Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Hội chứng buồng trứng đa nang về lâu dài có khả năng làm tăng nguy cơ của một số bệnh như tim mạch, tiểu đường, ung thư nội mạc tử cung, cao huyết áp...
1. Nguyên nhân gây ra hội chứng buồng trứng đa nang
Cho đến nay, vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân nào gây ra hội chứng buồng trứng đa nang, tuy nhiên bệnh có một số triệu chứng như:
- Béo phì kiểu bụng.
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt do vòng kinh không phóng noãn đều hoặc không thường xuyên, vô kinh, thiểu kinh, đa kinh, rong kinh.
- Trường hợp nặng hơn có thể là xuất huyết tử cung.
- Kháng insulin, đi kèm với các rối loạn chuyển hóa khác, dẫn đến các bệnh như cao huyết áp, rối loạn lipid máu.
- Rậm lông, thường phát triển ở những nơi như hai bên gò má, cằm, cổ, giữa ngực, dưới rốn.
- Mụn trứng cá.
- Rụng tóc, hói đầu.
2. Các tiêu chuẩn chẩn đoán buồng trứng đa nang
- Theo tiêu chuẩn châu Âu thì hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm được xem là “tiêu chuẩn vàng” để chẩn đoán bệnh. Khoảng 90% phụ nữ bị thiểu kinh phát hiện có hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm.
Ngoài ra, ở Việt Nam thì kết hợp thêm một hoặc nhiều triệu chứng khác đi kèm. Dựa theo ESHRE ASRM Rotterdam Consensus 2003, thì các tiêu chuẩn được thống nhất đó là:
- Chu kỳ kinh nguyệt thưa hoặc vô kinh, có chu kỳ kinh > 35 ngày hoặc vô kinh > 6 tháng.
- Cường androgen gây rậm lông và mọc mụn trứng cá.
- Hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm: Khi siêu âm ngày thứ 2 – 5 của chu kỳ kinh nguyệt hoặc ngày thứ 3 của chu kỳ nhân tạo thì có 12 nang kích thước từ 2 - 9mm, thể tích buồng trứng tăng >10cm3 và thể hiện ít nhất ở một buồng trứng.
Khi có 2/3 tiêu chuẩn nêu trên thì được chẩn đoán là mắc phải hội chứng buồng trứng đa nang.
3. Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang
Hiện nay, việc điều trị đặc hiệu hội chứng buồng trứng đa nang chưa có phương thức đặc hiệu và thay đổi theo mục đích điều trị là điều trị triệu chứng cường androgen hay là điều trị vô sinh.
3.1 Trường hợp không phải điều trị vô sinh
Có thể dùng một số thuốc điều trị nội tiết để làm giảm các triệu chứng của hội chứng như chu kỳ kinh nguyệt không đều, rậm lông ... hoặc ngăn ngừa một số nguy cơ có thể xuất hiện lâu dài sau này. Tuy nhiên, khi ngưng sử dụng thuốc thì các triệu chứng có thể sẽ trở lại.
3.2 Trường hợp điều trị vô sinh
Do hội chứng buồng trứng đa nang gây rối loạn phóng noãn, không rụng trứng, dẫn đến vô sinh, nên mục đích điều trị là phải gây được phóng noãn. Có nhiều cách điều trị để gây phóng noãn.
- Giảm cân đối với người bị béo phì, để giảm mỡ, giảm đề kháng insulin;
- Sử dụng các loại thuốc kích thích sự phát triển nang noãn;
- Giảm nồng độ androgen trong máu, cải thiện chu kỳ kinh nguyệt, từ đó tăng khả năng có thai.
- Ngoài ra, có thể phẫu thuật nội soi đốt điểm trên bề mặt buồng trứng. Đây là kỹ thuật mới và tỷ lệ gây được rụng trứng cao, có chu kỳ kinh nguyệt đều và có phóng noãn sau phẫu thuật. Sau phẫu thuật đốt điểm buồng trứng, bệnh nhân có đáp ứng tốt hơn với thuốc kích thích buồng trứng.
Siêu âm buồng trứng để phát hiện hình ảnh buồng trứng đa nang trên siêu âm là tiêu chuẩn chính để chẩn đoán buồng trứng đa nang.
- U nang buồng trứng kích thước 48mm có phải mổ không?
- Điều trị dính buồng tử cung thế nào?
- Buồng trứng có nhiều nang nhỏ và tử cung ngả trước có ảnh hưởng đến mang thai sau này không?