Mục lục
- 1. 1. Mục đích của các kỹ thuật tiêm thuốc
- 2. 2. Các kỹ thuật tiêm chích cơ bản trong y khoa
- 3. Đánh giá
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Trong y học, thuốc được sử dụng qua nhiều đường khác nhau như đường uống, đường tiêm, truyền, bôi ngoài da,.... trong đó phổ biến nhất vẫn là đường uống và đường tiêm. Việc uống thuốc hầu như tất cả bệnh nhân đều có thể tự thực hiện được, còn tiêm thuốc hầu hết phải do các nhân viên y tế thực hiện.
1. Mục đích của các kỹ thuật tiêm thuốc
Trong hầu hết các mô và khoang trong cơ thể đều có thể đưa những chất dịch - thuốc vào bằng các thủ thuật tiêm chích. Trên thực tế, có một số mô thường được lựa chọn để đưa thuốc vào trong cơ thể đó là:
- Trong da.
- Dưới da: ở giữa lớp da và cơ.
- Trong cơ.
- Trong tĩnh mạch.
Việc lựa chọn mô để đưa thuốc vào cơ thể phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
1.1. Chỉ định
Kỹ thuật tiêm thuốc được chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Bệnh nhân cấp cứu, bệnh nặng, cần tác dụng nhanh.
- Bệnh nhân nôn ói nhiều, nên không thể uống thuốc được.
- Bệnh nhân chuẩn bị mổ.
Đường tiêm trong da thường được dùng với mục đích chẩn đoán, thử phản ứng dị ứng. Đôi khi kỹ thuật này được sử dụng trong dự phòng như tiêm vắc-xin và trị liệu.
Kỹ thuật tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch chủ yếu được sử dụng trong điều trị, song cũng có thể sử dụng với mục đích chẩn đoán cũng rất tốt.
1.2. Tốc độ hấp thu thuốc
Ngoại trừ kỹ thuật tiêm trong da, các kỹ thuật tiêm thuốc còn lại đều giúp cho dịch tiêm khuếch tán hoặc được đưa trực tiếp vào trong hệ tuần hoàn. Trong đó kỹ thuật tiêm tĩnh mạch, thuốc sẽ được đưa trực tiếp vào trong máu tĩnh mạch, do đó thuốc sẽ có tác dụng tức thì. Do sự khác nhau về mô học của mô cơ và mô dưới da nên tốc độ thuốc ngấm vào trong máu sẽ có thứ tự nhanh chậm như sau: tiêm tĩnh mạch nhanh hơn tiêm bắp, sau đó đến tiêm dưới da, và cuối cùng là tiêm trong da.
1.3. Số lượng thuốc tiêm
Do các mô có sức hấp thụ khác nhau nên lượng thuốc đưa vào các mô trong một lần tiêm thuốc là khác nhau. Cụ thể như sau:
- Tiêm trong da có giới hạn ở 0,1ml.
- Tiêm trong bắp có giới hạn 3 - 5ml.
1.4. Tính chất của thuốc tiêm
- Các loại thuốc dầu chỉ được tiêm bắp.
- Các loại thuốc chứa sắt nếu tiêm dưới da có thể gây hoại tử và gây viêm.
- Các loại dịch ưu trương chỉ có thể tiêm tĩnh mạch.
1.5. Các bước thực hiện tiêm thuốc
- Luôn kiểm tra trước khi tiêm:
- Kiểm tra đúng bệnh nhân.
- Kiểm tra đúng thuốc.
- Kiểm tra đúng liều lượng.
- Kiểm tra đúng kỹ thuật.
- Kiểm tra đúng thời điểm.
- Phòng tránh nhiễm trùng: tiêm thuốc là đưa thuốc vào cơ thể qua đường không tự nhiên, rào chắn bảo vệ tự nhiên của da, cơ bị hủy hoại, do đó phải thực hiện với dụng cụ vô trùng và các thao tác vô khuẩn.
