17-01-2024 14:50

Các mốc tập nói của trẻ sơ sinh

Các mốc tập nói của trẻ sơ sinh

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Trước khi biết nói tiếng mẹ đẻ thực sự hoặc học một ngôn ngữ khác, trẻ sẽ bập bẹ, thì thầm và chơi đùa với âm thanh. Quá trình tập nói của tất cả trẻ em, cũng như cách dạy trẻ tập nói gần như giống nhau trên toàn thế giới.

1. Các mốc tập nói của trẻ

Trẻ con đã bắt đầu “trò chuyện” lần đầu tiên ngay sau khi sinh, và đó ngôn ngữ không lời. Em bé thường nhăn mặt, khóc và vặn vẹo để thể hiện một loạt các cảm xúc và nhu cầu, từ sợ hãi và đói đến thất vọng hoặc cảm giác quá tải. Cha mẹ nên chủ động học cách lắng nghe và hiểu được từng tiếng khóc (đoán ý trẻ qua tiếng khóc) khác nhau của con đang muốn biểu lộ điều gì.

Các cột mốc quan trọng của quá trình bé tập nói xuất hiện trong 3 năm đầu đời - khi mà bộ não đang phát triển nhanh chóng. Thời điểm mà bạn nghe được những lời đầu tiên của bé phụ thuộc vào kỹ năng riêng của mỗi trẻ.

  • 3 tháng tuổi

Khi được 3 tháng tuổi, em bé sẽ lắng nghe giọng nói và quan sát khuôn mặt của bạn khi bạn nói chuyện. Trẻ cũng quay đầu về phía những giọng nói, âm thanh và tiếng nhạc có thể nghe thấy xung quanh nhà. Nhiều trẻ sơ sinh thích giọng nói của phụ nữ hơn nam giới, có bé lại thích những giọng nói và bài hát thường xuyên nghe khi còn trong bụng mẹ. Khi sắp được 4 tháng, các bé bắt đầu "bi bô" một giọng nói vui vẻ, nhẹ nhàng, và lặp đi lặp lại một giai điệu nào đó.

  • 6 tháng tuổi

Bước vào tháng thứ 6, bé bắt đầu bập bẹ với những âm thanh khác nhau. Ví dụ, trẻ có thể nói "ba-ba" hoặc "da-da." Đến cuối tháng thứ 6 - 7, các bé có thể phản hồi khi được gọi tên của chính mình, nhận ra ngôn ngữ mẹ đẻ và sử dụng giọng nói để bày tỏ cảm xúc vui hay buồn. Nhiều bậc phụ huynh thường háo hức diễn giải một số tiếng mà trẻ đang bập bẹ, ví dụ như “ma-ma” chính là từ "mẹ ơi". Tuy nhiên bé tập nói bập bẹ ở độ tuổi này thường tạo ra những từ ngẫu nhiên bởi các âm tiết đơn giản mà không có ý nghĩa hoặc thực sự hiểu.

  • 9 tháng tuổi

Sau 9 tháng, bé có thể hiểu một vài từ cơ bản như "không" và "tạm biệt". Trẻ cũng có thể bắt đầu phát ra một loạt các âm thanh và giọng điệu đa dạng hơn.

Trẻ tập nói mama
Trẻ tập nói giai đoạn 6 tháng tuổi
  • 12 - 18 tháng tuổi

Hầu hết các bé sẽ nói một vài từ đơn giản như "ma-ma", "ba-ba" khi được 1 tuổi và đã hiểu biết những gì mình đang nói. Trẻ sẽ trả lời - hoặc ít nhất là hiểu, các yêu cầu ngắn của bạn (có thể tuân theo hoặc không), chẳng hạn như "Không! Bỏ cái đó xuống."

  • 18 tháng tuổi

Trẻ ở độ tuổi này sẽ nói một số từ đơn giản và có thể chỉ vào người, đồ vật cũng như các bộ phận cơ thể để gọi tên. Bé còn lặp lại những từ hoặc âm thanh nghe được từ bạn, chẳng hạn như từ cuối cùng trong câu. Nhưng bé thường không nói rõ ràng một từ, ví dụ từ "cho" để chỉ "chó" khi bé tập nói tên các con vật, hoặc "ban-ban" cho "bánh". Từ 20 tháng tuổi trở đi cũng là lúc bố mẹ có thể cho bé tập nói tiếng Anh hoặc một ngôn ngữ thứ 2 khác.

