Mục lục
- 1. 1. Nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu nướu răng
- 2. 2. Các biện pháp khắc phục tại nhà khi chảy máu nướu răng
- 2.1. 2.1. Dùng gạc để cầm máu
- 2.2. 2.2. Chườm lạnh
- 2.3. 2.3. Dùng nước súc miệng
- 2.4. 2.4. Súc miệng bằng nước muối
- 2.5. 2.5. Thực hành vệ sinh răng miệng tốt
- 2.6. 2.6. Sử dụng bàn chải đánh răng phù hợp
- 2.7. 2.7. Ngừng hút thuốc
- 2.8. 2.8. Giảm mức độ căng thẳng
- 2.9. 2.9. Tăng lượng vitamin C cho cơ thể
- 2.10. 2.10. Tăng lượng vitamin K
- 2.11. 2.11. Hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột và carbs
- 2.12. 2.12. Uống trà xanh
- 3. 3. Khi nào cần gặp bác sĩ?
- 4. Đánh giá
Nhiều người gặp phải tình trạng chảy máu nướu răng trong quá trình đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, nhưng mọi người thường bỏ qua và không để ý đến vì nghĩ đó chỉ là một hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, chảy máu nướu răng nhiều lần có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp các vấn đề về răng miệng. Vệ sinh răng miệng tốt và các biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây có thể giúp điều trị và ngăn ngừa chảy máu nướu.
1. Nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu nướu răng
Chảy máu nướu răng là tình trạng khá phổ biến và thường không nghiêm trọng. Bạn có thể nhận thấy một ít máu sau khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa, do việc làm sạch răng này có thể gây kích ứng nướu nhạy cảm.
Các yếu tố như đánh răng quá mạnh, chấn thương, mang thai và viêm nướu có thể góp phần gây ra chảy máu nướu răng. Viêm nướu có thể gây đỏ, sưng đau nướu và nó có thể là dấu hiệu của bệnh nha chu. Các bệnh lý như vậy có thể xảy ra do bạn không loại bỏ mảng bám trên răng đúng cách.
Xác định được nguyên nhân gây chảy máu nướu răng là yếu tố quan trọng để xác định phương pháp điều trị phù hợp nhất. Sau khi biết nguyên nhân, bạn có thể chọn một trong những cách bên dưới để có thể cầm máu.
2. Các biện pháp khắc phục tại nhà khi chảy máu nướu răng
2.1. Dùng gạc để cầm máu
Cũng tương tự như khi bạn bị chảy máu ở bất kỳ nơi nào khác trên cơ thể, bạn có thể cầm máu bằng cách ngay lập tức cầm một miếng gạc sạch và ẩm lên vùng bị chảy máu. Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc một tình trạng bệnh lý khác có thể thấy nướu của họ mất nhiều thời gian để cầm máu.
2.2. Chườm lạnh
Chảy máu nướu răng không phải lúc nào cũng do bệnh nướu răng gây ra, mà có thể do chấn thương răng miệng hoặc chấn thương mô nướu. Dùng miếng gạc lạnh áp vào đường viền nướu có thể làm giảm sưng và hạn chế máu chảy. Chườm đá cũng có tác dụng làm dịu vết thương nhẹ ở miệng gây sưng tấy, chẳng hạn như vết cắt và vết xước. Đá lạnh cũng có thể giúp giảm đau và sưng tấy do viêm lợi.
2.3. Dùng nước súc miệng
Nước súc miệng kháng khuẩn vừa có tác dụng điều trị vừa ngăn ngừa chảy máu nướu răng. Chúng giúp tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm, có thể điều trị và ngăn ngừa viêm nướu - một nguyên nhân phổ biến gây chảy máu nướu. Các thành phần hoạt tính phổ biến trong nước súc miệng bao gồm: chlorohexidine hoặc hydrogen peroxide.
2.4. Súc miệng bằng nước muối
Thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm giúp làm giảm vi khuẩn và cầm máu nướu. Bạn có thể pha nửa thìa cà phê muối vào một cốc nước ấm và súc miệng trong vài giây từ ba đến bốn lần một ngày. Nếu bạn bị chảy máu nướu răng do chấn thương, súc miệng bằng nước muối ấm cũng giúp miệng của bạn sạch sẽ và loại bỏ vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng.
2.5. Thực hành vệ sinh răng miệng tốt
Chảy máu nướu răng là dấu hiệu của việc thực hành vệ sinh răng miệng chưa tốt. Viêm nướu và chảy máu có thể xảy ra khi có mảng bám tích tụ dọc theo đường viền nướu. Nếu bạn không chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa đúng cách, vi khuẩn có thể lây lan và gây sâu răng hoặc bệnh nướu răng.
Để cải thiện tình trạng vệ sinh răng miệng, hãy đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa mỗi ngày một lần. Giữ vệ sinh răng miệng tốt cũng rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Vì sự thay đổi của nồng độ hormone trong thai kỳ cũng có thể gây ra bệnh nướu răng và chảy máu nướu răng.
