Mục lục
Tâm trí và cơ thể con người có mối liên kết chặt chẽ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cảm xúc tích cực và tiêu cực không chỉ ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần mà còn tác động đến tình trạng sức khỏe thể chất của cơ thể. Vì vậy, hiểu được mức độ ảnh hưởng của cảm xúc sẽ giúp bạn có biện pháp quản lý nó hiệu quả.
1. Sức khỏe cảm xúc là gì?
Sức khỏe cảm xúc là một phần của sức khỏe tinh thần, được xem là khả năng đối phó của cơ thể đối với các cảm xúc tích cực và tiêu cực, bao gồm cả nhận thức của bạn về chúng. Những người có sức khỏe cảm xúc tốt thường có biện pháp đối phó hiệu quả và không để các cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Sức khỏe cảm xúc gắn liền với sức khỏe thể chất. Vì vậy, ở những người chịu nhiều căng thẳng, stress hay những cảm xúc tiêu cực có nguy cơ cao phát triển thành các vấn đề xấu cho sức khỏe thể chất. Bởi những loại cảm xúc này là nguyên nhân dẫn đến những hành vi tiêu cực và không có lợi cho sức khỏe. Chẳng hạn như một số người thích hút thuốc lá hoặc uống rượu bia để giảm bớt căng thẳng, stress và thói quen này làm tăng nguy cơ mắc ung thư và các bệnh lý về tim mạch.
Sức khỏe cảm xúc liên quan nhiều đến việc điều chỉnh cảm xúc, nhận thức và kỹ năng đối phó với những cảm xúc tiêu cực. Đây cũng là chiến lược được sử dụng để nâng cao sức khỏe cảm xúc ở người bệnh tâm thần, trầm cảm, căng thẳng. Một số dấu hiệu giúp cảnh báo tình trạng sức khỏe cảm xúc cần được chăm sóc như sau:
- Cô lập bản thân khỏi gia đình, bạn bè và đồng nghiệp;
- Năng lượng hoạt động mỗi ngày thấp hơn bình thường;
- Thời gian ngủ quá nhiều hoặc quá ít;
- Ăn quá nhiều hoặc quá ít;
- Xuất hiện những suy nghĩ hoang tưởng, phi thực tế;
- Giảm hiệu suất làm việc;
- Thường xuyên xuất hiện cảm giác tội lỗi, vô vọng hoặc vô dụng;
- Không chăm sóc bản thân.
2. Cảm xúc ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần như thế nào?
Có nhiều loại cảm xúc trong hệ thống sức khỏe cảm xúc ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Trong đó có thể kể đến 5 loại cảm xúc phổ biến như sau:
- Hạnh phúc: Chỉ số hạnh phúc và sức khỏe tốt luôn đi đôi với nhau. Theo đó, cảm xúc hạnh phúc giúp trái tim bạn được khỏe mạnh hơn, tăng cường hệ thống miễn dịch và kéo dài tuổi thọ. Hạnh phúc cũng giúp con người vượt qua được căng thẳng, stress vốn là thủ phạm của nhiều căn bệnh nguy hiểm.
- Nỗi buồn: Là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm, làm suy giảm hệ thống miễn dịch và phát sinh các bệnh khác. Người bệnh bị trầm cảm cũng thường xuyên bị mất ngủ, các vấn đề về trí nhớ và giảm khả năng đưa ra các quyết định quan trọng. Kết hợp với căng thẳng hay stress, trầm cảm cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
- Giận dữ: Một trong những cảm xúc của con người có liên quan đến sự bực bội, khó chịu trong người và là nguyên nhân của các cơn đau đầu, mất ngủ và các vấn đề về tiêu hóa, các bệnh lý về da, tim mạch hoặc thậm chí là đột quỵ. Giận dữ cũng có thể làm trầm trọng thêm hội chứng rối loạn âu lo tổng quát vì nó có thể làm cho bạn rơi vào những suy nghĩ không lành mạnh.
- Sợ hãi: Là một trong những loại cảm xúc ảnh hưởng đến thể chất. Khi bạn sợ hãi có thể khiến các mạch máu có xu hướng tăng vận chuyển máu đến các chi, làm thay đổi nhịp tim và sự lưu thông máu trong cơ thể, tăng tình trạng căng thẳng, stress.
- Chán ghét: Là một trong những loại cảm xúc khó kiểm soát nhất. Không giống như nỗi sợ hãi hay tức giận có thể làm tăng nhịp tim của bạn, cảm xúc chán ghét làm giảm nhịp tim của bạn, thậm chí là gây buồn nôn và các vấn đề về tiêu hóa khác.
