Mục lục
Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Duy Thái - Bác sĩ Sản phụ khoa - Trung tâm Sức khỏe phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Khi đến tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh thì sự suy giảm nội tiết tố ở chị em phụ nữ diễn ra mạnh mẽ. Quá trình này không chỉ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý phụ khoa mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống, đời sống tình dục. Vậy những bệnh phụ khoa nào thường gặp nhất ở trong giai đoạn này?
1. Các bệnh phụ khoa thường gặp ở tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh
Việc suy giảm nội tiết tố nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý sau đây:
- Viêm sinh dục : Viêm đường tiết niệu tái phát nhiều lần.
- Sa sinh dục, sa bàng quang, trực tràng: sa thành âm đạo, cổ tử cung, bàng quang, trực tràng ở các mức độ khác nhau. Chị em có thể thấy tức nặng vùng âm hộ hoặc sờ thấy khối sa ra ngoài âm hộ.
- Khối u: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung. Các dấu hiệu thường là rối loạn kinh nguyệt, lượng kinh nhiều hơn, kéo dài hơn, ra dịch nhầy, khó chịu một bên hố chậu, đau bụng liên quan đến kỳ kinh.
- U xơ, u nang vú: Thấy đau nhói, sờ thấy nhân ở vú.
- Tổn thương ác tính: ung thư cổ tử cung, niêm mạc tử cung, buồng trứng, ung thư vú ...
Ngoài các bệnh phụ khoa, một số những bệnh lý khác cũng có thể gặp trong giai đoạn này như sau:
- Loãng xương, thoái hóa khớp: đau mỏi trong xương, khớp, cử động khớp khó khăn, có tiếng lục cục ...
- Rối loạn chuyển hóa: tiểu đường, tăng mỡ máu.
- Cao huyết áp, bệnh tim mạch.
- Suy giáp hoặc cường giáp.
- Khối u các cơ quan (tuyến giáp, dạ dày, đại tràng ...)
Do nguy cơ mắc bệnh cao nên trong giai đoạn này, chị em phụ nữ nên đi khám tầm soát bệnh hàng năm. Các bác sĩ phụ khoa sẽ tiến hành thăm khám toàn diện, làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung, xét nghiệm khí hư âm đạo, siêu âm phụ khoa, thăm dò các tổn thương sàn chậu nếu cần. Về sàng lọc bệnh vú, chị em phụ nữ cũng sẽ được khám, phân loại nguy cơ ( theo yếu tố cá nhân và gia đình), chỉ định làm các thăm dò cận lâm sàng thích hợp, siêu âm đơn thuần, siêu âm + chụp vú 3D, siêu âm + chụp vú 3D + chụp cộng hưởng từ + phân tích đột biến gen nếu cần).
2. Điều trị bệnh lý tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh như thế nào?
Do tính chất đặc biệt của các rối loạn chức năng và bệnh lý thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh nên việc điều trị nhất thiết phải theo nguyên tắc tổng thể, phối hợp đa chuyên ngành: Phụ khoa Mãn kinh, Nội tiết, Tim mạch, Tiết niệu, Tiêu hóa, Tâm lý liệu pháp, Phục hồi chức năng, Dinh dưỡng, Phẫu thuật...
Thông thường bác sĩ phụ khoa chuyên về Mãn kinh sẽ là người chịu trách nhiệm chính, đồng hành với chị em trong suốt quá trình theo dõi và điều trị. Mỗi người bệnh sẽ có dấu hiệu và thể trạng khác nhau, vì thế người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ kết hợp với việc vận động, duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nếu trong quá trình này nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào, bạn có thể trực tiếp hỏi và nhờ tham vấn chuyên môn của bác sĩ.
- 25 hình ảnh trực quan về ung thư vú
- Siêu âm đầu dò âm đạo
- Ung thư vú phổ biến ở nam giới như thế nào?