2.6. Sử dụng bàn chải đánh răng phù hợp
Nếu một người có nướu răng nhạy cảm, họ có thể chọn bàn chải đánh răng được dán nhãn là siêu mềm hoặc dành cho răng nhạy cảm. Theo khuyến cáo, mọi người nên sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm đánh trong 2 phút, thực hiện đánh 2 lần một ngày. Các chuyên gia cho rằng, cả bàn chải đánh răng bằng tay và bàn chải răng điện đều hiệu quả. Lưu ý, thay bàn chải đánh răng 3 tháng một lần, hoặc sớm hơn nếu lông bàn chải bị sờn.
2.7. Ngừng hút thuốc
Bên cạnh việc làm tăng nguy cơ ung thư phổi, bệnh tim và đột quỵ, hút thuốc có liên quan đến bệnh nướu răng. Thuốc lá có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể, làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn mảng bám. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về phương pháp tốt nhất để giúp bạn bỏ thuốc lá.
2.8. Giảm mức độ căng thẳng
Nhiều nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa bệnh nha chu và stress. Theo các nhà nghiên cứu, căng thẳng có tác động tiêu cực đến hệ thống miễn dịch, làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại nhiễm trùng nướu. Bên cạnh đó, người ta tin rằng căng thẳng cũng có thể khiến một số người bỏ bê sức khỏe răng miệng của họ, điều này có thể góp phần tích tụ mảng bám.
2.9. Tăng lượng vitamin C cho cơ thể
Bổ sung vitamin C giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể và giúp chống lại nhiễm trùng nướu gây chảy máu nướu răng. Ngược lại, thiếu vitamin C có thể làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu nếu bạn bị bệnh nướu răng. Trên thực tế, sự thiếu hụt vitamin C cũng có thể dẫn đến chảy máu nướu răng ngay cả khi bạn thực hiện các thói quen vệ sinh răng miệng tốt. Thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: cam, khoai lang, ớt đỏ, cà rốt.
2.10. Tăng lượng vitamin K
Bổ sung đủ Vitamin K trong chế độ ăn cũng có thể làm giảm tình trạng chảy máu nướu răng. Vitamin K là một chất quan trọng vì nó có tác dụng giúp đông máu. Sự thiếu hụt vitamin K có thể gây chảy máu dễ dàng và một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nó có thể dẫn đến chảy máu nướu. Thực phẩm giàu vitamin K bao gồm: rau bina, cải xoăn, mù tạt,...
2.11. Hạn chế thực phẩm nhiều đường, tinh bột và carbs
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng giảm lượng carbohydrate của bạn cũng có thể cải thiện sức khỏe nướu răng và ngăn ngừa bệnh nướu răng. Carbohydrate và thực phẩm có đường làm tăng mảng bám và sự phát triển của vi khuẩn. Càng nhiều mảng bám tích tụ trên nướu răng, bạn càng dễ có nguy cơ chảy máu nướu. Mặc dù, đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên có thể làm giảm sự tích tụ này, nhưng cắt giảm lượng carbs cũng giúp ngăn ngừa sự hình thành mảng bám.
Ăn thực phẩm chế biến nhiều tinh bột quá thường xuyên có thể gây viêm nướu và chảy máu nướu. Thực phẩm giàu tinh bột có thể dính vào nướu răng và phân hủy thành đường. Điều này có thể dẫn đến viêm nướu, chảy máu và gia tăng sâu răng. Thực phẩm chế biến sẵn, giàu tinh bột bao gồm bánh mì tinh luyện, bánh ngọt, bánh quy và khoai tây chiên.
2.12. Uống trà xanh
Uống trà xanh hàng ngày được chứng minh có thể đẩy lùi bệnh nha chu và giúp cầm máu. Thành phần catechin trong trà xanh là một chất chống oxy hóa tự nhiên có thể làm giảm phản ứng viêm của cơ thể đối với vi khuẩn trong miệng.
3. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đi khám nha sĩ nếu tình trạng chảy máu nướu không cải thiện trong vòng 7 đến 10 ngày. Bạn có thể cần thăm khám nha khoa để loại bỏ mảng bám, cao răng và thúc đẩy quá trình chữa lành nướu. Sự thiếu hụt vitamin như vitamin C, K, thai kỳ và một số bệnh lý nhất định cũng có thể góp phần gây chảy máu nướu răng. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn làm xét nghiệm để kiểm tra bất kỳ sự thiếu hụt vitamin nào có thể gây chảy máu nướu.
Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com, webmd.com
- Chảy máu nướu răng: Những điều cần biết
- Thêm lý do tại sao bạn nên dùng chỉ nha khoa
- Cốt toái bổ có tác dụng gì đối với sức khỏe