- Phải luôn cân nhắc việc lây lan của các kim tiêm, ống tiêm và bông dính máu. Luôn bảo quản kim tiêm và ống tiêm trong đồ chứa riêng. Không để kim tiêm trần, vì rất có thể ta sẽ bị kim đâm, như thế kim không còn dùng được nữa.
1.6. Các điều cần chú ý
Nhân viên y tế cần phải thực hiện 3 kiểm tra và 5 đối chiếu hoặc 5 đúng trong suốt quá trình tiêm thuốc cho bệnh nhân.
- 3 kiểm tra gồm có:
- Kiểm tra tên người bệnh.
- Kiểm tra tên thuốc.
- Kiểm tra liều thuốc.
- 5 đối chiếu đó là:
- Đối chiếu số giường, số phòng.
- Đối chiếu nhãn thuốc.
- Đối chiếu chất lượng thuốc.
- Đối chiếu đường tiêm thuốc.
- Đối chiếu thời hạn của thuốc.
- 5 đúng gồm có:
- Đúng bệnh nhân.
- Đúng thuốc.
- Đúng liều.
- Đúng đường tiêm.
- Đúng thời gian.
1.7. Quy trình kỹ thuật tiêm chích cơ bản
1.7.1. Nhận định bệnh nhân
Nhận định bệnh nhân qua các yếu tố sau đây:
- Tri giác của bệnh nhân.
- Tuổi bệnh nhân.
- Lớp mỡ dưới da của bệnh nhân dày hay mỏng.
- Bệnh nhân vận động như thế nào? Có yếu, liệt hay vận động bình thường?
- Loại thuốc và số lượng dùng, thuốc pha?
- Bệnh nhân có cơ địa dị ứng không?
1.7.2. Chuẩn bị bệnh nhân
- Đối chiếu đúng bệnh nhân.
- Giải thích cho bệnh nhân hiểu để cùng hợp tác.
- Tư thế bệnh nhân thích hợp.
- Nếu bệnh nhân nặng cần có người phụ giúp.
1.7.3. Chuẩn bị dụng cụ
- Sao phiếu thuốc.
- Tiến hành lấy thuốc theo chỉ định, kiểm tra lần 1.
- Đeo khẩu trang, rửa tay thường quy.
- Chuẩn bị khay dụng cụ tiêm thuốc:
- Trải khăn lên khay sạch.
- Lựa chọn bơm tiêm phù hợp với lượng thuốc cần tiêm.
- Lựa chọn kim tiêm phù hợp với đường tiêm và vị trí tiêm.
- Lấy kim pha thuốc.
- Bông gòn, cồn iode sát trùng da.
- Banh/kẹp.
- Hộp thuốc chống sốc.
- Dây garo.
- Găng tay sạch.
- Chai dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
- Thùng rác thải y tế bén nhọn bằng nhựa cứng màu vàng, một chiều.
- Túi đựng rác chứa chất thải y tế màu vàng.
- Túi đựng rác chứa chất thải sinh hoạt màu xanh.
1.7.4. Tiến hành kỹ thuật lấy thuốc
Chuẩn bị thuốc tiêm:
- Lấy thuốc từ ống thuốc:
- Tiến hành sát khuẩn đầu ống thuốc, kiểm tra lần 2.
- Cưa ống thuốc nếu cần.
- Sử dụng bông gòn khô lau và bẻ ống thuốc.
- Rút thuốc vào trong bơm tiêm, tay không được chạm vào thân kim và nòng trong của bơm tiêm.
- Kiểm tra thuốc lần thứ 3, sau đó bỏ vỏ ống thuốc vào thùng rác.
- Đậy kim tiêm lại an toàn, đặt bơm tiêm lên trên phiếu thuốc vào khay tiêm thuốc an toàn.
- Lấy thuốc từ lọ thuốc:
- Mở nắp lọ thuốc, sát khuẩn, kiểm tra lần 2.
- Lấy nước pha tiêm vào bơm bằng kim lấy thuốc.
- Đâm kim qua nắp lọ thuốc, bơm nước cất vào trong lọ thuốc.
