Mục lục
Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng trẻ bú ít, quấy khóc là tình trạng rất thường gặp nên hay chủ quan mà không biết rằng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo xoắn ruột ở trẻ. Xoắn ruột khiến đường ruột của trẻ bị tắc nghẽn, ứ đọng thực phẩm, giảm lượng máu nuôi đến ruột dẫn đến nhiều nguy cơ như viêm, hoại tử phúc mạc, nhiễm khuẩn... gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhi.
1. Nguyên nhân gây xoắn ruột ở trẻ
Đối với người lớn, tình trạng xoắn ruột chủ yếu là do lạm dụng thuốc nhuận tràng và thuốc điều trị tâm thần, hoặc đôi khi không xác định được nguyên nhân gây bệnh. Ở trẻ em, xoắn ruột non thường là do sự xoay bất thường của ruột, có thể là xảy ra trong quá trình hình thành ruột non khiến ruột bị xoắn hoặc tắc nghẽn.
Nhìn chung, nguyên nhân gây xoắn ruột ở trẻ chủ yếu là do:
- Yếu tố bẩm sinh: Do thai nhi quay và cố định ruột lúc cuối thai kỳ
- Trẻ nhỏ từng phải phẫu thuật ổ bụng hoặc có khối u sẽ có nguy cơ bị xoắn ruột cao
- Chứng ruột xoay bất toàn ở trẻ nhỏ (khá hiếm gặp, chiếm khoảng 1/6000).
Để xác định chính xác nguyên nhân khiến trẻ bị xoắn ruột, cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa. Dựa trên kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ rút ra được nguyên nhân và mức độ gây xoắn ruột, từ đó đưa ra phương án điều trị thích hợp nhất cho bệnh nhi.
2. Triệu chứng nhận biết trẻ bị xoắn ruột
Nhìn chung, trẻ bị xoắn ruột sẽ có các biểu hiện như sau:
- Bị đầy hơi, chướng bụng, bụng căng
- Rối loạn đại tiện: táo bón nặng hoặc tiêu chảy, đi ngoài ra máu hoặc phân có màu nâu, đen
- Trẻ quấy khóc, bỏ bú, da xanh tím tái, khóc khó dỗ, khóc thét từng cơn, khóc nhiều lần trong ngày
- Trẻ bị đau bụng kéo dài và cơn đau tăng dần theo thời gian
- Trẻ nôn mửa, ọc dịch màu vàng hoặc xanh
- Trẻ bị sốc nhanh với biểu hiện mạch nhanh, hạ huyết áp, lo sợ, hoảng hốt...
3. Xoắn ruột ở trẻ em có nguy hiểm không?
Xoắn ruột ở trẻ là một trong những tình trạng cần cấp cứu nội, ngoại khoa khẩn cấp. Bệnh có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu xử lý chậm trễ đến bệnh viện. Thời điểm để điều trị cho trẻ bị xoắn ruột là trước 6 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng. Sau khoảng thời gian 6 giờ, bệnh nhi có thể bị tắc ruột, cản trở nguồn máu nuôi cho đoạn ruột bị xoắn dẫn đến hoại tử ruột. Thậm chí đã có những trường hợp xoắn ruột dẫn đến biến chứng như viêm ruột hoại tử, viêm phúc mạc, sốc nhiễm khuẩn... khiến trẻ phải thực hiện phẫu thuật để điều trị cấp cứu.
Để tránh gặp phải tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường kể trên, cha mẹ nên đưa trẻ nhập viện sớm để được thăm khám và xử lý kịp thời, tránh những hậu quả nặng nề.
- Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa điển hình
- Các kiểu rối loạn đại tiện thường gặp
- Điều trị rối loạn đại tiện như thế nào?