Mục lục
Các chỉ số xét nghiệm máu sốt xuất huyết được sử dụng để xác định xem một người có các dấu hiệu và triệu chứng và khả năng tiếp xúc gần đây có bị nhiễm vi rút sốt xuất huyết hay không. Rất khó chẩn đoán sốt xuất huyết nếu không có các xét nghiệm này vì các triệu chứng ban đầu của bệnh có thể bị nhầm với các bệnh khác.
1. Sốt xuất huyết là gì?
Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm vi rút truyền sang người do muỗi vằn gây ra. Muỗi mang virus sốt xuất huyết phổ biến nhất ở các khu vực trên thế giới có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Hầu hết những bệnh nhân sốt xuất huyết không có triệu chứng hoặc các triệu chứng nhẹ giống cúm như sốt, ớn lạnh và đau đầu. Các triệu chứng này thường kéo dài trong một tuần hoặc lâu hơn. Nhưng đôi khi sốt xuất huyết có thể phát triển thành một căn bệnh nghiêm trọng hơn nhiều được gọi là sốt xuất huyết Dengue (SXHD).
Sốt xuất huyết Dengue gây ra các triệu chứng đe dọa tính mạng, bao gồm tổn thương mạch máu và sốc. Sốc là một tình trạng có thể dẫn đến tụt huyết áp nghiêm trọng và suy các cơ quan.
2. Tại sao cần thực hiện xét nghiệm máu sốt xuất huyết?
Xét nghiệm máu phát hiện vi-rút sốt xuất huyết hoặc các kháng thể được tạo ra để đáp ứng với nhiễm trùng sốt xuất huyết. Bạn có thể cần thực hiện xét nghiệm này nếu bạn sống hoặc gần đây đã đi du lịch đến một khu vực phổ biến bệnh sốt xuất huyết và bạn có các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết. Các triệu chứng thường xuất hiện từ bốn đến bảy ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh chích, và có thể bao gồm:
- Sốt cao đột ngột
- Viêm tuyến
- Phát ban trên mặt
- Đau đầu dữ dội và / hoặc đau sau mắt
- Đau khớp và cơ
- Buồn nôn và ói mửa
- Mệt mỏi
3. Các chỉ số xét nghiệm máu trong sốt xuất huyết
3.1 Xét nghiệm kháng nguyên
Xét nghiệm Dengue NS1 thường được sử dụng khi bệnh nhân nghi mắc sốt xuất huyết từ ngày 1 đến ngày 3. Sau khoảng thời gian này, xét nghiệm kháng nguyên có thể không còn giá trị vì sau 3 ngày, nồng độ kháng nguyên trong máu đã giảm thấp, nên chỉ số xét nghiệm có thể âm tính mặc dù người bệnh vẫn có virus trong máu.
3.2 Xét nghiệm kháng thể IgM
Các xét nghiệm kháng thể chủ yếu được sử dụng để giúp chẩn đoán tình trạng nhiễm trùng hiện tại hoặc gần đây. Người ta phát hiện ra hai loại kháng thể khác nhau do cơ thể sản xuất để phản ứng với nhiễm trùng sốt xuất huyết là IgG và IgM. Các kháng thể IgM được tạo ra đầu tiên và các xét nghiệm này có hiệu quả nhất khi được thực hiện ít nhất 7-10 ngày sau khi tiếp xúc. Nồng độ IgM trong máu tăng lên trong vài tuần, sau đó giảm dần. Sau một vài tháng, kháng thể IgM giảm xuống dưới mức có thể phát hiện được.
3.3 Xét nghiệm kháng thể IgG
Các kháng thể IgG được sản xuất chậm hơn để đáp ứng với tình trạng nhiễm trùng. Thông thường, mức độ tăng lên khi bị nhiễm trùng cấp tính, ổn định và sau đó tồn tại lâu dài. Những người đã tiếp xúc với vi rút trước khi bị nhiễm hiện tại duy trì một mức kháng thể IgG trong máu có thể ảnh hưởng đến việc giải thích kết quả chẩn đoán. Kháng thể này xuất hiện trong cơ thể người bệnh sau giai đoạn nhiễm virus Dengue cấp tính từ 10 -14 ngày trở đi và tồn tại suốt đời. Do đó, xét nghiệm kháng thể IgG giúp kiểm tra xem người bệnh có từng nhiễm virus Dengue hay chưa, không có giá trị chẩn đoán cho bệnh nhân ở tình trạng sốt cấp tính.
3.4 Các xét nghiệm sốt xuất huyết khác
Ngoài 3 chỉ số xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể nếu trên, dựa trên tình hình của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm bổ sung sau:
- Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu: Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu giúp theo dõi tiến triển, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị, tiên lượng bệnh
- Xét nghiệm điện giải đồ: Xét nghiệm này bao gồm chỉ số các ion Na+, K+, CL-. xét nghiệm này giúp đánh giá tình trạng rối loạn điện giải của cơ thể
- Xét nghiệm Albumin: Giúp đánh giá tình trạng thoát huyết tương có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
- Xét nghiệm chức năng thận: Xét nghiệm này để theo dõi các chỉ số Ure, Creatinin, Cystatin C, Micro abumin niệu, giúp phát hiện các tổn thương thận sớm do biến chứng của sốt xuất huyết.
- Xét nghiệm CRP: Đây là xét nghiệm giúp đánh giá tình trạng viêm nhiễm, chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân gây ra sốt, đánh giá hiện tượng bội nhiễm do sốt xuất huyết
- Chỉ số CT trong xét nghiệm PCR là gì?
- COVID-19: Thử nghiệm và Phục hồi tại nhà
- Ý nghĩa xét nghiệm Thyroglobulin