- Hút khí trả lại, sau đó rút kim ra an toàn rồi lắc lọ thuốc cho tới khi thuốc hòa tan hoàn toàn.
- Cắm kim và bơm khí vào lọ rồi rút thuốc vào bơm tiêm.
- Kiểm tra thuốc lần 3, bỏ vỏ lọ thuốc vào thùng rác.
- Thay kim tiêm thích hợp.
- Đậy kim tiêm an toàn, đặt bơm tiêm lên trên phiếu thuốc vào trong khay tiêm thuốc an toàn.
2. Các kỹ thuật tiêm chích cơ bản trong y khoa
2.1. Kỹ thuật tiêm trong da (Intradermal - ID)
Tiêm trong da là kỹ thuật đưa một lượng thuốc được chỉ định theo y lệnh của bác sĩ vào lớp thượng bì. Tại đây, thuốc được hấp thụ vào máu và gây tác dụng rất chậm.
Kỹ thuật tiêm trong da được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Tiêm vắc-xin BCG phòng lao cho trẻ sơ sinh.
- Làm phản ứng Mantoux.
- Thử phản ứng của cơ thể với thuốc, chủ yếu là với các loại thuốc kháng sinh, thuốc dễ gây sốc phản vệ như Penicillin, Streptomycin,..
Kim tiêm: cỡ số 26-27G, độ dài khoảng 0,6-1,3cm.
Vị trí tiêm: thường là ở hai bên bả vai (cơ Delta) hoặc ở 1/3 trên mặt trong cẳng tay.
Góc tiêm khoảng 15 độ so với bề mặt da.
Kỹ thuật tiêm như sau:
- Đối chiếu đúng bệnh nhân, thông báo và giải thích.
- Bộc lộ vùng tiêm.
- Xác định vị trí tiêm.
- Đeo găng tay sạch.
- Sát khuẩn vùng tiêm bằng bông cồn theo hướng từ trong ra ngoài khoảng 5cm, theo hình xoắn ốc.
- Sát khuẩn tay lại một lần nữa.
- Đuổi hết bọt khí trong bơm tiêm.
- Căng da vùng tiêm, để mặt vát của kim tiêm lên trên, đâm kim với một góc khoảng 15 độ so với bề mặt da.
- Bơm 0,1ml thuốc, tại vị trí tiêm sẽ nổi phồng lên.
- Rút kim nhanh ra theo hướng đâm kim vào.
- Dùng bút khoanh tròn vị trí tiêm nếu thử phản ứng, sau 15 phút kiểm tra.
- Tháo găng tay.
- Dặn dò bệnh nhân không được chạm vào vị trí tiêm.
- Thông báo và giải thích cho bệnh nhân biết đã tiêm xong.
- Thu dọn dụng cụ và ghi hồ sơ.
2.2. Kỹ thuật tiêm dưới da (Subcutaneous - SC)
Tiêm dưới da là kỹ thuật đưa một lượng thuốc vào trong mô liên kết lỏng lẻo dưới da.
Kỹ thuật tiêm dưới da được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Tiêm Insulin.
- Các trường hợp muốn cho thuốc ngấm từ từ vào trong cơ thể để phát huy tác dụng từ từ.
Kỹ thuật tiêm dưới da chống chỉ định trong các trường hợp:
- Các loại thuốc dầu khó tan.
- Da bệnh nhân có vấn đề không thuận lợi để tiêm.
Kim tiêm: sử dụng kim cỡ số 25G, dài khoảng 1 - 1,6cm.
Góc tiêm: khoảng 45 độ so với bề mặt của da, nếu bệnh nhân béo có thể tiêm một góc 90 độ, còn nếu bệnh nhân gầy ốm có thể tiêm với góc từ 15 - 30 độ so với bề mặt da.
Vị trí tiêm thường ở:
- 2 bên bả vai
- 1/3 mặt ngoài trước đùi
- Xung quanh rốn.
Kỹ thuật tiêm dưới da:
- Đối chiếu đúng bệnh nhân, thông báo và giải thích.
- Bộc lộ vùng tiêm.
- Xác định vị trí tiêm.
