Mục lục
Chứng ngủ rũ (Narcolepsy) là tình trạng rối loạn giấc ngủ mãn tính. Người mắc chứng ngủ rũ có thể trải qua tình trạng buồn ngủ đột ngột vào ban ngày, uể oải mệt mỏi và thiếu sức sống. Hiện vẫn chưa có cách chữa chứng ngủ rũ triệt để nhưng bác sĩ có thể đề xuất bệnh nhân thử một số biện pháp thay đổi lối sống, bổ sung melatonin và chiết xuất thảo dược tự nhiên, tập yoga hoặc châm cứu để giúp bạn có chu kỳ ngủ cân bằng hơn.
Nếu bạn đang muốn thử hoặc áp dụng các phương pháp bổ sung hoặc thay thế để kiểm soát các triệu chứng ngủ rũ hàng ngày của mình, có một số cách sau đây có thể giải quyết vấn đề này.
1. Tập Yoga và thiền định điều trị chứng ngủ rũ
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng yoga và thiền định mang lại những lợi ích rõ rệt về mặt sức khỏe, bao gồm cả việc nâng cao chất lượng giấc ngủ. Một số bài tập yoga có thể mang lại sự thư giãn, giảm lo lắng và giúp bạn ngủ sâu giấc hơn. Tuy nhiên khi thực hiện phương pháp này, hãy lưu ý:
- Lựa chọn phong cách yoga phù hợp: Các bài tập Yoga nóng hoặc yoga vinyasa thường bao gồm các động tác làm tăng nhịp tim. Nếu lựa chọn những bài tập dạng này sẽ khiến bạn khó ngủ vào ban đêm hơn và làm trầm trọng chứng ngủ rũ vào ban ngày. Do vậy, hãy lựa chọn một kỹ thuật thả lỏng và thư giãn.
- Thiết lập không gian phù hợp để tập yoga hoặc thiền định: Bạn có thể giảm độ sáng, bật nhạc nhẹ nhàng, êm dịu và mặc quần áo thoải mái để luyện tập trong một không gian thư giãn.
- Tập trung vào hơi thở: Chú ý hít vào bằng mũi và thở ra từ từ miệng. Động tác này có thể giúp bạn thả lỏng và giảm căng thẳng trước khi đi ngủ.
- Không nên thúc ép bản thân: Không nên tập quá sức, thay vào đó hãy để bản thân tập với mục đích thư giãn và thả lỏng mọi giác quan.
2. Chữa chứng ngủ rũ bằng thảo dược
Nghiên cứu cho thấy một số loại thảo mộc có thể giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc vào ban đêm hơn. Ví dụ như trà cúc La Mã có một số hợp chất hóa học như Apigenin giúp an thần nhẹ, cải thiện tình trạng khó ngủ. Tuy nhiên vẫn có một số người bị dị ứng với loại hoa này nên tốt nhất bạn nên thử với một lượng nhỏ trước.
Rễ cây nữ lang (Valerian) có đặc tính an thần tự nhiên nên từ lâu đã được sử dụng như một loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ, giúp giảm bớt các vấn đề như căng thẳng, lo lắng hoặc đau đầu làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ. Tuy nhiên nếu có ý định sử dụng lâu dài, có lẽ bạn nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ.
Các loại thảo mộc khác được sử dụng để cải thiện các vấn đề về giấc ngủ bao gồm hoa lạc tiên, nhân sâm đỏ, tía tô đất và hoa bia. Nếu bạn đang dùng thuốc theo toa, hãy lưu ý rằng có một số loại thảo mộc nhất định có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc gây ra tác dụng phụ. Bạn nên trao đổi trước với bác sĩ khi có ý định điều trị chứng ngủ rũ bằng bất kỳ loại thảo dược nào.
3. Bổ sung Melatonin cho bệnh nhân mắc chứng ngủ rũ
Cơ thể con người tạo ra melatonin tự nhiên khoảng 4 giờ trước khi đi ngủ. Hormone này được kích hoạt khi cơ thể tiếp xúc với ánh sáng tối vào ban đêm. Tuy nhiên với bệnh nhân mắc chứng ngủ rũ (narcolepsy), chu kỳ thức - ngủ có thể không được điều chỉnh đúng cách. Nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung melatonin có thể giúp điều chỉnh chu kỳ ngủ, tăng thời gian ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
4. Điều chỉnh và thay đổi lối sống
Một người bị chứng ngủ rũ có thể thường xuyên ngủ thiếp đi hoặc cảm thấy buồn ngủ quá nhiều lần trong ngày. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm nếu người bệnh đang tham gia các hoạt động đòi hỏi sự tập trung như: lái xe, sử dụng máy móc, làm việc nặng...v.v.. Để giảm cơn buồn ngủ dữ dội vào ban ngày và ngủ ngon hơn vào ban đêm, bạn có thể áp dụng một số điều chỉnh lối sống như sau:
- Lên lịch cho những giấc ngủ ngắn và đều đặn trong ngày;
- Duy trì thói quen đi ngủ vào cùng một giờ mỗi đêm và thức dậy cùng một lúc;
- Giảm bớt những tác nhân gây phân tán sự chú ý trong phòng ngủ (ví dụ: điện thoại, tivi, tạp chí...);
- Tránh uống rượu, hút thuốc và tiêu thụ caffeine trước khi đi ngủ;
- Không nên ăn nhiều thức ăn trước khi ngủ;
- Tập thể dục thường xuyên để duy trì sự tỉnh táo và minh mẫn trong ngày. Tuy nhiên không nên tập thể dục hoặc vận động gắng sức trước khi đi ngủ 2 giờ.
5. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)
Điều chỉnh hành vi và nhận thức (CBT) được xem là một trong những cách hiệu quả nhất giúp điều trị chứng trầm cảm và chứng rối loạn ăn uống vô độ. Với chứng ngủ rũ, các chuyên gia cũng hướng dẫn bệnh nhân sử dụng liệu pháp này để phát hiện những suy nghĩ và thói quen tiêu cực, đồng thời nhanh chóng thay đổi chúng thành hành động lành mạnh hơn.
Ví dụ, mỗi khi bắt đầu có cơn buồn ngủ xuất hiện, thay vì ngồi duy trì một chỗ và ngủ thiếp đi thì CBT sẽ giúp bạn tránh được những ham muốn này bằng cách điều hướng bạn đứng lên, vận động hoặc dùng một cốc nước mát. Nếu bạn định thử áp dụng CBT để điều trị chứng ngủ rũ, hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý xem nó có phù hợp với bạn không.
6. Liệu pháp châm cứu
Châm cứu là một biện pháp Y Học Cổ Truyền Trung Quốc, tại đây các chuyên gia sẽ châm những chiếc kim mỏng vào các điểm cụ thể trên cơ thể người bệnh, từ đó giảm bớt áp lực tại các cơ bắp, nâng cao chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để chứng minh châm cứu thật sự giúp điều trị chứng ngủ rũ.
Châm cứu tương đối an toàn nếu được thực hiện bởi một người có chuyên môn, kinh nghiệm. Tuy nhiên nếu thực hiện không đúng cách, kim không vô trùng có thể gây nhiễm trùng hoặc các vấn đề sức khỏe nguy hiểm khác. Nếu bạn muốn thử châm cứu, hãy tìm đến các địa chỉ uy tín và có chuyên môn.
Hầu hết các phương pháp điều trị chứng ngủ rũ bổ sung và thay thế như yoga, thiền định hoặc CBT đều an toàn và mang lại lợi ích nhất định. Tuy nhiên không phải tất cả các lựa chọn thuốc thay thế, đặc biệt là các biện pháp thảo dược, các sản phẩm và chất bổ sung đều an toàn ngay cả khi chúng là “tự nhiên”. Do vậy trước khi điều trị bằng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov, webmd.com
- Thuốc Modafinil là thuốc gì? Công dụng và liều dùng
- Các lý do khiến bạn ngủ quá nhiều
- Những điều cần biết khi con bạn mắc chứng ngủ rũ