Mục lục
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chu kỳ Mặt Trăng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, nhưng đến nay nghiên cứu chỉ mang tính gợi ý, vẫn còn nhiều điều chưa rõ và mâu thuẫn. Nhìn chung, những người tham gia nghiên cứu ngủ ít hơn một chút vào những đêm Mặt Trăng tròn hoặc sáng hơn so với khi trăng non, mờ.
1. Chu kỳ Mặt Trăng là gì?
Mặt trăng “biến hình” hàng đêm, đôi khi tròn và sáng, có hôm lại mang hình lưỡi liềm mờ nhạt. Nguyên nhân là bởi Mặt Trăng không tự tạo ra ánh sáng mà được chiếu sáng bởi Mặt Trời. Tùy thuộc vào vị trí Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái đất tương quan với nhau, mà lượng ánh sáng Mặt Trời phản xạ khác nhau. Do đó từ góc nhìn trên Trái đất của chúng ta sẽ nhìn thấy Mặt Trăng thay đổi hình dạng theo thời gian.
Bắt đầu bằng một hình tròn hoàn chỉnh (trăng rằm), Mặt Trăng nhỏ dần mỗi đêm cho đến khi hoàn toàn không nhìn thấy được (trăng non). Tại thời điểm đó, Mặt Trăng từ từ đầy trở lại cho đến khi tròn hoàn chỉnh. Phải mất 29,5 ngày để Mặt Trăng hoàn thành quá trình đầy - khuyết này.
Sự biến đổi theo chu kỳ của Mặt Trăng được chia thành 8 giai đoạn, mỗi giai đoạn biểu trưng hình dạng chính xác của Mặt Trăng cũng như phản ánh quá trình tăng hay giảm độ tròn. 8 giai đoạn là:
- Trăng non;
- Trăng lưỡi liềm;
- Bán nguyệt đầu tháng;
- Trăng khuyết;
- Trăng tròn;
- Trăng khuyết;
- Bán nguyệt cuối tháng;
- Trăng lưỡi liềm.
Mỗi chu kỳ tương quan với các vị trí riêng biệt của Mặt Trăng, Trái đất và Mặt trời.
Ngoài ra, Mặt Trăng cũng xuất hiện ở một vị trí khác nhau trên bầu trời mỗi đêm khi thực hiện quỹ đạo quay quanh Trái đất. Việc này ảnh hưởng đến thời gian xuất hiện và lặn đi của Mặt Trăng, làm chậm quá trình trăng lên khoảng 50 phút mỗi ngày. Trăng tròn chỉ xảy ra khi đối diện với Trái đất và Mặt trời, do đó sẽ mọc vào buổi tối và lặn vào buổi sáng. Vào thời điểm trăng non, Mặt Trăng thẳng hàng với Mặt Trời nên cả hai sẽ mọc và lặn cùng nhau.
2. Chu kỳ Mặt Trăng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ không?
Tác động của Mặt Trăng đối với nhịp sinh học đã được ghi nhận rất rõ trong thế giới tự nhiên. Những thay đổi về đường kính cây, mô hình sinh sản của cua và hoạt động vào ban đêm của một số loại động vật đều có thể bị ảnh hưởng bởi chu kỳ Mặt Trăng. Tuy nhiên nghiên cứu về khả năng các chu kỳ Mặt Trăng ảnh hưởng đến con người chưa rõ ràng, hầu hết các nghiên cứu đều nhỏ và cho ra kết quả mâu thuẫn.
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy các chu kỳ Mặt Trăng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, trong đó rõ nhất là giai đoạn trăng tròn.
- Một phân tích về giấc ngủ cho thấy trăng tròn có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. Khi quan sát giấc ngủ của các tình nguyện viện trong giai đoạn này, các chuyên gia thấy họ phải mất thêm 5 phút để đi vào giấc ngủ, ngủ ít hơn 20 phút, mất nhiều thời gian hơn để đạt được giấc ngủ REM, giảm 30% giấc ngủ sâu và tự báo cáo chất lượng giấc ngủ của họ đã giảm.