- Đeo găng tay sạch.
- Tiến hành sát khuẩn vùng tiêm bằng bông cồn theo hướng từ trong ra ngoài khoảng 5cm, theo hình xoắn ốc.
- Sát khuẩn tay lại một lần nữa.
- Đuổi hết bọt khí trong bơm tiêm.
- Véo da vùng tiêm, đâm kim tiêm với góc khoảng 45 độ so với bề mặt da.
- Kéo pittong lên xem có máu hay không, nếu có máu cần điều chỉnh lại kim tiêm (rút da hoặc đâm vào một chút), kiểm tra không có máu mới bơm thuốc chậm và quan sát sắc mặt bệnh nhân.
- Rút kim ra nhanh theo hướng đâm kim vào.
- Đặt bông gòn khô vào vị trí tiêm và xoa nhẹ nhàng.
- Tháo găng tay.
- Thông báo và giải thích cho bệnh nhân đã tiêm xong.
- Thu dọn dụng cụ, ghi hồ sơ.
2.3. Kỹ thuật tiêm bắp (Intramuscular - IM)
Tiêm bắp là kỹ thuật đưa một lượng thuốc vào trong bắp thịt - trong cơ. Khi sử dụng kỹ thuật này, thuốc sẽ phát huy tác dụng nhanh hơn tiêm dưới da.
Kỹ thuật tiêm bắp được chỉ định trong các trường hợp dung dịch đẳng trương như:
- Quinin, Ete.
- Dung dịch dầu: lâu tan, dễ gây đau.
- Các loại dung dịch keo, muối thủy ngân, muối bạc, hormon, kháng sinh... chậm tan, gây đau.
- Tất cả các loại thuốc tiêm dưới da đều có thể tiêm bắp trừ cafein.
Kỹ thuật tiêm bắp chống chỉ định trong trường hợp thuốc gây hoại tử tổ chức như Ouabain, Calci clorua,...
Kim tiêm: sử dụng kim cỡ cố 21 - 23G, chiều dài khoảng 2,5 - 4 cm.
Góc tiêm: khoảng 90 độ so với bề mặt da.
Vị trí tiêm:
- Tiêm bắp nông:
- Cơ Delta.
- Lượng thuốc không quá 1ml.
- Không tiêm thuốc dầu.
- Không dùng cho cơ Delta chưa phát triển: trẻ < 2 tuổi.
- Tiêm bắp sâu:
- Đùi: ở 1/3 mặt ngoài đùi. Lượng thuốc tiêm ở đây không quá 3ml.
- Mông: 1/4 trên ngoài lấy móc là gai chậu trước trên. Lượng thuốc tiêm ở đây không quá 3 - 5ml.
Kỹ thuật tiêm bắp:
- Đối chiếu đúng bệnh nhân, thông báo và giải thích.
- Bộc lộ vùng tiêm.
- Xác định vị trí tiêm.
- Đeo găng tay sạch.
- Tiến hành sát khuẩn vùng tiêm bằng bông cồn theo hướng từ trong ra ngoài khoảng 5cm, theo hình xoắn ốc.
- Sát khuẩn tay lại một lần nữa.
- Đuổi hết bọt khí trong bơm tiêm.
- Căng da vùng tiêm, đâm kim tiêm với góc khoảng 90 độ so với bề mặt da.
- Kéo pittong lên xem có máu hay không, nếu có máu cần điều chỉnh lại kim tiêm (rút da hoặc đâm vào một chút), kiểm tra không có máu mới bơm thuốc chậm và quan sát sắc mặt bệnh nhân.
- Rút kim ra nhanh theo hướng đâm kim vào.
- Đặt bông gòn khô vào vị trí tiêm và xoa nhẹ nhàng.
- Tháo găng tay.
- Thông báo và giải thích cho bệnh nhân đã tiêm xong.
- Thu dọn dụng cụ, ghi hồ sơ.
2.4. Tiêm tĩnh mạch (Intravenous - IV)
Tiêm tĩnh mạch là kỹ thuật đưa thuốc thẳng vào trong tĩnh mạch.
Kỹ thuật tiêm tĩnh mạch được chỉ định trong các trường hợp:
- Bệnh nhân cấp cứu.
- Bệnh nặng cần tác dụng nhanh.
- Bệnh nhân suy kiệt.
- Bệnh nhân tổn thương niêm mạc, không hấp thụ hoặc thuốc bị phá hủy bởi đường tiêu hóa.
- Bệnh nhân không thể uống thuốc, nôn ói nhiều, bệnh nhân chuẩn bị mổ, bệnh nhân bị bệnh tâm thần không hợp tác.
Kỹ thuật tiêm tĩnh mạch chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Chống chỉ định tuyệt đối với nơi bị bỏng, nhiễm trùng.
- Chống chỉ định tương đối với đoạn cuối chi bị tê liệt, chỗ phù nề, tránh khớp nối.
Kim tiêm: sử dụng kim cỡ số 19 - 21G, chiều dài khoảng 2,5 - 4cm.
Góc tiêm: thường là góc 30 - 40 độ so với bề mặt da, tùy theo vị trí tĩnh mạch tiêm.
Vị trí tiêm: là các tĩnh mạch ngoại biên, ưu tiên lựa chọn các tĩnh mạch to, rõ, ít di động, mềm mại, không gần khớp.
Kỹ thuật tiêm:
- Đối chiếu đúng bệnh nhân, thông báo và giải thích.
- Bộc lộ vùng tiêm.
- Xác định vị trí tiêm.
- Đeo găng tay sạch.
- Buộc dây garo ở phía trên bị trí tiêm khoảng 5 - 10cm.
- Tiến hành sát khuẩn vùng tiêm bằng bông cồn theo hướng từ trong ra ngoài khoảng 5cm, theo hình xoắn ốc.
- Sát khuẩn tay lại một lần nữa.
- Đuổi hết bọt khí trong bơm tiêm.
- Căng da vùng tiêm, để mặt vát của kim tiêm lên phía trên, đâm kim theo một góc khoảng 30 - 40 độ so với bề mặt da vào trong tĩnh mạch.
- Kéo pittong lên xem có máu hay không, nếu không có máu cần điều chỉnh lại kim tiêm (rút da hoặc đâm vào một chút), kiểm tra có máu mới tháo bỏ dây garo, rồi bơm thuốc chậm và quan sát sắc mặt bệnh nhân.
- Rút kim ra nhanh theo hướng đâm kim vào.
- Đặt bông gòn khô vào vị trí tiêm và xoa nhẹ nhàng.
- Tháo găng tay.
- Thông báo và giải thích cho bệnh nhân đã tiêm xong.
- Thu dọn dụng cụ, ghi hồ sơ.
2.5. Các bước cuối sau khi thực hiện các kỹ thuật tiêm chích cơ bản
- Dọn dẹp dụng cụ:
- Trả phiếu thuốc về đúng chỗ hoặc để vào ô chờ cho lần sau.
- Tiến hành xử lý dụng cụ tiêm theo đúng quy trình khử khuẩn, tiệt khuẩn.
- Các dụng cụ khác trả về chỗ cũ như bình phong che,...
- Ghi hồ sơ, bệnh án:
- Ghi ngày giờ tiêm thuốc.
- Ghi tên thuốc, liều lượng, đường tiêm và vị trí tiêm.
- Ghi phản ứng của bệnh nhân nếu có.
- Ghi rõ họ tên người thực hiện.
Trên đây là 4 kỹ thuật tiêm chích cơ bản thường được sử dụng trong y khoa. Đa phần các kỹ thuật này đều được thực hiện bởi các nhân viên y tế đã được đào tạo. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp bệnh nhân có thể tự thực hiện sau khi được hướng dẫn bởi nhân viên y tế như bệnh nhân tiêm Insulin hàng ngày,...
- Tìm hiểu kỹ thuật tiêm dưới da
- Tại sao phải tiêm mông?
- Các phản ứng có thể gặp khi tiêm tĩnh mạch