Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngoan - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Khi trẻ bắt đầu bước vào tuổi ăn dặm, cha mẹ đứng trước rất nhiều khó khăn để làm sao giúp cho hành trình ăn dặm của con mình được thoải mái và suôn sẻ nhất.
Theo Bác sĩ nội trú, Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngoan - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long, giai đoạn ăn dặm được xem là bước đánh dấu sự phát triển mới của trẻ: Trẻ có thể học ăn dần dần như người lớn. Các phương pháp cho bé ăn dặm khác nhau giúp trẻ làm quen với thức ăn và cách ăn khác nhau: Có phương pháp ăn dặm thì ưu tiên khả năng tiêu hóa bằng thực phẩm xay nhuyễn, lại có phương pháp ăn dặm ưu tiên phát triển khả năng nhai/ ăn thô của trẻ bằng các loại thức ăn cắt miếng... Vì vậy, chọn phương pháp cho bé ăn dặm nào sẽ ảnh hưởng tới khả năng ăn uống, tiêu hóa sau này của trẻ. Cha mẹ cần chú ý điều này ngay từ khi cho trẻ bắt đầu ăn dặm.
Hiện nay có 3 phương pháp ăn dặm phổ biến với cha mẹ:
- Phương pháp ăn dặm truyền thống;
- Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật;
- Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning hay còn gọi tắt là phương pháp ăn dặm blw)
Phương pháp ăn dặm truyền thống: Phương pháp ăn dặm này rất phổ biến với các gia đình Việt. Các mẹ sẽ xay bột chung với các loại thức ăn như thịt, rau, cá. Hỗn hợp này sẽ bắt đầu từ lỏng đến đặc. Khi trẻ đã mọc răng sẽ ăn cháo cùng với thức ăn được xay nhuyễn.
Ưu điểm:
- Nếu mẹ áp dụng phương pháp ăn dặm truyền thống bé có thể ăn số lượng nhiều ngay từ những ngày đầu nên dễ tăng cân tốt.
- Đồ ăn được xay nhuyễn an toàn cho hệ tiêu hóa.
- Vì là phương pháp ăn dặm truyền thống nên dễ nhận được sự ủng hộ của gia đình.
Nhược điểm
- Trẻ ăn nhiều thức ăn xay nhuyễn có thể ảnh hưởng đến khả năng ăn thô sau này.
- Xay nhiều thức ăn chung với nhau nên khi trẻ bị dị ứng mẹ khó phát hiện bé dị ứng với đồ ăn nào.
- Nhiều thực phẩm xay nhuyễn nên khiến bé gặp khó khăn khi phân biệt từng loại nguyên liệu.
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật
Phương pháp cho bé ăn dặm này là pha cháo loãng qua rây tới tỷ lệ 1:10 chứ không quấy thành bột. Các loại rau, thịt cũng được chế biến riêng với độ thô phù hợp.
Ưu điểm
- Bé làm quen được với các loại thức ăn khác nhau, giúp cho khả năng nhận diện mùi vị thức ăn phát triển.
- Ăn theo phương pháp này tốt cho thận của trẻ.
- Bé không bị gò ép, tạo cảm giác thoải mái khi ăn đồng thời tạo được thói quen ngồi ăn nhanh và tập trung.
Nhược điểm
- Các mẹ sẽ tốn thời gian dạy bé ngồi và cầm thìa.
- Các mẹ sẽ tốn thời gian chế biến thức ăn do có nhiều loại thức ăn cần chế biến riêng biệt
Phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy (Baby Led Weaning - hay còn gọi tắt là ăn dặm BLW)
Đây là phương pháp cho bé ăn dặm được các nước phương Tây áp dụng nhiều. Với phương pháp ăn dặm này, các mẹ thường không xay nhuyễn thức ăn và không đút thìa mà để bé tự ăn. Mẹ sẽ chỉ ngồi hướng dẫn bé đưa thức ăn vào miệng, việc còn lại là của bé.
Ưu điểm
- Bé phát triển được kỹ năng nhai và kiểm soát thức ăn.
- Bé được chủ động “nắm quyền” kiểm soát thức ăn, nhờ đó bé được tự do khám phá các mùi vị mình thích.
- Bé có thể dễ dàng tham gia bữa ăn cùng tất cả mọi người trong gia đình.
Nhược điểm
- Bé tự ăn nên lượng thức ăn đưa vào cơ thể không được kiểm soát, dễ bị sụt cân, chững cân.
- Vì ngay từ khi bắt đầu bé đã ăn đồ cứng nên nguy cơ bị hóc cao.
- Trẻ ăn dặm chỉ huy hay bày bừa, ăn theo ý thích, mẹ tốn thời gian dọn dẹp sau khi bé ăn xong.
Có thể thấy, mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu, nhược điểm nhất định và không có phương pháp nào là hoàn hảo nhất. Do đó, cha mẹ cần dựa vào các điều kiện về thời gian/ khả năng chăm sóc để chọn phương pháp ăn dặm cho bé phù hợp nhất với sở thích, thói quen và thể trạng để đạt được kết quả tốt nhất.
- Thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 - 7 tháng
- Các thực phẩm có thể không an toàn cho em bé trong tuổi ăn dặm
- Ăn dặm tự chỉ huy có thực sự tốt?