Mục lục
Những khối u tủy sống có thể phát triển bên trong hoặc bên ngoài nhu mô tủy sống, phá hủy trực tiếp mô. Khối u thường chèn ép vào rễ thần kinh hoặc tủy. Các triệu chứng đặc trưng của u tủy bao gồm đau lưng, đau lan dọc theo tủy sống và triệu chứng thần kinh liên quan tới tủy sống hoặc rễ tủy sống. Bệnh nếu không được điều trị thậm chí có thể liệt do u tủy sống.
1. Các bệnh u tủy sống
Bệnh u tủy sống thường gặp được chia thành 2 dạng bao gồm:
U nội tủy: phổ biến nhất là u tế bào thần kinh đệm ví dụ như u tế bào hình sao hay u màng ống nội tủy. Các khối u nội tủy thường xâm nhập và phá hủy nhu mô tủy sống. Chúng có thể kéo dài trên nhiều đoạn tủy sống khác nhau hoặc gây ra rỗng tủy.
U ngoại tủy: Những khối u này có thể nằm trong màng cứng hoặc ngoài màng cứng. Đa số các khối u ngoại tủy bên trong màng cứng đều lành tính và thường là các u màng tủy và u sợi thần kinh, đây là những khối u nguyên phát của tủy sống phổ biến nhất. Hầu hết các khối u ngoại tủy ngoài màng cứng là di căn, thường là từ các ung thư biểu mô của vú, phổi, tuyến tiền liệt, tuyến giáp, thận hoặc lymphoma (ví dụ như ung thư biểu mô lympho, u lympho Hodgkin, sarcoma tế bào võng mạc).
Những khối u bên trong màng cứng và bên ngoài màng cứng gây ra các tổn thương thần kinh bằng cách chèn ép tủy sống hoặc rễ thần kinh. Đa phần các khối u ngoài màng cứng xâm nhập và phá hủy xương trước khi chèn ép tủy sống.
2. Triệu chứng và dấu hiệu u tủy
Đau là triệu chứng đầu tiên trong bệnh u tủy, đặc biệt đối với những khối u ngoài màng cứng. Cơn đau tăng dần và không liên quan đến hoạt động, nặng lên tùy theo tư thế. Đau có thể xảy ra ở nhiều vị trí đặc biệt là lưng và lan dọc theo sự chi phối cảm giác ở phần da.
Thông thường, triệu chứng thần kinh liên quan tới tủy sống cuối cùng phát triển. Những ví dụ phổ biến đó là co cứng, mất tự chủ, yếu cơ và rối loạn một vài hoặc tất cả cảm giác tại vùng tủy tương ứng và phía dưới nó. Triệu chứng thường có ở cả hai bên.
Nhiều trường hợp người bệnh có khối u ngoài tủy có triệu chứng đau, nhưng số ít trường hợp lại biểu hiện rối loạn cảm giác ở phần xa của chi. Triệu chứng thần kinh kiểu khoanh đoạn hay triệu chứng ép tủy hoặc phối hợp cả hai dạng triệu chứng. Những triệu chứng của ép tủy có thể tiến triển rất nhanh và thậm chí gây liệt cả hai chân và đại tiểu tiện không tự chủ. Những triệu chứng chèn ép rễ thần kinh cũng phổ biến bao gồm đau và dị cảm theo đó là mất cảm giác và yếu cơ, teo cơ nếu có chèn ép mạn tính, xuất hiện dọc theo sự chi phối của rễ bị ảnh hưởng.
3. Chẩn đoán bệnh u tủy
Người bệnh bị tổn thương thần kinh kiểu khoanh đoạn hoặc nghi ngờ chèn ép tủy cần chẩn đoán và điều trị cấp cứu. Trong đó một số dấu hiệu lâm sàng gợi ý u tủy sống bao gồm:
- Cơn đau tăng dần, đau không giải thích được hoặc xuất hiện về đêm, đau kiểu rễ.
- Thiếu sót thần kinh theo khoanh đoạn.
- Thiếu sót thần kinh không rõ nguyên nhân có liên quan tới tủy sống hoặc rễ thần kinh.
- Đau lưng không rõ nguyên nhân ở bệnh nhân có khối u nguyên phát ở những vị trí như vú, phổi, thận, tuyến tiền liệt hoặc tuyến giáp hay có y lympho.
Chẩn đoán u tủy sống bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ vùng tủy sống bị ảnh hưởng. Ngoài ra, cắt lớp vi tính cùng với chụp tủy cản quang là hai trong nhiều phương pháp được thay thế nhưng ít chính xác hơn.
Nếu như trên phim cộng hưởng từ không thấy khối u tủy sống, bác sĩ có thể sẽ xem xét những bất thường chỗ khác của tủy sống ví dụ như dị dạng động tĩnh mạch, áp xe,... và khối các khối u cạnh sống.
Chụp X-quang cột sống cũng được ứng dụng bởi những lý do khác và có thể cho thấy được sự phá hủy xương, mở rộng cuống sống hoặc biến dạng những mô cạnh sống, đặc biệt là nếu có khối u di căn.
4. Điều trị u tủy sống
Bệnh u tủy có thể được điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc phẫu thuật cắt bỏ u, xạ trị hoặc cả hai. Đối với những bệnh nhân có triệu chứng thần kinh thì cần dùng ngay corticosteroid để giảm phù tủy và bảo tồn chức năng. Các khối u chèn ép tủy sống cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Một số khối u tủy sống nguyên phát có ranh giới khu trú rõ có thể được phẫu thuật cắt bỏ. Những thiếu sót thần kinh hồi phục ở khoảng một nửa số bệnh nhân. Nếu khối u không thể được cắt bỏ bằng phẫu thuật, xạ trị được sử dụng, có hoặc không có phẫu thuật giải ép. Khối u di căn ngoài màng cứng có chèn ép thường được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khỏi thân đốt sống, sau đó được điều trị bằng xạ trị. Khối u di căn ngoài màng cứng không chèn ép có thể điều trị bằng phương pháp xạ trị đơn độc nhưng có thể cần cắt bỏ nếu xạ trị không hiệu quả.
Tóm lại, bệnh u tủy thường gặp được chia làm 2 loại là u nội tủy và u ngoại tủy. Các khối u tủy sống có thể phát triển trong hoặc ngoài nhu mô tủy sống, chúng phá hủy trực tiếp mô và thường gây chèn ép tủy sống hoặc rễ dây thần kinh. Biến chứng có thể liệt do u tủy sống. Do vậy, khi người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị, khi có xuất hiện những triệu chứng bất thường cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám.
- Trường hợp nào cần chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não?
- Mang thai chụp X-quang ngực có ảnh hưởng tới thai nhi không?
- Phụ nữ mang thai tiếp xúc bệnh nhân chụp SPECT tim ảnh hưởng gì không?