Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Trẻ sinh cực non là những trẻ ra đời trước tuần thứ 28 thai kỳ. Những bé sinh cực non mặc dù có thể sống sót nhưng phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe. Vì vậy khi thấy bất cứ dấu hiệu sinh non nào, thai phụ cần hết sức lưu ý bởi bé sinh non cần phải được chăm sóc đặc biệt.
1. Khả năng sống sót của trẻ sinh cực non
Hiện nay, những trẻ sinh giữa tuần 24 và 25 cũng có khả năng phát triển để sống sót tuy nhiên trẻ cần được chăm sóc đặc biệt với chế độ dành cho trẻ sinh cực non, kể cả khi bé đã ra viện.
Với những trẻ sinh ra 8 tuần trước ngày dự sinh vẫn có khả năng sống sót và phát triển bình thường như những trẻ sinh ra đủ ngày đủ tháng. Trẻ sinh cực non phải đối mặt với nguy cơ tử vong và dị tật rất cao nếu việc chăm sóc và dinh dưỡng không đảm bảo.
2. Các nguy cơ sức khỏe của trẻ sinh cực non
Trẻ sinh cực non có thể gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần cũng như thể chất.
- Vấn đề về hô hấp: Trẻ sinh cực non chưa phát triển hoàn thiện về đường hô hấp chính vì vậy nhiều bé dễ bị khó thở. Tình trạng này có thể dẫn tới các rối loạn hô hấp mạn tính.
- Vấn đề về huyết áp: Vì mạch máu của trẻ sinh cực non không đủ khỏe để duy trì lưu lượng máu bình thường nên trẻ có thể bị huyết áp thấp. Vì vậy, có thể khiến trẻ bị mắc các dị tật tim khác nhau.
- Rối loạn máu: Trẻ sinh cực non sẽ có thể phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến máu khá phổ biến như thiếu máu, vàng da bởi vì các tế bào máu của trẻ lúc này vẫn còn yếu do chưa được phát triển đầy đủ.
- Khả năng miễn dịch kém: Hệ miễn dịch ở trẻ sinh cực non chưa được phát triển đầy đủ chính vì vậy hệ miễn dịch của bé lúc này còn rất yếu, khiến cho trẻ sinh cực non dễ mắc nhiều bệnh.
- Sự bất thường về chuyển hóa: Tốc độ chuyển hóa ở trẻ sinh cực non là rất chậm, khiến cho hoạt động bình thường của các cơ quan trong cơ thể trẻ bị cản trở đồng thời sản sinh ra các hormon bất thường.
- Vấn đề về thị lực và thính lực: Vì những cơ quan về thính lực và thị lực của trẻ sinh cực non vẫn chưa thể hoàn thiện chính vì thế trẻ có nguy cơ cao bị rối loạn về thị lực và thính lực. Cần phải kiểm tra cho bé trong những ngày đầu để có thể can thiệp kịp thời.
- Xuất huyết não: Nhiều bé sinh trước 28 tuần có nguy cơ bị xuất huyết não, tình trạng này thường xảy ra trong vài ngày đầu sau sinh. Tuy nhiên, tình trạng này có thể điều trị. Trong trường hợp bé bị xuất huyết quá nhiều, bé sẽ bị tổn thương não vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ trong tương lai.
- Chậm phát triển: Trẻ sinh cực non thường chậm phát triển hơn. Tuy nhiên không phải tất các bé sinh cực non đều trở thành trẻ chậm phát triển bởi hiện nay qua theo dõi, rất nhiều trẻ sinh cực non có thể bắt kịp sự phát triển như các bé sinh đủ tháng khác.
- Hạ thân nhiệt: Bởi các trẻ sinh cực non đều thiếu chất béo chính vì thế cơ thể trẻ không thể tự điều chỉnh thân nhiệt được, gây nên tình trạng hạ thân nhiệt. Trẻ sinh cực non sẽ khó tăng cân và phát triển bởi năng lượng của bé đã dành hết để giữ ấm. Đây chính là lý do các bé sinh cực non thường được nuôi trong lồng ấp.
- Viêm ruột hoại tử: Đây là tình trạng tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm và thường xảy ra khi bé được bú, thường xảy ra vào tuần thứ 2 -3 sau sinh, chủ yếu ở trẻ được nuôi bằng sữa nhân tạo. Trẻ sinh non sẽ ít bị bệnh này hơn nếu được bú sữa mẹ.
- Bại não: Đây là một rối loạn thần kinh nghiêm trọng. Nó gây ảnh hưởng tới các cơ và làm suy yếu cử động bình thường. Do sự lưu thông máu bất thường và hệ thần kinh kém phát triển nên trẻ sinh cực non dễ bị rối loạn này.
- Rối loạn hành vi: Do hệ thần kinh kém phát triển nên nhiều trẻ sinh cực non bị rối loạn các hành vi tâm thần thời thơ ấu.
- Nhiễm trùng: Do hệ miễn dịch của trẻ sinh cực non yếu nên trẻ dễ bị viêm phổi, nhiễm trùng huyết và viêm màng não.
- Tỷ lệ sống sót thấp: Khoảng 80% trẻ sinh cực non có khả năng sống sót, số còn lại sẽ dễ tử vong do các bệnh nhiễm trùng.
3. Các biện pháp nhằm giảm nguy cơ sinh non
- Trong suốt quá trình mang thai, thai phụ cần phải được chăm sóc cẩn thận. Chế độ ăn uống cân bằng, hợp lý, lối sống lành mạnh, tránh bị căng thẳng, lo lắng.
- Cần thường xuyên khám thai định kỳ theo sự chỉ định của bác sĩ để theo dõi sát sức khỏe tình thần, thể chất của thai phụ. Tình trạng nhiễm trùng hay các bệnh tật khác sẽ được kiểm soát nếu bạn được khám sức khỏe thường xuyên.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Thực tế cho thấy, nếu bà bầu bị các bệnh về răng miệng rất dễ bị sinh non, chính vì vậy các mẹ nên nhớ vệ sinh răng miệng sạch sẽ và thường xuyên đi kiểm tra răng định kỳ.
- Thực hiện chế độ ăn hợp lý với nhiều trái cây và rau xanh. Uống nhiều nước và cần kiểm soát cân nặng.
- Thường xuyên tập thể dục mỗi ngày, nếu bạn tập yoga cũng có thể giúp làm giảm nguy cơ sinh non. Tập thể dục giúp bạn giải tỏa tinh thần, giảm căng thẳng.
- Trẻ sinh non 7 tháng có khó nuôi?
- Thế nào là sinh cực non?
- Các nguy cơ sức khỏe của trẻ sinh non