- Một nghiên cứu khác cho thấy tổng thời gian ngủ trong thời gian trăng tròn giảm 25 phút và số lần thức giấc tăng lên. Tuy nhiên, những người tham gia nghiên cứu này mất nhiều thời gian hơn để đạt được giấc ngủ REM trong thời kỳ trăng non, trái ngược với nghiên cứu trước đó.
- Phân tích thứ ba đã xem xét dữ liệu từ 319 người. Trong đó, họ có chất lượng giấc ngủ thấp hơn, ngủ ít sâu hơn và chậm đạt được giấc ngủ REM khi trăng tròn.
- Trong nghiên cứu quy mô lớn hơn, các nhà nghiên cứu đã phân tích mô hình giấc ngủ ở 3 cộng đồng người Argentina bản địa và 464 sinh viên đại học Mỹ sống tại một thành phố lớn. Bất kể vị trí và lượng tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo, tất cả các nhóm đều ngủ muộn hơn và ngủ ít thời gian hơn vào tuần trước khi trăng tròn.
3. Tại sao Mặt trăng lại ảnh hưởng đến giấc ngủ?
3.1. Ánh trăng sáng khiến giấc ngủ bị gián đoạn
Nhiều người đưa ra giả thuyết rằng trăng tròn khiến giấc ngủ bị gián đoạn vì lượng ánh sáng Mặt Trời phản xạ trở lại Trái đất. Đồng hồ sinh học bên trong của cơ thể chúng ta được hiệu chỉnh bằng cách tăng và giảm mức độ hormone để phản ứng với nhận thức ánh sáng. Do đó, mức độ ánh sáng là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất đến chất lượng và giấc ngủ.
Tuy nhiên, độ sáng của ánh trăng chỉ bằng 7% cường độ của ánh sáng Mặt Trời, đây là cường độ tương đối thấp. Con người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo vào ban đêm nhiều hơn lượng ánh sáng phản chiếu của Mặt Trăng. Hơn nữa, các nghiên cứu về sự gián đoạn giấc ngủ trong tuần trăng tròn thường được tiến hành vào những đêm nhiều mây hoặc trong môi trường kín, không có cửa sổ.
3.2. Điện từ học tác động đến sức khỏe
Một giả thuyết khác cho rằng Mặt Trăng gây ra các dao động điện từ trên Trái đất thông qua một quá trình phức tạp. Hiện tại, nghiên cứu cho thấy rằng con người có thể nhạy cảm với các biến thể địa từ ở mức độ thấp. Các sự kiện địa từ (chẳng hạn như bão địa từ và cực quang) có liên quan đến một loạt các tác động đến sức khỏe, bao gồm đau đầu, thay đổi huyết áp, lưu lượng máu và thậm chí là đau tim. Mặc dù chưa rõ cơ sở sinh học chính xác của những thay đổi này, nhưng nghiên cứu chỉ ra một số cơ chế liên quan đến nồng độ hormone của cơ thể, đứt gãy DNA và gây viêm.
3.3. Trọng lực thay đổi giấc ngủ
Có ý kiến cho rằng lực hấp dẫn của Mặt Trăng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bởi vì cơ thể con người chủ yếu là nước, trong khi lực hấp dẫn của Mặt Trăng có ảnh hưởng đáng kể đến thủy triều đại dương. Tuy nhiên lực hấp dẫn của Mặt Trăng đối với con người rất nhỏ. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng tác động của thủy triều lên một người còn nhỏ hơn một phần triệu kích thước của một nguyên tử.
Lực hấp dẫn của Mặt Trăng cũng gần bằng nhau trong thời kỳ trăng tròn và trăng non. Do đó, bất kỳ sự thay đổi giấc ngủ nào xảy ra trong một chu kỳ Mặt Trăng đều khó có thể do thay đổi trọng lực gây ra.
