17-01-2024 13:48

Các rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu

Các rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu

Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu là trạng thái lo âu, sợ hãi kéo dài, mãnh liệt, bất hợp lý liên quan đến các đối tượng hay các tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Rối loạn ám ảnh này ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của con người. Nếu bạn gặp tình trạng rối loạn này hãy liên hệ với bác sĩ để có hướng điều trị kịp thời.

1. Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu là gì?

Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu là trạng thái sợ hãi và lo âu về một tình huống hoặc đối tượng cụ thể. Một số ám ảnh sợ phổ biến như: ám ảnh sợ độ cao, ám ảnh sợ mũi kim, ám ảnh sợ sấm sét, ám ảnh sợ động vật, ám ảnh sợ nha sĩ,....Người bệnh thường né tránh các tình huống hoặc đối tượng đó nếu có thể, nhưng nếu sự tiếp xúc xảy ra thì trạng thái lo âu sẽ phát triển nhanh chóng. Lo âu có thể trở nên dữ dội giống như mức độ của một cơn hoảng sợ, ví dụ như: vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, khó chịu ở ngực, nghẹt thở, nóng bừng hoặc ớn lạnh,...Những người bị rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu thường nhận biết được nỗi sợ hãi của họ là quá mức, không hợp lý.

Ám ảnh sợ đặc hiệu là những rối loạn lo âu phổ biến nhất. Những ám ảnh sợ đặc hiệu ảnh hưởng phần lớn đến phụ nữ, khoảng 13% phụ nữ và 4% nam giới trong khoảng thời gian 12 tháng. Một số ám ảnh sợ đặc hiệu ít gây ra sự phiền phức như khi người dân ở thành phố sợ rắn (ám ảnh sợ rắn), trừ khi họ nhiệm vụ phải đi trong khu vực nơi mà có rắn sinh sống. Bên cạnh đó, cũng có những ám ảnh sợ đặc hiệu gây trở ngại đến hoạt động chức năng như khi những người phải làm việc trên tầng cao của một tòa nhà chọc trời sợ độ cao (ám ảnh sợ độ cao). Những nơi không gian bị hạn chế như trong thang máy, tầng hầm (ám ảnh sợ khoảng hẹp). Sợ máu (ám ảnh sợ máu), tiêm (ám ảnh sợ tiêm chích), kim hoặc các vật sắc nhọn khác (ám ảnh sợ mũi kim) hoặc bị thương (ám ảnh sợ bị thương) xuất hiện ở mức độ nào đó ở ít nhất 5% dân số. Những người bị ám ảnh sợ máu, kim, hoặc bị thương không giống những người bị ám ảnh sợ hoặc rối loạn lo âu khác, có thể thực sự bị ngất vì phản xạ ngất do thần kinh phế vị gây ra tình trạng nhịp tim chậm và hạ huyết áp tư thế.

2. Triệu chứng của rối loạn ám ảnh đặc hiệu

Triệu chứng phụ thuộc vào loại rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu:

  • Sợ độ cao (Ám ảnh sợ độ cao)
  • Sợ bụi ( Ám ảnh sợ bụi)
  • Sợ sấm sét (Ám ảnh sợ sấm sét)
  • Sợ đi máy bay (Ám ảnh sợ đi máy bay)
  • Sợ băng qua cầu (Ám ảnh sợ những cây cầu)
  • Sợ tiêm (Ám ảnh sợ tiêm chích),....

Người bệnh thường né tránh các tình huống hoặc đối tượng mà họ cảm thấy sợ hãi đó nếu có thể, nhưng nếu sự tiếp xúc xảy ra thì trạng thái lo âu sẽ phát triển nhanh chóng. Ví dụ như: về nhận thức, sợ chết, sợ mình phát điên hoặc mất kiểm soát,.. Về cơ thể, thấy vã mồ hôi, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, đau ở vùng ngực,...hay thậm chí là bị ngất lịm đi.

rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu
Sợ độ cao là triệu chứng phụ thuộc vào loại rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu

3. Chẩn đoán rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu

Chẩn đoán rối loạn ám ảnh bằng lâm sàng dựa trên các tiêu chuẩn trong Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, ấn bản thứ năm (DSM-5).

Bệnh nhân có trạng thái lo âu, lo sợ rõ ràng, dai dẳng, kéo dài trên 6 tháng về một đối tượng hoặc tình huống cụ thể, và cộng thêm tất cả những điều sau:

  • Hoàn cảnh hoặc đối tượng gần như luôn luôn gây ra lo sợ hoặc lo âu ngay lập tức
  • Người bệnh chủ động né tránh đối tượng hoặc tình huống
  • Sự lo âu hoặc lo sợ là quá mức bình thường, không phù hợp với nguy hiểm thực tế (có tính đến các chuẩn mực văn hoá xã hội)
  • Sự lo âu, lo sợ và né tránh gây ra những căng thẳng đáng kể hoặc làm suy giảm đáng kể chức năng xã hội hoặc nghề nghiệp.