Thông qua đó có thể thấy rằng cảm xúc ảnh hưởng đến thể chất diễn ra theo hướng tích cực hoặc tiêu cực. Vì vậy, nhận thức được loại cảm xúc và cách chúng ảnh hưởng đến cơ thể sẽ giúp bạn tìm ra cách đối phó với những loại cảm xúc tiêu cực và không để chúng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
3. Một số biện pháp giúp nâng cao sức khỏe cảm xúc
Có nhiều biện pháp giúp duy trì, cải thiện và nâng cao sức khỏe cảm xúc như sau:
- Xây dựng lối sống lành mạnh và cân bằng: Bạn nên xây dựng cho mình lối sống cân bằng tốt giữa công việc và cuộc sống cá nhân, giữa nghỉ ngơi và làm việc, đảm bảo mọi việc đều được sắp xếp điều độ và hợp lý;
- Giữ liên lạc và tạo mối quan hệ với mọi người: Cộng đồng và các mối quan hệ là quan trọng. Việc giữ liên lạc và tạo mối quan hệ sẽ giúp bạn được giao tiếp và chia sẻ với nhiều người, đặc biệt là với gia đình và bạn bè. Điều này sẽ giúp bạn giảm được những áp lực hay căng thẳng trong lòng vì không biết được tâm sự cùng ai;
- Thiền chánh niệm: Thiền giúp bạn chú ý hơn đến suy nghĩ và cảm xúc của mình, và đó là chìa khóa cho sức khỏe cảm xúc được khỏe mạnh;
- Xem cách bạn nói về bản thân: Tâm lý học chỉ ra rằng, tự nói với bản thân những điều tiêu cực được xem như một lời tiên tri về bản thân hoặc điều đó chỉ đặt bạn vào những suy nghĩ tiêu cực. Vì vậy hãy cố gắng xây dựng một hình ảnh tích cực về bản thân bằng lời nói của bạn, từ đó sẽ giúp suy nghĩ của bạn có thể sớm theo sau;
- Đặt mục tiêu và ăn mừng thành tích của bạn: Đặt mục tiêu thực hiện và tự tạo cho mình một phần thưởng khi hoàn thành mục tiêu sẽ giúp bạn có động lực phấn đầu, bên cạnh đó tán dương hay ăn mừng thành tích khi hoàn thành mục tiêu sẽ giúp bạn có cảm nhận tích cực về bản thân và nâng cao sự tự tin, năng lượng tích cực;
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích: Các chất kích thích như rượu, bia được xem là một cách làm tê liệt cảm xúc nên thường được sử dụng khi có cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên chúng lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như dẫn đến các bệnh lý về gan, dạ dày, rối loạn tâm thần...;
- Xây dựng chiến lược phục hồi: Có nghĩa là xây dựng các chiến lược giúp bạn vượt qua những giai đoạn cảm xúc tiêu cực, căng thẳng hay stress để từ đó nâng cao sức khỏe cảm xúc của cơ thể;
- Ngủ đủ giấc: Các nghiên cứu chỉ ra rằng thiếu ngủ làm giảm khả năng cảm nhận cảm xúc của người khác và khả năng xử lý cảm xúc của bạn;
- Luyện tập thể dục: Duy trì hoạt động thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe cảm xúc tổng thể. Các bài tập không cần quá khó hoặc ở cường độ cao, thay vào đó một số bài tập như đi bộ, khiêu vũ quanh nhà cũng đem lại nhiều lợi ích;
- Xác định ý nghĩa trong cuộc sống của bạn: Làm một công việc yêu thích là một trong những cách giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống. Bên cạnh đó, một số hoạt động đơn giản như chăm sóc thú cưng, tham gia tình nguyện vì đam mê... cũng là những hoạt động mang lại cho bạn cảm giác ý nghĩa của cuộc sống. Vì vậy điều quan trọng là xác định được đam mê, theo đuổi đam mê và làm công việc yêu thích là một trong những yếu tố giúp bạn tìm thấy được ý nghĩa trong cuộc sống;
- Liên hệ sự giúp đỡ: Trong nhiều trường hợp, cảm xúc tiêu cực quá lớn và bạn không thể tự mình kiểm soát cũng như xử lý chúng thì việc liên hệ sự giúp đỡ từ các bác sĩ, chuyên gia tâm lý là vô cùng cần thiết. Bạn nên tham khảo lời khuyên từ các bác sĩ để có liệu pháp điều trị hiệu quả nhất.
Tóm lại, cảm xúc có mối liên hệ và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, vì vậy giữ được cảm xúc vui vẻ, hạnh phúc và tinh thần thoải mái sẽ giúp nâng cao sức khỏe thể chất của cơ thể.
Nguồn tham khảo: webmd.com,, medicinenet.com, healthline.com
- Học cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực
- Làm thế nào để ngăn chặn cảm giác tội lỗi?
- Điều gì xảy ra với não bộ khi bạn thiền?