4. Tác động cụ thể của chu kỳ Mặt Trăng đối với giấc ngủ theo giới tính
Tác động của Mặt Trăng đối với khả năng sinh sản của phụ nữ đã được tranh luận từ lâu. Nhiều người tin rằng tuần trăng kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Nếu đúng như vậy thì cũng có thể Mặt Trăng tác động đến giấc ngủ ở phụ nữ thông qua nội tiết tố nữ. Có nhiều cơ sở cho rằng các vấn đề về giấc ngủ có thể do thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai và mãn kinh.
Tuy nhiên mối quan hệ giữa chu kỳ Mặt Trăng, mô hình sinh sản của phụ nữ và giấc ngủ vẫn còn đang mâu thuẫn. Một nghiên cứu kéo dài 15 năm cho thấy chu kỳ kinh nguyệt của những người tham gia không đồng bộ liên tục với giai đoạn Mặt Trăng, hành kinh có thể xảy ra ngay trước trăng tròn hoặc trăng non.
Một phân tích dữ liệu khác nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt và tuần trăng không tương quan với nhau. Tuy nhiên, những người có chu kỳ bắt đầu khi trăng gần tròn cho biết họ có giấc ngủ tốt hơn. Trong đó, phụ nữ có chu kỳ bắt đầu khi trăng lưỡi liềm thường có giấc ngủ kém.
Nghiên cứu so sánh tác động của tuần trăng đối với giấc ngủ ở nam giới và nữ giới là rất hiếm. Ví dụ trong một nghiên cứu, nữ tình nguyện viên đã giảm thời gian ngủ và ít ngủ REM hơn vào khoảng thời gian trăng tròn. Tuy nhiên nam tình nguyện viên lại tăng ngủ REM trong suốt chu kỳ Mặt Trăng này.
Một nghiên cứu được thực hiện trong năm 2016 - 2018 cho thấy những người đàn ông nhạy cảm hơn với Mặt Trăng. Họ ngủ ít hơn khoảng 21 phút, ngủ ít ngon và dành thêm 14 phút thức giữ đêm sau lần đầu tiên chìm vào giấc ngủ vào những đêm trăng phát triển từ non đến tròn. Trong khi đó giấc ngủ ở phụ nữ bị ngắn lại 12 phút, còn lại không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, ánh trăng còn là sự phản chiếu của ánh sáng Mặt Trời và ảnh hưởng đến mức độ melatonin - một loại hormone báo hiệu ban đêm và đến thời gian ngủ. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện thấy nồng độ melatonin và testosterone của nam giới thấp hơn, nồng độ hormone căng thẳng cortisol cao hơn khi trăng tròn.
5. Mặt trăng, giấc ngủ và sức khỏe tâm thần
Tác động của Mặt Trăng lên giấc ngủ sẽ rõ rệt hơn ở những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần. Nghiên cứu gần đây đã làm nổi bật mối quan hệ giữa tuần trăng và các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực. Trong một nghiên cứu, chu kỳ tâm trạng của bệnh nhân thường đồng bộ với chu kỳ Mặt Trăng trong suốt 37 năm. Các nghiên cứu nhỏ sau đó cũng đã chứng minh mối liên hệ giữa chu kỳ Mặt Trăng và chu kỳ tâm trạng lưỡng cực.
Tác động của chu kỳ Mặt Trăng đối với các rối loạn sức khỏe tâm thần khác - chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm, chưa được xác nhận. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đánh giá mối liên hệ giữa tuần trăng, lo lắng và trầm cảm đã không tìm thấy bằng chứng về mối quan hệ.
Để có thể ngủ ngon bất kể ảnh hưởng của Mặt Trăng, bạn cần điều chỉnh môi trường phòng ngủ và thực hành một số thói quen nhất định. Những điều đơn giản như giữ phòng ngủ tối, hạn chế caffeine, tránh ánh sáng xanh và thức - ngủ đúng giờ có thể giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Nguồn tham khảo: sleepfoundation.org, webmd.com
- Cách đặt trẻ xuống giường mà không tỉnh ngủ, không khóc
- Điều gì xảy ra với lượng đường trong máu khi bạn đang ngủ?
- Hormone nào chịu trách nhiệm về nhịp điệu sinh học của cơ thể?