Bài viết của Thạc sĩ Đặng Thị Thanh Tùng - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Gia đình là môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng và giúp đỡ trẻ phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ, đặc biệt là trẻ tự kỷ. Bởi đây là môi trường quen thuộc để dạy các bé có nhiều cơ hội được tham gia vào hoạt động hàng ngày cùng với những người thân. Trong các hoạt động đó, có công việc vặt trong nhà.
Để các con trở thành một phần của thế giới, ba mẹ nên có những hoạt động nhằm giúp con cảm nhận được mình một phần quan trọng trong gia đình. Những công việc vặt sẽ phần nào mang đến cho trẻ cảm nhận được điều đó rõ ràng nhất. Đồng thời, điều này xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ, rằng mình cũng làm việc có ý nghĩa cho nơi mình đang sống.
Tuy nhiên đó là với trẻ bình thường, còn hầu hết trẻ tự kỷ đều gặp khó khăn để hiểu được các cảm xúc đó. Nhưng có một thực tế là ba mẹ nhờ trẻ trẻ làm các công việc vặt trong gia đình đã hỗ trợ rất nhiều vào việc dạy trẻ tự kỷ nhận biết về thế giới này và thực hành các hoạt động có ý nghĩa.
Một phụ huynh đã chia sẻ với tôi khi đưa con đến đánh giá rằng: “Dù cháu là trẻ tự kỷ nhưng còn hơn chán vạn người anh, vì thằng bé này chăm nhặt rác, vứt đúng chỗ, đồ đạc để ngăn nắp lắm – không như anh nó bạ đâu vứt đấy”.
Tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực. Người mẹ này có cách so sánh ví von rất đáng yêu. Bởi vì, qua lời nói của người mẹ tôi cảm nhận được là điều tích cực đã được gia đình nhìn thấy ở trẻ. Chắc chắn khi đó mẹ cũng biết làm thế nào để củng cố và phát huy những điểm mạnh như ở con mắc bệnh tự kỷ.
Vì vậy, mẹ có thể tham gia vào dạy con bằng cách: nhờ trẻ nhặt rác, dạy trẻ cách sắp xếp đồ dùng ngăn nắp. Ngoài ra, trẻ tự kỷ rất thích nghịch nước. Việc các bậc phụ huynh cho trẻ ra vườn cầm vòi phun nước, dạy trẻ cách cầm vòi phun và tưới nước cho cây cũng là một điều thú vị. Trẻ có cơ hội được chơi với nước, được dạy cách chăm cây, tưới cây, lại học được bài học về việc chăm sóc và nuôi dưỡng cây từ người lớn... Ba mẹ vừa bớt đi một việc trong lịch trình công việc của mình và lại làm được một việc ý nghĩa là dạy con kỹ năng mới.
Nguyên tắc khi sai việc hay dạy con làm việc nhà mà ba mẹ cần nhớ là hãy bắt đầu bằng việc trẻ thích và có khả năng làm được chút ít. Để rồi khuyến khích động viên cho trẻ phát huy thêm các hoạt động khác đa dạng hơn. Hãy khuyến khích/ khích lệ con bằng các hành động như khen, vỗ tay, câu nói được hoặc thưởng thứ trẻ thích.
Một vài gợi ý về việc trẻ giúp đỡ ba mẹ trong gia đình dưới đây sẽ khuyến khích trẻ giúp ba mẹ việc nhà và được giao lưu học tập để trẻ tiến bộ hơn. Nhưng ba mẹ cũng nên lưu ý chọn các công việc phù hợp với lứa tuổi và nhận biết của con mình.
- Nhặt đồ chơi, thu dọn và cất đồ chơi đúng chỗ
- Dọn bàn ăn sau khi ăn: cất bát, đũa, bàn ghế...
- Lấy nước cho bố/mẹ, ông/bà...
- Lấy khăn cho em bé lau mặt sau khi ăn...
- Lấy giúp đồ vật ở xa khi bố mẹ nấu: lọ gia vị mắm, muối, hạt tiêu...
- Lau nhà/ quét nhà
- Rửa bát, xếp bát
- Bỏ quần áo bẩn vào đúng chỗ/ treo, phơi quần áo/ gấp quần áo
- Nhặt rau, rửa rau...
Và cũng giống như các hoạt động khác, trẻ cần được hỗ trợ từng bước, từng bước một, từ dễ đến khó tăng dần. Mỗi kỹ năng là một quá trình kiên trì bền bỉ có thể là hàng tuần, hàng tháng hoặc tính bằng năm.
Ba mẹ hãy đồng hành cùng trẻ để khuyến khích cũng như dạy trẻ tự kỷ chiếm lĩnh được các kỹ năng này theo cách chậm mà chắc. Để con có thể giúp đỡ được ba mẹ và hòa nhập được tốt hơn trong cuộc sống tự lập của con sau này.
- Phương pháp điều trị tự kỷ nặng ở trẻ 4 tuổi là gì?
- Tìm hiểu về rối loạn phối hợp vận động ở trẻ tự kỷ
- Hỏi đáp: Chăm sóc và điều trị trẻ tự kỷ như thế nào để đạt kết quả tốt nhất?