, điện thoại, bàn phím, máy tính bảng, bàn trang điểm,... Ngoài ra bạn cũng cần làm sạch bất kỳ bề mặt nào có thể có máu, chất dịch cơ thể hoặc phân.
- Theo dõi các triệu chứng của bạn: nếu các triệu chứng của bạn đang diễn biến xấu đi, bạn nên cần được chăm sóc y tế nhanh chóng. Trước khi đến cơ sở y tế, bạn hãy gọi điện trước và thông báo về tình hình sức khỏe hiện tại của bạn, và khi đi nhớ đeo khẩu trang.
6. Phòng ngừa virus COVID-19 như thế nào?
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế kêu gọi người dân Việt Nam cùng thực hiện và lan tỏa nghiêm túc thông điệp “5K+ Vắc xin” gồm Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế + Vắc xin. Đặc biệt, khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở... người dân cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, ngoài các giải pháp mang tính căn cơ thì những hành động sau là rất cần thiết để sớm chấm dứt đại dịch:
- Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết, không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
- Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.
- Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ đồ vật nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác trước khi về nhà.
- Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Về đến nhà phải thay quần áo và vệ sinh sạch sẽ.
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
- Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
- Nếu cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
- Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng hotline hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
- Khai báo y tế qua ứng dụng cho bản thân mình và người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
Đặc biệt, khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở... người dân cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn đi khám bệnh đảm bảo an toàn.
Bài viết tham khảo nguồn: who.int, cdc.gov
- Danh sách các cơ sở có khả năng thu dung, điều trị COVID-19
- Bản tin Corona 22/02: Hàn Quốc tăng đột biến| Học sinh Hà Nội nghỉ hết tháng 2
- Virus Corona lây qua đường nào?