Trẻ tập nói
18 tháng tuổi với những từ đơn giản
  • 2 tuổi

Đến 2 tuổi, các bé sẽ kết hợp 2 - 4 từ thành các cụm ngắn, chẳng hạn như "Mẹ ơi, tạm biệt". Trẻ cũng đang học được rằng có từ sẽ chỉ đối tượng nhất định - ví dụ như "chén/bát", cũng có từ biểu hiện những ý tưởng trừu tượng - chẳng hạn "của con".

  • 3 tuổi

Khi lên 3 tuổi, vốn từ vựng của bé sẽ mở rộng nhanh chóng. Các trò chơi "đóng giả" đã thúc đẩy sự hiểu biết về ngôn ngữ ký hiệu và trừu tượng như "bây giờ / hiện tại", những cảm giác như "buồn" và các khái niệm không gian như "trong”, “ngoài".

2. Dạy trẻ tập nói

Trẻ em có thể hiểu những gì bạn nói từ lâu trước khi chúng nói được những từ đó rõ ràng. Nhiều bé học nói lúc đầu chỉ sử dụng 1 - 2 hai từ, lúc này thật ra chúng đã hiểu khoảng 25 từ trở lên.

Bạn có thể dạy trẻ tập nói bằng cách:

  • Quan sát

Em bé thường đưa hai tay lên để nói rằng “muốn được bế”, đưa cho bạn một món đồ chơi để nói “hãy chơi cùng con” hoặc đẩy thức ăn ra khỏi đĩa để nói “đã no”. Những lúc ấy bố mẹ nên mỉm cười, nhìn bé và trả lời để khuyến khích nỗ lực giao tiếp không lời ban đầu này của con.

  • Lắng nghe

Hãy chú ý đến tiếng thỏ thẻ và bập bẹ của bé, và phản hồi bằng những âm điệu, từ ngữ tương tự. Các bé đang cố gắng bắt chước âm thanh mà bố mẹ tạo ra, đồng thời thay đổi cao độ và âm sắc để phù hợp với ngôn ngữ mà bé nghe được xung quanh. Vì vậy, hãy kiên nhẫn và dành nhiều thời gian cho bé tập nói chuyện với bạn.

  • Khen ngợi

Mỉm cười và tán thưởng tất cả những nỗ lực nhỏ nhất hoặc khó hiểu nhất khi bé tập nói. Trẻ em sẽ học được sức mạnh của lời nói thông qua phản ứng của người lớn xung quanh.

Cha mẹ khen ngợi trẻ
Cha mẹ khen ngợi trẻ
  • Làm mẫu

Trẻ em rất thích nghe giọng nói của bố mẹ, nên khi bố mẹ nói chuyện với con sẽ giúp bé phát triển kỹ năng nói. Bạn càng trò chuyện nhiều với con, bé sẽ càng cố gắng học nói nhiều hơn. Hãy dùng những từ ngắn gọn, đơn giản nhưng chính xác, chẳng hạn như lặp lại từ "con chó" khi bé tập nói tên các con vật bằng cách bập bẹ "cho-cho".

  • Khuyến khích bé nói

Nếu bé chỉ tay vào bàn và tạo ra những tiếng ồn ào, đừng chỉ ngầm hiểu và lẳng lặng đưa cho bé chiếc bánh hoặc que kẹo. Thay vào đó, chỉ vào chiếc bánh và nói: "Con có muốn ăn thêm bánh không? Những chiếc bánh phô mai này rất ngon, đúng không?"

  • Tường thuật

Hãy nói về những gì bạn đang làm khi giặt giũ, thay quần áo, tắm và cho con ăn. Ví dụ "Hôm nay con sẽ mặc chiếc áo màu xanh dương này" hoặc "Mẹ đang cắt nhỏ thịt gà cho con ăn". Việc này giúp trẻ kết nối những gì nghe được từ bạn với những đối tượng và trải nghiệm đang diễn ra xung quanh.

Dạy trẻ tập nói là việc làm cần thiết
Dạy trẻ tập nói là việc làm cần thiết
  • Kiên nhẫn

Ngay cả khi bạn không hiểu bé nói gì, hãy tiếp tục cố gắng. Nhẹ nhàng lặp lại những gì bạn đoán được và hỏi con xem liệu có phải đúng như vậy không. Tiếp tục dành cho bé sự chú ý và tình yêu thương để con cảm thấy được khuyến khích khi cố gắng nói chuyện.