Ngoài ra, sự lo sợ và lo âu không phải là đặc trưng của một rối loạn tâm thần khác như: ám ảnh sợ xã hội, một số rối loạn liên quan stress,..

4. Điều trị rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu

Để điều trị rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu, bác sĩ thường chỉ định 2 phương pháp, đó là:

  • Liệu pháp phơi nhiễm
  • Điều trị bằng thuốc: một loại benzodiazepin hoặc β-blocker, hai thuốc này được sử dụng một cách hạn chế.

4.1 Liệu pháp phơi nhiễm

Liệu pháp phơi nhiễm - liệu pháp tâm lý chuyên biệt là sự lựa chọn điều trị rối loạn ám ảnh của các bác sĩ.

Bác sĩ là người đưa ra bài tập phơi nhiễm, người bệnh tìm kiếm, đối mặt và tiếp xúc với những gì họ lo sợ và né tránh cho đến khi nào sự lo âu của họ được dần dần giảm bớt thông qua một quá trình gọi là quen dần. Vì hầu hết bệnh nhân đều nhận biết được nỗi sợ của họ là quá mức và có thể cảm thấy xấu hổ bởi nỗi sợ của họ, họ thường sẵn sàng tham gia vào liệu pháp điều trị này - tức là đối mặt với đối tượng hoặc tình huống gây lo sợ, tránh sự né tránh.

Thông thường, bác sĩ hay chuyên gia bắt đầu với một liệu pháp phơi nhiễm ở mức độ vừa phải (chẳng hạn như bệnh nhân được yêu cầu tiếp cận gần đối tượng gây lo sợ). Nếu bệnh nhân mô tả có nhịp tim nhanh hoặc thở dốc khi họ gặp đối tượng hay tình huống gây lo sợ, họ có thể được dạy cách trấn an bản thân bằng cách thở chậm, kiểm soát nhịp thở hoặc các phương pháp khác để thúc đẩy sự thư giãn. Họ có thể được bác sĩ yêu cầu ghi lại khi nhịp tim của họ để biết khi nào nhịp tim tăng lên và thở dốc xuất hiện và khi nào những phản ứng này trở lại bình thường. Khi bệnh nhân cảm thấy thoải mái ở một mức độ phơi nhiễm, liệu pháp phơi nhiễm sẽ được bác sĩ tăng cao lên, mức độ tiếp xúc sẽ được tăng lên (ví dụ như chạm vào đối tượng gây lo sợ). Các bác sĩ tiếp tục tăng mức độ phơi nhiễm cho đến khi bệnh nhân có thể chịu được sự tương tác bình thường với đối tượng hoặc tình huống. Mức độ phơi nhiễm có thể tăng lên nhanh chóng khi bệnh nhân phù hợp với phơi nhiễm đó, đôi khi chỉ cần một vài buổi tham gia điều trị liệu pháp là đủ.

Phơi nhiễm trị liệu giúp đỡ cho > 90% bệnh nhân nếu họ thực hiện nó một cách trung thực và phương pháp này được coi là phương pháp điều trị duy nhất cần thiết cho các ám ảnh sợ đặc hiệu.

rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu
Dùng thuốc để điều trị rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu

4.2 Thuốc

Sử dụng một benzodiazepin (ví dụ lorazepam 0.5 đến 1.0 mg đường uống) hoặc thuốc Chẹn β (propranolol thường được ưu tiên-10 đến 40mg đường uống) để điều trị ngắn hạn rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu. Tốt nhất là nên dùng thuốc khoảng 1 đến 2 giờ trước khi phơi nhiễm, thỉnh thoảng rất hữu ích khi phơi nhiễm đối với một đối tượng hoặc tình huống không thể né tránh được (ví dụ như, khi một người có ám ảnh sợ máy bay phải bay trong khoảng thời gian ngắn) hoặc khi phơi nhiễm trị liệu là không được như mong muốn hoặc không thành công.

Rối loạn ám ảnh sợ đặc hiệu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chức năng của con người. Nếu bạn có bất kỳ nỗi lo âu, sợ hãi nào kéo dài khi tiếp xúc với một đối tượng hay trong một tình huống cụ thể hãy đến gặp bác sĩ để có hướng điều trị tốt nhất cho bạn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

XEM THÊM:
  • Các loại rối loạn lo âu thường gặp
  • Rối loạn lo âu lan tỏa: Những điều cần biết
  • Chẩn đoán và điều trị rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh: Những điều cần biết

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan