Mục lục
Rối loạn tiền đình gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Bên cạnh việc dùng thuốc, một chế độ ăn phù hợp có thể hỗ trợ chữa bệnh rối loạn tiền đình.
1. Bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ăn gì?
Bệnh nhân bị rối loạn tiền đình nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin nhóm B, (đặc biệt là vitamin B6 và B9), vitamin C, magie,..., đây là những thực phẩm tốt cho hoạt động của hệ thần kinh, hệ thống tiền đình.
- Thực phẩm giàu Vitamin B6
Thiếu Vitamin B6 ảnh hưởng đến hệ thống tiền đình của cơ thể, làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiền đình như chóng mặt, buồn nôn,... Việc bổ sung Vitamin B6 trong chế độ ăn hàng ngày là hết sức cần thiết đối với bệnh nhân rối loạn tiền đình.
Các thực phẩm chứa giàu Vitamin B6 bao gồm: thịt gà bỏ da, cá, các loại trái cây như cam, táo, chuối, bơ, đu đủ, hạt hạnh nhân, hạt óc chó, ngũ cốc, khoai lang, các loại đậu, cà chua, bí đỏ, rau bina.
- Thực phẩm giàu Vitamin B9 (Acid folic)
Vitamin B9 tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu và tạo chất dẫn truyền thần kinh ở não. Do đó, thiếu Vitamin B9 có thể khiến cho các triệu chứng rối loạn tiền đình kéo dài và dễ tái phát. Cần bổ sung nguồn thực phẩm chứa nhiều Vitamin B9 như: gan động vật, rau củ màu xanh đậm như súp lơ xanh, đậu bắp, đậu đen, đậu xanh,...
- Thực phẩm giàu Vitamin C
Vitamin C giúp giảm bớt các triệu chứng rối loạn tiền đình như đau đầu, chóng mặt. Cam, chanh, bưởi, kiwi, ổi, cà chua, ớt đỏ, súp lơ xanh là những thực phẩm chứa nhiều Vitamin C mà bệnh nhân rối loạn tiền đình cần bổ sung.
- Thực phẩm giàu Vitamin D
Việc bổ sung đầy đủ Vitamin D rất cần thiết đối với bệnh nhân rối loạn tiền đình, hỗ trợ tốt cho quá trình điều trị bệnh. Cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc, nước cam,... là những thực phẩm giàu Vitamin D.
- Thực phẩm giàu Magie
Magie có vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thần kinh. Sự thiếu hụt Magie làm ảnh hưởng chức năng thần kinh và khiến cho các triệu chứng rối loạn tiền đình chậm cải thiện. Do đó, bệnh nhân cần bổ sung các thực phẩm giàu magie trong chế độ ăn hàng ngày như: hải sản, thịt, các loại rau lá màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt,...
- Thực phẩm giàu Omega-3
Bệnh nhân rối loạn tiền đình cần bổ sung các thực phẩm giàu Omega-3 như hạt óc chó,... bởi vì Omega-3 tốt cho hệ thần kinh.
- Nước
Bên cạnh việc bổ sung thực phẩm chứa các dưỡng chất cần thiết, người bị rối loạn tiền đình cần uống đủ nước. Có thể uống các loại nước trái cây để bổ sung thêm các loại Vitamin, khoáng chất thiết yếu.
2. Gợi ý một số món ăn trị rối loạn tiền đình
Dưới đây là một số món ăn trị rối loạn tiền đình mà bệnh nhân có thể chế biến tại nhà:
- Canh mộc nhĩ thịt xay
Đây là một món ăn dễ làm có thể hỗ trợ điều trị rối loạn tiền đình. Mộc nhĩ chứa nhiều Kali, Natri, Magie, Calci, sắt, vitamin B12, giúp cải thiện rất tốt tình trạng rối loạn tiền đình.
- Sườn non nấu đinh lăng
Đinh lăng có tác dụng bổ não, hỗ trợ chữa rối loạn tiền đình. Sườn non nấu với đinh lăng hỗ trợ điều trị suy giảm trí nhớ, căng thẳng, kém tập trung, suy nhược cơ thể.
- Chè hạt sen long nhãn
Chè hạt sen long nhãn là một món ăn khá quen thuộc tốt cho sức khỏe. Long nhãn giúp an thần, giảm căng thẳng, stress, bồi bổ khí huyết, khắc phục khó ngủ, rối loạn tiền đình. Còn hạt sen có tác dụng bổ tỳ, an thần, hỗ trợ điều trị rối loạn tiền đình. Do đó, chè hạt sen long nhãn (nhãn lồng) là một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, tốt cho người bị rối loạn tiền đình.
- Óc lợn
Óc lợn chứa các dưỡng chất calci, phospho, sắt,... tốt cho sức khỏe. Món ăn từ óc lợn giúp cải thiện triệu chứng hoa mắt, chóng mặt trong bệnh rối loạn tiền đình. Có thể hấp óc lợn cùng với ngải cứu, hoặc óc lợn rán trứng gà để tăng hiệu quả điều trị.
Cần sử dụng óc lợn đúng cách để phát huy hết tác dụng. Tránh lạm dụng quá nhiều có thể gây ra tình trạng thừa cholesterol xấu có hại cho sức khỏe.
3. Rối loạn tiền đình nên tránh các loại thực phẩm nào?
Người bị rối loạn tiền đình nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm sau đây:
- Chất béo: Bệnh nhân rối loạn tiền đình nên thực hiện chế độ dinh dưỡng ít chất béo, bởi việc nạp quá nhiều chất béo sẽ làm tăng cholesterol máu, ảnh hưởng đến điều trị.
- Các đồ uống có tính kích thích: Người bị rối loạn tiền đình nên kiêng các loại đồ uống có tính kích thích như cafein, bia, rượu vì có thể làm các triệu chứng rối loạn tiền đình tăng lên và ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
- Người bị rối loạn tiền đình nên thuốc tránh sử dụng một số loại thuốc như: Thuốc kháng acid, thuốc kháng viêm (như Ibuprofen). Nếu cần thiết sử dụng, phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Để tăng cường hiệu quả điều trị, bên cạnh việc dùng thuốc và thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp, bệnh nhân rối loạn tiền đình cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, sinh hoạt lành mạnh. Tránh lo âu, căng thẳng, tạo tinh thần thoải mái. Có thể tham khảo các bài tập vùng đầu, cổ, gáy để tăng hiệu quả điều trị.
- Cách điều trị thiểu năng tuần hoàn não ở người trẻ
- Công dụng thuốc Vasoclean
- Công dụng thuốc Superkan-F