  • Hãy để bé dẫn dắt

Trong khi đang chơi đùa cùng bé, hãy làm theo mong muốn và sở thích của con. Điều này giúp bé thấy rằng giao tiếp cần có 2 chiều nói và nghe, một người dẫn dắt và người kia làm theo.

  • Chơi đùa

Khuyến khích trẻ chơi đùa, đóng giả vai nhân vật và nói ra những gì đang tưởng tượng trong đầu để phát triển các kỹ năng bằng lời nói vào giai đoạn tập đi.

  • Đọc lớn tiếng

Trẻ nhỏ chính là những người thích đọc sách truyện nhất. Việc đọc lớn cho trẻ quyển truyện tranh phù hợp sẽ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị và cảm giác thư giãn.

Cha mẹ có thể cập nhật các kiến thức cần thiết khi dạy con tập nói qua bài viết sau: Dạy con tập nói: Kiến thức cần biết.

Dạy con trẻ
Giúp trẻ tập nói trong những giai đoạn đầu đời

3. Khi trẻ chậm nói

Việc chậm nói có thể xảy ra vì một số lý do khác nhau. Chẩn đoán vấn đề về giọng nói sớm sẽ cho bạn nhiều thời gian hơn để chỉnh sửa và giúp con phát huy hết khả năng của bản thân trước tuổi đi học. Bạn có thể tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nhi khoa về những điều cần làm để giúp trẻ đang chậm nói như:

  • Kiểm tra thính giác

Có đến 3/1.000 trẻ sơ sinh bị mất thính lực bẩm sinh, và điều này có dẫn đến chậm phát triển giọng nói. Hầu hết các bệnh viện sẽ sàng lọc thính giác của trẻ ngay sau khi sinh. Nếu con đã không vượt qua được sàng lọc thính lực ban đầu, phụ huynh nên đưa bé đi kiểm tra thính giác chuyên sâu trước 3 tháng tuổi.

  • Tìm gặp các chuyên gia về trẻ em

Họ có thể chẩn đoán và điều trị các rối loạn phát âm, ngôn ngữ hoặc giọng nói làm trì hoãn bé tập nói. Phụ huynh sẽ nhận được những lời khuyên và hướng dẫn thực hành các trò chơi để cải thiện vấn đề về giọng nói, cũng như kỹ năng ngôn ngữ của trẻ.

  • Theo dõi sự phát triển chung

Có tới 17% trẻ em ở Hoa Kỳ bị khuyết tật về phát triển hoặc hành vi, như rối loạn phổ tự kỷ hoặc thiểu năng trí tuệ. Phụ huynh có thể xem xét và hỏi ý kiến bác sĩ để sàng lọc các vấn đề về phát triển - có thể liên quan chậm phát triển giọng nói, cho con em mình.

Khám Nhi
Khi trẻ có dấu hiệu bất thường, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ

Không có thời điểm chính xác khi nào bé có thể nói những từ đầu tiên. Giai đoạn bé tập nói có thể rất khác nhau ở mỗi cá nhân. Nhưng nếu nhận thấy bé đang quá chậm hơn so với những cột mốc trong quá trình phát triển kỹ năng nói, phụ huynh hãy trình bày với bác sĩ nhi khoa để cùng tìm hiểu nguyên nhân và hướng giải quyết.

Nhìn chung khi bé tập nói, bố mẹ nên tích cực khuyến khích con bằng cách thì thầm, bập bẹ, nói và hát thường xuyên cùng bé. Đừng quên luôn phản hồi bé một cách tích cực và bày tỏ quan tâm sự quan tâm đến những gì bé muốn bày tỏ. Đây chính là những nền tảng cơ bản và hoàn hảo nhất để dạy trẻ tập nói.

Để giúp trẻ đạt được những cột mốc phát triển quan trọng. Ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Hướng dẫn cha mẹ các kỹ năng ngôn ngữ xã hội của trẻ 1 - 3 tuổi
XEM THÊM:
  • Dấu hiệu điển hình cảnh báo trẻ chậm nói
  • Hãy biến cuộc đi thăm nhà bạn bè của trẻ tự kỷ thành cuộc dạo chơi đầy ý nghĩa
  • Khắc phục chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan