Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều háo hức chờ đợi xem trẻ 2 tuổi phát triển thế nào. Những cột mốc quan trọng về nhận thức và thể chất của trẻ 2 tuổi bao gồm cách nói chuyện đến việc tập đi vệ sinh. Vậy cụ thể thì trẻ 2 tuổi biết những gì?
1. Phát triển nhận thức
Kỹ năng nói có liên quan chặt chẽ với việc nghe và hiểu lời nói. Bằng cách lắng nghe người xung quanh, con bạn sẽ học được những từ phát âm như thế nào và cách ghép những từ thành một câu. Trẻ 2 tuổi biết nói nhiều hơn, từ một vài chữ đơn giản đến đặt câu hỏi, đưa ra hướng dẫn, thậm chí kể những câu chuyện mà bé sáng tạo.
Ngoài ra, trẻ 2 tuổi còn biết:
- Chỉ ngón trỏ đến một đối tượng hoặc hình ảnh khi được người khác nhắc đến;
- Hiểu tên các đồ vật, bộ phận cơ thể và một vài người quen;
- Dùng các câu có 2 - 4 từ.
Vốn từ vựng của trẻ 2 tuổi biết nói tăng từ 50 từ lên khoảng 300 từ. Con sẽ xâu chuỗi các danh từ và động từ lại với nhau để tạo thành những câu đơn giản nhưng đầy đủ, chẳng hạn như “Giờ con ăn”. Bé cũng bắt đầu quen với các đại từ, chẳng hạn như “con”, “mẹ” và “cô”.
Vì có vốn từ vựng lớn hơn, nên con bạn cũng sẽ bắt đầu thử nghiệm nhiều cách nói. Bé có thể hét lên khi muốn nói bình thường và thì thầm khi trả lời một câu hỏi, dần dần sẽ sớm tìm ra âm lượng thích hợp.
Ở tuổi này, con bạn cũng có khả năng trả lời những câu hỏi đơn giản, chẳng hạn như câu “ai?” và “ở đâu?”. Nếu bé liên tục lặp lại câu hỏi của bạn thay vì trả lời, hãy đề cập vấn đề này với bác sĩ khi đi kiểm tra sức khỏe cho bé. Một số dấu hiệu cảnh báo khác bao gồm:
- Con tránh giao tiếp bằng mắt;
- Gặp khó khăn khi gọi tên hầu hết các đồ vật thông thường trong nhà;
- Chưa bắt đầu sử dụng các cụm gồm 2 - 3 từ;
- Nói lắp, nói ngọng ngày càng nhiều hơn, đến mức căng cứng hàm hoặc nhăn nhó mới nói ra được;
- Hiếm khi cố gắng nói hoặc bắt chước người khác;
- Không phản ứng, không biết được gọi nếu khuất tầm nhìn;
- Dường như hoàn toàn không hứng thú với việc nói chuyện.
2. Phát triển xã hội và tình cảm
Trẻ 2 tuổi bắt đầu nhận ra rằng con người độc lập của chính mình, có cơ thể, suy nghĩ và cảm xúc riêng. Do đó, con ngày càng muốn làm mọi thứ theo cách của mình, cụ thể như:
- Thể hiện khát vọng độc lập theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ như khăng khăng đòi mặc bộ đồ ngủ màu tím yêu thích 5 đêm liên tiếp hay chỉ ăn một số loại thực phẩm nhất định trong nhiều ngày; tự leo lên ghế dù không biết leo xuống. Đây là hành vi bình thường và có thể tăng cao khi trẻ khao khát được chú ý.
- Bắt đầu thể hiện hành vi khám phá giới hạn bản thân. Ví dụ tô màu trên tường mặc dù mẹ đã cấm không được làm vậy. “Con tự làm được / Để con tự làm” có lẽ là điệp khúc phổ biến nhất mà trẻ 2 tuổi biết nói.
- Lo lắng về sự chia ly gia tăng vào giữa năm 2 tuổi, nhưng giảm dần khi bé sắp lên 3. Nỗi sợ bị bỏ rơi này thường lên đến đỉnh điểm trong khoảng từ 10 - 18 tháng, thường gặp nhất ở trẻ mẫu giáo do phải thay đổi thói quen sinh hoạt bình thường, tiếp xúc với môi trường mới và những người xa lạ.
Thời kỳ chuyển đổi ngoạn mục từ giai đoạn sơ sinh sang độc lập của con có thể khiến cho bố mẹ buồn vui lẫn lộn. Một đứa trẻ đã từng hoàn toàn phụ thuộc vào mẹ, giờ đây có đủ khả năng thể chất và tinh thần để tự đi lang thang, bắt đầu cuộc hành trình khám phá thế giới.
Là bố mẹ, bạn hãy cố gắng khuyến khích khả năng độc lập đang phát triển này của con, để con nỗ lực một chút và tự tìm hiểu mọi thứ. Đừng lao vào trợ giúp nếu thấy con gặp khó khăn khi làm điều gì đó. Thay vì vậy, hãy trấn an con và thôi thúc bé thử lại. Chỉ giúp đỡ một phần khi bé yêu cầu, nhờ vả.
3. Phát triển thể chất
Ở độ tuổi “để con tự làm” này, bé sẽ dần biết tự chăm sóc bản thân bằng cách:
- Cởi quần áo: Trẻ 2 tuổi có khả năng phải thay quần áo nhiều lần trong ngày do bị dính thức ăn hoặc sơn móng tay. Mặc dù có thể đã biết cách tự cởi quần áo, nhưng ngược lại, nếu con bạn không chịu thay quần áo khi mẹ yêu cầu, bạn cũng không cần ép con.
- Che miệng khi hắt hơi: Con bạn có thể bắt đầu tuân theo một số quy tắc vệ sinh cơ bản. Nhắc nhở con hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy, chứ không phải bàn tay hoặc vào không khí.
- Tự ăn và làm quen với việc chuẩn bị bữa ăn: Để con lấy giúp bạn một cái bát nhựa, sau đó rót sữa từ cốc vào bát ngũ cốc.
- Đánh răng: Nhiều trẻ 2 tuổi đòi đánh răng mặc dù không thể thành thạo kỹ năng này cho đến 6 - 7 tuổi. Nhưng hãy để con làm theo ý mình, dù cho có mất nhiều thời gian hơn. Việc này khiến con cảm thấy mình trưởng thành và tạo một thói quen tốt cho cuộc sống. Nếu vội vã vào buổi sáng, bạn có thể dành thời gian quan sát và hướng dẫn trẻ đánh răng vào buổi tối.
- Sử dụng nhà vệ sinh: Con bắt đầu hiểu các tín hiệu vật lý khi sắp phải đi vệ sinh và có khả năng ngồi bô tốt hơn. Một vài trẻ hứng thú với việc tập đi vệ sinh ngay từ 18 - 24 tháng tuổi, do thích bắt chước các hành động trong phòng tắm của người lớn. Tuy nhiên vẫn có những bé chưa sẵn sàng cho đến khi được 3 - 4 tuổi.
Trẻ em phát triển các kỹ năng theo tốc độ khác nhau, một số sẽ bé nhanh hơn hoặc chậm hơn những bạn khác. Đây là điều bình thường. Nhưng cho dù trẻ 2 tuổi phát triển thế nào, nếu con bạn không thể hiện sự quan tâm, không làm bất cứ điều gì cho bản thân, và dường như không có khả năng xử lý những công việc cơ bản nhất - như tự xúc đồ ăn, hoặc mất các kỹ năng đã từng có, hãy trình bày với bác sĩ.
Bên cạnh đó, cha mẹ còn cần bổ sung cho con các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, Lysine, crom, selen, vitamin B1, ... để đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
Nguồn tham khảo: Babycenter.com
- Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách
- Tư vấn chế độ dinh dưỡng cho bé 2 tuổi
- Sa trực tràng ở trẻ em: Điều trị và tránh tái phát