Mục lục
Để đảm bảo sức khỏe của sản phụ trong thời kỳ hậu sản đồng thời để gia đình có đủ thời gian chăm sóc tốt cho em bé mới sinh, hầu hết phụ nữ sau sinh luôn băn khoăn làm thế nào để ngừa thai trong giai đoạn này. Vì vậy, việc trang bị kiến thức cho mình về các biện pháp tránh thai an toàn sau sinh là vô cùng cần thiết và hữu ích để bạn có thể yên tâm chăm con, hồi phục sức khỏe sau sinh cũng như duy trì hạnh phúc gia đình.
1. Sau sinh bao lâu mang thai trở lại là tốt nhất?
Trong khoảng hai năm sau khi sinh, đặc biệt là sinh mổ, phụ nữ không nên mang thai trở lại, vì lúc này là giai đoạn hồi phục của cơ tử cung để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con.
Trong quá trình mang thai, estrogen và progesterone luôn duy trì ở nồng độ cao hơn bình thường để nuôi dưỡng niêm mạc tử cung, đảm bảo môi trường lý tưởng cho thai phát triển lớn lên. Từ đó sẽ dẫn đến ức chế quá trình rụng trứng, kinh nguyệt không xuất hiện trong giai đoạn này và khi quan hệ tình dục sẽ không mang thai.
Sau sinh, các hormone trong cơ thể mẹ sẽ dần dần trở về bình thường, tùy cơ địa từng thai phụ cộng với điều kiện chăm sóc và cho con bú mà chu kỳ kinh trở lại sẽ khác nhau. Sự xuất hiện của kinh nguyệt cho thấy chu kỳ rụng trứng đã trở lại và có thể có thai. Nếu không muốn có thai ngay, thì lúc quan hệ tình dục bạn nên thực hiện một số biện pháp an toàn khi bắt đầu có kinh nguyệt trở lại.
2. Những nguyên tắc tránh thai
Cần hiểu biết độ tin cậy và hiệu quả của các phương pháp tránh thai để lựa chọn đúng, đồng thời cần nắm rõ phương thức hoạt động để không làm sai dẫn đến kết quả ngoài ý muốn.
Không có phương pháp nào tránh thai hiệu quả 100% và có thể có phương pháp này hiệu quả hơn phương pháp khác tùy thuộc vào từng cơ địa khác nhau.
3. Các biện pháp ngừa thai an toàn cho phụ nữ sau sinh
3.1 Cho con bú vô kinh
Cho bú vô kinh là người mẹ cho con bú làm gia tăng nồng độ prolactin. Khi prolactin tăng trong máu sẽ ngăn cản sự rụng trứng và làm ngăn ngừa mang thai. Phụ nữ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ và bú liên tục thường không rụng trứng trong ít nhất 6 tháng sau khi sinh con và nếu tiếp tục cho con bú trong 12 tháng sau sinh, có thể tránh thai trong thời gian này.
Tuy nhiên những điểm cần lưu ý của phương pháp này đó là :
- Tỉ lệ có thai khi dùng phương pháp này vẫn còn rất cao, là phương pháp tạm thời trước khi áp dụng các biện pháp tránh thai an toàn và hiệu quả hơn.
- Chỉ có tác dụng cao nhất trong 6 tháng đầu sau sinh và đảm bảo cho trẻ bú mẹ hoàn toàn
- Cho bé bú mẹ dù mẹ hoặc bé đang bị ốm.
3.2. Sử dụng bao cao su
Sử dụng bao cao su là phương pháp tránh thai có hiệu quả cao, đạt tới 85% - 97% nếu áp dụng đúng. Bên cạnh bao cao su là một biện pháp phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bao cao su nên được sử dụng bất cứ khi nào bạn có quan hệ tình dục.
Những điểm cần lưu ý:
- Kiểm tra kỹ bao cao su trước khi dùng về sự nguyên vẹn, hạn sử dụng in trên bao bì.
- Dùng bao cao su mới, còn nguyên vẹn cho mỗi lần quan hệ tình dục.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để đạt được hiệu quả cao nhất.
3.3. Sử dụng thuốc tránh thai dạng uống
Sử dụng thuốc tránh thai dạng uống là một trong những phương pháp ngừa thai nội tiết tố, có tác dụng tạm thời, hiệu quả tránh thai cao nếu áp dụng đúng.
Thời điểm sử dụng thuốc sau sinh: Ngay sau khi có sữa hoặc bất cứ thời điểm nào nhưng phải chắc chắn rằng bản thân không mang thai.
Những điểm cần lưu ý:
- Uống theo hướng dẫn của bác sĩ, mỗi ngày một viên theo chiều mũi tên trên vỉ thuốc, dùng vỉ kế tiếp ngay sau khi hết vỉ trước, không có thời gian ngưng dùng thuốc.
- Nếu quên uống thuốc thì lúc nhớ ra cần uống ngay 1 viên và tiếp tục uống liều tiếp theo mỗi ngày như thường lệ và sử dụng thêm biện pháp tránh thai hỗ trợ như bao cao su trong 2 ngày tiếp theo.
- Phương pháp tránh thai này không phòng tránh được các bệnh lây qua đường tình dục.
- Một số tác dụng phụ khi uống thuốc như không có kinh, lượng máu kinh ít hoặc kéo dài ngày hành kinh. Ngoài ra có thể có các triệu chứng như nhức đầu, căng tức ngực, đau bụng dưới...
3.4. Thuốc tránh thai dạng tiêm DMPA
Biện pháp tránh thai bằng tiêm thuốc thì thuốc được đưa vào cơ thể và giải phóng hormone progestin và làm ức chế quá trình rụng trứng, không có trứng rụng đồng nghĩa với không có thai, bên cạnh đó làm giảm sự tiết chất nhầy ở cổ tử cung người nữ, tạo môi trường không thuận lợi nên tinh trùng không thể đến được vòi tử cung và tiến hành quá trình thụ thai.
Đây phương pháp tránh thai tạm thời tuy nhiên hiệu quả đem lại khá cao và hiện nay đang được ưu tiên sử dụng.
Thời điểm sử dụng phương pháp này:
- Tuần thứ 6 sau khi sinh nếu đang cho con bú bằng sữa mẹ.
- Nếu đã qua giai đoạn cho con bú, có thể tiêm vào bất cứ thời điểm nào, tuy nhiên cần đảm bảo rằng lúc đó bạn không có thai
Lưu ý khi dùng thuốc tránh thai dạng tiêm:
- Tiêm đúng theo lịch hẹn của nhân viên y tế.
- Thuốc tiêm tránh thai không phòng tránh được các bệnh lây qua đường tình dục.
- Sau khi tiêm thuốc sẽ xảy ra một vài rối loạn kinh nguyệt. Nhưng nếu chảy máu âm đạo thường xuyên và liên tục thì cần đi khám ngay.
3.5. Đặt vòng tránh thai:
Vòng tránh thai hay còn gọi là dụng cụ tử cung, tên tiếng anh là IUD - Intrauterine Device là một dụng cụ hình chữ T, đây là biện pháp tránh thai xâm nhập do được đưa vào buồng tử cung của bạn để tránh thai. Cơ chế chủ yếu là ngăn cản không cho tinh trùng gặp trứng để tạo thành phôi thai.
Hiệu quả tránh thai của vòng tránh thai là rất cao, theo nhiều nghiên cứu, hiệu quả hơn 99%
Thời điểm đặt vòng:
- Tùy thuộc vào sức khỏe của bạn tại thời điểm đó, nên khám và bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn một thời điểm thích hợp nhất.
- Đối với phụ nữ sau sinh sau 4 tuần thì có thể đặt vòng khi sức khỏe đã ổn định và không có viêm nhiễm hậu sản.
Những điểm cần lưu ý sau đặt vòng:
- Hiệu quả tránh thai dao động từ 5- 10 năm (tùy theo loại vòng tránh thai và thuốc có ở vòng). Bạn sẽ được tư vấn nhiều loại vòng khác nhau và tùy theo nhu cầu của bạn để quyết định loại vòng phù hợp nhất với mình.
- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn.
- Có thể gây ra một số rối loạn kinh nguyệt sau đặt vòng nhưng không đáng kể và không ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn
- Nhược điểm của phương pháp này là không phòng tránh được các bệnh lây qua đường tình dục.
3.6. Que tránh thai
Que cấy ngừa thai là một thanh nhựa, bên trong chứa sẵn nội tiết tố và cách sử dụng là cấy dưới vùng da cánh tay. Nội tiết tố này khi vào cơ thể có tác dụng ức chế rụng trứng, làm nội mạc tử cung mỏng hơn và dịch nhầy cổ tử cung đặc lại, ngăn chặn sự xâm nhập của tinh trùng và sự làm tổ của trứng đã thụ tinh
Thời điểm cấy que: Tùy thuộc vào sức khỏe của bạn tại thời điểm đó, khám và bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn một thời điểm thích hợp nhất.
Những điểm cần lưu ý sau cấy que:
- Một số tác dụng tại chỗ khi cấy que: xuất huyết, dị ứng, que cấy dịch chuyển, nhiễm trùng chỗ cấy...
- Đây là một biện pháp tránh thai tạm thời, khi rút que hoặc hết thời hạn sử dụng mà không có biện pháp tránh thai nào khác thì bạn hoàn toàn có thai trở lại.
- Một số thay đổi thường trong những tháng đầu sau cấy: Nhức đầu, nổi mụn, tăng cân, căng vú, thay đổi tính khí. Thay đổi kinh nguyệt: đa phần các bạn sẽ hành kinh ít ngày hơn và có khi là không có kinh
3.7. Triệt sản nữ
Triệt sản là biện pháp tránh ngừa thai vĩnh viễn và không hồi phục, hiệu quả rất cao trên 99%. Cơ chế triệt sản nữ là làm cho các ống dẫn trứng bị tắc hoặc bịt kín để ngăn trứng gặp tinh trùng và thụ tinh.
Thời điểm triệt sản sau sinh: Sau khi sinh xong và không có nhu cầu có thai nửa bạn có thể đề nghị bác sĩ thực hiện triệt sản trong vòng 7 ngày đầu sau sinh hoặc muộn hơn đến 6 tuần sau sinh. Hiện nay một phương pháp triệt sản đang được dùng phổ biến là kết hợp triệt sản khi phẫu thuật lấy thai để giảm bớt số lần thực hiện thủ thuận trên sản phụ.
Những điểm cần lưu ý:
- Đảm bảo rằng bạn đã sinh đủ con và không có nhu cầu mang thai trở lại
- Triệt sản không phòng tránh được các bệnh lây qua đường tình dục
- Sau triệt sản bạn vẫn có kinh nguyệt bình thường và không ảnh hướng đến khả năng quan hệ tình dục.
- Tránh thai bằng thuốc uống và thuốc tiêm: Những điều cần biết
- Người bị viêm gan B có tiêm được thuốc tránh thai không?
- Đã thắt ống dẫn trứng có sinh được thêm con không?