Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Theo Ths. Bs Nguyễn Thị Thanh Thùy - Vinmec Central Park, bệnh thận mạn tính là tình trạng suy giảm chức năng thận từ từ và không hồi phục. Theo thống kê, 10% người Việt Nam bị mắc suy thận mạn.
Căn bệnh này có 5 giai đoạn. Đối với những người mắc bệnh thận mạn từ giai đoạn 1 - suy thận cấp độ 4 vẫn có thể điều trị nội khoa bảo tồn, song song với điều chỉnh nguyên nhân, biến chứng. Khi bệnh nhân tiến đến bệnh thận mạn giai đoạn 5 (suy thận giai đoạn cuối) thì chức năng thận bị mất hoàn toàn và cần phải có các phương pháp điều trị thay thế thận để duy trì sự sống.
Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị thay thế thận cho những bệnh nhân suy thận nặng bao gồm: Ghép thận, chạy thận nhân tạo và lọc màng bụng. Trong đó, ghép thận là phương pháp điều trị thay thế thận mang lại hiệu quả cao nhất.
Đối với phương pháp ghép thận điều trị suy thận giai đoạn cuối, người bệnh sẽ cần ghép 1 quả thận từ người cho khỏe mạnh hoặc bị chết não, chết tim...vào trong hố chậu phải hoặc trái của mình. Sau khi thận ghép đã hoạt động ổn định thì người bệnh suy thận nặng có thể trở về cuộc sống bình thường mà không cần lệ thuộc vào máy móc điều trị. Rào cản của phương pháp ghép thận hiện nay là: Nguồn cho thận khan hiếm; Chi phí ghép thận cao; Người bệnh phải uống thuốc chống thải ghép hàng ngày....
Trước những rào cản của phương pháp ghép thận thì người bệnh suy thận giai đoạn cuối có thể lựa chọn phương pháp điều trị thứ 2 là chạy thận nhân tạo. Về mặt nguyên lý, máu của người suy thận nặng sẽ được lấy ra vào hệ thống dây dẫn, đưa đến màng lọc. Tại màng lọc có khoang máu và khoang dịch lọc, máu và dịch lọc sẽ trao đổi qua màng bán thấm, dịch lọc sẽ lấy các chất dư thừa, máu được lọc sẽ đưa về cơ thể người bệnh suy thận giai đoạn cuối qua hệ thống dây dẫn. Thời gian chạy thận nhân tạo từ 3-4 tiếng, bệnh nhân cần đến bệnh viện thực hiện chạy thận nhân tạo 1 tuần từ 2 - 4 lần.
Phương pháp điều trị suy thận giai đoạn cuối thứ 3 là lọc màng bụng. Phương pháp này sử dụng màng lọc màng bụng của bệnh nhân như là các màng lọc bán thấm. Bệnh nhân sẽ được lập 1 ống thông và catheter lọc màng bụng vào trong ổ bụng của mình. Sau khoảng 2 tuần, người bệnh suy thận giai đoạn cuối sẽ được hướng dẫn lọc màng bụng để loại bỏ các chất cặn bã ra khỏi cơ thể. Phương pháp điều trị suy thận nặng này khá đơn giản và bệnh nhân có thể chuẩn bị thiết bị kỹ thuật để hằng ngày thực hiện lọc màng bụng ngay tại nhà. Người bệnh chỉ cần đến bệnh viện mỗi tháng 1 lần để thăm khám.
Dù là phương pháp điều trị suy thận giai đoạn cuối nào thì người bệnh cũng cần tuân thủ tuyệt đối các chỉ dẫn từ bác sĩ để có được hiệu quả cao nhất và tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra.
- Suy thận mãn tính ăn trứng gà, uống cỏ mực và đậu đen được không?
- Dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu
- Điều trị thận ứ nước do hẹp khúc nối bể thận niệu quản