Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Tiêm bắp là một kỹ thuật cơ bản và thông dụng để đưa thuốc vào trong cơ thể người bệnh và nó cũng có tác dụng nhanh hơn việc uống thuốc hay tiêm dưới da. Tuy nhiên khi tiến hành kỹ thuật này cũng thường xuyên có tai biến xảy ra.
1. Kỹ thuật tiêm bắp
Kỹ thuật tiêm bắp là sử dụng bơm tiêm để đưa thuốc vào sâu trong lớp cơ, cho phép thuốc được hấp thu vào máu một cách nhanh chóng. Tiêm bắp là một trong bốn đường tiêm cơ bản gồm tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm trong da để đưa thuốc vào trong cơ thể một cách hiệu quả và đem lại tác dụng nhanh.
Tốc độ thuốc ngấm vào máu và được hấp thu giữa các đường tiêm là khác nhau, cụ thể đường tiêm tĩnh mạch là nhanh nhất, sau đó đến tiêm bắp, tiếp theo là tiêm dưới da và cuối cùng là tiêm trong da. Như vậy có thể nói, việc sử dụng kỹ thuật tiêm bắp để đưa thuốc vào trong cơ thể người bệnh sẽ đạt được tác dụng nhanh hơn.
Kỹ thuật tiêm bắp được chỉ định trong các trường hợp các dung dịch thuốc là dung dịch đẳng trương (dung dịch đẳng trương là dung dịch có nồng độ chất tan bằng với môi trường nội bào, có nghĩa là nồng độ các chất khuếch tán thụ động vào và ra khỏi tế bào là bằng nhau, do đó tế bào không bị co rút hoặc vỡ ra), gồm có:
- Các dung dịch thân dầu.
- Các loại thuốc không thể tiêm tĩnh mạch.
- Các dung dịch thuốc tan chậm, gây đau.
- Hầu hết các loại thuốc tiêm dưới da đều có thể tiêm bắp, trừ cafein.
- Các loại thuốc dễ gây kích thích hoặc hiệu quả chậm khi sử dụng đường tiêm dưới da.
Kỹ thuật tiêm bắp chống chỉ định với những loại thuốc có khả năng gây hoại tử mô cơ như Calci clorua, Ouabain,...
Theo vị trí tiêm, tiêm bắp được chia thành hai nhóm chính đó là:
- Tiêm bắp nông: tiêm bắp tại các vị trí sau:
- Cánh tay:
- Cơ Delta.
- Cơ tam đầu cánh tay.
- Chân: cơ tứ đầu đùi.
- Tiêm bắp sâu: tiêm vùng cơ mông.
2. Các tai biến có thể xảy ra khi tiêm bắp
Sau khi tiêm bắp, bệnh nhân có thể xuất hiện một số triệu chứng khó chịu, nhưng hầu hết là dấu hiệu bình thường. Nhưng nếu bạn gặp phải các dấu hiệu nghiêm trọng sau thì cần có sự chăm sóc y tế:
- Cảm giác ngứa ran hoặc tê.
- Xuất huyết kéo dài.
- Cảm thấy đau dữ dội tại vị trí tiêm.
- Mệt mỏi, sốt cao, nhức đầu.
- Vị trí tiêm bị sưng, đỏ hoặc nóng.
- Chỗ tiêm có dấu hiệu chảy dịch.
- Xuất hiện dấu hiệu phản ứng dị ứng như khó thở, sưng mặt,...
Các tai biến có thể xảy ra khi tiêm bắp gồm có:
Gãy kim, cong kim:
- Gãy kim: tai biến xảy ra là do bệnh nhân giãy giụa. Cách đề phòng là giữ bệnh nhân tốt, không để bệnh nhân giãy giụa trong suốt quá trình tiêm.
- Cong kim: nguyên nhân là do sai lầm về kỹ thuật của điều dưỡng khi tiêm.
Cách đề phòng đó là không tiêm ngập đốc kim, để nếu kim gãy vẫn có thể rút kim ra được.
Đâm phải dây thần kinh hông to:
- Nguyên nhân là do kỹ thuật viên không xác định được đúng vị trí tiêm mông, tiêm sai vị trí hoặc do góc độ đâm kim xiên.
- Cách phòng ngừa: cần phải xác định chính xác vị trí tiêm mông, thực hiện tiêm đúng góc độ là 90 độ.
Gây tắc mạch:
- Nguyên nhân là do tiêm thuốc dạng dầu hoặc nhũ vào trong mạch máu.
- Cách phòng ngừa: sau khi đâm kim tiêm vào, trước khi bơm thuốc phải hút thử bơm tiêm xem có máu không. Nếu có máu phải rút kim ra và tiến hành tiêm ở vị trí khác. Nếu không có máu ra mới được bơm thuốc vào.
Áp xe nhiễm khuẩn, áp xe vô khuẩn:
- Nguyên nhân gây áp xe nhiễm khuẩn là do không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi tiêm.
- Nguyên nhân gây áp xe vô khuẩn là do thuốc không tan như Quinin, Hydrocortison và những thuốc dầu khó tan sẽ gây áp xe tại chỗ.
- Cách phát hiện: tại vị trí tiêm sẽ sưng, nóng, đỏ, đau.
- Cách xử trí: tùy theo mức độ tổn thương mà có thể chườm nóng hoặc chích áp xe khi cần thiết.
- Cách phòng ngừa: cần đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn khi tiêm.
Gây mảng mục:
- Nguyên nhân: là do tiêm những chất gây hoại tử mô - các loại thuốc chống chỉ định tiêm bắp như Calci clorua.
- Phát hiện: tại vị trí tiêm thấy nóng, đỏ, đau, ban đầu cứng sau đó mềm nhũn giống ổ áp xe.
- Cách xử trí: nếu phát hiện sớm cần phong bế bằng Novocain. Lúc đầu có thể chườm nóng. Nếu đã hoại tử cần phải băng mỏng để giữ khỏi bị nhiễm khuẩn thêm, nếu ổ hoại tử lớn có thể phải chích rạch.
- Cách phòng ngừa: cần kiểm tra kỹ loại thuốc trước khi tiêm xem có nằm trong nhóm chống chỉ định tiêm bắp hay không.
Sốc phản vệ:
- Nguyên nhân là do phản ứng của cơ thể người bệnh với thuốc.
- Phạt hiện qua các biểu hiện của bệnh nhân như:
- Bệnh nhân xuất hiện cảm giác khác thường như: hốt hoảng, bồn chồn, lo lắng, sợ hãi,...
- Bệnh nhân bị mẩn ngứa, nổi mề đay, ban đỏ, phù Quincke (quan sát thấy rõ mắt, môi, mặt bệnh nhân sưng to).
- Kiểm tra thấy mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt hoặc không đo được.
- Bệnh nhân đau quặn bụng, tiểu tiện không tự chủ.
- Bệnh nhân có thể bị chóng mặt, đau đầu, choáng váng, vật vã, co giật, giãy giụa, hôn mê,...
- Cách xử trí: cần khẩn trương xử lý theo phác đồ sốc phản vệ của Bộ Y tế.
- Cách phòng ngừa: cần kiểm tra kỹ trước khi tiêm, hỏi bệnh nhân về tiền sử dị ứng. Với các loại thuốc dễ gây dị ứng như là Penicillin, thuốc chống co giật, thuốc Sulfamid, các chế phẩm Insulin (đặc biệt là Insulin có nguồn gốc từ súc vật), thuốc tê (như Novocain,..),... cần phải test thử trước khi tiêm.
Kỹ thuật tiêm bắp là một trong những kỹ thuật tiêm cơ bản, thường được sử dụng trong điều trị nhiều loại bệnh khác nhau và cả trong tiêm vắc-xin. Đây là kỹ thuật đòi hỏi người thực hiện cần phải được đào tạo. Trong quá trình thực hiện cần đảm bảo vô khuẩn, kiểm tra, thực hiện đúng thao tác kỹ thuật nếu không rất dễ xảy ra tai biến.
- Các phản ứng có thể gặp khi tiêm tĩnh mạch
- Những thông tin cần biết về Ketamin
- Tiêm nhầm thuốc Bilneuro 5000 vào tĩnh mạch có làm sao không?